Yêu cầu về thiết kế các bộ phận che chắn và cơ cấu bảo vệ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:04(GMT +7)

Thiết bị sản xuất vốn có được thiết kế an toàn là vấn đề đầu tiên tránh được các mối nguy hiểm hoặc giảm rủi ro của máy và/hoặc sự tác động giữa con người và máy. Phải sử dụng các bộ phận che chắn và các cơ cấu bảo vệ để bảo vệ người mỗi khi việc thiết kế an toàn vốn có không thể loại bỏ được các mối nguy hiểm hoặc giảm rủi ro tới mức cần thiết.

Theo TCVN 7383-2:2004 (Tiêu chuẩn này được chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia năm 2008), các bộ phận che chắn và cơ cấu bảo vệ phải đáp ứng các yêu cầu chung: Thiết kế thích hợp với yêu cầu sử dụng đã định, có tính đến các mối nguy hiểm về cơ khí và các mối nguy hiểm khác; Thích hợp với môi trường làm việc của máy và được thiết kế sao cho không thể bị mất tác dụng một cách dễ dàng; Can thiệp ở mức thấp nhất, có thể có các hoạt động trong quá trình vận hành và các pha khác của tuổi thọ máy để giảm khả năng làm cho chúng bị mất tác dụng.

Các bộ phận che chắn và cơ cấu bảo vệ phải:

– Có kết cấu chắc chắn;

– Không được làm tăng thêm bất kỳ mối nguy hiểm bổ sung nào;

– Không dễ dàng bị bỏ qua hoặc ở trạng thái không hoạt động;

– Được bố trí ở khoảng cách đủ xa so với vùng nguy;

– Gây ra cản trở ở mức tối thiểu đối với tầm nhìn trong quá trình sản xuất;

– Có khả năng bảo đảm cho các công việc thiết yếu về lắp đặt và/thay thế dụng cụ cũng như bảo dưỡng được thực hiện bằng cách chỉ cho phép tiếp cận khu vực để thực hiện các công việc trên mà có thể không phải tháo các bộ phận che chắn hoặc cơ cấu bảo vệ.

Các bộ phận che chắn có thể có các chức năng sau:

– Ngăn chặn sự tiếp cận không gian được rào lại bởi bộ phận che chắn và/hoặc

– Ngăn chặn/ thu giữ các vật liệu, chi tiết gia công, phoi, chất lỏng, có thể bị tống hoặc rơi ra từ máy và giảm các yếu tố phát ra (tiếng ồn, bức xạ, các chất nguy hiểm như bụi bẩn, khói, khí gas) do máy tạo nên.

Ngoài ra, các bộ phận che chắn cần có các tính chất riêng có liên quan đến điện, cháy nổ, rung động, tầm nhìn và ecgônômi của vị trí người vận hành (ví dụ, tính sử dụng các cử động của người vận hành, các tư thế, các chuyển động, cử động lặp lại).

Yêu cầu đối với các bộ phận che chắn cố định

Các bộ phận che chắn cố định phải được giữ chắc chắn ở vị trí:

– Bằng cách cố định, không tháo được (ví dụ, bằng hàn);

– Hoặc bằng các chi tiết kẹp chặt (vít, đai ốc) được ghi nhãn không thể tháo/mở được mà không dùng dụng cụ; các bộ phận che chắn này sẽ không còn tác dụng bảo vệ nếu không có các chi tiết kẹp chặt

Bộ phận che chắn cố định có thể có khớp bản lề để giúp cho việc đóng mở bộ phận này.

Yêu cầu đối với các bộ phận che chắn di động

* Các bộ phận che chắn di động để bảo vệ trước các mối nguy hiểm do các bộ phận truyền động sinh ra phải:

– Giữ được vị trí tương đối không thay đổi tới mức có thể so với máy hoặc kết cấu khác (thường là bằng các khớp bản lề hoặc các đường dẫn hướng) khi mở;

– Là các bộ phận che chắn khóa liên động (có cơ cấu khóa bộ phận che chắn khi cần thiết).

* Các bộ phận che chắn trước các mối nguy hiểm do các bộ phận di động không truyền động sinh ra phải được thiết kế và liên kết với hệ thống điều khiển của máy sao cho:

– Các bộ phận di động không thể khởi động được khi chúng ở trong tầm với của người vận hành và người vận hành không thể với tới các bộ phận di động một khi chúng đã khởi động; điều này có thể đạt được bằng các bộ phận che chắn khóa liên động có cơ cấu khóa khi cần thiết.

– Chúng chỉ có thể được điều chỉnh bằng tác động có chủ định, như sử dụng dụng cụ hoặc chìa vặn;

– Sự vắng mặt hoặc hư hỏng của một trong các phần cấu thành của chúng sẽ ngăn cản sự khởi động của các bộ phận di động hoặc dừng các bộ phận này; điều này có thể đạt được bởi sự giám sát tự động.

Yêu cầu đối với các bộ phận che chắn điều chỉnh được

Các bộ phận che chắn di động chỉ có thể được sử dụng khi vùng nguy hiểm không thể được che kín hoàn toàn vì lý do vận hành. Các bộ phận che chắn điều chỉnh được phải:

– Được thiết kế sao cho sự điều chỉnh giữ được cố định trong quá trình vận hành;

– Điều chỉnh được dễ dàng mà không phải dùng đến dụng cụ.

Yêu cầu đối với các bộ phận che chắn về khóa liên động có chức năng khởi động (bộ phận che chắn điều khiển)

Bộ phận che chắn khóa liên động có chức năng khởi động chỉ có thể được sử dụng khi đáp ứng được các yêu cầu sau:

– Thỏa mãn được tất cả các yêu cầu đối với các bộ phận che chắn khóa liên động;

– Thời gian chu kỳ của máy ngắn;

– Thời gian mở tối đa của bộ phận che chắn được đặt trước ở một giá trị thấp (ví dụ, bằng thời gian của chu kỳ). Khi vượt quá thời gian này thì chức năng nguy hiểm không thể bắt đầu được bởi việc đóng bộ phận che chắn khóa liên động có chức năng khởi động và việc chỉnh đặt lại là cần thiết trước khi khởi động máy;

– Các kích thước hoặc hình dạng của máy không cho phép người hoặc phần cơ thể người ở trong vùng nguy hiểm hoặc ở giữa vùng nguy hiểm và bộ phận che chắn khi được đóng (xem ISO 14120);

– Tất cả các bộ phận che chắn cố định (kiểu tháo được) hoặc di động được là các bộ phận che chắn khóa liên động;

– Cơ cấu khóa liên động liên kết với bộ phận che chắn khóa liên động có chức năng khởi động được thiết kế sao cho – ví dụ, bằng cách lặp lại các bộ phát hiện vị trí và sử dụng giám sát tự động – sự hư hỏng của cơ cấu này không dẫn đến khởi động không mong muốn/khởi động bất ngờ;

– Bộ phận che chắn được giữ chắc chắn ở vị trí mở (ví dụ, bằng lò xo hoặc đối trọng) sao cho nó không thể bắt đầu khởi động được khi rơi bởi chính trọng lượng của nó.

Mối nguy hiểm do các bộ phận che chắn

Phải chú ý ngăn chặn các mối nguy hiểm có thể được tạo ra bởi:

– Kết cấu của bộ phận che chắn (ví dụ, các cạnh hoặc góc sắc, vật liệu);

– Các chuyển động của các bộ phận che chắn (các vùng xén đứt, xoắn gãy hoặc nghiền nát được tạo ra bởi các bộ phận che chắn vận hành bằng năng lượng và các bộ phận che chắn nặng có thể bị rơi).

Đặc tính kỹ thuật của các cơ cấu bảo vệ

Các cơ cấu bảo vệ phải được lựa chọn, hoặc thiết kế và nối với hệ thống điều khiển sao cho thực hiện được đúng các chức năng an toàn của chúng và phải được lựa chọn phù hợp với tiêu chuẩn sản phẩm thích hợp hoặc được thiết kế theo một hoặc nhiều nguyên tắc được cho.

Các cơ cấu bảo vệ phải được lắp đặt và nối với hệ thống điều khiển sao cho chúng không thể bị mất tác dụng một cách dễ dàng.

Yêu cầu đối với các kiểu che chắn bảo vệ có thể lựa chọn

Cần có các yêu cầu để tạo điều kiện dễ dàng cho việc lắp các kiểu che chắn bảo vệ có thể lựa chọn trên máy khi biết rằng việc lắp này là cần thiết bởi vì công việc được thực hiện trên máy sẽ thay đổi.


(Nguồn tin: Trích: TCVN 7383-2:2004 (ISO 12100-2 : 2003) về An toàn máy – Khái niệm cơ bản, nguyên tắc chung cho thiết kế – Phần 2: Nguyên tắc kỹ thuật.)