Ứng dụng mô hình PCPF-1@SWAT mô phỏng quá trình phân hủy và lan truyền thuốc trừ cỏ lưu vực sông Vũ Gia-Thu Bồn

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:25(GMT +7)

Tóm tắt:
Mục tiêu của nghiên cứu này là sử dụng mô hình PCPF-1@SWAT để mô phỏng quá trình phân hủy và lan truyền của hoạt chất trừ cỏ cho lúa có tên là Mefenacet (MF) ở lưu vực sông Vũ Gia-Thu Bồn để từ đó thấy được mức độ ô nhiễm của nguồn nước trong thời gian gieo trồng vụ xuân (Đông xuân). Trên cơ sở đó, phân tích tiềm năng áp dụng mô hình này vào điều kiện thực tế của Việt Nam.

1. Mở đầu
Hệ thống Vũ Gia-Thu Bồn là một thống sông lớn vùng duyên hải Miền Trung. Sông bắt nguồn từ địa bàn tỉnh Kon Tum chảy qua tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng đổ ra biển Đông. Diện tích toàn bộ lưu vực sông Vũ Gia-Thu Bồn tính từ thượng nguồn đến cửa sông là 10.350 km2, tổng lượng nước bình quân hàng năm khoảng 20,22 tỷ m3[1]. Các sông trong lưu vực cung cấp một lượng nước lớn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cung cấp nguồn nước tưới cho lúa. Việc canh tác lúa, ngoài yêu cầu lượng nước tưới nghiêm ngặt còn đòi hỏi phải diệt trừ các loài cỏ dại để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất, sản lượng cao. Trong lưu vực có diện tích gieo trồng lúa lớn, nên dẫn đến một lượng lớn thuốc trừ cỏ đã được sử dụng. Sau khi phun hoặc rải, thuốc trừ cỏ được phân tán trong đất, trong tầng lá hoặc lan truyền từ ruộng lúa ra ngoài môi trường sông suối bằng nhiều con đường khác nhau như tháo nước khỏi ruộng lúa, thấm ngang qua bờ ruộng, thấm đứng vào tầng nước ngầm nông sâu. 
Trong hầu hết các nghiên cứu trước đây, thuốc trừ cỏ thất thoát từ ruộng lúa lên tới 50% lượng áp dụng phụ thuộc vào biện pháp quản lý nước. Vì vậy, việc sử dụng thuốc trừ cỏ trong nông nghiệp bên cạnh tiêu diệt các loài cỏ dại có hại, bảo vệ cây trồng nhưng nếu dùng quá liều lượng có ảnh hưởng rất lớn tới sinh vật thủy sinh khác như tôm, cua, cá cũng như làm giảm chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm. Trước thực trạng đó, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng mô hình PCPF-1@SWAT trong việc tính toán lan truyền thuốc trừ cỏ từ ruộng lúa ra ngoài hệ thống sông nhằm đánh giá hiện trạng chất lượng nước trong lưu vực sông Vũ Gia-Thu Bồn, đồng thời mở ra hướng nghiên cứu ứng dụng mới để đánh giá chất lượng nước ở các lưu vực sông tại Việt Nam.
2. Phương pháp nghiên cứu và tiến trình mô phỏng lan truyền thuốc trừ cỏ
2.1. Phương pháp nghiên cứu
a. Hệ thống thông tin địa lý (GIS)
Nghiên cứu ứng dụng phần mềm ArcGIS, ArcSWAT và PCPF-1@SWAT để tính toán phân chia lưu vực, xây dựng bản đồ sử dụng đất, bản đồ loại đất và tính toán lan truyền thuốc trừ cỏ lưu vực sông Vũ Gia-Thu Bồn [2,7].
b. Phương pháp tính toán cân bằng khối lượng thuốc trừ cỏ
Phương trình quản trị đối với cân bằng khối lượng thuốc trừ cỏ trong ruộng lúa được thể hiện ở phương trình sau [6]: 

Trong đó:
– Cpw là nồng độ thuốc trừ cỏ trong lớp nước lúa (mg/L)
– hpw là độ sâu lớp nước lúa (cm)
– kDISS là hằng số tốc độ phản ứng bậc 1 của thuốc trừ cỏ phân giải trong nước (1/ngày)
– CSLB là khả năng hòa tan của thuốc trừ cỏ trong nước (mg/L)
– dPSL là độ sâu của lớp đất lúa (cm)
– ρb–PSL là trọng lượng riêng của lớp đất lúa (g/cm3)
– kDES là hằng số tốc độ phản ứng bậc 1 đối với thuốc trừ cỏ phân giải từ lớp đất lúa (1/ngày)
– CS-PLS là nồng độ thuốc trừ cỏ trong đất đối với lớp đất lúa (mg/kg trên cơ sở đất khô)
– IRR là hệ số cung cấp nước tưới (cm/ngày)
– Cw-IRR là nồng độ thuốc trừ cỏ trong nước tưới (mg/L)
– KL-A là hệ số chuyển hóa khối lượng thuốc trừ cỏ từ lớp nước lúa vào không khí (cm/ngày)
2.2. Tiến trình mô phỏng lan truyền thuốc trừ cỏ trong mô hình PCPF-1@SWAT
2.2.1. Dữ liệu đầu vào của mô hình
a. Dữ liệu bản đồ DEM
Dữ liệu bản đồ DEM trích xuất từ ASTER GDEM (ASTER Global Digital Elevation Model) độ phân giải không gian 30m. Từ cơ sở dữ liệu về độ cao của địa hình từ bản đồ DEM, phần mềm ArcSWAT tính toán mô phỏng mạng lưới sông ngòi trong lưu vực, tính toán các tiểu lưu vực và cửa xả của từng tiểu lưu vực. 
b. Dữ liệu bản đồ sử dụng đất và bản đồ loại đất
Bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ loại đất được thu thập từ website quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu về hệ thống lưu vực sông Vũ Gia-Thu Bồn thuộc dự án LUCCI. 
Trên cơ sở dữ liệu ban đầu của bản đồ sử dụng đất năm 2013 với 12 loại hình sử dụng đất của lưu vực, bản đồ được biên tập và phân loại thành 8 nhóm sử dụng đất trong mô hình SWAT, nhóm đẩt nông nghiệp (7,92%), đất rừng (56,86%), đất cỏ (12,36%), đất trồng lúa (8,21%), đất khu cơ quan công trình sự nghiệp (0,3%), đất thổ cư (14,02%), đất mặt nước (0,33%). 
Dữ liệu ban đầu chia các loại đất trong lưu vực thành 6 nhóm đất chính với nhiều loại đất khác nhau, nhóm nghiên cứu đã biên tập và phân loại thành thành 8 nhóm để sử dụng trong mô hình SWAT, nhóm đất đỏ vàng (76,31%), đất phù sa (4,86%), đất cát (3,22%), dốc tụ (0,88%),đất xám bạc màu (3,84%), đất mặn (1,27%), đất đen (0,04%), Đất xói mòn trơ sỏi đá (0,52%).

c. Dữ liệu khí hậu, thời tiết và lưu lượng dòng chảy

Dữ liệu sử dụng trong mô hình tính toán bao gồm số liệu về thời tiết như lượng mưa, nhiệt độm độ ẩm, tốc độ gió, bức xạ mặt trời và số liệu về thủy văn như mực nước, lưu lượng dòng chảy được ghi tại các trạm quan trắc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Kom tum và Đà Nẵng trong vòng 38 năm (1976-2013).
 

Hình 3: Mạng lưới trạm quan trắc lưu vực sông Vũ Gia-Thu Bồn

d. Dữ liệu thuốc trừ cỏ    
Theo khảo sát thực tế một vài hộ nông dân gieo trồng lúa ở lưu vực sông Vũ Gia-Thu Bồn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Nam, Kom Tum và Đà Nẵng, có 4 loại thuốc trừ cỏ người dân thường sử dụng là Sofit 300EC (hoạt chất Pretilachlor), Acenidex 17WP (hoạt chất Bensulfuron-Methyl), Fezocet 40WP (hoạt chất Mefenacet) và Quissa 10SC (hoạt chất Imazonsulfuron). Trong nghiên này, chúng tôi tiến hành tính toán và mô phỏng lan truyền của hoạt chất Mefenacet trong lưu vực sông Vũ Gia-Thu Bồn. Thuốc trừ cỏ thường được người dân phun sau khi cấy từ 5-7 ngày. Liều lượng sử dụng và diện tích lúa được phun thuốc trừ cỏ trong lưu vực được tính toán dựa trên nghiên cứu trường hợp tại các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn và niên giám thống kê tỉnh Quảng Nam.
Các thông số sử dụng trong mô hình PCPF-1 để mô phỏng quá trình phân hủy và lan truyền của thuốc trừ cỏ từ ruộng lúa ra ngoài hệ thống kênh sông. Các tính chất lý hóa của thuốc trừ cỏ được giả định là giống nhau giữa các tiểu lưu vực và toàn bộ lưu vực.
e. Quản lý nước mặt ruộng
Quản lý nước mặt ruộng trong thời gian sử dụng thuốc trừ cỏ có ảnh hưởng lớn tới sự phân hủy và lan truyền thuốc trừ cỏ trong môi trường nước. 
Khi chạy mô hình PCPF-1@SWAT, giả định rằng (i) lượng nước tiêu mặt ruộng tuân theo biện pháp giữ nước ngập trong vòng 7 ngày sau khi phun thuốc trừ cỏ; (ii) tốc độ thấm ngang qua kênh tiêu là 0,12 cm/ngày và (iii) tốc độ thấm đứng là 1,0 cm/ngày (Boulange, 2014).

2.2.2. Tiến trình xây dựng mô hình PCPF-1@SWAT tính toán lan truyền thuốc trừ cỏ
Mô hình PCPF-1@SWAT được Boulange cùng đồng nghiệp phát triển tại Nhật Bản (2014) dựa trên nền tảng của 2 mô hình PCPF-1 và mô hình SWAT. Mô hình PCPF-1@SWAT cải thiện độ chính xác trong việc mô phỏng các tác động của phương án quản lý đến nguồn tài nguyên nước, vận chuyển bùn cát và lan truyền hóa chất nông nghiệp dưới các điều kiện thực tế ở khu vực Châu Á, nơi có các lưu vực mà hiện trạng sử dụng đất gồm các cánh đồng lúa. Mô hình PCPF-1@SWAT bao gồm 2 thuật toán chính: (1) Thuật toán PCPF-1 để tính toán mô phỏng thuốc trừ sâu (nói chung) lan truyền đối với cấp độ thửa ruộng hoặc tổ hợp 1 vài thửa ruộng; (2) Thuật toán SWAT để tính toán mô phỏng thuốc trừ sâu (nói chung) lan truyền đối với cấp độ lưu vực sông với tổ hợp các loại hình sử dụng đất (bao gồm các cánh đồng lúa) (Boulange, 2014). Cả hai thuật toán này đều dựa trên nguyên lý cân bằng nước trên khắp lưu vực sông. Thuật toán mô hình PCPF-1@SWAT được trình bày như ở hình 4:

Mô hình PCPF-1@SWAT được chạy trên nền tảng phần mềm Microsoft Visual Studio (MVS), phiên bản năm 2015 và phần mềm Intel Fortran Compiler XE (IFCXE), phiên bản năm 2015. Trước khi chạy, cần thiết lập các điều kiện như sau: (i) thiết lập dữ liệu đầu vào để chạy phần mềm ArcSWAT phiên bản 2009.93.7b bao gồm các dữ liệu DEM, bản đồ sử dụng đất, bản đồ loại đất, bản đồ hệ thống sông ngòi và dữ liệu khí tượng, thời tiết; Sau đó, (ii) thiết lập các thông số trong thư mục TxtInOut như chỉnh sửa file .basin, file pothole và các kịch bản quản lý nước và thuốc trừ cỏ; Cuối cùng, (iii) chạy mô hình PCPF-1@SWAT với các mã Fortran code được phát triển bởi Boulange và đồng nghiệp (2014). Tiến trình chạy mô hình PCPF-1@SWAT được trình bày như ở hình 5:

 

3. Kết quả và thảo luận
3.1. Kết quả mô phỏng lưu lượng dòng chảy

 

Các thông số thống kê được sử dụng để đánh giá tính chính xác của mô hình bao gồm hệ số xác định (R2) và chỉ số hiệu quả Nash-Sutcliffe (ENS). Giá trị R2 tiến tới càng gần giá trị bằng 1 thì kết quả mô phỏng lưu lượng dòng chảy cũng như nồng độ thuốc trừ cỏ càng chính xác. Mặt khác, các giá trị này lớn hơn 0,5 là có thể chấp nhận được kết quả mô phỏng. Cách tính toán các chỉ số thống kê này được thể hiện trong các phương trình 1-1 và 1-2:

Qua bảng trên, ta thấy kết quả mô phỏng lưu lượng dòng chảy đạt độ chính xác khá cao. Ngoài ra, nhìn chung lưu lượng dòng chảy ổn định trong suốt 9 tháng đầu các năm với các giá trị trung bình tương ứng là 158,33 (m3/s) năm 2013; 123,5 (m3/s) năm 2014; 148,69 (m3/s) năm 2015 và 256,79 (m3/s) năm 2016. Vào các tháng cuối các năm, lưu lượng dòng chảy tăng đột biến do sự xuất hiện của các trận lũ từ các trận mưa tập trung với cường độ lớn. Giá trị lưu lượng lớn nhất đạt mức 6800 (m3/s) vào ngày 7/11/2013; 6570 (m3/s) vào ngày 16/11/2014; 6730 (m3/s) vào ngày 7/11/2015. Không những thế, lưu lượng dòng chảy và lượng mưa còn có tương quan chặt chẽ với nhau, đặc biệt ngày xuất hiện lưu lượng lớn nhất cũng tương ứng với ngày có cường độ mưa lớn nhất. 
b. Kết quả mô phỏng nồng độ thuốc trừ cỏ trong nước sông lưu vực Vũ Gia Thu Bồn
 

Các kết quả mô phỏng cho thấy, nhìn chung, nồng độ thuốc trừ cỏ Mefenacet trong nước sông vụ Đông Xuân tăng dần kể từ ngày gieo sạ (cấy) và đạt nồng độ cao nhất sau khoảng 1 đến 2 tuần (khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2), sau đó, nồng độ thuốc trừ cỏ giảm dần cho tới cuối tháng 2. Tại trạm Nông Sơn, nồng độ Mefenacet đạt giá trị cao nhất là 2,68 µg/L năm 2013; 1,79 µg/L năm 2014; 1,15 µg/L năm 2015 và 0,94 µg/L năm 2016. Tuy nhiên, xuôi dọc về phía hạ lưu, nơi tập trung dân cư đông đúc, nồng độ Mefenacet trong nước sông khá cao, đạt giá trị lớn nhất là 4 µg/L năm 2013; 2,81 µg/L năm 2014; 1,84 µg/L năm 2015 và 1,57 µg/L năm 2016. Thuốc trừ cỏ Mefenacet thuộc nhóm độc 3, nhóm độc trung bình, được người dân sử dụng phổ biến ở lưu vực để trừ các loại cỏ tiền và hậu nảy mầm, giúp cây lúa sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc trừ có chứa hoạt chất Mefenacet tại lưu vực của người dân không những khiến động vật thủy sinh như tôm, cá bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng tới chất lượng nước mặt phục vụ cho tưới tiêu, cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt, Theo kết quả mô phỏng, ta thấy nồng độ Mefenacet tập trung cao nhất trong khoảng từ 19 tháng 1 cho tới đầu tháng 3, vì vậy, trong khoảng thời gian này, người dân cần hạn chế sử dụng nguồn nước mặt sông Vũ Gia Thu Bồn phía hạ lưu để tránh bị ngộ độc cũng như tránh các tác hại từ nguồn nước chứa Mefenacet. Sau khoảng thời gian trên, khi thuốc trừ cỏ Mefenacet hầu như phân hủy và lắng đọng hết nên nước sông không còn nhiễm thuốc trừ cỏ Mefenacet, người dân có thể sử dụng nước như bình thường. 
4. Kết luận và phân tích tiềm năng ứng dụng mô hình PCPF-1@SWAT
Nghiên cứu này tập trung vào việc ứng dụng mô hình PCPF-1@SWAT, một mô hình cấp độ lưu vực, để mô phỏng sự phân hủy và lan truyền của hoạt chất trừ cỏ Mefenacet từ ruộng lúa ra ngoài môi trường lưu vực hệ thống sông Vũ Gia Thu Bồn. Tiến trình ứng dụng mô hình này bao gồm rất nhiều bước nghiên cứu khoa học cũng như tra cứu tài liệu liên quan. Ở Việt Nam hiện nay, việc sử dụng thuốc trừ cỏ trong canh tác nông nghiệp đang rất phổ biến nhằm tiết kiệm công lao động. Tuy nhiên, việc lạm dụng tràn lan, không kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc trừ cỏ hiện nay gây ra mối nguy hại, làm ô nhiễm môi trường nước mặt cũng như nước ngầm ảnh hưởng đến môi trường thủy sinh cũng như sức khỏe con người. Vì vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp mô phỏng quá trình phân hủy và lan truyền thuốc trừ cỏ nói riêng và thuốc trừ sâu nói chung là một hướng đi cần thiết giúp cho các cơ quan quản lý có cơ sở khoa học để quản lý loại hóa chất này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Chu Hồi, Đào Trọng Tứ, Bùi Thị Thu Hiền (2014), Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vũ Gia – Thu Bồn và vùng bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam, Việt Nam-“Một cách tiếp cận từ nguồn xuống biển”.
2. Trần Thị Băng Tâm (2006), Hệ thống thông tin địa lý, Nhà xuất bản Nông nghiệp.
3. Cục thống kê tỉnh Quảng Nam, Niên giám thống kê 2015, Nhà xuất bản Thống kê.
4. Cục thống kê tỉnh Kon Tum, Niên giám thống kê 2015, Nhà xuất bản Thống kê.
5. Cục thống kê Thành phố Đà Nẵng, Niên giám thống kê 2015, Nhà xuất bản Thống kê.
6. Holvoet K, Van Griensven A, Seuntjens P, Vanrolleghem PA. Sensitivity analysis for hydrology and pesticide supply towards the river in SWAT. Physics and Chemistry of the Earth 2005a; 30: 518-526.
7. S.L Neitsch, J.G.Arnold, J.R.Kinir (2006), Soil and water assessment tool theoretical documentation.

Nguyễn Thiện Sơn, Vũ Huy Chưởng
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường


(Nguồn tin: Nilp.vn)