Thực trạng sức khỏe và cơ cấu bệnh tật của người lao động trong một số cơ sở sản xuất nhựa có sử dụng Styren

Thứ Hai, 25/12/2023, 02:06(GMT +7)

TÓM TẮT: Mục tiêu: Khảo sát bước đầu về thực trạng sức khỏe và cơ cấu bệnh tật của người lao động (NLĐ) trong một số cơ sở sản xuất nhựa có sử dụng styren. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, có so sánh. Kết quả: Nghiên cứu trên 899 người lao động thuộc 06 cơ sở sản xuất nhựa năm 2021-2022, cho một số kết quả đáng quan tâm sau: NLĐ có sức khỏe tập trung nhiều ở loại 2 và 3. Tình trạng thiếu máu chung chiếm tỷ lệ 10,7% (nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam) và có dấu hiệu men gan cao (tỷ lệ chung là 8,5% và nam chiếm tỷ lệ cao hơn nữ). Về BNN: tỷ lệ viêm da chung là 7,0% (trong đó viêm tiếp xúc chiếm 23,8%); giảm sức nghe (15,0%); suy giảm chức năng hô hấp (CNHH) (chiếm 30,9%) và có 8 người mắc thể rối loạn thông khí tắc nghẽn (chỉ có ở nhóm tiếp xúc) cũng đáng quan tâm. Có 22 người (chiếm 22,5%) có tổng nồng độ axit mandelic (MA) và axit phenylglyoxylic (PGA) niệu cao hơn ngưỡng cho phép (theo ACGIH, 2018: 400mg/g creatinin) và chỉ có ở nhóm tiếp xúc, trong đó có 18/22 người có nồng độ styren trong máu. Kết luận: Cần thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc nhằm nâng cao sức khỏe người lao động trong ngành sản xuất nhựa và giảm tình trạng thấm nhiễm styren.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Styren hay còn gọi là vinylbenzen là dung môi hữu cơ được sử dụng rất phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, styren là chất được dùng để sản xuất polystyren và nhiều polyme khác. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp nhựa, nhựa dẻo còn gọi là nhựa polyester không no (unsaturated polyester) gọi tắt là UPE, styren chiếm khoảng 30 – 60%. Trong báo cáo ngành nhựa 8/2019, styren ước tính được sử dụng khoảng 525.000 tấn/năm [1]. Styren là một trong những yếu tố gây bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm (theo danh mục bệnh nghề nghiệp (BNN) được bảo hiểm ILO – 2010), nhưng bệnh nhiễm độc styren tại Việt Nam chưa được công nhận. Người lao động (NLĐ) khi tiếp xúc nghề nghiệp với chất này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe [2]. Tại Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu về ảnh hưởng của styren cũng như thực trạng tiếp xúc với styren đến sức khỏe của người lao động…. Bên cạnh đó, theo khảo sát ban đầu của chúng tôi ở 1 cơ sở sản xuất vật liệu nhựa cho thấy, tại phân xưởng sản xuất nhựa composite có 3/17 người (17,64%) NLĐ có nồng độ axit mandelic (MA) và axit phenylglyoxylic (PGA) > 400 mg/g creatinin điều này cho thấy, NLĐ đang tiếp xúc với styren vượt tiêu chuẩn cho phép [3]. Để có cái nhìn bao quát về thực trạng sức khỏe và cơ cấu bệnh tật của NLĐ, chúng tôi tiến hành tổng hợp một số kết quả nghiên cứu về tình hình sức khỏe chung của NLĐ trong một số cơ sở sản xuất nhựa có sử dụng styren đã được thực hiện.

Trong phạm vi bài báo này, nội dung bài báo chỉ đề cập đến một phần kết quả nghiên cứu của đề tài về thực trạng sức khỏe và cơ cấu bệnh tật ở NLĐ trong một số cơ sở nhựa có sử dụng styren.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

– Đối tượng:

     + NLĐ trong các cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa

     + Quy trình công nghệ

– Tiêu chí chọn đối tượng: chọn chủ đích. NLĐ làm việc trong các cơ sở nhựa được khảo sát. Cả lao động trực tiếp và gián tiếp.

– Phạm vi nghiên cứu: NLĐ tại một số cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa: bồn tắm nhựa, đồ chơi trẻ em bằng nhựa, sản phẩm nhựa gia dụng… (có sử dụng nguyên liệu hạt nhựa có thành phần styren như nhựa composite, hạt nhựa PS, ABS) và tái chế nhựa ABS đã qua sử dụng.

– Phương pháp nghiên cứu

– Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang

– Phương pháp và kỹ thuật thu thập thông tin:

      + Phương pháp điều tra, mô tả: quan sát quy trình công nghệ;

     + Phương pháp nghiên cứu thực địa: khám sức khỏe tổng quát, đo chiều cao, cân nặng, đo chức năng hô hấp, đo thính lực, lấy mẫu sinh học (mẫu máu và nước tiểu) xét nghiệm styren và chất chuyển hóa của styren là MAvà PGA, xét nghiệm một số chỉ số khác trong máu cho NLĐ tại cơ sở;

– Phương pháp phòng thí nghiệm: Phân tích các chỉ số trong máu (công thức máu, các chỉ số chức năng gan, styren trong máu…) bằng máy huyết học XS 1000 I, hãng Sysmex – Nhật; phân tích nước tiểu (chất chuyển hóa MA và PGA, creatinin niệu) bằng máy Sắc ký lỏng hiệu năng cao – HPLC và máy Cobass C311. Tiêu chuẩn các chỉ số máu đánh giá theo ngành Y và chất chuyển hóa theo tiêu chuẩn của AHGIH, 2018.

– Phương pháp xử lý và phân tích số liệu: số liệu được nhập và làm sạch bằng phần mềm Excel, phân tích bằng phần mềm SPSS 22.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

3.1. Quy trình công nghệ

Tóm tắt quy trình sản xuất nhựa nói chung:

Hình 1. Tóm tắt 1 quy trình sản xuất nhựa cơ bản và vị trí phát thải

Các sản phẩm nhựa các loại về cơ bản đều qua quá trình nêu trên. Trong đó, tùy các công đoạn sẽ phát thải các yếu tố tác hại nghề nghiệp khác nhau. Hơi khí độc phát thải gây tác hại chính trong quy trình sản xuất các sản phẩm nhựa là công đoạn ép đúc sản phẩm (gia nhiệt) và công đoạn đúc khuôn trong sản xuất bồn tắm nhựa bằng vật liệu composite. Ngoài ra, các công đoạn khác như phối trộn nguyên liệu, phun mầu hay phối mầu cũng gây ra các phát thải hơi khí độc.  

3.2. Đặc điểm đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện trên 899 NLĐ tại 6 cơ sở nhựa thuộc 2 miền Bắc và Nam. Kết quả cụ thể như sau:

– Phân bố lao động theo giới tính

Biểu đồ 1. Phân bố lao động theo giới tính

Kết quả trong Biểu đồ 1 cho thấy:

Lao động nữ chiếm tỷ lệ cao hơn so với lao động nam (lần lượt 73,4% và 26,6%) và có sự khác biệt rõ ràng có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

Đây cũng là đặc điểm đặc trưng về giới trong ngành Nhựa, cũng như một số ngành nghề như Dệt may và Giầy da đều tập trung lao động nữ trên 70 – 80%.

– Tuổi đời và tuổi nghề trung bình theo giới tính

Bảng 1. Tuổi đời và tuổi nghề trung bình của 2 giới 

Kết quả bảng 3.1 cho thấy:

Tuổi đời trung bình là 39 ± 9 tuổi. NLĐ có độ tuổi thấp nhất là 17 tuổi và cao nhất là 75 tuổi (chiếm không nhiều và là chủ cơ sở hoặc làm quản lý). Tuổi đời trung bình của nam và nữ gần tương đồng và không có sự khác biệt. 

Biểu đồ 2. Phân bố tuổi đời của đối tượng NC

Phân bố lao động chia theo độ tuổi, biểu đồ 2 cho thấy: lực lượng lao động phân bố khá tương đồng ở các nhóm tuổi. Riêng từng nhóm, tỷ lệ lao động tập trung đông nhất ở độ tuổi trên 45 tuổi (23,4%) và thấp nhất là nhóm tuổi < 30 tuổi (chiếm 14,2%). Tính chung, độ tuổi từ 45 trở xuống, lực lượng lao động chiếm tỷ lệ đông hơn (76,5%) so với độ tuổi trên 45 (23,5%) và ở cả 2 độ tuổi, tỷ lệ lao động nữ cũng đều đông hơn nam.

Tuổi nghề trung bình là 5 ± 4 năm. NLĐ có tuổi nghề thấp nhất là 1 năm và cao nhất có thâm niên 30 năm tuổi nghề. Tuổi nghề trung bình cho thấy, thâm niên lao động của những cơ sở nhựa được khảo sát không quá cao. Phân bố lao động theo nhóm tuồi nghề cho thấy: tuổi nghề dưới 5 năm chiếm tỷ lệ cao nhất (78,8%). Lao động có thâm niên từ 5 – 10 năm chiếm tỷ lệ thấp nhất (8,0%). Nhóm lao động có thâm niên >10 năm tuổi nghề chiếm tỷ lệ 13,2%.

Tuổi đời trung bình cao và thâm niên làm việc dưới 5 năm chiếm tỷ lệ cao, điều này có thể do vấn đề dễ biến động về nhân lực với nhiều lý do khách quan, trong đó có nguyên nhân xảy ra đại dịch COVID19 (giai đoạn 2019 – 2021) dẫn đến sự biến động về thị trường lao động. Giai đoạn này, nhiều cơ sở phải giải thể, chuyển đổi ngành nghề hoặc tinh giảm nhân lực. Sau đại dịch, các cơ sở lại phục hồi và tuyển mới dần lao động. Những người có thâm niên làm việc lâu năm không nhiều, một số là chủ cơ sở, số còn lại là thợ có tay nghề được giữ lại và những người yêu công việc, gắn bó với cơ sở dù có biến động thị trường.

3.3. Tình trạng thể lực và phân loại sức khỏe chung

3.3.1. Cân nặng và chiều cao trung bình của người lao động

Bảng 2. Cân nặng và chiều cao trung bình

Kết quả bảng 2 cho nhận xét chung như sau:

– Về cân nặng: cân nặng trung bình của cả 2 giới là 55,2 ± 8,5 kg. Trong đó, cân nặng của lao động nam là 59,5 ± 9,6 kg và của lao động nữ là 53,6 ± 7,5 kg. Kết quả này có cao hơn so với kết quả nghiên cứu của tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019 – 2020 (cân nặng trung bình là nam 54 kg và nữ 46 kg) [4] và tương đương cân nặng của nam Việt Nam (59,2 ± 8,9 kg), nhưng cao hơn cân nặng của nữ Việt Nam (50,8 ± 6,6 kg) theo nghiên cứu của Viện KHAT &VSLĐ, 2019 [5].

– Về chiều cao: chiều cao trung bình của lao động nam là 163,1 ± 7,1 cm và lao động nữ là 155,9 ± 6,3 cm. Kết quả chiều cao trung bình gần tương đương với chiều cao trung bình của người Việt Nam, 2010 (nam cao: 164 cm và nữ cao:155 cm) [4] và chiều cao của nam thấp hơn một chút so với kết quả nghiên cứu của Viện KHAT&VSLĐ,2019 (164,6 ± 5,8 cm), nhưng lại nhỉnh hơn một chút ở nữ (154,4 ± 4,8 cm) [5].

3.3.2. Phân loại sức khỏe chung

Biểu đồ 3. Phân loại sức khỏe chung

Bảng 3. Phân loại sức khỏe của đối tượng nghiên cứu

Bảng 3.3 và biểu đồ 3 cho nhận xét: 

NLĐ trong các cơ sở sản xuất nhựa có sức khỏe loại I và II chiếm tỷ lệ 50,2%, thấp hơn so với số liệu báo cáo năm 2018 của Bộ Y tế (NLĐ có sức khỏe loại I và II cao gần 70%) [6]. Tỷ lệ đạt sức khỏe loại III là 48,1% (cao hơn so với báo cáo của Bộ Y tế (loại III chiếm 21,79%) [6]. Chỉ có 1,8% NLĐ trong các cơ sở sản xuất nhựa có sức khỏe loại IV (không có sức khỏe loại V) và cũng thấp hơn so với số liệu báo cáo y tế lao động năm 2018 (10,3%) [6]; Số liệu phân loại sức khỏe loại I trong nghiên cứu này tương đối khiêm tốn chỉ chiếm (1,3%), trong đó nữ nhiều hơn nam.

3.4. Thực trạng các bệnh thường gặp

3.4.1. Chỉ số BMI và thiếu năng lượng trường diễn và thừa cân

Chỉ số khối cơ thể BMI trung bình (22,1 ± 2,7 kg/m2) nhìn chung thuộc loại bình thường. Trong đó, BMI với nam là 22,3 ± 2,9 kg/m2 và với nữ là 22,0 ± 2,6 kg/m2. Kết quả này có nhỉnh hơn so với kết quả nghiên cứu của Viện KHAT&VSLĐ, 2019 [5] (BMI: 21,8 ± 2,9 kg/m2 với nam và 21,3 ± 2,6 kg/m2 với nữ) nhưng vẫn trong giới hạn BMI bình thường. Chưa có sự khác biệt về chỉ số BMI trung bình giữa nam và nữ (p > 0,05).

Phân loại chỉ số BMI theo WHO (Tổ chức y tế thế giới, 2000) cho kết quả như trong Bảng 4: 

Bảng 4. Phân loại thể lực qua chỉ số BMI theo giới tính

Phân loại BMI

Nam

(n = 239)

Nữ

(n = 660)

Tổng chung

(N = 899)

n

%

n

%

n

%

Nhẹ cân

(BMI < 18,5)

21

8,8

33

5,0

54

6,0

Bình thường

(18,5 < BMI < 23)

172

72,0

554

83,9

726

80,8

Thừa cân

(BMI ≥ 23)

46

19,2

73

11,1

119

13,2

Tổng

239

100

660

100

899

100

Đối tượng được xác định là thiếu năng lượng trường diễn (CED) khi chỉ số khối cơ thể BMI < 18,5kg/m2. Kết quả trong nghiên cứu này cho thấy, tỷ lệ CED chung là 6,0 %. Tỷ lệ này là thấp và thấp hơn nhiều so với một số kết quả nghiên cứu khác như: Thấp hơn kết quả tổng điều tra dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng năm 2009 – 2010 ở người trưởng thành (17,2% (CI95%: 16,4 – 18,1) [4]; thấp hơn so với kết quả điều tra trong 2 ngành Giầy da và May mặc (19,5%) của Viện KHAT&VSLĐ, 2018 [7] và thấp hơn so với nghiên cứu gần đây của BS CKII. Nguyễn Văn Lơ ở tỉnh Trà Vinh (8,5%) [8]. Khi phân tích CED riêng theo giới, kết quả CED ở nam (8,8%) cao hơn nữ (5,0%). Kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì chung trong nghiên cứu này (13,2%) thấp hơn so với điều tra của STEPS (15,6%) (Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, 2015, Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế WHO phối hợp), nhưng lại cao hơn kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, 2018 (tỷ lệ thừa cân, béo phì là 8,4%) [7] và kết quả cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì ở nam (19,2%) cũng cao hơn nữ (11,1%).

3.4.2. Tỷ lệ mắc các bệnh qua thăm khám lâm sàng

Phân tích số người mắc bệnh cho từng loại bệnh theo giới tính, tuổi nghề, tuổi đời cho các kết quả như Bảng 5: 

Bảng 5. Tỷ lệ mắc các bệnh của người lao động qua khám lâm sàng theo giới

NLĐ trong các cơ sở sản xuất nhựa mắc bệnh có tỷ lệ cao nhất: Răng hàm mặt (RHM) (62,5%), sau đó là bệnh mắt (50,1%), bệnh tai mũi họng (TMH), chủ yếu là viêm đường hô hấp trên (48,2%) và các bệnh nội khoa (38,8%). Nhìn chung NLĐ trong các cơ sở nhựa được khảo sát có tỷ lệ mắc các bệnh về TMH, bệnh mắt cao hơn so với báo cáo y tế lao động năm 2018 (bệnh mắt chiếm 13,4%, bệnh viêm đường hô hấp trên chiếm 28,98%, bệnh TMH mạn tính chiếm 8,48% và bệnh nội khoa (chủ yếu dạ dày tá tràng – 10,66%) [6]. Tỷ lệ mắc bệnh nội khoa, bệnh mắt có liên quan với tuổi đời và tuổi nghề (p < 0,05), nhưng chưa có sự khác biệt giữa nam và nữ (p > 0,05). Bệnh TMH thấp nhất ở nhóm tuổi 30 – 35 tuổi và cao nhất ở nhóm tuổi > 45 tuổi. Tỷ lệ bệnh RHM cao ở 2 nhóm tuổi trên 45 và dưới 30 tuổi, điều này có thể liên quan đến thói quen sinh hoạt của tuổi trẻ và sự giảm sức nhai ở người có tuổi. Các bệnh TMH và RHM cho thấy có liên quan đến giới, tuổi đời và tuổi nghề (p < 0,01).

Tỷ lệ mắc huyết áp cao (HAC) ở nam (10,1%) cao hơn nữ (3,4%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Nhóm tuổi > 45 chiếm tỷ lệ mắc cao nhất (43,5%). Tuy nhiên, nhóm tuổi trẻ, dưới 30 cũng chiếm tỷ lệ đáng quan tâm (10,9%). Tỷ lệ mắc HAC giữa các nhóm tuổi đời khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,01;) và có xu hướng tăng theo tuổi đời. Không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc HAC giữa các nhóm tuổi nghề (p > 0,05).

Bệnh da liễu (chủ yếu là bị chàm, nấm và dị ứng) có 63 người mắc (chiếm tỷ lệ 7,0%), trong đó có 15/63 người (chiếm 23,8%) có biểu hiện viêm da do tiếp xúc và đều ở nhóm người trực tiếp làm việc trong các vị trí có nguy cơ cao (đúc ép sản phẩm, phối trộn nguyên liệu. Chưa có sự khác biệt về tỷ lệ mắc giữa 2 giới, tuổi đời và tuổi nghề (p > 0,05).   

3.5. Biểu hiện bệnh có liên quan đến nghề nghiệp 

Tổng số người được khám BNN, chủ yếu là người lao động tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố tác hại nghề nghiệp có khả năng gây BNN (như tiếng ồn, hơi khí độc) và một số đối  tượng lao động gián tiếp có nghi ngờ.

– Suy giảm sức nghe

Kết quả  biểu đồ 4 và 5 cho thấy:

Tỷ lệ công nhân giảm sức nghe chung là 15,0%, tỷ lệ này thấp hơn không đáng kể so với kết quả nghiên cứu của TS. Hoàng Minh Hiền, 2004 (16,3%) [9]. So sánh giữa nam và nữ, tỷ lệ NLĐ bị suy giảm sức nghe ở nam (24,9%) cao hơn so với nữ (9,8%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,01). Kết quả đo môi trường cho kết quả đo số tiếng ồn đo tại các vị trí làm việc đều dưới tiêu chuẩn cho phép (≤ 85dB). Điều này cho thấy, việc tiếp xúc với hơi dung môi hữu cơ (DMHC) trong nguyên liệu nhựa, trong đó có styren, có ảnh hưởng phần nào đến sức nghe, tùy thuộc vị trí làm việc.

Tỷ lệ mắc chứng giảm sức nghe ở 1 tai và cả 2 tai là tương đồng nhau. Tỷ lệ mắc chứng giảm sức nghe cả 2 tai ở nam cao hơn nữ và ngược lại, tỷ lệ mắc chứng giảm sức nghe 1 tai ở nữ cao hơn nam và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Trong cùng nhóm, nam giảm sức nghe 2 tai chiếm tỷ lệ cao hơn (63,5%) và ngược lại, trong nhóm nữ, giảm sức nghe 1 tai chiếm tỷ lệ cao hơn (64,1%). Thêm vào đó, tỷ lệ giảm sức nghe có xu hướng tăng theo tuổi đời và tập trung cao ở nhóm có thâm niên làm việc < 5 năm, tuy nhiên chưa có sự khác biệt có ý nghĩa (p > 0,05).

– Suy giảm chức năng hô hấp (CNHH):

Tỷ lệ mắc các chứng rối loạn thông khí ở những đối tượng đo CNHH cho kết quả như trong Bảng 6:

Bảng 6. Kết quả đo chức năng hô hấp ở người lao động

Dạng rối loạn thông khí*

Nam

Nữ

Tổng chung

n

%

n

%

n

%

Tắc nghẽn

2

0,9

6

1,3

8

1,2

Hạn chế

37

16,1

78

17,0

115

16,7

Hỗn hợp

25

10,9

65

14,2

90

13,1

Bình thường

166

72,2

310

67,5

476

69,1

Tổng chung

230

100

456

100

689

100

Ghi chú (*): Phân loại theo TQKT, 2015
Số người suy giảm CNHH là 30,9%. Nhìn chung tỷ lệ mắc các rối loạn CNHH nữ chiếm tỷ lệ mắc (32,5%) cao hơn so với nam (27,8%), tuy nhiên, sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Từ nghiên cứu năm 1975, tác giả Chmielewski J. and Renke W. đã chỉ ra hiện tượng phổi tắc nghẽn được quan sát thấy trong 4/21 công nhân có tiếp xúc với styren trong khoảng 10 năm [10]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, xuất hiện mắc cả 3 loại rối loạn thông khí, trong đó thể Hạn chế chiếm tỷ lệ cao nhất (16,7%) và thấp nhất là thể Tắc nghẽn (1,2%). Kết quả cũng chỉ ra thể Tắc nghẽn chỉ xuất hiện trong nhóm có tiếp xúc (8/213 người mắc) và bước đầu cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê (p=0,009; OR=1,85; CI95%: 1,11-3,01) giữa người có tiếp xúc với styren và tỷ lệ mắc chứng rối loạn hô hấp.

3.5.1. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng

 Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng các chỉ số như thiếu máu, men gan cao (liên quan chức năng), thấm nhiễm styren qua chất chuyển hóa (tổng nồng độ MA và PGA) cho kết quả như sau:

– Xét nghiệm chỉ số men gan (GOT) và huyết sắc tố (HGB) trong máu

Biểu đồ 7. Phân loại men gan cao chung

Biểu đồ 7 cho thấy: Tỷ lệ men gan cao trung bình ở NLĐ là 8,5%. So sánh giữa 2 nhóm, tỷ lệ NLĐ có men gan tăng ở nam (17,2%) cao hơn so với tỷ lệ nữ có men gan tăng (4,1%) và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 giới (p < 0,01). Ngoài ra, xem xét mối liên quan cho thấy tuổi đời và tuổi nghề chưa có sự liên quan (p > 0,05). Chỉ số men gan tăng cảnh báo nguy cơ chức năng gan có vấn đề. Tuy nhiên, kết quả này cho thấy, với các nguyên nhân do uống thuốc, chất kích thích (rượu bia), béo phì, bệnh lý… là các yếu tố đã được loại trừ khi lấy mẫu, việc chuyển hóa, xử lý và đào thải thấm nhiễm styren trong máu (và có thể có hỗn hợp hơi DMHC khác) cũng phần nào ảnh hưởng làm gan rối loạn dẫn đến men gan tăng do hàm lượng enzym giải phóng vào máu nhiều.

Biểu đồ 8. Phân loại thiếu máu chung

Biểu đồ 8 chỉ ra:

Tỷ lệ thiếu máu trung bình ở NLĐ là 10,6% và ở mức cần cảnh báo theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (5 – 19%).

Theo giới tính: Tỷ lệ thiếu máu ở nữ (15,0%) cao hơn hẳn so với nam (1,3%) và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,01). Thiếu máu ở nữ là điều rất đáng được quan tâm do có liên quan đến chu kỳ tháng và vấn đề sức khỏe sinh sản của lao động nữ.

– Xét nghiệm chất chuyển hóa MA và PGA trong nước tiểu 

Kết quả xét nghiệm styren trong máu và chất chuyển hóa MA và PGA của styren trong nước tiểu cho kết quả như trong Biểu đồ 9:

Biểu đồ 9. Tổng nồng độ MA và PGA niệu

Kết quả trong biều đồ 9 cho thấy:

Tổng số người làm xét nghiệm chất chuyển hóa là 899 người, trong đó có 259 người cho kết quả không phát hiện (chiếm 28,8%). Tổng số người xét nghiệm có giá trị tổng nồng độ MA và PGA định lượng được là 636 (chiếm tỷ lệ 70,7%). Trong tổng số người xét nghiệm nồng độ MA và PGA niệu, có 22 người (chiếm tỷ lệ 2,5%) có nồng độ MA và PGA niệu cao vượt ngưỡng TCCP (400mg/g creatinin – theo ACGIH, 2018), trong đó có 3/22 người vượt gấp 3 – 4 lần so với TCCP. Kết quả này thấp hơn nghiên cứu của Lê Quang Công & cộng sự, 2019 (7% số mẫu vượt) nghiên cứu trong cơ sở vật liệu composite [11].

Thêm vào đó, trong số 22 người vượt ngưỡng, kết quả xét nghiệm đều có hàm lượng styren trong máu (> 1mg/l), trong khi kết quả đo nồng độ styren trong môi trường không khí vùng làm việc tại các vị trí được khảo sát (khu vực máy đúc ép sản phẩm, phối trộn nguyên liệu…) đều rất thấp và dưới ngưỡng cho phép, tùy theo vị trí. Điều này cho thấy có sự thấm nhiễm của styren ở NLĐ tại các cơ sở được khảo sát ngay cả khi nồng độ styren trong môi trường không khí rất thấp.

Phân tích mối liên hệ xét đến nhiều yếu tố khác (giới tính, tuổi đời và tuổi nghề) có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nồng độ MA và PGA cao cho kết quả như sau: chưa thấy sự khác biệt về giá trị trung bình tổng MA và PGA trong nước tiểu (p > 0,05) ở những người vượt TCCP theo giới, tuổi đời và tuổi nghề. Tuy nhiên, có xu hướng tỷ lệ mẫu có tổng nồng độ MA và PGA niệu cao tăng theo tuổi đời (nhóm tuổi > 45 chiếm tỷ lệ cao nhất – 11/22 người vượt ngưỡng). Số người vượt ngưỡng theo tuổi nghề, tập trung nhiều ở nhóm có thâm niên dưới 5 năm (19/22 người).

Bảng 7. Mối liên hệ giữa nồng độ MA&PGA cao với các yếu tố độc lập

Yếu tố

Nồng độ MA PGA cao

OR

Khoảng tin cậy (95%)

Ý nghĩa

Tuổi đời

22

1,67

1,11 – 2,52

0,014

Tuổi nghề

22

1,02

0,50 – 2,09

0,95

Giới tính

22

0,65

0,23 – 1,79

0,40

Bảng 7 cho kết luận: Chỉ có tuổi đời là yếu tố độc lập có mối liên hệ với nồng độ MA và PGA niệu cao với OR=1,67 (KTC 95%: 1,11 – 2,52; p=0,014).

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

4.1. Kết luận

Nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện trên 899 người lao động trong đó có 239 nam và 660 lao động nữ. Kết quả rút ra một số kết luận chính sau:

– Lao động nữ chiếm tỷ lệ (73,6%) cao hơn so với lao động nam (26,6%).

– Tuổi đời trung bình 39 ± 9 tuổi. Tuổi nghề trung bình 5 ± 4 năm.

– NLĐ nói chung vừa có dấu hiệu thiếu năng lượng trường diễn vừa có dấu hiệu béo phì đáng quan tâm ở cả 2 nhóm.

– Nhóm lao động có tỷ lệ mắc các bệnh về nội khoa, tai mũi họng, mắt cao, nhất là RHM đáng quan tâm.   

– Có biểu hiện thiếu máu (10,5%) và men gan cao (8,5%).

– Phân loại sức khỏe chung tập chung nhóm sức khỏe loại 2 và loại 3

– Về BNN: Trong số 63 người mắc bệnh da liễu có 15/63 người có biểu hiện viêm da do tiếp xúc và đều ở nhóm tiếp xúc; Có dấu hiệu suy giảm sức nghe (15,0%) và suy giảm CNHH (30,9%) trong đó thể rối loạn thông khí hạn chế chiếm tỷ lệ cao.

– Có 22 người nhóm tiếp xúc (chiếm 2,47%) có nồng độ MA và PGA cao vượt ngưỡng TCCP, trong đó có 3 người vượt gấp 3 – 4 lần so với TCCP và 18/22 người có nồng độ styren trong máu.  

4.2. Kiến nghị

Cần thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe NLĐ trong các cơ sở sản xuất nhựa, giảm tỷ lệ NLĐ mắc các bệnh nội khoa, tai mũi họng, mắt. Tăng cường dinh dưỡng hợp lý để giảm tỷ lệ CED và thiếu máu. Thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát môi trường lao động như: tăng cường hệ thống thông gió tổng và cục bộ, tại các vị trí phối trộn nguyên liệu, phân xưởng ép, đúc sản phẩm, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân (nút tai chống ồn, khẩu trang lọc khí, bụi…)  nhằm hạn chế người lao động tiếp xúc với dung môi hữu cơ nói chung và styren nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tạ Việt Phương (2019), “Báo cáo ngành nhựa“, Chuyên viên phân tích FPTS.

2. International Labour (2010), “List of Occupational Diseases“, Identification and Recognition of Occupational Diseases:Criteria for Incorporating Diseases in the ILO List of Occupational Diseases.

3. American Conference of Industrial Hygienists (2018), “Threshold Limit Value for Chemical Substances and Physical Agents and Biological Exposure Indices“.

4. Viện Dinh Dưỡng (2012), Báo cáo tóm tắt tổng điều tra dinh dưỡng 2009 – 2010

5. Phạm Thị Bích Ngân (2019), Xây dựng atlat nhân trắc người việt nam trong độ tuổi lao động giai đoạn hiện nay, Mã số:  CTPH-2017/02/TLĐ-BKHCN

6. Cục quản lý môi trường y tế (2018), Hoạt động y tế lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, 2018”. Báo cáo YTLĐ năm 2018 tổng hợp từ 63 tỉnh/thành phố. Số 304/BC-MT, ngày 21/3/2019.

7. Đỗ Trần Hải (2018), Đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần và xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động một số ngành nghề “. Mã số: ĐTĐL.CN-06/15. Hà Nội, 12/2018.

8. Nguyễn Văn Lơ, BS CKII. “Nghiên cứu chỉ số BMI trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019 – 2020”.  Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Trà Vinh, 

9. Hoàng Thị Minh Hiền (2004), “Nghiên cứu tình trạng sức khỏe và sức nghe của người lao động tiếp xúc với dung môi hữu cơ (toluen, xylen,…) trong một số nghề sản xuất và đề xuất biện pháp bảo vệ sức khỏe người lao động. Mã số:  200/03/TLĐ.

10. Chmielewski J. and Renke W. (1975), “Clinical and experimental studies on the pathogenesis of toxic effects of styrene. II. The effect of styrene on the respiratory system“, Bulletin of the Institute of Maritime and Tropical Medicine in Gdynia, 26 (3-4), pp.299-302.

11. Lê Quang Công, Trần Lê Hà Giang (2019), Tình trạng tiếp xúc styren qua sản phẩm chuyển hóa axít mandelic và axít phenylglyoxylic”, Tạp chí hoạt động KHCN An toàn sức khỏe và môi trường lao động số 1, 2 & 3 – 2019.

TS.BS. Vũ Xuân Trung; TS. Phạm Thị Bích Ngân;

 BS. Bùi Thị Ngọc Minh, BS. Long Thùy Dương và CS.


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)