Yêu cầu bảo vệ bầu khí quyển khi thiết kế hệ thống thông gió công nghiệp và vùng đệm vệ sinh của các cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:27(GMT +7)

I. YÊU CẦU BẢO VỆ BẦU KHÍ QUYỂN KHI THIẾT KẾ CÁC HỆ THỐNG THÔNG GIÓ CÔNG NGHIỆP

1.1. Đối với các hệ thống thông gió hút, thải độc hại

Không khí ô nhiễm từ các hệ thống hút độc hại cục bộ và hệ thống thông gió chung, về nguyên tắc, phải được làm sạch trước khi thải vào khí quyển và môi trường xung quanh [3].

Nếu không khí thải ra môi trường xung quanh thì các điều kiện vệ sinh về nồng độ chất độc hại trong không khí thải phải tuân thủ là:

Trong đó: cj.thải – nồng độ chất độc hại thứ j trong không khí thải, mg/m3; TCCPj.max – là nồng độ tối đa cho phép một lần chất độc hại thứ j trong lớp không khí sát mặt đất, mg/m3.

Đối với các công trình chăm sóc sức khỏe, bệnh viện, khu nghỉ dưỡng, v.v. thì yêu cầu cao hơn:

Đối với các nguồn thải cao, trung bình và thấp (pha loãng độc hại vào khí quyển) thì điều kiện (1) và (2) phải tuân thủ trong lớp không khí sát mặt đất (lớp không khí có độ cao đến 2m).

Trong quá trình tính toán, cần xét đến các hiệu ứng cộng tác dụng của một số chất độc hại và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nguồn phát thải.

Như vậy, nếu coi các nhà máy là các nguồn phát thải độc hại ra xung quanh thì nồng độ các tác nhân độc hại đó có xu hướng giảm dần theo khoảng cách tính từ nhà máy.

1.2. Đối với các hệ thống điều hòa không khí, thông gió chung

Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5687:2010 về thông gió – Điều hòa không khí – Tiêu chuẩn thiết kế [3], tại mục 4.3 độ trong sạch của không khí xung quanh và không khí trong phòng được quy định như sau:

4.3.1. Nồng độ các chất khí độc hại và bụi trong không khí xung quanh phải tuân thủ theo TCVN 5937: 2005 và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 06:2009/BTNMT về một số chất độc hại trong không khí xung quanh do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

4.3.2. Nồng độ các chất khí độc hại và bụi trong không khí vùng làm việc của các phân xưởng sản xuất được lấy theo Phụ lục D (do Bộ Y tế ban hành năm 2002).

4.3.3. Nồng độ các chất độc hại trong không khí cấp vào nhà tại các miệng thổi gió phải nhỏ hơn hoặc bằng 30% nồng độ giới hạn cho phép bên trong nhà như quy định trong 4.3.2 đối với cơ sở sản xuất và phải bằng nồng độ cho phép của không khí xung quanh như quy định trong 4.3.1 đối với nhà ở và nhà công cộng.

4.3.4. Nồng độ giới hạn an toàn cháy nổ của các chất khí trong phòng phải được quy về điều kiện TSTT bên ngoài dùng cho thiết kế TG-ĐHKK và phù hợp với TCVN 3254:1989 và TCVN 5279:1990.

Như vậy, ta có thể khái quát quy định trên như sau:

Trong các hệ thống điều hòa không khí và thông gió chung cần sử dụng không khí tươi, sạch từ bên ngoài để cung cấp vào công trình sao cho đáp ứng được nhu cầu o xy thở và tiết kiệm năng lượng, nên không khí sạch bên ngoài cần thỏa điều kiện vệ sinh sau:

Đối với các công trình nhà ở và công cộng như: bệnh viện, khu nghỉ dưỡng, v.v. thì yêu cầu vệ sinh của không khí sạch cấp vào còn cao hơn:

Trong đó: cj.cấp – nồng độ chất độc hại thứ j trong không khí cấp vào công trình, mg/m3; TCCPj.Trong – là nồng độ tối đa cho phép trung bình ngày đêm của chất độc hại thứ j trong công trình, mg/m3; TCCPj.khu DC – là nồng độ tối đa cho phép trung bình ngày đêm của chất độc hại thứ j trong không khí khu dân cư, mg/m3

Đối với hệ thống điều hòa không khí và thông gió chung cưỡng bức, các cửa lấy không khí sạch phải được kiểm tra để xác lập chế độ làm sạch, đảm bảo thỏa mãn (3) hoặc (4).

Khi sử dụng thông gió tự nhiên, không khí bên ngoài chính là không khí cấp vào công trình nên chất lượng của nó không phải lúc nào cũng thỏa mãn được yêu cầu (3) hoặc (4).

Một lưu ý là không khí bên ngoài chính là không khí ở vùng đệm vệ sinh (VĐVS) xung quanh cơ sở sản xuất công nghiệp. Vì vậy, VĐVS đóng vao trò quan trọng, không chỉ có chức năng cách ly mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình đảm bảo vệ sinh môi trường lao động của cơ sở. 

II. VÙNG ĐỆM VỆ SINH XUNG QUANH CÁC NHÀ MÁY, KHU CÔNG NGHIỆP

2.1. Khái niệm vùng đệm vệ sinh

Trong 21 tiêu chuẩn vệ sinh nêu trong QĐ 3733/QĐ-BYT thì tiêu chuẩn số 2 mang tên: Tiêu chuẩn khoảng cách bảo vệ vệ sinh. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và khái niệm khoảng cách bảo vệ vệ sinh được nêu như sau:

Phạm vi điều chỉnh: Khoảng cách tối thiểu từ cơ sở sản xuất đến khu dân cư.

Đối tượng áp dụng: Tiêu chuẩn này áp dụng cho các cơ sở sản xuất nằm đơn lẻ ngoài khu chế xuất hoặc khu công nghiệp, có phát thải các yếu tố độc hại đối với môi trường và sức khoẻ con người.

Khái niệm: Khoảng cách bảo vệ vệ sinh là khoảng cách tối thiểu được tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất hoặc dây chuyền công nghệ tới khu dân cư.

Như vậy ta thấy các quy định trong tiêu chuẩn này phiến diện (chỉ cần có khoảng cách với khu dân cư), không rõ ràng, không mang tính tổng quát và khó áp dụng nếu cơ sở sản xuất có nhiều nhà xưởng, nhiều nguồn phát thải độc hại.

Theo tôi, các nhà máy/các khu công nghiệp tập trung, bao gồm mọi công trình của chúng – nơi diễn ra quá trình sản xuất – đều được coi là các nguồn phát thải độc hại, chẳng hạn như: các mùi khó chịu; hóa chất độc hại; tiếng ồn cao; rung động; siêu âm; sóng điện từ; tường tĩnh điện và các bức xạ ion hóa, v.v. Do vậy, yêu cầu tự thân là phải cách ly các nguồn phát thải độc hại đó, tức là cách ly cả cơ sở sản xuấtkhỏi vùng dân cư bằng một vùng đệm, có chức năng, có yêu cầu cụ thể về vệ sinh, về quy hoạch, v.v. được quy định thống nhất trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia.

Như vậy, có thể định nghĩa VĐVS như sau:

VĐVS – là vùng chức năng đặc biệt, cách ly nhà máy (hoặc khu công nghiệp) khỏi vùng dân cư, vùng cảnh quan đô thị hoặc cách ly khỏi các vùng có yêu cầu cao đối với chất lượng môi trường xung quanh.

Vùng cảnh quan đô thị được hiểu chung là vùng bố trí nhà ở, các công trình công cộng, các viện nghiên cứu khoa học, các công trình hạ tầng không cần vùng cách ly, các đường giao thông nội đô, đường phố, quảng trường, công viên, khu dạo chơi, các tổ hợp văn hóa, thể thao v.v.

Như vậy, đơn giản VĐVS là vùng không có các sinh hoạt thường xuyên của con người. Những người có mặt ở VĐVS là để hoạt động theo nhiệm vụ và phải chịu tác động của các tác nhân độc hại có khả năng vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Với lưu ý rằng, các tác nhân độc hại phát thải từ nhà máy (hoặc có tổ chức, hoặc không có tổ chức) rất đa dạng, do vậy việc xác định kích thước vùng đệm vệ sinh phải được kiểm chứng đối với mọi tác nhân ô nhiễm.

Một điều dễ thấy là nhà máy/khu công nghiệp càng độc hại, nguy hiểm thì vùng đệm vệ sinh càng phải lớn.

2.2. Chức năng của vùng đệm vệ sinh

Như chúng ta biết, để thỏa hiệp với việc giảm chi phí lọc, khử độc hại, các nước quy định nồng độ độc hại cho phép trong khí thải cao hơn tiêu chuẩn vệ sinh, miễn là tổ chức thải (pha loãng vào khí quyển) sao cho nồng độ độc hại ở lớp không khí sát mặt đất không vi phạm điều kiện (1) và (2). Cho dù vậy, các nghiên cứu về khuếch tán và lan truyền phát thải cho thấy, điều kiện (1) hoặc (2) chỉ được đảm bảo chắc chắn khi có vùng đệm vệ sinh được tổ chức đúng quy định.

– Chức năng thứ nhất của VĐVS là chức năng cách ly nhà máy/khu công nghiệp;

– Chức năng thứ hai của VĐVS là tạo vùng sơ tán, cứu hộ khi có sự cố, thảm họa công nghiệp;

– Chức năng thứ ba của VĐVS là tạo vùng chuyển tiếp, bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động của nhà máy/khu công nghiệp.

III. VỀ XÁC ĐỊNH VĐVS CHO CÁC NHÀ MÁY/ KHU CÔNG NGHIỆP

Kích thước danh nghĩa của VĐVS– còn gọi là VĐVS chuẩn – trước hết được xác định bởi nhà máy thuộc loại độc hại nguy hiểm nào trong phân loại đặc điểm sản xuất của nhà máy, thành phần các tác động độc hại, miền giao động thải lượng v.v.

Theo [1], hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp v.v. được phân ra thành 5 loại. tương ứng với chúng là kích thước VĐVS: Loại I – 1000m; Loại II – 500m; Loại III – 300m; loại IV – 100m; loại V – 50m.

Nếu quá trình sản xuất trong nhà máy không phát sinh độc hại (chất ô nhiễm, tiếng ồn, rung động, bức xạ, trường điện từ và các tia ion-hóa v.v.) không có nguy cơ cháy nổ, không có đường sắt ngầm dưới đất thì thiết lập VĐVS nhỏ nhất và kích thước VĐVS không nhỏ hơn 50m.

Kích thước VĐVS có tính đến sự phát triển hay không phát triển của nhà máy.

Nếu tính toán tác động ô nhiễm không khí, mức ồn và các yếu tố độc hại nguy hiểm khác dẫn đến kích thước VĐVS lớn hơn kích thước VĐVS chuẩn, thì phải giảm thiểu các yếu tố tác động bằng con đường công nghệ và kỹ thuật. Sau khi hết giải pháp kỹ thuật-công nghệ để giảm tác động và từ đó giảm kích thước VĐVS, thì kích thước thật của VĐVS lấy theo kết quả tính toán và báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương để được phép thực hiện chỉ giới VĐVS.

Kích thước VĐVS được điều chỉnh theo hoa hồng gió theo hướng tăng thêm so với kích thước VĐVS chuẩn. Trong phần hiệu chỉnh tăng thêm này không xây dựng các công trình nhà ở mới.

Nếu thiết lập VĐVS cho một số nhà máy nằm rải rác mà VĐVS của chúng sát nhau hoặc chồng một phần lên nhau thì cần làm VĐVS chung cho chúng. Khi đó, tính toán VĐVS tiến hành theo trình tự sau:

– Xác định VĐVS cho từng nhà máy không tính đến phông ô nhiễm;

– Xác định VĐVS chung bằng phép nối các đường biên VĐVS của từng nhà máy riêng lẻ lại với nhau;

– Xác định VĐVS chung bằng tính toán có kể đến phông ô nhiễm.

Kích thước VĐVS thực tế cho các nhà máy/khu công nghiệp được xác định xuất phát từ chức năng cách ly, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh đối với môi trường, đối với bản thân nhà máy/khu công nghiệp và đối với đối tượng được bảo vệ là khu dân cư và cảnh quan đô thị. Theo đó, căn cứ để xác định kích thước VĐVS là sử dụng các phương pháp tính toán tác động và lan truyền ô nhiễm, sau đây.

1. Xác định kích thước VĐVS theo chỉ tiêu ô nhiễm không khí;

2. Xác định kích thước VĐVS theo chỉ tiêu ô nhiễm do lan truyền tiếng ồn;

3. Xác định kích thước VĐVS theo chỉ tiêu ô nhiễm trường điện từ tần số radio và các vùng cách ly dọc theo đường tải điện cao thế chạy gần nhà máy/khu công nghiệp;

4. Xác định kích thước VĐVS đối với nhà máy/khu công nghiệp có nguồn phóng xạ;

5. Xác định kích thước VĐVS theo chỉ tiêu ô nhiễm rung động và âm thanh tần số thấp;

6. Xác định kích thước VĐVS theo các tác động lên môi trường và cảnh quan đô thị;

7. Xác định kích thước VĐVS theo chỉ tiêu ô nhiễm nguồn nước bên trong VĐVS.

Sau khi xác định kích thước VĐVS theo các yếu tố ô nhiễm nêu trên, việc cuối cùng là xác định VĐVS tổng hợp và tổ chức quy hoạch VĐVS.

IV. ĐIỀU KIỆN GIẢM KÍCH THƯƠNG VĐVS Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Kích thước VĐVS có thể giảm trong một số trường hợp sau:

– Chứng minh được mức tác động lên môi trường và khu dân cư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép và có số liệu quan trắc liên tục, đủ lâu (thường không dưới 1 năm) khẳng định điều đó;

– Nhà máy tiến hành cải tạo, thay đổi công nghệ, chuyển đổi sản xuất kết quả là giảm thiểu được rõ rệt tác động lên môi trường và dân cư xung quanh;

– Nhà máy được chứng nhận thay đổi phân loại theo hướng ít nguy hại hơn và tương ứng với nó là VĐVS chuẩn nhỏ hơn trước đây.

Từ góc độ quản lý Nhà Nước, hướng để chúng ta có thể giảm kích thước VĐVS là sử dụng việc thắt chặt các quy định tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đối với tính toán và tổ chức pha loãng khí thải vào khí quyển.

Như đã nêu trong phần 1 của bài viết, các hệ thống pha loãng khí thải vào khí quyển, hệ thống điều hòa không khí, thông gió cục bộ và thông gió chung thiết kế cho các công trình công nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của VĐVS. Đặc biệt, khi sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên thì chất lượng không khí bên trong VĐVS không thể thỏa mãn điều kiện (3) và (4).

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nếu đưa quy định (3) và (4) vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì việc tổ chức pha loãng khí thải vào khí quyển sẽ đảm bảo yêu cầu (1) không phải ở ranh giới VĐVS, mà là ở trong vùng đệm. Điều này tạo cơ sở cho việc giảm kích thước VĐVS theo tính toán lan truyền ô nhiễm không khí, tiết kiệm quỹ đất.

Tuy nhiên, điều này dẫn đến gia tăng chi phí: Hoặc để nâng cao hiệu quả các thiết bị lọc, làm sạch khí thải trước khi pha vào khí quyển, hoặc để nâng cao ống khói đảm bảo hiệu ứng pha loãng tốt hơn khí thải vào khí quyển. Đây là bài toán kinh tế – môi trường và kinh tế – phát triển đối với cơ sở sản xuất/khu công nghiệp cũng như vùng lãnh thổ nói chung.

V. KẾT LUẬN

Có thể nêu một số kết luận sau:             

1. Khái niệm VĐVS xung quanh các nhà máy/khu công nghiệp cần được hiểu thống nhất, và đưa vào thực hành trong quy hoạch và phát triển các nhà máy/khu công nghiệp;

2. Việc xác định kích thước VĐVS phải tiến hành dựa vào các phương pháp tính toán tác động và lan truyền các tác nhân ô nhiễm hóa chất, vật lý, bụi, nhiệt và các trường bức xạ ion hóa và không ion hóa. Các khoảng cách bảo vệ vệ sinh quy định trong [1] cần được chính xác lại sau khi tính toán và xây dựng bản đồ gây ô nhiễm xung quanh nhà máy/khu công nghiệp;

3. Việc tổ chức quy hoạch VĐVS và khai thác sử dụng hiệu quả chúng có thể là nguồn lực hỗ trợ cho nhà máy/khu công nghiệp trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ tiến tới phát triển sản xuất từng bước sạch hơn;

4. Về mặt quản lý Nhà Nước, cùng với tiến bộ khoa học công nghệ, chúng ta có thể đưa vào áp dụng các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cao hơn đối với tổ chức thải ô nhiễm công nghiệp, chẳng hạn yêu cầu (3) và (4), cho phép giảm đáng kể kích thước VĐVS, tiết kiệm quỹ đất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] . Bộ Y Tế, số: 3733/2002/QĐ – BYT, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y Tế về việc ban hành 21 Tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động, 10/10/2002. Tiêu chuẩn số 2. Tiêu chuẩn khoảng cách bảo vệ vệ sinh;

[2]. Các QCVNtừ QCVN 16: 2016/BYT đến QCVN 26: 2016/BYT;

[3]. TCVN 5687:2010 về thông gió – Điều hòa không khí – Tiêu chuẩn thiết kế, Ban hành 07/01/2016;

[4]. Квашнин И. М. Промышленные выбросы в атмосферу. Инженерные расчеты и инвентаризация. М.: АВОК-ПРЕСС, 2005.

[5]. ОНД 86. Методика расчета концентраций в атмосферном воздухе вредных веществ, содержащихся в выбросах предприятий. Л.: Гидрометиздат, 1987.

[6]. СанПиН 2.2.1/2.1.1. 1200-03. Санитарно-защитные зоны и санитарная классификация предприятий, сооружений и иных объектов / Постановление Главного государственного санитарного врача РФ от 10 апреля 2003 г. № 38.

[7]. Рекомендации по разработке проектов санитарно-защитных зон промышленных предприятий, групп предприятий / Научно-исследовательский и проектный институт г. Москвы. М., 1998.

[8]. ГН 2.2.5.686-98. Предельно допустимые концентрации (ПДК) вредных веществ в воздухе рабочей зоны / Минздрав России. М., 1998.

[9]. СанПиН 2.1.6.1032-01. Гигиенические требования к обеспечению качества атмосферного воздуха населенных мест / Минздрав России. М., 2001.

TS. Đỗ Trần Hải, TSKH. Phạm Quốc Quân

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)