Việt Nam ban hành các nghị định hướng dẫn triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:03(GMT +7)

Ngày 25/6/2015, Quốc hội thông qua Luật an toàn, vệ sinh lao động. Để triển khai đưa Luật vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật an toàn, vệ sinh lao động. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn này là cần thiết nhằm tăng tính khả thi và giảm thiểu vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật an toàn, vệ sinh lao động. Bài viết dưới đây giới thiệu 03 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật an toàn, vệ sinh lao động.

1. Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về:

– Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và một số chế độ khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

– Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

– Điều kiện, mức, hồ sơ và trình tự hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và phục hồi chức năng lao động.

– Quyền, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức.

Trong đó có một số nội dung đáng lưu ý như:

– Người sử dụng lao động hằng tháng đóng mức 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình.

– Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc một lần được tính trên cơ sở tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tất cả các hợp đồng lao động tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhưng không quá mức tối đa theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.

– Người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên trong khoảng thời gian bảo đảm kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp và được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả 100% mức chi khám bệnh nghề nghiệp.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chế độ hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và phục hồi chức năng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

2. Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật  An toàn, vệ sinh lao động.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về:

Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc. Theo đó, NSDLĐ phải thương xuyên theo dõi, giám sát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; có trách nhiệm lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại ít nhất 01 lần/năm; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, phải được kiểm tra đến cấp tổ, đội, phân xưởng.

Khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động và sự cố gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng. Nghị định quy định rõ cách thức phân loại tai nạn lao động để phục vụ cho việc khai báo, điều tra tai nạn lao động; quy định thời gian, mẫu khai báo tai nạn lao động, việc thành lập Đoàn điều tra TNLĐ, quy trình, thủ tục điều tra TNLĐ. Nghị định cũng quy định riêng việc khai báo, điều tra, báo cáo TNLĐ đối với NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; quy định việc phối hợp điều tra TNLĐ trong các trường hợp đặc biệt; quy định thời điểm, mẫu báo cáo TNLĐ; quy định riêng về khai báo, điều tra, báo cáo sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, sự cố gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng; quy định về chi phí điều tra TNLĐ và giải quyết chế độ TNLĐ cho NLĐ trong trường gợp vụ TNLĐ có quyết định khởi tố vụ án hình sự.

An toàn, vệ sinh lao động đối với lao động là người cao tuổi, NLĐ thuê lại, học sinh, sinh viên, người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao. Nghị định quy định cụ thể điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại lao động, trên cơ sở các quy định tại Điều 65 của Luật an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời bổ sung thêm các quy định mới nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi về ATVSLĐ của NLĐ cho thuê lại. Đồng thời, Nghị định cũng quy định việc hỗ trợ của cơ sở đào tạo đối với học sinh, sinh viên trong thời gian thực hành bị TNLĐ, bao gồm từ việc sơ cứu, cấp cứu, thanh toán chi phí y tế đến việc hỗ trợ bằng tiền cho học sinh, sinh viên bị tai nạn dựa trên mức lương cơ sở. Ngoài ra, Nghị định cũng đề cập đến việc đảm bảo ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao.

An toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Nghị định quy định trách nhiệm ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; quy định việc tổ chức bộ phận an toàn, bộ phận y tế,  hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở.

3. Nghị định số 44/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động

hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

Ngoài các quy định về điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, hướng dẫn hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận, thủ tục và thẩm quyền gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận cũng như trách nhiệm của Tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, Nghị định cũng quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ phải kiểm định lần đầu trước khi đưa vào sử dụng hoặc kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng và chỉ được đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ được kiểm định đạt yêu cầu.

Về hoạt động Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Nghị định quy định cụ thể nội dung huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng: (1) Người quản lý, phụ trách công tác ATVSLĐ; (2) Người làm công tác ATVSLĐ; (3) NLĐ làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; (4) NLĐ không thuộc các nhóm (1, 2 và 3); (5) Người làm công tác y tế; và (6) An toàn, vệ sinh viên. Nghị định cũng quy định hỗ trợ kinh phí huấn luyện đối với người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số… làm việc không theo hợp đồng lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

Về hoạt động Quan trắc môi trường lao động

Nghị định quy định rõ hoạt động quan trắc môi trường lao động về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc môi trường lao động. Theo đó, tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động phải có các điều kiện: Là đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ quan trắc môi trường lao động; có đủ nhân lực thực hiện hoạt động quan trắc môi trường lao động; có cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất và năng lực bảo đảm yêu cầu tối thiểu….

KẾT LUẬN

Những văn bản mới này ra đời chính là hành lang pháp lý để thực thi Luật ATVSLĐ ở cấp Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, để Luật triển khai hiệu quả cần phải huy động và tạo sự đồng thuận, chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức công đoàn và các tổ chức chính  trị, xã hội, quần chúng nhân dân trong công tác ATVSLĐ. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, các tổ chức, hiệp hội cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục người lao động tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia thực hiện quyền kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động, người lao động cũng cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ; thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình được quy định trong Luật.

GS. TS. Lê Vân Trình

Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động


(Nguồn tin: Nilp.vn)