Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng sức khỏe lao động nữ ngành may mặc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Thứ Hai, 25/12/2023, 02:06(GMT +7)

Đồng Nai là một trong các tỉnh khu vực phía Nam có sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp may mặc với số lượng lớn lao động nữ tham gia, do đó để cung cấp thông tin cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách có các biện pháp nâng cao chất lượng sức khỏe người lao động trên địa bàn tỉnh, chúng tôi tiến hành nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe lao động nữ ngành may mặc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đối tượng nghiên cứu gồm 571 lao động nữ, tuổi từ 18-55 có thâm niên trên 12 tháng tại 7 doanh nghiệp may mặc tỉnh Đồng Nai. Kết luận: Lao động nữ trong ngành may mặc chủ yếu có sức khỏe ở mức trung bình và tốt, và sức khỏe lao động nữ ngành may có liên quan đến môi trường lao động, môi trường xã hội, đặc điểm tâm lý người lao động do đó để nâng cao sức khỏe cho người lao động cần có các biện pháp can thiệp toàn diện về điều kiện và môi trường làm việc, sắp xếp thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lí.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

May mặc là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam và thế giới, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 3,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Bên cạnh đó, may mặc là một ngành nghề đặc thù với số lượng lao động nữ chiếm tỷ lệ rất cao với 85% tổng số lao động của ngành. Người lao động (NLĐ) đã và đang làm việc trong ngành may mặc phải làm việc với nhiều áp lực và tiếp xúc với điều kiện môi trường làm việc có nhiệt độ, độ ẩm cao, bụi và các tác hại của bụi cũng như độ ồn cao và các yếu tố về tâm sinh lý lao động cũng gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, đặc biệt là nữ giới.

Qua các kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy lao động trong ngành may mặc có sức khỏe loại 2 và 3 chiếm đa số, sức khỏe loại 4 và 5 không nhiều. Kết quả nghiên cứu của Bùi Hoài Nam trên 800 công nhân ngành may mặc tại Hưng Yên cho thấy 79,3% có sức khỏe loại 2&3, tỷ lệ có sức khỏe loại 4&5 là 12,0% và 8,8% có sức khỏe loại 1, bệnh tật chủ yếu là tai mũi họng (TMH), răng hàm mặt (RHM), bệnh về mắt, xương khớp và da liễu [2].

Để đánh giá thực trạng sức khỏe và các yếu tố liên quan ở lao động nữ đang làm việc tại các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe lao động nữ ngành may mặc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” với mục tiêu: 1) Xác định thực trạng sức khỏe lao động nữ ngành may mặc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; 2) Xác định các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe lao động nữ ngành may mặc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu: Lao động nữ hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp may mặc được lựa chọn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tuổi từ 18-55 tuổi đã làm việc trên 12 tháng tính tới thời điểm nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại trừ: Lao động nữ đã đồng ý tham gia nhưng không trả lời từ 10% tổng số câu hỏi trong bộ câu hỏi và có tiền sử mắc bệnh, tật trước khi vào làm việc.

2.2. Thời gian nghiên cứu: 24 tháng.

2.3. Địa điểm: Tại 07 doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

2.4. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang.

2.5. Cỡ mẫu: được tính với công thức tính cỡ mẫu cho nghiên cứu cắt ngang.

                     Chọn p=0,5 →  n=384. Trên thực tế đã thu thập được cỡ mẫu là 571 người.

2.6. Kỹ thuật chọn mẫu: Chọn mẫu cụm và ngẫu nhiên đơn. Dựa trên phân bố các doanh nghiệp may mặc tỉnh Đồng Nai, lựa chọn 7 doanh nghiệp ngành may mặc bằng phương pháp ngẫu nhiên đơn (quy mô doanh nghiệp trên 100 công nhân). 

2.7. Phương pháp thu thập số liệu:

1) Phỏng vấn theo bộ câu hỏi soạn sẵn bao gồm các thông tin chung, các đặc điểm về nghề nghiệp, các triệu chứng sức khỏe chủ quan, thang đo stress nghề nghiệp nghiên cứu bởi Fontana và cộng sự (1989) có độ tin cậy Cronbach’s Alpha là 0,636. 2) Khám sức khỏe tổng quát và khám bệnh nghề nghiệp (đo chức năng hô hấp, thính lực sơ bộ). 3) Quan trắc môi trường lao động doanh nghiệp.

2.8. Xử lý và phân tích dữ liệu:

Số liệu được nhập và quản lý bằng Excel, Epidata, Phân tích số liệu bằng phần mềm phân tích thống kê Stata.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm chung của đối tượng

Tuổi trung bình của lao động nữ tham gia nghiên cứu là 37,39 ± 9,14, nhỏ nhất là 17 tuổi và cao nhất là 62 tuổi, chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm tuổi 40-49 (37,48%) và 30-39 tuổi (34,50%), thấp nhất là nhóm dưới 20 tuổi (2,63%). Trình độ học vấn chủ yếu là trung học cơ sở (52,89%) và trung học phổ thông (29,07%). Đa số đã kết hôn (76,71%) và có từ 1-2 con (68,65%). Thu nhập trung bình chủ yếu từ 6-10 triệu (36,08%), từ 16 triệu trở lên (30,3%) và 11-15 triệu (29,6%), thấp nhất là dưới 5 triệu (4,03%). Có 56,39% hiện đang sống ở nhà riêng và 39,58% ở nhà trọ. Có 62,35% có tăng ca và 37,65% không tăng ca. Kết quả nghiên cứu tương tự nghiên cứu của Lâm Minh Quang với tuổi trung bình là 40,9 với 53,9% thuộc nhóm trên 40 tuổi, 57,1% có trình độ THCS và 33,7% THPT, 75,7% đã kết hôn, 84,2% đã có 1-2 con [3]; Nghiên cứu của Nguyễn Thúy Quỳnh với tỷ lệ có trình độ THCS và THPT là 29,9% và có 91,6% làm việc trên 5 ngày/tuần và 85,8% làm việc trên 8 giờ/ngày [4].

Có 84,06% không bị stress nghề nghiệp và 15,84% có stress nghề nghiệp ở mức độ thấp. Kết quả tương tự nghiên cứu của Lâm Minh Quang với tỷ lệ nữ công nhân có căng thẳng nghề nghiệp là 10,1%, trong đó 18,3% ở mức thấp, 9,1% mức trung bình và 1,0% mức độ nặng [3]; Nghiên cứu của Hà Minh Trang với tỷ lệ stress là 16,8% trong đó 7,4% mức độ nhẹ, 5,7% mức độ vừa và 3,7% mức độ nặng và rất nặng [5]; Nghiên cứu của Kitronza và Mairiaux ở các công nhân ngành dệt may theo thang điểm Karasek và Siegrist với 28% có dấu hiệu stress (theo Karasek) và 22% (mô hình Siegrist) [7].

Bảng 1. Phân loại sức khỏe đối tượng nghiên cứu

Đặc điểm

Số lượng

Tỷ lệ %

Loại 1

13

2,28

Loại 2

178

31,17

Loại 3

361

63,22

Loại 4 & khác

19

3,33

3.2. Đặc điểm tình hình sức khỏe của đối tượng nghiên cứu

Nhận xét: Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, đa số đối tượng tham gia nghiên cứu có sức khỏe loại 3 (63,22%), tiếp đến là sức khỏe loại 2 (31,17%), tỷ lệ có phân loại sức khỏe loại 1 và loại 4 & khác chiếm tỷ lệ thấp (<10%). Nhóm bệnh thường gặp ở lao động nữ là bệnh về mắt (37,13%), bệnh răng hàm mặt (31,52%) và bệnh nội khoa (31,52%), tiếp đến là bệnh tai mũi họng (14,01%), bệnh da liễu là 6,48% và bệnh ngoại khoa là 4,9%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với kết quả nghiên cứu của Bùi Hoài Nam tại Hưng Yên với tỷ lệ lao động có sức khỏe loại 2&3 là 79,3%, tình trạng bệnh tật chủ yếu là TMH, RHM, bệnh phụ khoa, bệnh về mắt, xương khớp và da liễu [2]; Nghiên cứu của Đỗ Trần Hải về sức khỏe người lao động may mặc và giày da với tỷ lệ có sức khỏe loại 2 và loại 3 là 79,9% [1].

Triệu chứng về sức khỏe lao động nữ thường gặp là triệu chứng cơ xương khớp (52,54%), tiếp đến là triệu chứng thần kinh (38,88%) và triệu chứng mũi (25,57%), triệu chứng da (20,49%), triệu chứng họng (19,26%) và triệu chứng mắt là 18,04%. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy có 15,24% có bất thường về kết quả đo thính lực sơ bộ và 1,62% có bất thường về kết quả đo chức năng hô hấp. Điều này có thể giải thích do trong quá trình làm việc trong ngành công nghiệp may mặc, người lao động chủ yếu thực hiện các công việc tay chân và thường trong tư thế đứng hoặc ngồi thường xuyên với các hoạt động lặp đi lặp lại, đòi hỏi tính chính xác cao và mang tính chất tỉ mỉ cẩn thận, do đó dễ gây ra những triệu chứng sức khỏe về cơ xương khớp, thần kinh, thị giác cho người lao động. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc có tiếp xúc với các yếu tố ở môi trường lao động như nhiệt độ, bụi, tiếng ồn có thể tác động ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động.

3.3. Mối liên quan giữa yếu tố môi trường, tâm lý với sức khỏe

Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy có mối liên quan giữa trình độ học vấn với phân loại sức khỏe của lao động nữ ngành may (Bảng 2). Trong đó, những người có trình độ học vấn cao hơn thì tỷ lệ có phân loại sức khỏe loại 4 & khác chiếm tỷ lệ thấp hơn so với trình độ học vấn dưới tiểu học (p<0,05). Điều này có thể giải thích do những người có trình độ học vấn cao hơn thì việc quan tâm tìm hiểu về việc chăm sóc và bảo vệ, nâng cao sức khỏe là tốt hơn so với những người có học vấn thấp hơn, do đó thực trạng sức khỏe có phân loại 4&khác là thấp hơn.

Bảng 2. Mối liên quan giữa phân loại sức khỏe với đặc điểm mẫu nghiên cứu

Đặc điểm

Phân loại sức khỏe

p

PR (KTC 95%)

Loại 1,2&3

Loại 4&khác

Nhóm tuổi

0,244

<40 tuổi

307 (97,46)

8 (2,54)

1

Từ 40 tuổi trở lên

245 (95,7)

11 (4,3)

1,69 (0,69-4,14)

Trình độ học vấn

0,027

Tiểu học

55 (91,67)

5 (8,33)

1

Trung học cơ sở

291 (96,36)

11 (3,64)

0,44 (0,15-1,26)

THPT trở lên

206 (98,56)

3 (1,44)

0,17 (0,04-0,72)

Tình trạng stress

0,532

Không

465 (96,88)

15 (3,13)

1

87 (95,6)

4 (4,40)

1,34 (0,55-3,26)

Nhóm tuổi nghề

Dưới 10 năm

423 (96,80)

14 (3,20)

0,784

1

≥ 10 năm

129 (96,27)

5 (3,73)

1,16 (0,43-3,17)

Nhiệt độ

0,686

Đạt

229 (97,03)

7 (2,97)

1

Không đạt

323 (96,42)

12 (3,58)

1,21 (0,48-3,02)

Theo kết quả nghiên cứu Bảng 3 cho thấy, có mối liên quan giữa nhóm tuổi nghề, yếu tố khó chịu tại nơi làm việc (Bụi) và tình trạng stress nghề nghiệp với các triệu chứng sức khỏe chủ quan của lao động nữ. Trong đó, những người có stress nghề nghiệp tại nơi làm việc có tỷ lệ gặp phải các triệu chứng sức khỏe chủ quan cao hơn 1,40 lần so với những người không bị stress nghề nghiệp (p<0,05). Những người cho biết có khó chịu về bụi tại nơi làm việc thì tỷ lệ có triệu chứng sức khỏe chủ quan cao hơn 1,25 lần so với những người cho biết không có yếu tố khó chịu nơi làm việc (p<0,05). Những người có tuổi nghề trên 10 năm thì tỷ lệ có các triệu chứng sức khỏe chủ quan cao hơn 1,2 lần những người có tuổi nghề dưới 10 năm (p<0,05).

Bảng 3. Mối liên quan giữa triệu chứng sức khỏe chủ quan với đặc điểm mẫu nghiên cứu

Đặc điểm

Triệu chứng SK chủ quan

p

PR (KTC 95%)

Không

Nhóm tuổi

0,068

<40 tuổi

98 (31,11)

217 (68,89)

1

Từ 40 tuổi trở lên

62 (24,22)

194 (75,78)

1,1 (0,99-1,22)

Tình trạng stress

0,000

Không

155 (32,29)

325 (67,71)

1

5 (5,49)

86 (94,51)

1,40 (1,29-1,51)

Nhóm tuổi nghề

Dưới 10 năm

146 (30,17)

338 (69,83)

0,007

1

≥ 10 năm

14 (16,09)

73 (83,91)

1,20 (1,08-1,34)

YTKC (Bụi)

Không

143 (31,64)

309 (68,36)

0,000

1

17 (14,29)

102 (85,71)

1,25 (1,14-1,38)

Điều này có thể hoàn toàn phù hợp với thực tế khi tiếp xúc với những yếu tố khó chịu (YTKC) tại nơi làm việc sẽ ảnh hưởng tới triệu chứng sức khỏe mà người lao động gặp phải. Bên cạnh đó, khi gặp phải các stress nghề nghiệp thì người lao động sẽ có khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe nhiều hơn. Ngoài ra khi thâm niên làm việc càng cao (tuổi nghề) và tiếp xúc nhiều yếu tố khó chịu và có các triệu chứng stress kéo dài có thể ảnh hưởng phần nào tới sức khỏe người lao động. Mặc dù những triệu chứng sức khỏe chủ quan có thể chưa dẫn đến những vấn đề sức khỏe khi khám sức khỏe định kỳ nhưng cũng có thể là những dấu hiệu cảnh báo giúp doanh nghiệp có những biện pháp can thiệp nhằm cải thiện điều kiện lao động, môi trường làm việc để giảm các triệu chứng sức khỏe của người lao động từ đó giúp nâng cao sức khỏe người lao động.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy, có mối liên quan giữa nhóm tuổi đời, nhóm tuổi nghề, yếu tố khó chịu nơi làm việc (nhiệt độ, tiếng ồn) và kết quả đo thính lực sơ bộ của lao động nữ ngành may (Bảng 4). Trong đó, những người trên 40 tuổi có tỷ lệ có các bất thường về kết quả đo thính lực sơ bộ cao hơn 2,11 lần so với những người dưới 40 tuổi (p<0,05). Những người có tuổi nghề trên 10 năm thì tỷ lệ có các bất thường về thính lực sơ bộ cao hơn 1,66 lần những người có tuổi nghề dưới 10 năm (p<0,05).

Bảng 4. Mối liên quan giữa kết quả đo thính lực với đặc điểm mẫu nghiên cứu

Đặc điểm

Thính lực sơ bộ

p

PR (KTC 95%)

Bình thường

Bất thường

Nhóm tuổi

<40 tuổi

283 (89,84)

32 (10,16)

0,0002

1

Từ 40 tuổi trở lên

201 (78,52)

55 (21,48)

2,11 (1,41-3,16)

Nhóm tuổi nghề

Dưới 10 năm

417 (86,16)

67 (13,84)

0,029

1

≥ 10 năm

67 (77,01)

20 (22,99)

1,66 (1,06-2,59)

YTKC (Nhiệt độ)

Không

437 (86,19)

70 (13,81)

0,0075

1

47 (73,44)

17 (26,56)

1,92 (1,21-3,05)

YTKC (Tiếng ồn)

Không

432 (87,10)

64 (12,9)

0,0001

1

52 (69,33)

23 (30,67)

2,38 (1,58-3,58)

Tiếng ồn

Đạt

474 (84,79)

85 (15,21)

0,703

1

Không đạt

10 (83,33)

2 (16,67)

1,10 (0,30-3,94)

Những người có khó chịu với nhiệt độ nơi làm việc thì tỷ lệ có bất thường về kết quả đo thính lực sơ bộ cao hơn 1,92 lần so với những người không có khó chịu về nhiệt độ tại nơi làm việc (p<0,05). Những người có khó chịu với tiếng ồn nơi làm việc thì tỷ lệ có bất thường về kết quả đo thính lực sơ bộ cao hơn 2,38 lần so với những người không khó chịu với tiếng ồn tại nơi làm việc (p<0,05). Mặc dù kết quả quan trắc môi trường lao động chưa tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tiếng ồn và kết quả đo thính lực sơ bộ nhưng kết quả cũng cho thấy tỷ lệ có bất thường về kết quả đo thính lực sơ bộ ở những người làm việc ở môi trường có tiếng ồn không đạt là cao hơn so với ở những người có môi trường có tiếng ồn đạt. Điều này một lần nữa cho thấy, khi làm việc trong thời gian dài và tiếp xúc với những yếu tố khó chịu nơi làm việc có thể là những yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động, do đó để cải thiện, nâng cao sức khỏe người lao động thì cần thiết phải cải thiện điều kiện môi trường làm việc phù hợp, hạn chế gây khó chịu cho người lao động.

Nghiên cứu của chúng tôi cũng tìm thấy mối liên quan giữa nhóm tuổi và kết quả đo chức năng hô hấp của lao động nữ ngành may (Bảng 5). Trong đó, những người trên 40 tuổi có tỷ lệ có các bất thường về kết quả đo chức năng hô hấp cao hơn 9,58 lần so với những người dưới 40 tuổi (p<0,05). Bên cạnh đó, mặc dù sự khác biệt chưa có ý nghĩa về mặt thống kê nhưng kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, những người có tuổi nghề trên 10 năm thì tỷ lệ có bất thường về đo chức năng hô hấp cao hơn 1,60 lần những người có tuổi nghề dưới 10 năm. Điều này cho thấy, người lao động ở nhóm tuổi cao và tuổi nghề cao thì khả năng gặp phải các vấn đề bất thường về hô hấp hay thính lực là cao hơn so với những người ở nhóm tuổi trẻ với thời gian làm việc ngắn hơn. Do đó để nâng cao sức khỏe cho người lao động, các doanh nghiệp cần xem xét và bố trí công việc phù hợp cho người lao động theo từng đối tượng ở các nhóm tuổi đời và tuổi nghề khác nhau.

Bảng 5. Mối liên quan giữa kết quả đo chức năng hô hấp với đặc điểm mẫu nghiên cứu

Đặc điểm

Chức năng hô hấp

p

PR (KTC 95%)

Bình thường

Bất thường

Nhóm tuổi

<40 tuổi

302 (99,67)

1 (0,33)

0,013

1

Từ 40 tuổi trở lên

245 (96,84)

8 (3,16)

9,58 (1,21-76,09)

Nhóm tuổi nghề

≤ 10 năm

465 (98,52)

7 (1,48)

0,631

1

Trên 10 năm

82 (97,62)

2 (2,38)

1,60 (0,34-7,60)

YTKC (Bụi)

Không

438 (98,43)

7 (1,57)

0,864

1

109 (98,2)

2 (1,8)

1,14 (0,24-5,44)

YTKC (Hoá chất)

Không

505 (98,44)

8 (1,56)

0,702

1

42 (97,67)

1 (2,33)

1,49 (0,19-11,65)

Mặc dù nghiên cứu chưa tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa kết quả đo chức năng hô hấp của lao động nữ ngành may với các yếu tố khó chịu nơi làm việc (bụi, hóa chất) (p>0,05). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ có bất thường về kết quả đo chức năng hô hấp ở những người có khó chịu về các yếu tố bụi, hóa chất là cao hơn so với những người không có khó chịu với các yếu tố bụi, hóa chất.

4. KẾT LUẬN

Đa số lao động nữ có sức khỏe loại 3 (63,22%), loại 2 (31,17%), nhóm bệnh thường gặp là mắt (37,13%), răng hàm mặt (31,52%), nội khoa (31,52%). Triệu chứng sức khỏe thường gặp là cơ xương khớp (52,54%), thần kinh (38,88%). Có 15,24% có bất thường về kết quả đo thính lực và 1,62% có bất thường về kết quả đo chức năng hô hấp.

Các yếu tố liên quan với sức khỏe: Những người có trình độ học vấn cao thì có phân loại sức khỏe loại 4 & khác chiếm tỷ lệ thấp hơn (p<0,05); Những người khó chịu về bụi nơi làm việc, có thời gian làm việc trên 10 năm và có stress nghề nghiệp có tỷ lệ triệu chứng sức khỏe chủ quan cao hơn 1,25 lần; 1,2 lần và 1,40 lần (p<0,05); những người trên 40 tuổi, tuổi nghề

trên 10 năm, khó chịu về nhiệt độ và tiếng ồn nơi làm việc có tỷ lệ có bất thường về kết quả đo thính lực cao hơn lần lượt là 2,11 lần; 1,66 lần; 1,92 lần và 2,38 lần (p<0,05); Những người trên 40 tuổi có tỷ lệ bất thường về kết quả đo chức năng hô hấp cao hơn 9,58 lần (p<0,05).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đỗ Trần Hải và các cộng sự (2018), “Hiện trạng sức khỏe dinh dưỡng của người lao động trong các cơ sở dệt may và giầy da”, Tạp chí An toàn vệ sinh lao động. 5/2018.

[2.]. Bùi Hoài Nam (2017), “Nghiên cứu điều kiện lao động, tình trạng sức khỏe và hiệu quả biện pháp huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động cho công nhân may công nghiệp tại Hưng Yên”, Luận án Tiến sĩ Y tế công cộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

[3]. Lâm Minh Quang và cộng sự (2023), “Tình trạng căng thẳng và mối liên quan với các yếu tố nghề nghiệp ở người lao động tại Công ty may Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021”, Vietnam Medical journal. 18, tr. 310-315.

[4]. Nguyễn Thúy Quỳnh (2016), “Thực trạng sức khỏe công nhân nữ tại một số khu công nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2013-2015”, Tạp chí Y học dự phòng. 26(1), tr. 125-134.

[5]. Hà Minh Trang và cs (2021), “Stress, lo âu, trầm cảm và một số yếu tố liên quan ở công nhân công ty may Phú Hưng, tỉnh Hưng Yên năm 2020”, Tạp chí Khoa học Đại học Thăng Long. A1(1), tr. 91-98.

[6]. Fontana D. (1989), “Proffessional life stress scale”, Managing Stress, The British Psychological Society and Routledge Ltd.

[7]. Kitronza PL và Mairiaux P (2015), “Occupational Stress among Textile Workers in the Democratic Republic of Congo”, Trop Med Health. 43(4), pp. 223-231. 

Trịnh Hồng Lân1, Phạm Thị Kim Nhung1, Vũ Thụy Bảo Kim1, Phan Thị Trúc Thủy1

1Phân viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường miền Nam


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)