Rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp mới trong điều kiện phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:49(GMT +7)

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Như đã biết, rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (RRAT&SKNN) xuất hiện trong quá trình hoạt động sản xuất của con người. Do vậy, liên quan cơ hữu và phụ thuộc vào sự phát triển của văn minh sản xuất của nhân loại.
Trong giai đoạn phát triển sắp tới, gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ tư – chắc chắn sẽ xuất hiện những RRAT&SKNN mới mà trước đây chưa có.
Bài viết đề cập tới một số RRAT&SKNN mới, đặc trưng cho giai đoạn cách mạng lần thứ tư.

2. MỘT SỐ THAY ĐỔI ĐẶC TRƯNG VỀ ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG TRONG GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

Đặc điểm của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là sự xuất hiện của các công nghệ và thiết bị mới, số hóa nền kinh tế dẫn đến những thay đổi bản chất của quy trình làm việc và chính lĩnh vực lao động. Các hình thức việc làm truyền thống được thay thế bằng những hình thức mới và nảy sinh những rủi ro mới đối với cuộc sống và sức khỏe của người lao động. Đây là những thách thức toàn cầu mà mô hình phản ứng hiện tại của quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không đối phó được. Công tác ATVSLĐ cần đạt đến một cấp độ phát triển mới: cần có các hệ thống chủ động linh hoạt dựa trên đánh giá rủi ro sử dụng công nghệ kỹ thuật số.

2.1. Quá trình lao động thay đổi

Chuyển đổi trong nền kinh tế làm thay đổi bản chất của lao động và cơ cấu việc làm. Theo đó, vị trí việc làm sẽ giảm nhanh chóng trong công nghiệp có thể đến 35%, còn trong nông nghiệp có thể đến 65%. Đồng thời, việc làm trong lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng lên đáng kể. Nhu cầu về một việc làm “cơ bản” (“cơ bản” là dịch vụ kỹ thuật số) đang gia tăng. Những thay đổi trong quy trình lao động xảy ra không chỉ ở các công ty mới và các công ty công nghệ thông tin (CNTT), mà còn ở các công ty khác. Ban đầu những thay đổi tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, sau đó là tự động hóa-thông minh hóa dây chuyền sản xuất truyền thống. Với sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số, bộ mặt các ngành nghề truyền thống sẽ thay đổi.

2.2. Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe lao động

Môi trường lao động (MTLĐ) thay đổi, dẫn đến thay đổi bản chất của các rủi ro.

Những mối đe dọa tiềm ẩn đối với con người là kỹ thuật số, công nghệ sinh học và nano, trí tuệ nhân tạo, vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đặc biệt, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cần phải chi trả đền bù đối với sức khỏe tâm thần và tâm lý của người lao động (NLĐ). Do vậy, điều ngày càng quan trọng là phải lường trước những rủi ro nào có thể xảy ra.

Mọi bước phát triển nhảy vọt về công nghệ luôn luôn gắn với những cải cách của hệ thống quản lý ATVSLĐ. Điều này đã xảy ra trong lịch sử. Vào giữa thế kỷ XVIII, khi cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên xảy ra và việc sử dụng thiết bị sản xuất mới dẫn tới sự gia tăng mạnh số vụ tai nạn. Phản ứng tự nhiên là sự phát triển của các giải pháp kỹ thuật để hạn chế tiếp cận với các cơ chế nguy hiểm. Trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai, vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, dây chuyền sản xuất và băng tải đã xuất hiện. NLĐ trở nên gắn liền với công nghệ theo một quy trình và các quyết định của tổ chức được yêu cầu gọi là quy trình lao động an toàn. Tại thời điểm này, các quy tắc và quy định cho việc làm thế nào để thực hiện công việc một cách an toàn đã nảy sinh – nói một cách dễ hiểu, hệ thống quản lý ATVSLĐ đã được hình thành. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba xảy ra vào giữa những năm 60-70, gắn liền với robot hóa và tự động hóa các quy trình công nghệ. Ở giai đoạn này, vai trò của yếu tố con người trong việc đảm bảo ATLĐ trở nên rất quan trọng. Nếu ở giai đoạn đầu tiên có đủ các biện pháp kỹ thuật, ở giai đoạn thứ hai – các biện pháp tổ chức, thì các vấn đề của giai đoạn thứ ba vẫn chưa được giải quyết do thiếu một công cụ để quản lý hành vi của con người. Ở giai đoạn này, hệ thống quản lý RRAT&SKNN được tạo ra nhằm bảo đảm an toàn và sức khỏe cho NLĐ.

Bây giờ, trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác ATVSLĐ sẽ tăng lên một mức độ phát triển cao hơn. Theo các chuyên gia, số hóa sẽ giúp thay đổi công tác quản lý RRAT&SKNN. Các hệ thống thông minh sẽ giúp giám sát các quy trình công nghệ – trạng thái của thiết bị, quy định và hành vi của con người – và cuối cùng là cảnh báo và loại bỏ các mối đe dọa này. Ví dụ: Chiếc xe hiện đại sẽ không khởi động nếu người ngồi sau tay lái trong tình trạng say rượu. Hệ thống sẽ phản ứng với các vi phạm vô ý và can thiệp rủi ro trong thời gian thực.

3. MỘT SỐ RRAT&SKNN MỚI NẢY SINH TRONG GIAI ĐOẠN ĐẾN 2035

Chúng ta thấy có 4 loại RRAT&SKNN mới nảy sinh trong giai đoạn phát triển đến 2035 là:

1. RRAT&SKNN mới do quá trình trí tuệ hóa lao động gây ra đối với NLĐ;

2. RRAT&SKNN do công nghệ nano – sinh học gây ra đối với NLĐ;

3. RRAT&SKNN do công nghệ lưu trữ và tích lũy năng lượng gây ra đối với NLĐ;

4. RRAT&SKNN do các mạng điều khiển vô tuyến tần số cao gây ra đối với NLĐ.

3.1. Về RRAT&SKNN mới do quá trình trí tuệ hóa lao động gây ra

Trong điều kiện trí tuệ hóa lao động sắp tới của CMCN 4.0 thì việc đánh giá, phân loại lao động trí não cần phải được chú trọng nghiên cứu, giải quyết để có căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng các chính sách, chế độ lao động phù hợp. Đặc biệt là đối với lao động trí não (LĐTN).

Lao động trí não có những đặc điểm sau:

– Lao động trí não bao gồm việc xử lý và phân tích một lượng lớn thông tin khác nhau, và do đó, việc huy động trí nhớ và sự chú ý đóng vai trò quan trọng, còn tải trọng cơ bắp là không đáng kể. Những công việc trí óc có đặc điểm là làm giảm đáng kể hoạt động thể chất (vận động – hypokinesia), và vì vậy, có thể dẫn đến bệnh lý tim mạch: Căng thẳng tinh thần kéo dài làm suy nhược tinh thần, suy giảm các chức năng chú ý, trí nhớ. Chỉ số chính của lao động trí óc là căng thẳng, phản ánh tải trọng lên hệ thần kinh trung ương;

– Theo nội dung và tính chất của mình, LĐTN được chia thành lao động sáng tạo và không sáng tạo. Lao động sáng tạo đặc trưng cho hoạt động hiệu quả, tức là các hoạt động làm thay đổi thực tiễn hiện có. Lao động không sáng tạo – đặc trưng cho hoạt động sinh sản, tức là các hoạt động nhân rộng cách làm hiện tại;

– Tổng năng lượng tiêu hao tính bằng kcal/h không nhiều như lao động thể chất;

– Năng lượng tiêu hao tuy không nhiều nhưng tập trung chủ yếu ở não bộ;

– NLĐ phải tiếp nhận và xử lý đồng thời nhiều thông tin khác nhau về nội hàm và bản chất tin báo, chẳng hạn: các tín hiệu ánh sáng màu/ánh sáng nhấp nháy; tín hiệu âm thanh ở các tần số khác biệt; nhiều đối tượng cần tập trung sự chú ý như nhau hoặc tập trung chú ý theo một trật tự ưu tiên định trước, v.v.;

– Những nghiên cứu cơ bản về lao động và hoạt động của não bộ chưa cho phép quan trắc trực tiếp năng lượng tiêu hao và cường độ vận động của những vùng não bộ riêng biệt. Do vậy các nhà chuyên môn tiếp cận vấn đề theo hướng gián tiếp thông qua những chuẩn cứ được xây dựng, chẳng hạn như: gánh nặng trí não; gánh nặng lên các giác quan; gánh nặng tinh thần, tình cảm; gánh nặng của sự đơn điệu; v.v. Mỗi gánh nặng này lại được biểu diễn bởi những chỉ số thành phần riêng biệt, tạo nên hệ thống các chỉ số đánh giá LĐTN;

– Các nghiên cứu về gánh nặng nêu trên đã được triển khai và thu được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, mỗi loại gánh nặng LĐTN có nhiều cấu thành khác nhau, một mặt cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung chuyên sâu, mặt khác cần xây dựng thành phương pháp thực hành để vừa ứng dụng trong thực tiễn vừa có minh chứng đối với các vấn đề mới nảy sinh để hoàn thiện cơ sở lý luận và các phương pháp thực hành.

Lao động của các nhà quản lý và chuyên gia – những người dựa trên cương vị của mình hoặc dựa vào kiến ​​thức hiện có, trong quá trình lao động họ phải đưa ra các quyết định có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả công việc của toàn bộ tổ chức đều được coi là lao động trí não. Những hoạt động mà kiến ​​thức là động lực chính không thể định lượng được. Hoạt động này không thể được đo lường bằng chi phí phát sinh. Hoạt động trí tuệ được quyết định bởi kết quả của nó.

Sáng tạo là hình thức lao động trí não cao nhất. Lao động sáng tạo là công việc của các nhà văn, nhà soạn nhạc và các lĩnh vực nghệ thuật, cũng như công việc của các nhà khoa học và các nhà phát minh. Các yếu tố của sự sáng tạo bao gồm lao động hướng đích, logic, hệ thống và tạo thành những chủ thể có khả năng sản xuất. Cường độ lao động sáng tạo theo quan điểm sinh lý học lại càng khó đánh giá khách quan hơn, do đó hiện nay không có tiêu chí tương ứng.

Xu hướng chủ yếu phát triển lao động xã hội ở giai đoạn hiện nay là trí tuệ hoá (đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư CMCN 4.0), thể hiện ở chỗ tỷ lệ lao động trí não tăng lên, tầm quan trọng của lao động trí não trong xã hội vì thế cũng  tăng lên. Trong mọi lĩnh vực sản xuất hiện đại, LĐTN đóng vai trò quyết định. Việc thực hiện các chức năng LĐTN đòi hỏi người lao động phải có năng lực thích hợp, trình độ trí tuệ nhất định, trình độ chuyên môn cao và trình độ học vấn phổ quát. Theo đó, tầm quan trọng của giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp trong đào tạo các chuyên gia LĐTN ngày càng lớn.

Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm của LĐTN trở thành hàng hóa, điều này đặt ra nhu cầu cần thiết phải bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu trước sự xâm phạm của bên thứ ba. Quan hệ sở hữu cũng phải được nghiên cứu để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng lao động và quyền lợi của người lao động trong sản phẩm trí tuệ được tạo ra.

Về mặt sức khỏe lao động, đối với LĐTN đã phát hiện:

– Có biểu hiện mắc những chứng bệnh do tư thế lao động chủ yếu là ngồi;

– Có biểu hiện mắc những triệu chứng bị ám ảnh, chứng bệnh do quá căng thẳng vì trách nhiệm trước khả năng gây lỗi hàng loạt có thể xảy ra; 

– Có biểu hiện suy giảm năng suất và hiệu quả lao động do mất đi sự chú ý, tập trung cần thiết vào đối tượng lao động;

– Có biểu hiện trầm cảm, mặc cảm;

– Có khả năng mắc chứng bệnh xuất hiện trong khoảng 20 năm trở lại đây, được giới chuyên môn y học lao động gọi là “kiệt sức”. Người lao động mắc lỗi tiếp nhận và chuyển đổi thông tin trong quá trình lao động và điều khiển đối tượng lao động; không thể làm việc (dân gian còn gọi là mất điện) mặc dù không có tổn hại nào về thể chất.

3.2. Về RRAT&SKNN do công nghệ nano – sinh học gây ra

Các nhà khoa học không chỉ nói về những lợi ích có thể có của việc sử dụng công nghệ nano, mà còn về những rủi ro có thể xảy ra. Ngay cả các chuyên gia cũng chú ý đến việc thiếu “ngưỡng” cho hoạt động của vật liệu nano và lượng khí thải đáng kể trong quá trình sản xuất của chúng. Ngoài ra còn có các khía cạnh chính trị và đạo đức (ví dụ, sự phát triển của các loại vũ khí mới, việc sử dụng cấu trúc nano một cách vô lý).

Nói về việc tạo ra các vật liệu mới, chúng ta không nên quên rằng đây cũng là một nguy cơ đối với sức khỏe con người và môi trường. Rốt cuộc, các hạt nano dễ dàng xâm nhập vào da, đường hô hấp, đường tiêu hóa, tương tác với nhau trong cơ thể, gây ra các tác động chưa biết. Do đó, việc chuyển đổi từ công nghệ vi mô sang công nghệ nano đòi hỏi nghiên cứu cơ bản đặc biệt.

Thực tế là vật liệu nano có thể có tác động rất lớn và nguy hại. Ví dụ, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm với carbon và nanocarbon. Khi bột than được đưa vào bể cá, nó chỉ lắng xuống và cá tiếp tục bơi. Nhưng sau khi đưa nanocarbon vào bể, tất cả cá đã chết vì bị nanocarbon xâm nhập vào não và phong tỏa các tế bào thần kinh.

Y học nano và công nghệ nano – sinh học là những lĩnh vực mới, không có nhiều bằng chứng thực nghiệm về tác dụng bất ngờ có hại. Việc thiếu kiến thức về cách thức các hạt nano tích hợp vào các quá trình sinh hóa trong cơ thể con người hiện là mối quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu.

Từ những điều đã nói ở trên, rõ ràng cần phải quan tâm nghiên cứu các vấn đề đảm bảo an toàn sinh học đối với sử dụng vật liệu nano, bao gồm các vấn đề chính liên quan đến sự phát triển, ứng dụng và xử lý của chúng.

Vấn đề thứ nhất là đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất vật liệu nano. Nhiều lao động sẽ được tuyển dụng tại nơi làm việc trong điều kiện có hại và chưa có quy tắc an toàn tương ứng.

Vấn đề thứ hai là bảo vệ các vật liệu nano. Như với bất kỳ chất độc hại và tiềm ẩn nguy hiểm nào đối với môi trường, có vấn đề về xử lý chúng, bao gồm việc xử lý chất thải nano, thuốc hết hạn sử dụng và các sản phẩm vệ sinh được tạo ra bằng công nghệ nano.

Vấn đề thứ ba là cần phải kiểm soát chất lượng sản phẩm, đặc biệt là thuốc và phụ gia có hoạt tính sinh học.

Chúng ta thấy, RRAT&SKNN trong sử dụng công nghệ nano – sinh học là vấn đề rất mới, trong đó tác động của các công nghệ và vật liệu nano-sinh học thay đổi rất đột ngột, mức nghiêm trọng của thiệt hại gây ra rất lớn và chưa thể lường trước.

Do đó, điều rất quan trọng là nghiên cứu các mô hình cơ bản về các biểu hiện tác dụng sinh học và độc hại của các hạt nano, tùy thuộc vào hình dạng, kích thước, vật liệu ban đầu, diện tích bề mặt, điện tích và các đặc điểm hóa lý khác của cấu trúc, cũng như về liều lượng, đường dùng, nồng độ trong khu vực hoạt động và thời gian tiếp xúc. Cần đánh giá chính xác các rủi ro và tác dụng lâu dài có thể có của liệu pháp nano.

Dưới đây là một trong những ý kiến của các nhà khoa học ủng hộ công nghệ nano: “Giống như chúng ta không thể ngăn chặn việc tạo ra vũ khí hạt nhân, không thể ngăn chặn các tia X, đối với nano, chúng ta sử dụng một loại thuốc vừa là chất độc vừa là thuốc giải độc một khi thay đổi liều lượng, vì vậy sử dụng những mặt tích cực của vật liệu nano và công nghệ nano là trách nhiệm của chúng ta”.

Công nghệ nano – sinh học là một trong những lĩnh vực gây tranh cãi nhất, nhưng cũng là lĩnh vực hứa hẹn nhất trong khoa học hiện đại. Việc thực hiện các ý tưởng của nó có thể sẽ được giải quyết trong những thập kỷ tới, và thậm chí có thể sớm hơn.

3.3. Về RRAT&SKNN trong lĩnh vực lưu trữ và tích lũy năng lượng gây ra

Lưu trữ năng lượng là tập hợp năng lượng được tạo ra cùng một lúc để sử dụng sau này. Một thiết bị lưu trữ năng lượng thường được gọi là pin hoặc ắc quy. Năng lượng có nhiều dạng, bao gồm bức xạ, hóa học, hấp dẫn, tiềm năng, điện, nhiệt độ cao, nhiệt ẩn và đồng vị 229. Lưu trữ năng lượng liên quan đến việc chuyển đổi năng lượng từ các dạng khó lưu trữ thành các hình thức thuận tiện cho sử dụng hoặc kinh tế hơn.

Hiện nay, lưu trữ năng lượng khối lượng lớn bị chi phối bởi các đập thủy điện. Lưu trữ năng lượng lưới là một tập hợp các kỹ thuật được sử dụng để lưu trữ năng lượng quy mô lớn trong lưới điện.

Các ví dụ phổ biến về lưu trữ năng lượng là ắc quy hoặc pin có thể sạc lại, lưu trữ năng lượng hóa học có thể dễ dàng chuyển đổi thành điện năng để vận hành điện thoại di động, một đập thủy điện lưu trữ năng lượng trong hồ chứa làm năng lượng tiềm năng hấp dẫn và bể chứa nước đá, nơi lưu trữ đá đông lạnh bằng năng lượng rẻ hơn vào ban đêm để đáp ứng nhu cầu làm mát vào những giờ cao điểm ban ngày. Nhiên liệu hóa thạch, như than đá và xăng, là năng lượng được lưu trữ có nguồn gốc từ ánh sáng mặt trời bởi các sinh vật đã chết, bị chôn vùi và cuối cùng được chuyển đổi thành nhiên liệu.  Thực phẩm (được sản xuất theo cách tương tự như nhiên liệu hóa thạch) là một dạng năng lượng được lưu trữ ở  dạng hóa học.

Như vậy, lĩnh vực lưu trữ và tích lũy năng lượng rất đa dạng nhưng sẽ rất phát triển trong giai đoạn CMCN 4.0. Những RRAT&SKNN nảy sinh trong lĩnh vực này liên quan tới toàn bộ quá trình trí tuệ hóa công nghệ với việc áp dụng rộng rãi tiến bộ KHCN điều khiển, vật liệu và tiến tới nhất thể hóa năng lượng vạn vật. RRAT&SKNN trong lĩnh vực này bao gồm/và lồng ghép nhiều RRAT&SKNN ở các lĩnh vực cấu thành liên quan.

3.4. Về RRAT&SKNN do sử dụng Wifi và mạng điều khiển vô tuyến tần số cao gây ra

Trong sản xuất công nghiệp hiện đại, có nhiều thiết bị được sử dụng mạng Wifi và mạng điều khiển không dây tốc độ cao.

Ở băng tần 2.4 GHz, có rất nhiều thiết bị sử dụng nên có khả năng gây nhiễu loạn, làm cho các lệnh điều khiển hay hoạt động của thiết bị có độ trễ hoặc sai lệch;

Thực tế, Wi-Fi có “chi phí” dịch vụ rất cao. Tốc độ truyền dữ liệu trên L2 (OSI) trong mạng Wi-Fi luôn thấp hơn tốc độ khai báo trên L1 (OSI);

Tốc độ thực tế phụ thuộc vào tỷ lệ lưu lượng dịch vụ, phụ thuộc vào sự hiện diện của các rào cản vật lý giữa các thiết bị (chuyển động đan xen nhiều thiết bị, vách ngăn), sự hiện diện của nhiễu từ các thiết bị không dây hoặc thiết bị điện tử khác, vị trí của các thiết bị tương đối với nhau, v.v.[4];

Dải tần và giới hạn hoạt động không giống nhau ở các quốc gia khác nhau. Do vậy khi hoạt động tính năng của các thiết bị được sản xuất theo các tiêu chuẩn khác nhau dễ có khả năng bị hạn chế, không phát huy hết tính năng kỹ thuật.

Tất cả những điều kể trên tiềm ẩn khả năng xảy ra RRAT&SKNN khi điều khiển thiết bị có sử dụng Wifi và điều khiển bởi mạng vô tuyến tần số cao. Rủi ro có thể xảy ra trong tương tác Người – Máy. Ngoài ra, tác động của sóng Wifi tần số cao như 5G; 6G hoặc 7G chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đặc biệt khi tác động của chúng kết hợp với tác động của các sóng điện từ trường tần số công nghiệp khác.

KẾT LUẬN

Trong điều kiện CMCN 4.0, nhiều RRAT&SKNN mới nảy sinh đòi hỏi có những nghiên cứu cơ bản và ứng dụng mới. Những rủi ro này chỉ có thể được kiểm soát, quản lý hiệu quả nếu chúng ta hiểu rõ được bản chất tác động của các yếu tố sản xuất công nghiệp mới.

– Quá trình trí tuệ hóa lao động trong CMCN 4.0 làm nảy sinh những RRAT&SKNN mới đối với lao động trí não. Đó là sức khỏe tâm thần và tâm sinh lý. Đánh giá phân loại ĐKLĐ cho lao động trí não là việc cần quan tâm giải quyết sớm;

– Một trong những lĩnh vực có triển vọng phát triển mạnh sắp tới là công nghệ nano – sinh học. RRAT&SKNN trong lĩnh vực này gần như hoàn toàn mới đối với mọi chủ thể liên quan tới quá trình sản xuất, lưu trữ, lưu thông phân phối và sử dụng;

– Trong điều kiện CMCN 4.0 các vấn đề tác động phối hợp, đồng thời của các tác nhân độc hại, nguy hiểm có bản chất lý hóa mới lên NLĐ cần được ưu tiên ngăn chặn từ nguyên lý của lý thuyết an toàn sinh học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tư liệu Tuần lễ Bảo hộ Lao động Toàn Nga, 22 – 25/4/2019, Sochi;

2.https://studme.org/338766/tehnika/vozmozhnye_riski_svyazannye_ispolzovaniem_nanobiotehnologi;

3. Từ điển VIKI, Wi Fi, Лори Челлис (Lawrie Challis). https://ru.wikipedia.org/wiki/Wi-Fi;

4.  Об установлении перечня радиоэлектронных средств и (или) высокочастотных устройств, не подлежащих регистрации (Постановление Министерства связи и информатизации Республики Беларусь от 14 июня 2013 года № 7). www.mpt.gov.by/. Дата обращения: 17 марта 2016. Архивировано 4 марта 2016 года;

5. Руководство по эксплуатации системы радиоуправления CORALLY CT2R Advanced 2.4 ГГц.
https://manuals.plus/ru/corally/ct2r-advanced-2-4ghz-radio-control-system-manual#ixzz7hPA7TueL

VSTT. TSKH. Phạm Quốc Quân,

TS. Nguyễn Thắng lợi và CTV


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)