Xây dựng tiêu chí đánh giá địa điểm ô nhiễm tồn lưu ở Việt Nam – Những nghiên cứu ban đầu

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:21(GMT +7)

Hồ Trung Kiên, VEA
I. Đặt vấn đề: Địa điểm ô nhiễm tồn lưu là khu vực đã và đang tồn tại những chất ô nhiễm, mà có khả năng hoặc tiềm ẩn khả năng gây nhiễm độc môi trường khí, nước, đất và sinh vật cũng như tới sức khỏe con người. Địa điểm ô nhiễm tồn lưu tác động nguy hiểm đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, còn gây ra nhiều tác động khác đến phát triển kinh tế – xã hội như suy giảm giá trị sử dụng đất và tổn thất đất dùng, đòi hỏi nguồn lực và tài chính lớn để xác định, quản lý và giải quyết triệt để, đồng thời gây khó khăn cho việc quy hoạch, tái sử dụng đất cho mục đích khác.

Có thể phân loại các địa điểm ô nhiễm tồn lưu theo bản chất, nguồn gốc hoặc tính chất của địa điểm. Theo bản chất thì địa điểm ô nhiễm tồn lưu có thể được chia thành điểm ô nhiễm tồn lưu tự nhiên và điểm ô nhiễm tồn lưu nhân tạo.

Căn cứ vào điều kiện thực tế ở Việt Nam, các địa điểm ô nhiễm tồn lưu nhân tạo có thể được phân loại theo loại hình hoạt động như sau:

1.      Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại thuộc đô thị loại đặc biệt, loại 1, 2 và 3;

2.      Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đã đóng cửa hoặc di dời trong danh mục của Quyết định 64;

3.      Khu vực khai thác và chế biến khoáng sản đã ngừng khai thác và chưa hoàn nguyên;

4.      Kho xăng dầu, kho hóa chất trước đây và hiện nay không còn sử dụng;

5.      Khu vực lưu giữ các chất thải và hóa chất của cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Theo mức độ ô nhiễm, các địa điểm ô nhiễm tồn lưu nói chung còn có thể được phân loại như sau:

–  Các địa điểm ô nhiễm tồn lưu rất nghiêm trọng

–  Các địa điểm ô nhiễm tồn lưu nghiêm trọng

–  Các địa điểm ô nhiễm tồn lưu thông thường

–  Các điểm ô nhiễm tồn lưu nhẹ

II. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ô nhiễm tồn lưu nhân tạo ở Việt Nam

1. Quan điểm xây dựng bộ tiêu chí

–  Có tính lựa chọn và phân loại cao,

–  Kết hợp định tính và định lượng đơn giản,

–  Không phức tạp trong cách xác định,

–  Dựa trên đồng thời cơ sở thông tin lịch sử và điều tra hiện trường,

–  Thể hiện được đặc trưng, phạm vi và mức của  nguồn ô nhiễm đặc thù,

–  Có xét đến các yếu tố tăng cường (lan truyền chất ô nhiễm) hoặc giảm nhẹ yếu tố ô nhiễm (lan truyền chất ô nhiễm, các giải pháp bảo vệ môi trường đã được sử dụng),

2. Các bước xây dựng tiêu chí

Bước 1: Xây dựng các tiêu chí xác định (tiền phân loại)

Bước 2: Xây dựng các phân loại điểm ô nhiễm tồn lưu

Bước 3: Xác định các nhóm tiêu chí cấu thành

Bước 4: Xác định các tiêu chí thành phần của mỗi nhóm tiêu chí

Bước 5: Tiến hành thử nghiệm và hiệu chỉnh điểm tiêu chí

Nghiên cứu đã xây dựng 5 bộ tiêu chí đánh giá dành riêng cho 5 loại hình đã được phân loại như trên.

3. Các nhóm tiêu chí chính của bộ tiêu chí

Đối với cả 5 loại hình ô nhiễm tồn lưu nhân tạo được xem xét, có 4 nhóm tiêu chí có liên quan đến tác động của chất ô nhiễm từ địa điểm ô nhiễm tồn lưu đến hệ sinh thái và con người được đưa ra, đó là:

1.      Đặc thù ô nhiễm ;

2.      Khả năng lan truyền/vận chuyển ô nhiễm ;

3.      Mức độ phơi nhiễm với hệ sinh thái và con người ;

4.      Tác động tới phát triển kinh tế – xã hội.

4. Các tiêu chí thành phần trong mỗi nhóm tiêu chí

*. Đối với đặc thù ô nhiễm:

–  Đặc tính ô nhiễm trong cấu trúc địa chất khu vực đánh giá;

–  Mức độ độc hại hóa học của thông số ô nhiễm có mặt trong các thành phần môi trường chính của khu vực bị ô nhiễm;

–  Diện tích chịu ảnh hưởng được biết;

–  Loại hình sản xuất và lượng thải liên quan.

* Khả năng lan truyền/vận chuyển ô nhiễm

–  Đối với nước ngầm ;

–  Đối với nước mặt ;

–  Đối với đất ;

–  Đối với không khí ;

–  Bùn lắng, trầm tích.

* Mức độ phơi nhiễm với hệ sinh thái và con người

–  Nguồn tiếp nhận là con người;

–  Nguồn tiếp nhận là hệ sinh thái.

* Tác động tới phát triển kinh tế- xã hội

–  Thời gian đóng cửa;

–  Các giải pháp bảo vệ môi trường được áp dụng;

–  Vị trí của địa điểm ô nhiễm tồn lưu đối với khu dân cư khu vực;

–  Quy mô khu dân cư chịu ảnh hưởng;

–  Thu nhập trung bình của địa bàn;

–  Địa điểm ô nhiễm tồn lưu nằm trong quy hoạch sử dụng đất.

Các tiêu chí thành phần này sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào bản chất của các loại hình ô nhiễm tồn lưu. Các tiêu chí được đánh giá dựa trên mức độ quan trọng của nó so với các tiêu chí khác trong nhóm tiêu chí. Mỗi tiêu chí đánh giá thường có các mức độ đánh giá khác nhau tương ứng với các số điểm khác nhau, tuy nhiên, để đơn giản hóa và để thuận tiện cho việc sử dụng thì mỗi tiêu chí thường được phân thành 3-4 mức độ khác nhau, ngoại trừ tiêu chí về quy hoạch sử dụng đất.

Trong mọi trường hợp, nếu không có câu trả lời chính xác thì điểm giá trị của tiêu chí sẽ được lấy bằng 1/2 giá trị tối đa của điểm tiêu chí đó. Điểm tổng số của các tiêu chí sẽ được tính theo công thức sau:

Điểm tổng tiêu chí C sẽ được tính theo công thức sau:

Trong đó, Ci,j là giá trị các tiêu chí thành phần j trong nhóm tiêu chí i (i=1-4), WCi,j là trọng số của tiêu chí thành phần j trong nhóm tiêu chí i, Wi là trọng số của nhóm tiêu chí i.

Căn cứ trên tổng số điểm đánh giá mà có thể phân loại các địa điểm ô nhiễm tồn lưu trong mỗi loại hình ô nhiễm tồn lưu theo các mức độ ưu tiên xử lý và quản lý khác nhau như sau:

–  Ô nhiễm rất nghiêm trọng: 75 – 100 điểm;

–  Ô nhiễm nghiêm trọng: 50-74 điểm;

–  Ô nhiễm thông thường: 25- 49 điểm;

–  Không ô nhiễm hoặc ô nhiễm nhẹ: <25 điểm.

Các địa điểm được coi là không đủ thông tin đánh giá nếu có trên 20 % số tiêu chí không xác định được. Các địa điểm này không thể được coi là không ô nhiễm, tuy nhiên không được xem xét đến trong nghiên cứu này.

III. Kết luận

Việc xác định theo các bộ tiêu chí này vẫn còn những nhược điểm cần phải khắc phục như sau:

–  Khó xác định chất ô nhiễm cụ thể cần điều tra, đặc biệt là với nhóm các hợp chất hữu cơ bền vững, nhóm các hợp chất hữu cơ khó phân hủy chứa Clo;

–  Chưa có danh mục và tiêu chuẩn đầy đủ của Việt Nam cho các chất ô nhiễm đặc thù như ở trên;

–  Thiếu hụt các thông tin lịch sử (do không có quản lý) và thông tin khoa học liên quan đến điều kiện địa hình, địa chất và tiềm năng phát tán chất ô nhiễm trong môi trường đất và nước ngầm;

–  Phụ thuộc nhiều vào ý kiến chuyên gia (việc đưa các trọng số tham gia vào xác định điểm tiêu chí cũng như xác định khoảng phân loại).

Qua việc tham khảo các tiêu chí đánh giá nêu trên từ các nước phát triển, có thể cho thấy rằng việc áp dụng các tiêu chí xác định và phân loại hoàn toàn có thể thực hiện được ở Việt Nam, tuy nhiên cần có thêm các nghiên cứu nhằm đánh giá lại mức độ và giá trị của các tiêu chí này cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế cũng như năng lực quản lý, xử lý và điều tra thông tin ở Việt Nam.

(Theo Tạp chí Bảo hộ lao động)


(Nguồn tin: )