Tình hình đau thắt lưng ở công nhân lái xe Bella tiếp xúc với rung toàn thân

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:45(GMT +7)

Nghiên cứu được tiến hành nhằm tìm hiểu tình hình đau thắt lưng (ĐTL) ở công nhân tiếp xúc với rung toàn thân. 126 công nhân lái xe Bella và 102 các công nhân khác (không phải lái xe) được phỏng vấn, khám lâm sàng, chụp xquang.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Rung xóc ở xe Bella vượt quá tiêu chuẩn cho phép ở các dải ốc ta tần số 4Hz, 8Hz, 16 Hz; với vận tốc rung từ 1,35-4,6 cm/s ở tất cả các phương Z, X, Y và với gia tốc rung từ  0,7- 4,25 m/s2.  ĐTL chiếm một tỉ lệ khá cao trong công nhân lái xe Bella: 70,6% công nhân có tiền sử ĐTL trong quá trình lao động và tỉ lệ ĐTL tại thời điểm điều tra là 59,5%, cao gấp 5,26 lần trong tiền sử  và 4,08 lần ở hiện tại so với nhóm các công nhân khác (p<0,001). ĐTL chủ yếu là dưới 7 ngày/đợt chiếm 69,7%; xuất hiện ĐTL chủ yếu là sau ca làm việc: 88,7%. Mức độ đau, tần số ĐTL ở nhóm công nhân lái xe cao hơn so với nhóm so sánh. Tỷ lệ giảm độ giãn cột sống thắt lưng ở nhóm nghiên cứu cao hơn hẳn nhóm so sánh (41,6% so với 21,9% với p<0,05). Hình ảnh Xquang bất thường ở nhóm nghiên cứu cao hơn nhóm so sánh (81,3% so với 72,0%). Đặc biệt hình ảnh về thoái hoá đốt sống thắt lưng có sự khác biệt rõ rệt (78,1% so với 36,0%) với nguy cơ mắc phải cao hơn 6,35 lần (OR) và với p<0,02.

Các tác giả khuyến nghị cần áp dụng các biện pháp để làm giảm tỷ lệ ĐTL ở các công nhân tiếp xúc với rung toàn thân.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Lực lượng lái xe trong các ngành nghề hiện nay là rất lớn, chủ yếu tập trung vào đội ngũ lái xe vận tải ngành giao thông và xe máy thi công của các ngành xây dựng, khai thác than, khai thác đá…

Nhiều nghiên cứu cho thấy sức khỏe của các công nhân lái xe bị ảnh hưởng rất nhiều của các yếu tố có hại trong môi trường lao động, tư thế lao động và đặc biệt là phải tiếp xúc với yếu tố rung toàn thân thường là rung tần số thấp-yếu tố gây tác hại đặc trưng. Có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ ĐTL ở những người lái xe cao hơn hẳn so với nhóm chứng. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống, khả năng lao động, năng suất lao động của công nhân. Ở một số nước như Liên Xô cũ, Ba Lan, Tiệp Khắc, Pháp… thì bệnh do rung tần số thấp đã được xếp vào trong danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm; ở Việt Nam trong số các bệnh nghề nghiệp đã được bảo hiểm thì chưa có bệnh này.

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Mô tả thực trạng đau thắt lưng ở công nhân lái xe Bella tiếp xúc với rung toàn thân

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

– Địa điểm nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành tại tỉnh QN.

– Đối tượng nghiên cứu:

+ Nhóm I (Nhóm nghiên cứu): 126 công nhân lái xe Bella

+ Nhóm II (Nhóm so sánh): 102 công nhân không phải lái xe (bảo vệ, thợ điện…)

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

2.2.1. Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu dịch tễ học mô tả cắt ngang, có so sánh.

2.2.2. Phương pháp tính cỡ mẫu

Cỡ mẫu được tính theo công thức:

2.2.3. Phương pháp thu thập số liệu

*  Thu thập số liệu về điều kiện lao động đặc thù ở công nhân lái xe:

Trên ca bin xe đo đạc các chỉ tiêu:

       – Đo gia tốc và vận tốc rung theo các phương X, Y, Z

       – Đánh giá ecgônômi vị trí lao động

Các phương pháp đo đạc, đánh giá kết quả tuân theo thường quy kỹ thuật của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (2009)

* Thu thập số liệu về tình hình ĐTL ở các công nhân lái xe:

        – Hỏi bệnh (theo bảng câu hỏi) về:

+ Thời gian ĐTL

+ Tình trạng bệnh – Mức độ đau

+ Tần số đau

+ Thời gian nghỉ việc do ĐTL

+ Điều kiện xuất hiện ĐTL

         – Phần thăm khám:

+ Hình dạng cột sống

+ Tình trạng cơ cạnh cột sống

+ Các điểm đau nhói

+ Các nghiệm pháp:    – Nghiệm pháp Schober

         – Nghiệm pháp tay đất

+ Khám các dấu hiệu ép rễ thần kinh: . Dấu hiệu Lasègue

                                                        . Điểm đau Valleix

       – Cận lâm sàng: Chụp phim X quang cột sống vùng thắt lưng (theo tư thế thẳng và nghiêng).

2.2.4. Phương pháp xử lý số liệu

Các số liệu được xử lý bằng phương pháp thống kê dịch tễ học trên chương trình EPIINFO và SPPP 15.0

III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

1. Điều kiện lao động đặc thù ở công nhân lái xe

Kết quả đo rung xóc tại xe Bella cho thấy:

        – Vận tốc, gia tốc rung đo được khi có tải đều nhỏ hơn khi không tải đối với rung thẳng đứng, còn đối với rung nằm ngang thì ngược lại khi có tải vận tốc, gia tốc rung đo được lớn hơn khi không có tải.

        – Rung xóc ở xe Bella vượt quá tiêu chuẩn cho phép (so với TCVN 5216-90) ở các dải ốc ta tần số 4Hz, 8Hz, 16 Hz; với vận tốc rung từ 1,35-4,6cm/s ở tất cả các phương Z, X, Y và với gia tốc rung từ 0,7-4,25 m/s2.

100% các công nhân được phỏng vấn đều cảm thấy khó chịu với rung xóc của xe khi làm việc. Kết quả nghiên cứu này của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của nhiều tác giả khác trong nhiều năm qua khảo sát thấy các công nhân lái xe máy thi công và ô tô vận tải trên 10 tấn đều phải chịu ảnh hưởng của rung xóc vượt quá giới hạn tối đa cho phép ([5], [6]). Nghiên cứu về điều kiện lao động của công nhân lái máy kéo, Hoàng Văn Bính [2] thấy rung xóc trên máy kéo cũng có tần số 8-16 Hz, với vận tốc rung từ 0,16-13,6 m/s, vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Đánh giá ecgônômi vị trí lao động của công nhân lái xe cho thấy tư  thế ngồi lái của các công nhân lái xe là tương đối thuận lợi. Tuy nhiên các ghế ngồi lái xe của công nhân tuy có chiều cao ở mức độ vừa phải nhưng tựa lưng đều hỏng, không điều chỉnh được và với chế độ làm việc là 3 ca/ ngày, mỗi một ca lái xe chạy khoảng 14-15 chuyến với cung độ 3500-3800 mét; thời gian phải ngồi lái xe trực tiếp trong mỗi ca khoảng từ 5-6 giờ thì đây cũng là một yếu tố không có lợi cho vùng thắt lưng của các công nhân lái xe.

Như vậy các công nhân lái xe phải làm việc trong một điều kiện đặc biệt là tiếp xúc với rung toàn thân trong suốt thời gian lao động với một tư thế ngồi bắt buộc khi làm việc-đây chính là yếu tố nghề nghiệp đặc thù ảnh hưởng xấu đến vùng cột sống của các công nhân lái xe mà đặc biệt là vùng thắt lưng. Trong khi đó các công nhân nhóm II là nhóm các công nhân khác, tính chất công việc của nhóm các công nhân này tuy khác nhau nhưng có một đặc điểm chung là không phải tiếp xúc với rung toàn thân. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa hai nhóm nghiên cứu của chúng tôi.

2. Tình hình đau thắt lưng ở công nhân lái xe

Nghiên cứu tiến hành trên 126 công nhân lái xe (nhóm I) và 102 nhóm các công nhân khác không phải lái xe (nhóm II). Không có sự khác biệt về tuổi đời và tuổi nghề của công nhân giữa hai nhóm.

Tỷ lệ đau thắt lưng của công nhân:

Điều tra 126 công nhân lái xe Bella thấy 89 công nhân đã từng có ĐTL trong thời gian làm việc (chiếm 70,6%) và hiện tại tại thời điểm điều tra có 75 công nhân lái xe có ĐTL (chiếm 59,5%). Ở nhóm công nhân không phải lái xe có 32 công nhân (chiếm 31,4%) có tiền sử ĐTL và 27 công nhân (chiếm 26,5%) có ĐTL tại thời điểm điều tra trong số 102 đối tượng nghiên cứu. Kết quả này cho ta thấy tỉ lệ ĐTL ở nhóm công nhân lái xe cao, cao gấp 5,26 lần trong tiền sử và 4,08 lần ở hiện tại so với nhóm công nhân không phải lái xe với p<0,001.

Tỷ lệ ĐTL của công nhân lái xe lái xe Bella theo nghiên cứu của chúng tôi là cao hơn so với. Nguyễn Duy Thiết, 1976 [5] cũng nghiên cứu về tỷ lệ ĐTL ở công nhân lái xe Bella cho thấy tỷ lệ này là 29%. Nghiên cứu của Nguyễn Xuân Đính [4] cho thấy 16,7% công nhân lái xe tải có đau CSTL và theo Phạm Đắc Thuỷ [6] thì ĐTL do ảnh hưởng của rung xóc là 13,27%. Theo số liệu của Coerman R., 1970 [8] thì tỷ lệ ĐTL ở những người lái máy kéo là 70% và theo nghiên cứu của Nakata M. [9] thì tỷ lệ này là 62%. Rufa’i AA. Nghiên cứu trên 200 lái xe tuổi từ 19-64 thấy: tỷ lệ lái xe có ĐTL là 73,5%; 74% có ảnh hưởng đến hoạt động lái xe và có mối liên quan giữa ĐTL với lái xe làm việc trên 15h/ngày [10]. Bovenzi M nghiên cứu cho thấy có sự tích luỹ ĐTL ở 537 lái xe [7].

Nhiều tác giả nghiên cứu và cũng đã khẳng định có mối liên quan giữa ĐTL với tuổi đời và tuổi nghề của công nhân. Nhưng trong nghiên cứu của chúng tôi tỉ lệ ĐTL nhìn chung cũng tăng dần theo nhóm tuổi đời và tuổi nghề ở cả trong tiền sử và hiện tại.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, ĐTL kéo dài trên 7 tuần ở công nhân lái xe là 12,4%. Tỷ lệ này cao gấp 2,12 lần so với nhóm các công nhân khác (p>0,05) và cũng cao hơn so với một vài nghiên cứu khác. Theo Frymoyer thì ĐTL mạn tính chiếm 5% trong tổng số trường hợp ĐTL. Theo một báo cáo từ Phần Lan thì tỷ lệ này là 3,6% vào năm 1964 và 7,1% vào năm 1976. Rowland G.H. và cộng sự, John DW cho biết số người ĐTL mạn tính chiếm khoảng 10% tổng số những người ĐTL [1].

Mức độ ĐTL ở các công nhân chủ yếu là mức 1. ĐTL ở mức 2 và 3 ở nhóm I có tỷ lệ cao hơn nhóm II. ĐTL mức 4, 5 chỉ gặp ở nhóm I, không gặp trường hợp nào ở nhóm II.

Tần số xuất hiện ĐTL ở các công nhân lái xe chủ yếu là ở mức 2 (43,8%) và mức 3 (28,1%). Các công nhân ở nhóm khác thì tần số xuất hiện ĐTL lại chủ yếu là mức 1 và  mức 2 (46,9% và 40,6%). Công nhân lái xe có tần số xuất hiện ĐTL mức 3, 4 cao; cao gấp 3,78 lần (mức 3) và 6,79 lần (mức 4) so với công nhân nhóm II có ý nghĩa thống kê (p<0,05); có lẽ là do ảnh hưởng đặc thù của điều kiện lao động làm thuận lợi cho việc xuất hiện ĐTL ở nhóm công nhân lái xe.

Như đã phân tích ở trên, tuy tỷ lệ ĐTL ở công nhân lái xe là khá cao nhưng mức độ đau là ở mức nhẹ và thời gian đau không quá kéo dài nên đa số công nhân không phải nghỉ việc vì lý do ĐTL.

ĐTL chủ yếu liên quan tới lao động mà phần lớn các công nhân xuất hiện ĐTL chủ yếu sau một ca làm việc. Điều này chứng tỏ do tác động của công việc làm thuận lợi cho sự xuất hiện ĐTL ở các công nhân; tuy vậy về mức độ ảnh hưởng của ĐTL đến hai nhóm công nhân là khác nhau. Ngoài ra ĐTL cũng còn liên quan đến các yếu tố khác như sau một mang vác nặng, vận động bất thường cột sống thắt lưng hay khi thay đổi thời tiết.

Kết quả khám lâm sàng về tình trạng cột sống thắt lưng và các cơ cạnh cột sống của tất cả các trường hợp ĐTL cho thấy ở nhóm I: 23,6% có co cơ hoặc tăng trương lực cơ cạnh cột sống, tỉ lệ này ở nhóm II là 18,8%; vẹo cột sống có ĐTL chiếm  một tỉ lệ rất nhỏ 1,1% và chỉ gặp ở nhóm I. Những thay đổi này của khối cơ cạnh cột sống và cột sống là những trạng thái chống đỡ hoặc phản ứng lại với hiện tượng đau tại vùng cột sống thắt lưng.

Qua tiến hành đo khoảng cách tay-đất và nghiệm pháp Schober cho các đối tượng nghiên cứu. Kết quả cho thấy: ĐTL gây hạn chế động tác cúi lưng chiếm 38,2% ở các công nhân nhóm I; tỉ lệ này cao hơn so với công nhân nhóm II (18,8%) và 41,6% công nhân nhóm I tại thời điểm điều tra có giảm độ giãn cột sống so với 21,9% công nhân nhóm II và sự khác biệt này ở hai nhóm là có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Tại thời điểm điều tra chúng tôi thấy số công nhân có ĐTL có hội chứng ép rễ chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ (đau dọc đường đi của dây thần kinh ngồi; đau tăng khi ho, hắt hơi, dấu hiệu Lasegue (+), điểm đau Valleix (+)…). Đây là những triệu chứng rất có giá trị trong chẩn đoán lâm sàng thoát vị đĩa đệm.

Chụp Xquang cột sống thắt lưng (thẳng và nghiêng) cho một số đối tượng thuộc hai nhóm nghiên cứu có triệu chứng ĐTL chúng tôi thấy những hình ảnh xquang bất thường khá phổ biến ở cả hai nhóm. Hình ảnh xquang bất thường  ở nhóm I nhìn chung cao hơn hình ảnh x quang bất thường ở nhóm II. Tuy vậy, hầu hết các tác giả nghiên cứu về các hình ảnh xquang của cột sống trong ĐTL đều nhận xét: nhìn chung những hình ảnh bất thường trên xquang cơ bản đều liên quan rất yếu đến ĐTL. Có tác giả còn cho rằng đại đa số các bất thường bẩm sinh vùng cột sống thắt lưng (gai đôi S1, cùng hoá L5…) đều có ý nghĩa rất ít và hầu như không phải là nguyên nhân gây ĐTL, tuy vậy sự bất thường này có thể làm tăng tỷ lệ thoái hóa đĩa đệm ở đốt sống trên nó [1]. Trong nghiên cứu của chúng tôi hiện tượng này gặp khá phổ biến ở nhóm I (6 trường hợp) trong khi đó ở nhóm II chỉ có 1 trường hợp. Hình ảnh hay gặp nhất ở cả hai nhóm là thoái hoá CSTL: 25 trường hợp ở nhóm I và 9 trường hợp ở nhóm II, sự khác biệt giữa hai nhóm về tỷ lệ này là có ý nghĩa thống kê  (p<0,02). Thoái hoá đĩa đệm các đốt sống thắt lưng ở nhóm I có 2 trường hợp, nhóm II có 2 trường hợp, xẹp đĩa đệm 3 trường hợp ở nhóm I và 2 trường hợp ở nhóm II và sự khác biệt về tỷ lệ này ở hai nhóm là không có ý nghĩa thống kê.

Theo nghiên cứu của Lê Đại  [3]: tỷ lệ biến dạng cột sống ở công nhân lái máy kéo là 71,6%. Coermann R., 1970 [7] đã chụp phim cột sống cho công nhân lái xe chịu tác động của tần số rung cộng hưởng 4-5 Hz thì thấy cột sống bị biến dạng và lệch quá nhiều, tới 0,6 cm. Chụp phim cột sống cho 22 công nhân lái xe tải đau cột sống thắt lưng thấy 5/22 trường hợp có vôi hoá đơn thuần, 11/22 trường hợp có vôi hoá mỏ xương [4].

IV. KẾT LUẬN

     – Trong quá trình lao động Công nhân lái xe Bella phải tiếp xúc với rung toàn thân về  Rung xóc vượt quá tiêu chuẩn cho phép ở các dải ốc ta tần  số 4Hz, 8Hz, 16 Hz; với vận tốc rung từ 1,35-4,6 cm/s ở tất cả các phương Z, X, Y và với gia tốc rung từ  0,7- 4,25 m/s2.

     – ĐTL chiếm một tỉ lệ khá cao trong công nhân lái xe Bella: 70,6% công nhân có tiền sử ĐTL trong quá trình lao động và tỉ lệ ĐTL tại thời điểm điều tra là 59,5%, cao gấp 5,26 lần trong tiền sử  và 4,08 lần ở hiện tại so với nhóm các công nhân khác/không lái xe (p<0,001).

     – ĐTL chủ yếu là dưới 7 ngày/đợt chiếm 69,7%; xuất hiện ĐTL chủ yếu là sau ca làm việc: 88,7%.

     – Mức độ ĐTL của công nhân lái xe cao hơn nhóm so sánh đặc biệt ở mức 2, 3, 4 và 5. Tần số đau của công nhân lái xe cao hơn nhóm so sánh, đặc biệt ở các mức 3 và 4: chênh lệch tỷ lệ là 28,1% so với 9,4% (mức 3 với p<0,05) và 18% so với 3,1% (mức 4 với p<0,05).

     – Tỷ lệ bất thường ở cột sống của nhóm công nhân lái xe cao hơn nhóm so sánh  (24,3% so với 18,8%) tuy nhiên sự khác biệt chưa rõ rệt với p>0,05; tỷ lệ giảm độ giãn cột sống thắt lưng ở nhóm nghiên cứu cao hơn hẳn nhóm chứng (41,6% so với 21,9% với p<0,05).

     – Hình ảnh xquang bất thường ở nhóm nghiên cứu cao hơn nhóm so sánh (81,3% so với 72,0%). Đặc biệt hình ảnh về thoái hoá đốt sống thắt lưng có sự khác biệt rõ rệt (78,1% so với 36,0%) với nguy cơ mắc phải cao hơn 6,35 lần (OR) và với p<0,02.

V. KHUYẾN NGHỊ

Cần áp dụng các giải pháp ecgônômi để làm giảm tỷ lệ ĐTL ở công nhân lái xe

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Thế Biểu (2001), Nghiên cứu tình hình ĐTL ở một số đối tượng lao động và đơn vị quân đội thuộc tỉnh Hải Dương – Quảng Ninh, Luận án tiến sĩ Y học.

2. Hoàng Văn Bính và cộng sự (1983), “Điều kiện lao động của công nhân lái máy kéo trên địa hình đồng bằng”, Công trình nghiên cứu Y học lao động nông nghiệp, Viện Vệ sinh dịch tễ học, trang 41.

3. Lê Đại và cộng sự  (1983), “Sơ bộ tìm hiểu ảnh hưởng rung xóc tới cột sống của công nhân lái máy kéo”, Công trình nghiên cứu Y học lao động nông nghiệp, Viện Vệ sinh dịch tễ học, trang 48.

4. Nguyễn Xuân Đính và cộng sự (1985), Tình hình sức khỏe và bệnh tật công nhân lái xe vận tải hàng hoá và hành khách trong ngành giao thông vận tải, Đề tài 34B-03-03-01 thuộc chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giao thông vận tải 34B-03.

5. Phạm Đắc Thuỷ, Nguyễn Thị Toán và cộng sự (1998), Điều tra cơ bản về thực trạng sức khỏe công nhân lái tàu hoả, xe máy thi công và ô tô vận tải trên 10 tấn, Thuộc dự án: Điều tra cơ bản về thực trạng sức khỏe của công nhân làm một số nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Đề tài nghiên cứu khoa học.

6. Phạm Hải Yến và cộng sự (1995), Xác định danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ngành Giao thông vận tải,  Công trình nghiên cứu khoa học.

7. Bovenzi M, Schust M, Menzel G et al (2015), Relationships of low back outcomes to internal spinal load: a prospective cohort study of professional drivers, Int Arch Occup Environ Health. 2015 May;88(4):487-99. doi: 10.1007/s00420-014-0976-z. Epub 2014 Sep 14.

8. Coermann R. (1970), Mechanical vibration, ILO, Geneve, pp. 760-763.

9. NakataM (1987), Labor of freight-container tractor drive and Low Back Pain. Characteristics of the low back pain through clinical findings, Department of preventive Medicine, Shiga University of Medical Science, Sangyo Igaku,  29 (4):279-91.

10. Rufa’i AA, Sa’idu IA, Ahmad RY et al (2013), prevalence and risk factors forlow back pain among professional drivers in Kano, Nigeria, Arch Environ Occup Health. 2013 Nov 12.

Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thị Toán

Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường


(Nguồn tin: Nilp.vn)