Bảo vệ cơ quan hô hấp cho người lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:03(GMT +7)

Bảo vệ cơ quan hô hấp là vấn đề phức tạp và quan trọng nhất nhằm chống hơi khí độc và bụi bằng các loại mặt nạ chống độc. Trước hết phải quan sát tổng quát các yếu tố độc hại rồi xác định cách ứng phó thích hợp (hình 1)

Hình 1: Sơ đồ nguy cơ độc hại của không khí và phương tiện bảo vệ đường hô hấp

1. Quan điểm sử dụng mặt nạ chống độc

+ Các mặt nạ chống độc là phương tiện phòng hộ cá nhân, chỉ dùng khi:

– Phương pháp phòng hộ khác không đủ hiệu quả loại trừ các chất độc trong không khí nơi làm việc

– Không thể áp dụng các phương pháp khác vì không kinh tế (tốn kém).

+ Sử dụng mặt nạ để bảo vệ đường hô hấp của công nhân chỉ được xem là một biện pháp nhất thời, trong khi đó cần tìm và áp dụng các biện pháp kỹ thuật hữu hiệu hơn đối với những công tác lâu dài.

+ Người dùng mặt nạ phải biết tính chất của chất độc, tính năng của mặt nạ, sự hạn chế của mặt nạ, sử dụng thành thạo mặt nạ, phương pháp cấp cứu…

+ Dùng mặt nạ không thể thay thế cho việc kiểm tra nồng độ chất độc trong không khí nơi làm việc.

2. Yêu cầu chung

Mặt nạ chống độc cần đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Có hiệu quả bảo vệ đường hô hấp, chống được các chất độc trong không khí dưới mọi dạng và ở mọi nồng độ.

+ Thời hạn sử dụng phù hợp với yêu cầu công việc

+ Phải kín, nhẹ, dễ sử dụng, dễ bảo quản.

+ Không hoặc ít gây rối loạn các chức năng sinh lý của người dùng về hô hấp, tuần hoàn, da, tai, mắt,…

3. Những bất lợi của mặt nạ chống độc

Dù đạt yêu cầu phòng chống độc, nhưng người dùng ít nhiều bị những trở ngại sinh lý do mặt nạ gây ra. Về sức khỏe, điều đó cần được quan tâm.

a. Rối loạn do mặt trùm khi đeo mặt nạ

+ Thị trường bị giảm từ 14% – 60%, hiện nay đã khắc phục được một phần.

+ Thính lực giảm, không nghe thấy tiếng nói bên ngoài.

+ Đau đầu do mạch máu da đầu bị chèn ép.

+ Khó chịu ở mặt do bờ mặt nạ đè lên da mặt.

b. Rối loạn do thay đổi điều kiện hô hấp và tim mạch

Chủ yếu là đối với mặt nạ kiểu lọc, có các nhược điểm sau đây:

+ Sức cản hô hấp tăng vì không khí hít vào và thở ra phải đi qua nhiều tầng lớp trong hộp lọc, phải gắng sức mới thở được, do đó gây mệt và giảm khả năng lao động, đặc biệt khi vừa đeo mặt nạ vừa lao động nặng.

+ Tim phải làm việc nhiều do sức cản hô hấp tăng.

+ Mạch nhanh…

c. Khoảng trống có hại (hay không gian chết) trong mặt nạ

Đó là khoảng không gian bên trong mặt nạ còn lưu lại không khí thở ra chưa thoát ra hết và lại được hít vào, đặc biệt đối với loại mặt nạ kiểu lọc. Những kiểu mặt nạ mới đã khắc phục phần lớn những trở ngại đó, do thay đổi cấu trúc mặt nạ và làm bằng vật liệu mới…

d. Gánh nặng đối với cơ thể

Mặt nạ kiểu gì cũng ít nhiều gây trở ngại cho cơ thể.

Đặc biệt mặt nạ cách ly tự động, người dùng phải đeo trên lưng một trọng lượng từ 5 – 10kg,  đó là một gánh nặng thật sự trong suốt thời hạn sử dụng.

Gánh nặng đó ảnh hưởng đến sinh lý cơ thể. Nếu là lao động thể lực thì ảnh hưởng càng tăng

4. Những yêu cầu của môi trường lao động (MTLĐ) phải dùng mặt nạ

Những trường hợp sau đây phải dùng mặt nạ:

+ Thành phần của không khí không bình thường.

+ Tỷ lệ O2 trong không khí đủ, nhưng các chất độc ở dạng khí và hơi, bụi, khí dung, mù sương… có mặt vượt quá nồng độ cho phép.

a. Trường hợp không khí thiếu O2 và làm việc trong không gian kín (bồn, bể, hầm…)

Trong trường hợp này cần:

+ Dùng mặt nạ cách ly tự động.

+ Dùng mặt nạ có mặt trùm với ống dẫn không khí sạch thở tự do hay thở dưới áp suất, gọi tắt là mặt nạ cấp không khí sạch.

b. Trường hợp không khí đủ O2

Để chống các khí và hơi độc cần căn cứ vào nồng độ của chúng để chọn mặt nạ.

+ Nếu nồng độ nguy hiểm tức khắc đến tính mạng thì dùng một trong các loại mặt nạ sau đây:

– Mặt nạ cách ly tự động

– Mặt nạ kiểu lọc với hộp lọc đặc biệt

– Mặt nạ có mặt trùm với ống dẫn không khí sạch dưới áp suất (cấp không khí sạch).

+ Nếu nồng độ không nguy hiểm đến tính mạng thì dùng một trong hai loại mặt nạ sau đây:

– Mặt nạ kiểu lọc.

– Mặt nạ có mặt trùm với ống dẫn không khí sạch thở tự do hay dưới áp suất.

+ Để chống bụi có thể dùng một trong hai loại mặt nạ sau đây:

– Mặt nạ kiểu lọc.

– Mặt nạ có mặt trùm với ống dẫn không khí sạch dưới áp suất (phun cát, thổi sạch đất cát ở vật đúc sau khi rỡ khuôn v.v…)

5. Các loại mặt nạ

a. Mặt nạ kiểu lọc

Nguyên tắc của mặt nạ là người dùng mặt nạ sử dụng (thở) ngay không khí tại nơi làm việc sau khi đã được lọc sạch bằng hộp lọc. Các chất độc được giữ lại ở hộp lọc hay cát tút (cartouche).

– Mặt nạ kiểu lọc chống bụi

Dùng mặt nạ kiểu lọc này khi yếu tố chủ yếu là bụi

Đối với các bụi thường không ảnh hưởng đến mắt thì dùng loại bán mặt nạ cùng hộp lọc (cát tút lọc) gắn liền với mặt nạ.

Đối với bụi độc, khói, mù, khí dung thì dùng mặt nạ che cả mắt, cát tút lọc gắn liền.

Cát tút lọc bụi chủ yếu chứa các màng lọc bằng các vật liệu tổng hợp.

 Hiệu quả chống bụi tùy theo phẩm chất các tút lọc và độ kín của mặt nạ đối với mặt.

Trở ngại thường gặp đối với mặt nạ chống bụi kiểu lọc là thở khó, bị chèn ép da mặt, dị ứng da do vật liệu làm mặt nạ gây ra.

– Mặt nạ kiểu lọc chống hơi khí độc

Ngoài phần mặt nạ, bộ phận chủ yếu là hộp lọc có thể hấp phụ hoặc trung hòa các khí độc, hộp lọc này chỉ đặc hiệu cho một khí hoặc một nhóm khí. Người dùng mặt nạ thở không khí tại chỗ sau khi không khí được lọc sạch bằng hộp lọc.

Hộp lọc có thể dùng được trong môi trường không khí có các chất độc như:

+ Các hơi hữu cơ (tới 1000 ppm)

+ Các hơi axit (tới 500 ppm)

+ NH3 và Hg (tới 700 ppm)

Có loại hộp lọc có thể lọc được cả hơi, khí và bụi.

Cũng có loại hộp lọc đa năng dùng chống nhiều loại hơi, khí, được cấu tạo bởi nhiều lớp và tầng lọc, gồm có các chất hấp phụ và các chất trung hòa…

Mặt nạ và hộp lọc được sử dụng tùy theo công việc và tình trạng hơi khí độc ở nơi làm việc.

Các yêu cầu khi sử dụng mặt nạ kiểu lọc là:

– Biết bản chất của chất độc để lựa chọn hộp lọc thích hợp và đặc hiệu.

– Biết rõ sự hạn chế về thời gian sử dụng của hộp lọc để kịp thời thay thế, tránh tai nạn nhiễm độc do hộp lọc hết hiệu lực

– Bảo đảm độ kín của mặt nạ và sự hoàn hảo của van thở.

– Tôn trọng các nguyên tắc bảo quản mặt nạ.

b. Mặt nạ cấp không khí sạch

Nguyên tắc của loại mặt nạ này là không sử dụng không khí tại chỗ mà sử dụng không khí cách xa nguồn ô nhiễm.

Không khí có thể được dẫn vào mặt nạ do sự hít vào của người dùng (mặt nạ cấp không khí tự do) hoặc không khí có thể được dẫn vào mặt nạ do một máy nén khí (mặt nạ cấp không khí nén).

Nguồn không khí vào mặt nạ phải đảm bảo sạch (phải có sự kiểm tra và giám sát).

Hiệu quả và hạn chế của mặt nạ cấp không khí sạch là:

– Dùng trong môi trường không khí thiếu O­2, không hạn chế thời hạn sử dụng.

– Có thể phòng tránh được các chất độc trong không khí (hơi khí, bụi,…).

– Mặt nạ cấp không khí nén có ưu điểm là duy trì được áp suất dương bên trong mặt nạ.

– Mặt nạ cấp không khí tự do có nhược điểm chủ yếu là sức cản hô hấp cao. Quy định ống dẫn không khí phải có đường kính trong tối thiểu 2,5cm và chiều dài có thể trên 15m.

– Nhược điểm chung của loại mặt nạ này là phạm vi hoạt động của người dùng bị hạn chế. Nó được dùng cho các công việc trong các không gian kín…

Ngày nay người ta đã kết hợp các ưu điểm của mặt nạ kiểu lọc (người đeo có thể di động, sử dụng đơn giản) và mặt nạ cấp không khí nén (kín, sức cản hô hấp thấp) để thành một loại mặt nạ mới bằng cách:

+ Trang bị một máy nén khí mini chạy bằng bình ắc quy.

+ Không khí có chất độc được dẫn qua bộ lọc để lọc sạch rồi được dẫn lại vào mặt nạ với áp suất dương.

+ Bộ lọc và máy nén được đeo ở thắt lưng.

Người ta đánh giá mặt nạ này tốt hơn mặt nạ kiểu lọc thông thường.

c. Mặt nạ cách ly tự động

Nguyên tắc hoạt động:

Mặt nạ cách ly tự động không dùng không khí tại chỗ mà dùng nguồn không khí, hoặc hỗn hợp O2 riêng cho mặt nạ cung cấp (cách ly khỏi môi trường và tự cấp khí  thở).

Loại mặt nạ này có thể được dùng chống mọi loại chất độc, không hạn chế phạm vi hoạt động của người dùng nhưng hạn chế về thời gian sử dụng.

Nguồn khí thở được cấp trực tiếp cho mặt nạ có thể là một trong các nguồn sau đây:

O2 hoặc không khí nén trong bình bằng thép.

Không khí được bổ sung thêm O2

Có bộ phận sản sinh O2 cung cấp cho mặt nạ (nay ít dùng)

Kiểu mặt nạ cách ly tự động được chia ra làm 2 loại là:

+ Mặt nạ vòng kín: Khí thở ra được giữ lại trong vòng hô hấp, trộn lẫn với O2 thành không khí thở có tỷ lệ gần như không khí thường rồi được tái sử dụng.

+ Mặt nạ vòng hở: Khí thở ra được thải khỏi vòng thở (không khí nén đi qua mặt nạ vào vòng hô hấp, khí thở ra được đưa ra khỏi mặt nạ).


(Nguồn tin: Theo cuốn “Vệ sinh lao động”, NXB Khoa học Kỹ thuật, 2010)