Đánh giá mối liên quan giữa tiếp xúc Dichloromethane nghề nghiệp và biến đổi COHb máu ở nhà máy sản xuất xe hơi tại Tp.Hồ Chí Minh, Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:49(GMT +7)

Một nghiên cứu cắt ngang trên 114 công nhân tại nhà máy sản xuất xe hơi có bộ phận tẩy sơn và sơn tại TpHCM, được thu thập mẫu nước tiểu xét nghiệm nồng độ Dichloromethane (DCM) và chọn ngẫu nhiên 30 công nhân trong số này được đo chỉ số COHb% máu. Kết quả cho thấy, sau 8 giờ ca lao động có 29 (97%) công nhân không phát hiện được nồng độ DCM nước tiểu và chỉ số COHb% máu dưới 0,5%. Về mối liên quan giữa tiếp xúc Dichloromethane (DCM) và chỉ số COHb% máu trên các đối tượng là công nhân hay các tình nguyện viên có phơi nhiễm, với hệ số tương quan kết hợp là r = 0,68 và phương trình hồi quy là y = 0,0265x + 1,681.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Việc sử dụng dung môi hữu cơ gốc clo thay thế một số dung môi có độc tính cao trong sản xuất công nghiệp được dùng trong nhiều lĩnh vực sản xuất, trong đó có sử dụng để tẩy sơn trên các kim loại, tẩy rửa khuôn đúc nhựa, ngành keo dán, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp hóa chất…Mặc dù Dichloromethane (DCM) hay còn gọi là Methylene Chloride (CH2Cl2) không độc nhiều như những loại dung môi hữu cơ gốc clo khác, và cũng là chất không gây cháy, nên được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp trên thế giới [1]. Tuy nhiên Dichloromethane (CH2Cl2) là chất có nguy cơ cao gây ung thư cho người trên nhều cơ quan đích quan trọng của cơ thể, do vậy việc tiếp xúc Dichloromethane (CH2Cl2) từ nơi làm việc ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân trong các ngành công nghiệp có phơi nhiễm Dichloromethane (CH2Cl2) cần được quan tâm. Những tác hại không ung thư và ung thư ở công nhân, sẽ tiềm ẩn bởi mối nguy cơ từ việc phơi nhiễm với Dichloromethane trong lao động nếu tiếp xúc lâu dài [2]. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với Dichloromethane như sử dụng để tẩy sơn thiết bị tại gia từ những người tiêu thụ không liên quan đến sản xuất công nghiệp, cũng cần được lưu ý do hiện tượng nhiễm độc cấp tính, đặc biệt với những đối tượng có vấn đề về bệnh tim mạch (3). Tại Mỹ, trong giai đoạn từ 1980 – 2018, có 85 trường hợp tử vong có liên quan đến tiếp xúc Dichloromethane, trong đó có 87% các trường hợp liên quan đến nghề nghiệp và 13% các ca ngoài nghề nghiệp. Ngoài ra, từ năm 1985 – 2017, Trung tâm kiểm soát ngộ độc của Mỹ (the American Association of Poison Control Centers) đã thống kê được 37.201 trường hợp có vấn đề sức khỏe nghề nghiệp do nhiễm độc mãn tính Dichloromethane, đặc biệt tăng dần từ cuối thập niên 1990 (4).

Nghiên cứu về Dichloromethane (CH2Cl2) và ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cho đến nay, hầu như chưa có nhiều nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam, đặc biệt tại TpHCM và các tỉnh phía Nam. Do Dichloromethane là hợp chất gây độc đến sức khỏe như các bệnh về thần kinh, thận, gan, cấu tạo máu, da, và đặc biệt là ung thư, … nếu tiếp xúc lâu dài trong nghề nghiệp, hay ảnh hưởng cấp tính nguy hại đến tính mạng người lao động nếu phơi nhiễm với nồng độ cao. Vì vậy, để có thể góp phần cung cấp thêm thông tin về tác hại của Dichloromethane đến sức khỏe công nhân trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam, đề tài được thực hiện với  mục tiêu: Đánh giá mối liên quan giữa tiếp xúc dichloromethane nghề nghiệp và biến đổi COHb máu ở công nhân các ngành công nghiệp tại thành phố Hồ Chí MinhViệt Nam. Góp phần định hướng cho xây dựng tiêu chuẩn bệnh nghề nghiệp cho Dichloromethane và xây dựng chỉ số giám sát sinh học của Dichloromethane cho công nhân Việt Nam có phơi nhiễm.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thực hiện nghiên cứu cắt ngang mô tả,  được chọn đối tượng nghiên cứu  theo mẫu thuận tiện gồm 114 công nhân đang làm việc tại phân xưởng sản xuất/ công nghiệp thuộc thành phố Hồ Chí Minh, được thu thập mẫu nước tiểu nhằm đo nồng độ Dichloromethane (μg/L). Trong số 114 công nhân này, chọn ngẫu nhiên 30 công nhân để thu thập mẫu máu đo chỉ số COHb%. Các công nhân này được lấy mẫu máu và nước tiểu sau ca làm việc 8 giờ.

– Biến số tiếp xúc: công nhân tiếp xúc với Dichloromethane tại nơi làm việc

– Biến số hậu quả: nồng độ Dichloromethane nước tiểu, COHb% máu (carboxyhemoglobin)

– Các biến số nền: tuối, giới, nơi sinh sống, tình trạng gia đình, học vấn, kinh tế xã hội.

Xác định nồng độ DCM nước tiểu bằng phương pháp sắc ký khí:

– Phân tích mẫu nước tiểu ở công nhân có tiếp xúc với Dichloromethane để xác định nồng độ DCM (µg/L) nước tiểu

– Phương pháp phân tích dựa trên kỹ thuật sắc ký khí (GC) sử dụng detector FID hiện nay được sử dụng để xác định nồng độ Dichlomethane trong mẫu không khí môi trường chung hay môi trường lao động có giới hạn phát hiện thấp, độ chính xác cao, với ngưỡng phát hiện là 2,900 ppb 0,01 mg/mẫu, phần trăm hồi phục là 95,3% (Theo NIOSH 1994, method 1005).

– Nguyên lý: Dichloromethane trong không khí hấp thụ trong ống than hoạt tính chuyên dụng, sau đó mẫu khí được giải hấp bằng dung dịch carbon disulfide và được bơm lên hệ thống sắc ký khí theo chương trình nhiệt độ lò cột phù hợp. Quá trình rửa giải mẫu phân tích ra khỏi cột tách được phát hiện bằng flame ionization detector (FID), tín hiệu được ghi lại bằng sắc ký đồ. Dựa trên diện tích hay peak của mẫu thử và mẫu chuẩn, thể tích không khí mẫu được thu thập sẽ tính hàm lượng Dichloromethane có trong mẫu khí đã phân tích.

Xác định nồng độ phần trăm Carboxyhemoglobine (COHb) bằng phương pháp sắc ký khí:

– Phân tích khí COHb bằng phương pháp sắc ký khí với đầu dò phát hiện ion hóa, cùng với việc xác định COHb trong máu dùng phương pháp của tác giả Seto và đồng nghiệp. Các mẫu máu được phân tích bằng máy (Shimadzu Tracera; Shimadzu Corporation, Kyoto, Japan) với 5A mega-bore capillary column (30 m × 0.53 mm, film thickness 50 μm; Restek, Bellefonte, PA, USA). COHb% được tính bởi nồng độ của CO trong mẫu và nồng độ heme trong mẫu máu. Heme trong mẫu máu được xác định theo phương pháp yanmethemoglobin.

Phương pháp phân tích hệ thống mối liên quan giữa tiếp xúc DCM và tăng COHb %  theo hệ số tương quan kết hợp là r = 0,68 và phương trình  hồi quy là y = 0,0265x + 1,681. 

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1.  Xác định được mức độ thay đổi COHb ở người lao động có tiếp xúc với Dichloromethane (CH2Cl2)

Bảng 1. Đặc điểm của công nhân tham gia nghiên cứu

Đặc điểm

Trung bình

Min – Max

Tuổi

35,3 ± 8,4

24 – 58

Tuổi nghề

8,7 ± 5,4

2 – 26

Giới tính

Nam

99%

Nữ

1 %

Cân nặng

61,8 ± 1,2

58,3 ± 62,4

Chiều cao

165 ± 0,99

162,7 ± 166

Tổng số công nhân trong mẫu nghiên cứu có tuổi đời trung bình là 35,3 ± 8,4 và tuổi nghề trung bình là gần 9 năm. Do đặc tính công việc có tiếp xúc với hóa chất độc hại, nên trong mẫu nghiên cứu, công nhân có phơi nhiễm với Dichloromethane hầu hết là nam giới làm việc tại các phân xưởng có tiếp xúc với Dichloromethane.

Bảng 2. Kết quả phân tích hàm lượng dichloromethane trong nước tiểu ở 114 công nhân ngành chế tạo ô tô tham gia vào mẫu nghiên cứu

Khu vực

Sản xuất

Công nhân

Dichloromethane nước tiểu (µg/L)

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Min – Max

3,18

7,78

0 – 57,17

Không phát hiện

Có phát hiện DCM nước tiểu

Bodyshop

1 (0,88%)

0 (0%)

1 (0,88%)

ED Coating

7 (6,14%)

4 (3,51%)

3 (2,63%)

Engineering

5 (4,39%)

4 (3,51%)

1 (0,88%)

Paintshop

90 (78,95%)

56 (49,12%)

34 (29,82%)

QM

11 (9,65%)

7 (6,14%)

4 (3,51%)

Tổng

114 (100%)

71 (62,28%)

43 (37,72%)

Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)

Chưa có tiêu chuẩn ngưỡng DCM trong nước tiểu

Trong số 114 mẫu nước tiểu được phân tích phát hiện nồng độ DCM (μg/L), có 43 (37,7%) trường hợp có hiện diện DCM trong nước tiểu và 62,28% các đối tượng có nồng độ DCM nước tiểu là 0 (μg/L), trong đó nồng độ trung bình là 3,18 ± 7,78 (0 – 57,17) và người có chỉ số cao nhất là 57,17 (μg/L). Ngoài ra, công nhân làm việc ở bộ phận Bodyshop và ED Coating có tỉ lệ cao về nồng độ DCM hiện diện trong nước tiểu do tiếp xúc với DCM trong môi trường làm việc.

Bảng 3. Kết quả COHb % máu của 30 công nhân làm việc tại phân xưởng chế tạo xe hơi

Công nhân

Kết quả COHb %

DCM (μg/L) nước tiểu

Bộ phận

Tiêu chuẩn COHb%

1

< 0,5 %

n.d

CI workshop

15/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế):

Nhiễm độc cấp tính:

– Mức độ nhẹ: COHb máu 10 – < 30%.

– Mức độ trung bình: COHb máu 30 – 50%.

– Mức độ nặng: COHb máu  >50%.

Nhiễm độc mạn tính:

– Đối với người không hút thuốc lá: HbCO máu >3,5%.

– Đối với người hút thuốc lá: HbCO máu >10,0%.

2

< 0,5 %

n.d

CI workshop

3

< 0,5 %

n.d

CI workshop

4

< 0,5 %

n.d

CI workshop

5

< 0,5 %

n.d

Engineering

6

< 0,5 %

n.d

Engineering

7

< 0,5 %

n.d

Engineering

8

< 0,5 %

n.d

Engineering

9

< 0,5 %

n.d

Engineering

10

< 0,5 %

n.d

Engineering

11

< 0,5 %

n.d

Engineering

12

< 0,5 %

n.d

Engineering

13

< 0,5 %

n.d

Engineering

14

< 0,5 %

n.d

Engineering

15

< 0,5 %

n.d

Engineering

16

< 0,5 %

n.d

Engineering

17

< 0,5 %

n.d

Engineering

18

< 0,5 %

n.d

EDCoating

19

< 0,5 %

n.d

QM

20

< 0,5 %

n.d

QM

21

< 0,5 %

n.d

QM

22

< 0,5 %

n.d

QM

23

< 0,5 %

n.d

QM

24

< 0,5 %

n.d

QM

25

< 0,5 %

n.d

QM

26

< 0,5 %

n.d

QM

27

< 0,5 %

n.d

QM

28

< 0,5 %

n.d

QM

29

< 0,5 %

5,11

EDCoating

30

< 0,5 %

n.d

EDCoating

Kết quả định lượng COHb% ở công nhân đang làm việc tại bộ phận sản xuất chế tạo xe hơi có tiếp xúc với dung môi hữu cơ cho thấy, nồng độ COHb% rất thấp dưới mức phát hiện là 0,5%. Trong số 30 công nhân được định lượng COHb %, có 29 (97%) đối tượng không định lượng được DCM trong nước tiểu và 1 (3%) trường hợp có nồng độ DCM trong nước tiểu là 5,11 μg/L.

3.2. Phân tích hệ thống mối liên quan giữa tiếp xúc Dichloromethane và tăng COHb %

Hình 1. Tổng hợp phân tích hệ thống các nghiên cứu về mối tương quan giữa tiếp xúc DCM và tăng COHb% ở công nhân có phơi nhiễm

Kết quả phân tích tổng hợp meta về sự tương quan giữa tiếp xúc DCM và tăng COHb% qua hệ số tương quan r của các nghiên cứu cho thấy, r tổng hợp là 0,68 là mối tương quan khá chặt chẽ.

3.3. Chỉ số giám sát sinh học do tiếp xúc Dichloromethane

Bảng 4. Tăng COHb % ở người lao động có phơi nhiễm Dichloromethane (ppm)

Mối liên quan

Hệ số tương quan  (r), phương trình hồi quy

Giá trị giám sát sinh học

Tiếp xúc DCM trong môi trường lao động và tăng COHb%

r = 0,68

y = 0,0265x + 1,681 (1)

p = 0,018

y là COHb %

x là nồng độ DCM (ppm) trong môi trường

Tiêu chuẩn DCM trong môi trường lao động 8 giờ (TWA) ≤ 50 mg/m3 (14,39 ppm) (Tiêu chuẩn VSCN Thông tư 10/2019/TT-BYT)

Tiêu chuẩn tăng COHb %

y = 0,0265x + 1,681 (1)

→ x ≤ 0,0265* 14,39 + 1,681

COHb % ≤ 2,1%

Theo tiêu chuẩn VSCN Thông tư 10/2019/TT-BYT quy định DCM trong môi trường lao động 8 giờ (TWA) ≤ 50 mg/m3 (14,39 ppm), qua ứng dụng phương trình hồi quy từ phân tích hệ thống cho thấy, COHb % tăng mãn tính dưới 2,1% đối với những đối tượng phơi nhiễm mãn tính với DCM trong môi trường lao động.

4. BÀN LUẬN

Dichloromethane (DCM) hay methylene dichloride (CH2Cl2) khi vào cơ thể chuyển hóa một phần sang carbon monoxide, do vậy độc chất học của Dichloromethane (DCM) bao gồm các độc chất của dung môi hữu cơ và carbon monoxide (CO). Ái lực của CO với hemoglobin mạnh gấp 210-220 lần ái lực với oxy, vì vậy sau khi gắn với CO, hemoglobin mất khả năng gắn và vận chuyển oxy tới các mô trong cơ thể gây tình trạng giảm oxy mô tế bào (5) .

Qua khảo sát tại nhà máy sản xuất xe hơi có bộ phận tẩy sơn và sơn tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, với 114 công nhân được chọn thuận tiện tham gia vào nghiên cứu, có tuổi đời trung bình là 35 và tuổi nghề trung bình là gần 9 năm. Như vậy, thời gian làm việc của công nhân trong mẫu nghiên cứu, có tiếp xúc với Dichloromethane với thời gian trung bình là 9 năm, sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do tiếp xúc với Dichloromethane trong suốt thời gian dài làm việc. Ngoài ra, do đặc tính công việc có tiếp xúc với hóa chất độc hại là Dichloromethane, công nhân có phơi nhiễm với Dichloromethane hầu hết là nam giới làm việc tại các phân xưởng có sử dụng Dichloromethane đã được chọn vào mẫu nghiên cứu (Bảng 1). Có 43 (37,7%) trường hợp có hiện diện Dichloromethane trong nước tiểu và 57% các đối tượng có nồng độ Dichloromethane nước tiểu là 0 (μg/L), trong đó nồng độ trung bình là 3,18 ± 7,78 (0 – 57,17) và người có chỉ số cao nhất là 57,17 (μg/L) (Bảng 2).

Tuy nhiên khi chọn ngẫu nhiên 30 công nhân được phân tích COHb % máu cuối ca sản xuất trong số 114 đối tượng này, kết quả phân tích cho thấy (Bảng 3), nồng độ COHb% máu không được phát hiện với chỉ số dưới 0,5%. Như vậy qua kết quả trên biểu hiện rằng, công nhân có tiếp xúc với nồng độ Dichloromethane trong môi trường thấp không ảnh hưởng đến sự thay đổi của nồng độ COHb máu [6]. Thật vậy, khi chọn lựa ngẫu nhiên 30 công nhân để thu thập mẫu máu định lượng COHb % trong số 114 công nhân được lấy mẫu nước tiểu đo đạc nồng độ Dichloromethane, kết quả cho thấy 29 (97%) công nhân có kết quả mẫu nước tiểu không phát hiện được Dichloromethane và chỉ có 1 (3%) trường hợp có nồng độ Dichloromethane nước tiểu là 5,11 μg/L. Kết quả nghiên cứu này cũng tương đồng với nghiên cứu của một số tác giả như Dow và cộng sự đã kết luận, công nhân tiếp xúc với liều thấp Dichloromethane thì COHb máu tăng không quá 1% [7]. Do việc lấy mẫu máu sau ca lao động 8 giờ nên chỉ số COHb% giảm dần, bởi nồng độ COHb máu cao nhất sau khi tiếp xúc với Dichloromethane là từ 1 – 2 giờ sau phơi nhiễm [8]. Theo tác giả E. C. Riley và cộng sự (9) đã thực nghiệm quy trình thấm nhiễm của Dichloromethane trên những người tình nguyện cho thấy, người phơi nhiễm với Dichloromethane có nồng độ thấm nhiễm vào phổi cao nhất là 1 – 2 giờ đầu, sau đó 5 giờ sẽ kết thúc quá trình chuyển hóa và đào thải lượng Dichloromethane ra khỏi cơ thể qua đường hô hấp và một phần tồn tại trong nước tiểu, nếu đối tượng không còn tiếp xúc với Dichloromethane. Ngoài ra thời gian bán hủy của Dichloromethane trong máu là 40 phút và cơ thể chỉ chuyển hóa khoảng 31% nồng độ Dichloromethane được đo đạc trong môi trường lao động [9]. Do vậy kết quả nghiên cứu ngẫu nhiên của 30 người lao động được xét nghiệm nồng độ Dichloromethane nước tiểu và COHb% máu sau 8 giờ tiếp xúc với Dichloromethane trong nghiên cứu này, là phù hợp với kết quả thực nghiệm của nhóm tác giả  E. C. Riley. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này còn nhiều khác biệt so với các nghiên cứu khác từ các quốc gia phương tây phát triển, cả về thực nghiệm và thực địa trong mối liên quan giữa tiếp xúc với Dichloromethane và độ tăng COHb % máu theo liều lượng đáp ứng [10]. Ngoài ra, một nghiên cứu được được tiến hành ở Bỉ về mối liên quan giữa tiếp xúc với Dichloromethane và độ tăng COHb % ở người phơi nhiễm, kết quả cho thấy có mối tương quan giữa tiếp xúc Dichloromethane và tăng nồng độ COHb % máu với hệ số tương quan r là 0,58 [11].

Qua kết quả phân tích tổng hợp (Meta analysis) từ Hình 1 cho thấy, có mối tương quan khá chặt chẽ giữa tiếp xúc DCM trong môi trường lao động và chỉ số COHb % máu tăng theo liều lượng đáp ứng. Điều này giúp xây dựng được phương trình hồi quy nhằm thiết kế ngưỡng COHb % tăng khi phơi nhiễm DCM trong môi trường lao động cho công nhân các ngành công nghiệp tại Việt Nam. Theo tiêu chuẩn VSCN Thông tư 10/2019/TT-BYT quy định Dichloromethane trong môi trường lao động 8 giờ (TWA) ≤ 50 mg/m3 (14,39 ppm), qua ứng dụng phương trình hồi quy từ phân tích hệ thống cho thấy, COHb% tăng mãn tính dưới 2,1% đối với những đối tượng phơi nhiễm thời gian dài với DCM trong môi trường lao động (Bảng 4).

5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Năm 2022, tại nhà máy sản xuất xe hơi, thành phố Hồ Chí Minh  có 114 công nhân tẩy sơn và sơn được chọn lấy mẫu nước tiểu đo nồng độ DCM niệu sau 8 giờ ca lao động. Trong số 114 công nhân, chọn ngẫu nhiên 30 trường hợp xét nghiệm COHb% máu, kết quả cho thấy 30 công nhân có chỉ số COHb% máu dưới 0,5% đồng thời 29 (97%) công nhân không phát hiện được nồng độ DCM nước tiểu.

Về mối liên quan giữa tiếp xúc Dichloromethane (DCM) và chỉ số COHb% máu , dựa theo tiêu chuẩn VSCN của Thông tư 10/2019/TT-BYT, quy định Dichloromethane trong môi trường lao động 8 giờ (TWA) ≤ 50 mg/m3 (14,39 ppm), COHb % tăng mãn tính dưới 2,1% đối với những đối tượng phơi nhiễm mãn tính với DCM trong môi trường lao động, đã xác định được mối tương quan giữa tiếp xúc DCM trong môi trường lao động làm gia tăng COHb % máu ở nhóm lao động công nghiệp.

 Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu đầy đủ hơn trong tương lai về mối liên quan giữa tiếp xúc Dichloromethane và tăng COHb% máu, nhằm góp phần xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán nghề nghiệp do tiếp xúc với Dichloromethane bán cấp tính ở người lao động có phơi nhiễm với nồng độ Dichloromethane trong môi trường lao động.

Tài liệu tham khảo

[1]. Phillips JA. Methylene Chloride. Workplace health & safety. 2018;66(2):108.

[2]. Liu T, Xu QE, Zhang CH, Zhang P. Occupational exposure to methylene chloride and risk of cancer: a meta-analysis. Cancer causes & control : CCC. 2013;24(12):2037-49.

[3]. Tomenson JA, Bonner SM, Heijne CG, Farrar DG, Cummings TF. Mortality of workers exposed to methylene chloride employed at a plant producing cellulose triacetate film base. Occupational and environmental medicine. 1997;54(7):470-6.

[4].  Hoang A, Fagan K, Cannon DL, Rayasam SDG, Harrison R, Shusterman D, et al. Assessment of Methylene Chloride-Related Fatalities in the United States, 1980-2018. JAMA Intern Med. 2021;181(6):797-805.

[5].  U.S. Environmental Protection Agency W, DC, EPA/635/R-10/003D, 2011. U.S. EPA. IRIS Toxicological Review of Dichloromethane (Methylene Chloride) (Interagency Science Discussion Draft).

[6]. Kawai T, Sakurai H, Ikeda M. Biological monitoring of occupational exposure to dichloromethane by means of urinalysis for un-metabolized dichloromethane. Industrial health. 2020;58(1):22-5.

[7].  Stevenson MF, Chenoweth MB, Cooper GL. Effect on carboxyhemoglobin of exposure to aerosol spray paints with methylene chloride. Clin Toxicol. 1978;12(5):551-6.

[8]. Stewart RD, Fisher TN, Hosko MJ, Peterson JE, Baretta ED, Dodd HC. Experimental human exposure to methylene chloride. Archives of environmental health. 1972;25(5):342-8.

[9]. Riley EC, Fassett DW, Sutton WL. Methylene Chloride Vapor in Expired Air of Human Subjects. American Industrial Hygiene Association journal. 1966;27(4):341-8.

[10].  Zarrabeitia M, Ortega C, Altuzarra E, Martínez M, Mazarrasa O, Calvet R. Accidental Dichloromethane Fatality: A Case Report. Journal of forensic sciences. 2001;46:726-7.

[11]. Amsel J, Soden KJ, Sielken RL, Jr., Valdez-Flora C. Observed versus predicted carboxyhemoglobin levels in cellulose triacetate workers exposed to methylene chloride. American journal of industrial medicine. 2001;40(2):180-91.

TS.BS. Phan Minh Trang

Phân Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)