Để hầm lò là nơi “tuyệt đối an toàn” với người lao động
Trong các ngành nghề hiện nay, dù đã được hỗ trợ bằng cơ giới, máy móc hiện đại nhưng tỉ lệ tai nạn lao động trong ngành than vẫn cao.
Hồi cuối năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đưa ra con số: Tính đến ngày cuối năm, đã có 11 vụ tai nạn làm 15 công nhân của ngành than thiệt mạng. Con số này giảm với năm 2022 khi toàn ngành xảy ra 16 vụ tai nạn lao động, 17 người đã thiệt mạng.
Điển hình là vụ tai nạn vào tháng 8.2023, 4 công nhân bị vùi lấp khi hầm lò sập tại Công ty cổ phần Than Vàng Danh ở TP Uông Bí. Tháng 12.2023, vụ lở tầng khai thác ở mỏ than Cọc Sáu khiến hai người tử vong, 6 người bị thương…
Mới nhất là sự cố cháy khí mê-tan vào lúc 0h20 ngày 3.4.2024, tại Công ty Than Thống Nhất, thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam tại TP Cẩm Phả, Quảng Ninh, khiến 4 thợ lò tử vong và 7 thợ lò khác bị thương.
Nghề thợ mỏ luôn là nghề nguy hiểm. Trong cuốn sách “Bể than Đông Bắc” – một cuốn tiểu thuyết được coi là biên niên sử của vùng than Đông Bắc – đoạt giải Ba cuộc thi sáng tác về đề tài công nhân công đoàn, tác giả Đặng Huỳnh Thái đã mô tả sự khắc nghiệt của nghề này bằng câu nói quen thuộc của người thợ mỏ: “Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”.
Khẩu hiệu an toàn trong lao động luôn được ngành than, người lao động đề cập ở mức cao nhất, đặc biệt đối với các mỏ khai thác hầm lò, luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn lao động bất ngờ. Trong khai thác than hầm lò, sự cố bục túi nước hay các loại khí độc luôn là những mối đe dọa trực tiếp tới công nhân khai thác than.
Sau vụ việc cháy khí mê-tan rạng sáng 3.4, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo khẩn yêu cầu làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, khẩn trương điều tra vụ tai nạn. Công điện của Thủ tướng nhấn mạnh: “Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tương tự. Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo TKV rà soát kỹ các quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, vận hành hầm lò, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động”.
Sự thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời, chu đáo của tổ chức Công đoàn, của tỉnh Quảng Ninh và các ban, ngành đối với công nhân bị thương và gia đình công nhân mỏ tử nạn cũng nói lên được mức độ quan tâm sau vụ tai nạn.
Tính mạng con người là đáng quý nhất, vụ tai nạn tại mỏ than thuộc Công ty Than Thống Nhất một lần nữa đặt ra yêu cầu về đảm bảo an toàn lao động, đặc biệt là trong sản xuất khai thác than tại hầm lò. Trong đó tuyên truyền ý thức, đầu tư trang thiết bị bảo hộ, hệ thống máy móc cảnh báo… là điều bắt buộc phải làm để người lao động phải được làm việc ở nơi “tuyệt đối an toàn” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: laodong.vn