Từ vụ tai nạn lao động 6 người chết ở Đồng Nai, sửa chữa nồi hơi được quy định ra sao?
Theo thông tin trên báo chí, trước khi vụ tai nạn lao động nổ nồi hơi làm 6 người chết xảy ra ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), công ty đã phát hiện trục trặc và báo đơn vị cung cấp đến sửa chữa. Vậy việc sửa chữa thiết bị này được quy định như thế nào.
Đoàn công tác của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động khảo sát tại hiện trường vụ nổ nồi hơi xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Gỗ Bình Minh (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: H.A.C
Ông Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết:
Khoản 4.2 Điều 4 QCVN: 01- 2008/BLĐTBXH có quy định về sửa chữa nồi hơi, bình chịu áp lực như sau:
– Người sở hữu nồi hơi, bình chịu áp lực phải căn cứ vào tình trạng sử dụng an toàn của các thiết bị theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hoặc của người chế tạo để xây dựng kế hoạch kiểm tra, sửa chữa thiết bị nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng.
– Người tiến hành công việc sửa chữa phải lập phương án, quy trình sửa chữa và các biện pháp an toàn kèm theo.
– Khi sửa chữa các bộ phận chịu áp lực phải được tiến hành theo quy trình sửa chữa đã được lập cùng với các biện pháp an toàn.
– Đối với các bình chịu áp lực bình làm việc với các môi chất độc phải tiến hành thu hồi, khử độc theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn. Nghiêm cấm xả môi chất độc ra môi trường. Các bình làm việc với các môi chất có thể gây cháy nổ phải tiến hành làm sạch, đuổi khí theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn và phải kiểm tra đạt nồng độ an toàn trước khi sửa chữa.
– Khi sửa chữa chỉ được thay thế vật liệu, chi tiết chịu áp lực bằng vật liệu, chi tiết có tính chất và chất lượng tương đương.
– Khi sửa chữa các bộ phận bên trong của nồi hơi, bình chịu áp lực phải tuân thủ các quy định về an toàn điện hạ áp; đèn điện dùng để chiếu sáng có điện áp không quá 12V.
Cấm dùng đèn dầu hoả và các đèn khác có chất dễ bốc cháy.
– Mọi công việc lắp đặt, sửa chữa có liên quan đến hàn các chi tiết chịu áp lực phải do thợ hàn có giấy chứng nhận hàn áp lực (được quy định tại Điều 8.3 của QCVN: 01- 2008/BLĐTBXH) thực hiện. Số lượng mối hàn, phương pháp và mức độ kiểm tra thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hiện hành.
– Khi hoàn thành việc sửa chữa, người sửa chữa nồi hơi, bình chịu áp lực phải ghi rõ ngày tháng năm sửa chữa, lý do và kết quả sửa chữa vào lý lịch của thiết bị.