5 bước giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương liên quan tới máy móc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:48(GMT +7)

Mặc dù máy móc, thiết bị không thể thiếu trong hoạt động sản xuất hiện đại, các sự cố liên quan tới máy móc vẫn là nguyên nhân phổ biến gây thương tích ở các nhà máy, xí nghiệp và những nơi làm việc khác.

Ảnh hưởng của những chấn thương liên quan tới máy móc có thể rất đáng kể. Thương tổn thường bao gồm từ những vết trầy xước nhỏ tới khả năng tàn tật vĩnh viễn và thậm chí tử vong. Những sự cố này không chỉ gây tốn kém tiền của và lãng phí thời gian do thiệt hại về máy móc, thiết bị, mà chúng còn có thể gây tác động tiêu cực tới tinh thần của người lao động (NLĐ).

Do các thương tích nghiêm trọng có khả năng xảy ra rất nhanh, chỉ trong vài giây, trách nhiệm quan trọng của người sử dụng lao động là phải đảm bảo rằng cơ sở đã thực hiện đủ các bước nhằm giữ an toàn cho NLĐ khi họ vận hành hay làm việc với các loại máy móc, thiết bị khác nhau.

Bài này sẽ thảo luận một số bước sau:

1) Thực hiện kiểm toán an toàn đối với cơ sở

Chúng ta chỉ có thể cải thiện những gì đo lường được. Việc tạo lập một môi trường với rủi ro thấp nhất về các chấn thương liên quan tới máy móc bắt đầu bằng việc xác định các mối nguy hiện có và những vấn đề an toàn trong nhà xưởng. Một phần không thể thiếu của quá trình này là hoạt động đánh giá rủi ro nhằm nhận diện các rủi ro chấn thương có thể xảy ra khi vận hành máy móc, thiết bị trong nhà xưởng, và cách giảm thiểu chúng.

Kiểm toán giúp cơ sở xác định được điểm mạnh và hạn chế. Hoạt động này giúp tập trung mọi sự chú ý và nguồn lực vào những điểm cần quan tâm mà không gây lãng phí thời gian can thiệp vào các quá trình đã hoạt động hiệu quả.

Kiểm toán an toàn nên bao gồm hai hoạt động chính:

· Đánh giá rủi ro thiết bị: Cơ sở nên tiến hành đánh giá rủi ro trước khi một loại máy móc, thiết bị được lắp đặt hay đi vào vận hành. Hoạt động đánh giá rủi ro này sẽ tập trung vào tất cả các loại nguy cơ có thể xuất hiện trong quá trình lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, và sự cố, và những tác động có thể có tới người vận hành. Cơ sở cần cân nhắc một số vấn đề sau:

– Thiết bị mới có truyền rung động liên tục tới bàn tay và cánh tay NLĐ hay không?

– Thiết bị có phát ra ánh sáng chói mắt hay không?

– Có cơ cấu bao che giúp hạn chế va chạm với các bộ phận chuyển động, bộ phận phát ra nhiệt độ cao của thiết bị hay không?

– Nguồn năng lượng của thiết bị (như nhiệt, ga, điện) có khả năng gây rủi ro cho NLĐ hay không?

– Có rủi ro nào về cơ xương khớp do vận hành thiết bị trong thời gian dài ở các tư thế cúi hoặc ngồi xổm hay không?

· Đánh giá rủi ro môi trường lao động: Bên cạnh các loại máy móc, thiết bị, môi trường lao động nói chung cũng cần phải được đánh giá an toàn. Cơ sở cần kiểm tra để đảm bảo NLĐ có thể làm việc mà không bị phân tâm (ví dụ: do quá nóng, quá lạnh, tiếng ồn quá cao). Khu vực làm việc có đủ khoảng không cần thiết để NLĐ di chuyển mà không va chạm vào máy móc, thiết bị hay không? Mức độ chiếu sáng có đủ hay không? Nhà xưởng có sạch sẽ và gọn gàng không? Có lỗ hổng nào trên mái hoặc cửa sổ khiến nước lọt vào đọng trên sàn nhà và gây ra nguy cơ trượt ngã hay không?.v.v.

Những thông tin nêu trên sẽ giúp xây dựng một chiến lược an toàn toàn diện, kết hợp mọi góc độ mà từ đó có thể phát sinh vấn đề. Điều đó đưa tới bước tiếp theo.

2)  Sử dụng các biện pháp kiểm soát an toàn chủ động

Từ thông tin thu được qua kiểm toán an toàn, cơ sở có thể tập trung xây dựng một hệ thống chủ động, hiệu quả trong phòng ngừa tai nạn. Điều này có thể đạt được thông qua:

Các biện pháp kiểm soát an toàn tích hợp sẵn trong thiết bị

Hầu hết các nhà sản xuất có uy tín đều cung cấp máy móc, thiết bị đi kèm các giải pháp kiểm soát an toàn tích hợp có thể giúp giảm thiểu thương tích. Do đó, trước khi mua máy móc, thiết bị phục vụ công việc, điều quan trọng là cơ sở phải kiểm tra liệu chúng có được cung cấp kèm theo các biện pháp kiểm soát hoạt động giúp tăng cường an toàn khi vận hành hay không.

Một vài ví dụ về các biện pháp kiểm soát an toàn tích hợp phổ biến nhưng rất hiệu quả bao gồm thiết bị dừng khẩn cấp, tính năng an toàn khi xảy ra sự cố, kết cấu bao che vùng nguy hiểm, v.v.

Các chính sách và quy trình an toàn

Quy trình an toàn của các cơ sở sẽ khác nhau tùy thuộc vào ngành công nghiệp và loại thiết bị được sử dụng. Tuy nhiên, nhìn chung, cơ sở cần có một chính sách an toàn bao quát được các nội dung chi tiết sau:

· Quy trình vận hành thiết bị theo từng bước

· Loại quần áo được phép ra vào phạm vi khu vực đặt máy và phương tiện bảo vệ cá nhân cần sử dụng

· Cấm sử dụng đồ uống có cồn và các chất kích thích đối với người chịu trách nhiệm vận hành máy

· Thời gian và cách thức báo cáo khi xảy ra sự cố hay lỗi thiết bị

3) Huấn luyện an toàn

Việc huấn luyện an toàn đầy đủ và thường xuyên là hết sức cần thiết để giảm thiểu nguy cơ từ máy móc, thiết bị. Trên thực tế, điều này là bắt buộc.

Bất cứ NLĐ nào có nhiệm vụ vận hành máy cũng phải được đào tạo và có nhận thức đầy đủ về tất cả các loại nguy cơ liên quan – bước này đặc biệt quan trọng đối với NLĐ mới. Lý tưởng nhất là những thông tin này được cung cấp thông qua nhiều kênh khác nhau như tài liệu in sẵn, các đoạn phim ngắn hoặc thông báo và cảnh báo an toàn. Ngoài ra, cần có chức năng giám sát đầy đủ để quản lý nhân viên mới và đảm bảo họ tuân thủ đúng các quy trình an toàn.

Tuy nhiên, nội dung của hoạt động huấn luyện an toàn chưa kết thúc tại đó. Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên huấn luyện lại đối với NLĐ lâu năm nhằm tránh một số rủi ro do chủ quan trong công việc.

4) Thường xuyên bảo trì thiết bị

Bảo trì thiết bị thường xuyên là chìa khóa giúp đảm bảo an toàn cho NLĐ. Nhiều vấn đề an toàn có thể phát sinh do hoạt động bảo trì kém chất lượng hoặc không được thực hiện đầy đủ. Một trong những nguyên nhân là máy móc, thiết bị được bảo trì kém chất lượng dễ xảy ra trục trặc mà không có cảnh báo trước và đặt NLĐ làm việc gần đó vào tình thế rủi ro.

Một ảnh hưởng khác của hoạt động bảo trì không thường xuyên là bộ phận làm công tác bảo trì thường sẽ phải tốn nhiều thời gian để tìm ra các vấn đề giúp khôi phục hoạt động của thiết bị sau sự cố do máy móc ngừng hoạt động không theo kế hoạch. Nếu thói quen sửa chữa khẩn cấp kéo dài đủ lâu, sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi hoạt động của doanh nghiệp bị tê liệt do số lượng lớn các hoạt động bảo trì bị trì hoãn.

Một vấn đề điển hình của các nhiệm vụ bảo trì gấp gáp hoặc khẩn cấp đó là áp lực phải sửa chữa xong đúng thời hạn, điều này có thể khiến NLĐ lựa chọn thực hiện một vài thao tác làm tắt không an toàn. Ví dụ, thợ máy sửa chữa một thiết bị quan trọng bị ngừng hoạt động khi đang trong quá trình sản xuất có thể sẽ không cẩn thận tuân thủ các quy trình Logout-Tagout (LOTO – quy trình tắt máy, cách ly nguồn năng lượng và đặt thẻ cảnh báo). Điều này thường dẫn tới các sự cố an toàn nghiêm trọng, đặc biệt khi các thiết bị điện không được tắt đúng cách. Theo OSHA, việc không tuân thủ LOTO là một trong những vi phạm được dẫn chứng nhiều nhất trong các ngành công nghiệp.

5) Kiểm tra sự tuân thủ

Nếu cơ sở đã thực hiện theo các bước nêu trên một cách cẩn thận, hoạt động của cơ sở sẽ tiếp tục thuận lợi trong nhiều năm mà không có sự cố tổn thương nghiêm trọng nào xảy ra; Kết quả của các cuộc điều tra và kiểm toán sẽ cho thấy không có vấn đề an toàn nào cần xử lý; NLĐ tại doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiệm vụ hàng ngày của họ mà không có hoặc có rất ít báo cáo về sự không tuân thủ các quy định/quy trình. Tuy nhiên, trong điều kiện như vậy, cơ sở vẫn chưa thể buông lỏng hay ăn mừng. Trên thực tế, các chuyên gia an toàn đã quan sát và nhận định rằng sự chủ quan trong một tổ chức là điều thường dẫn tới các sự cố lớn.

Điều này xảy ra bởi sau khi đã thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại nhiều lần, xu hướng cảm thấy nhàm chán và chủ quan trong công việc là rất cao. Việc tổ chức các hoạt động kiểm tra định kỳ có và không có kế hoạch là một trong những cách đã được chứng minh sẽ giải quyết được vấn đề này. Những cuộc kiểm tra như vậy giúp đảm bảo rằng các quy trình đã được phê duyệt sẽ luôn được thực hiện đúng và đầy đủ.

Kết luận

Một điều chắc chắn là người sử dụng lao động cần phải thận trọng với vấn đề an toàn trong nhà máy, xưởng sản xuất bởi nếu họ không thực hiện đủ các bước được khuyến nghị nhằm bảo vệ NLĐ khỏi các nguy cơ tổn thương liên quan tới máy móc, họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho các thương tổn kéo dài. Tuy nhiên, việc thiết lập một nơi làm việc an toàn sẽ dễ dàng hơn nếu an toàn máy – thiết bị được coi là trách nhiệm của tất cả mọi người.

Biên dịch: Hoàng Phương


(Nguồn tin: ISHN)