Kết quả đánh giá điều kiện làm việc của giáo viên mầm non

Thứ Hai, 25/12/2023, 02:06(GMT +7)

Nhiều Giáo viên mầm non có ý kiến về điều kiện lao động (ĐKLĐ) của họ là đặc thù hơn các bậc học khác, các cấp quản lý của Ngành giáo dục cũng có ý kiến về vấn đề này, nhưng đánh giá chi tiết, cụ thể cho ĐKLĐ của giáo viên mầm non (GVMN) thì rất hạn chế. Nghiên cứu này chỉ ra kết quả đánh giá ĐKLĐ của GVMN, cung cấp cơ sở khoa học cho các cơ quan quản lý xem xét, phân loại ngành nghề phù hợp cho người lao động nói chung và người GVMN nói riêng.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Điều kiện làm việc của giáo viên bậc học mầm non hiện nay là vấn đề được rất nhiều cấp Bộ, ngành và nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, bởi tính chất rất đặc thù của của công việc này, không giống với các cấp học khác.

Để đánh giá đúng thực trạng ĐKLĐ của GVMN, cũng như cung cấp cơ sở khoa học cho các cơ quan liên quan làm cơ sở cho việc đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận GVMN là ngành nghề nặng nhọc trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của Việt Namchúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ: “Đánh giá điều kiện lao động của giáo viên bậc học mầm non” nhiệm vụ này được thực hiện với mục tiêu: Đánh giá được điều kiện làm việc của giáo viên bậc học mầm non, làm cơ sở đề xuất mức xếp loại nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho GVMN theo các quy định hiện hành.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

– Đối tượng nghiên cứu: 418 Giáo viên làm việc trong các trường mầm non công lập

– Phạm vi nghiên cứu: GVMN trực tiếp đứng lớp ở các trường đại diện trên 3 miền: Bắc, Trung, Nam và 1 tỉnh miền núi.

2.2. Cỡ mẫu nghiên cứu

2.2.1. Cỡ mẫu cho khảo sát các yếu tố tâm sinh lý và Ecgônômi

Cỡ mẫu: được tính theo công thức ước lượng một tỷ lệ trong quần thể vô hạn [8], trên cơ sở đó đề tài chọn được số đối tượng nghiên cứu được khảo sát là 440 người.

Tiêu chí chọn mẫu: Đồng ý tham gia nghiên cứu; Khỏe mạnh (không trong giai đoạn điều trị bệnh, chấn thương, có bầu hay đang trong thời kỳ kinh nguyệt); Phân bố trên 3 miền; phân bố ở các nhóm tuổi; các nhóm lớp; Tổng đã chọn được: Miền Nam 5 trường + miền Bắc 7 trường + miền Trung 7 trường + miềm núi 3 trường.

Cách chọn mẫu: Lập danh sách cụ thể của các trường tại khu vực đã chọn sao cho mỗi trường có cả 4 nhóm tuổi đời như tiêu chí chọn mẫu; tổng danh sách không thấp hơn 130 người/vùng miền. Chọn ngẫu nhiên trong danh sách đó cho đủ số lượng ở từng độ tuổi, trường hợp lấy hết danh sách vẫn không đủ số lượng của các nhóm tuổi thì lấy sang nhóm tuổi khác.

2.2.2. Cỡ mẫu đo môi trường

Tại mỗi trường đo 4 lớp đại diện cho 4 khối: Lớp nhà trẻ, Mẫu giáo bé; Mẫu giáo nhỡ; Mẫu giáo lớn với chỉ tiêu: Tiếng ồn.

Tổng số chỉ tiêu là 88 lớp x 5 mẫu/lớp = 440 chỉ tiêu.

Ngoài ra nhóm nghiên cứu có tiến hành đo tiếng ồn trung bình 8h, theo hướng dẫn của Thường quy kỹ thuật sức khỏe nghề nghiệp và môi trường của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường năm 2015 [10].

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Để đáp ứng mục tiêu, đề tài sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chính sau đây:

Phương pháp hồi cứu, phương pháp tổng quan tài liệu, phương pháp điều tra, khảo sát thực địa: Thu thập số liệu môi trường, đo các chỉ tiêu và làm các thử nghiệm trên các đối tượng tại cơ sở chọn khảo sát, phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp thống kê, phân tích: sử dụng phần mềm Excel để thống kê và phân tích số liệu.

2.4. Thiết bị sử dụng

Thiết bị đo lực kéo toàn thân dạng cơ, Model: BACK–A, Mã số: TKK-5002, Kiểu đo: Đo dạng cơ; Máy đo tần số nhấp nháy tời hạn: Lafayette Instrument Co của Mỹ Model: 12021*C, SN 1925594K; Máy đo máy đo thời gian phản xạ thị vận động, thính vận động, Respondent time meter VT-007…

2.5. Chỉ tiêu nghiên cứu và kỹ thuật sử dụng thu thập thông tin

Bảng 1. Chỉ tiêu nghiên cứu và kỹ thuật sử dụng thu thập thông tin

TT

Nhóm yếu tố

Yếu tố/Chỉ tiêu

Cách thu thập

1

Nhóm yếu tố đánh giá về môi trường và vệ sinh lao động

Tiếng ồn

Đo theo TCVN 9799:2013

2

Nhóm yếu tố đánh giá tâm sinh lý

Biến đổi chức năng hệ thần kinh trung ương/2.Tăng thời gian phản xạ thị vận động so với đầu ca (%)

Đo trực tiếp trên đối tượng nghiên cứu theo hướng dẫn của “Thường quy kỹ thuật Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường” –  Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường – Bộ Y tế năm 2015 [10].

Biến đổi chức năng hệ thần kinh trung ương/3.Tăng thời gian phản xạ thính vận động so với đầu ca (%)

Mức độ hoạt động não lực/4.Biến đỗi khả năng nhớ: giảm dung lượng nhớ (% sau ca lao động so với trước ca)

Độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh/5.Số đối tượng phải quan sát đồng thời

Độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh/6.Tăng thời gian làm thử nghiệm/test chú ý (% so với đầu ca).

3

Yếu tố đánh giá về Ecgônômic và tổ chức lao động

Vị trí, tư thế lao động và đi lại trong ca làm việc/7.Làm việc phải cúi gấp thân mình nhiều lần

Theo hướng dẫn TT 29/2022/TT-BLĐTBXH

Chế độ lao động/8.Thời gian lao động mỗi ca (Giờ)

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU  

3.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành trên 440 đối tượng là GVMN đang trực tiếp đứng lớp tham gia giảng dạy. Sau khi thu thập được số liệu, loại bỏ các đối tượng không đầy đủ thông tin, lọc và giữ lại các hồ sơ của các đối tượng đủ tiêu chuẩn để phân tích số liệu, chúng tôi thu được số liệu của 418 giáo viên, kết quả cho thấy tuổi đời của đối tượng nghiên cứu nằm trong khoảng từ 22 đến 57 tuổi, trung bình là 38,58 ± 9,01 tuổi, có trên 50% đối tượng nghiên cứu có tuổi đời từ 37 tuổi trở lên. Tuổi nghề trung bình của đối tượng nghiên cứu là 16,31 ± 9,8 năm với khoảng giá trị từ 1 năm đến 38 năm, có 50% đối tượng nghiên cứu có tuổi nghề từ 13 năm trở lên.

3.2. Phân tích kết quả đánh giá các chỉ tiêu về ĐKLĐ

3.2.1. Nhóm yếu tố đánh giá về vệ sinh môi trường lao động

Tiếng ồn là một trong những chỉ tiêu đặc trưng cần xem xét trong điều kiện làm việc của giáo viên mầm non. Tiếng ồn tại các thời điểm khác nhau cũng có kết quả khác nhau. Do đặc điểm chương trình sinh hoạt của trẻ không giống nhau ở các thời điểm mà cơ bản là theo 1 chu kỳ như: Đón trẻ, chơi, thể dục sáng; Học; Chơi, hoạt động ở các góc; Ăn bữa chính; Ngủ…. Ứng với mỗi hoạt động này tiếng ồn mà người giáo viên tiếp xúc là khác nhau. Chính vì vậy nhóm nghiên cứu đã tiến hành đo tiếng ồn lặp lại tại các thời điểm này, sau đó tính trung bình để được kết quả tại lớp đó. Kết quả đo tiếng ồn trung bình của các thời điểm đo trong ngày được tính trình bày ở Bảng 2 dưới đây:

Bảng 2.  Kết quả đo tiếng ồn phân loại theo điểm

 

TT

Vùng miền khảo sát

n

Tiếng ồn

< 65 (dBA)


Phân loại theo điểm/số dBA cao hơn giới hạn cho phép

1

2

3(1-5)

4(>5-10)

5(> 10-20)

6(> 20)

Bắc

140

80,59 ± 0,46

6

Trung

140

79,89 ± 1,00

5

Nam

100

80,47 ± 1,00

6

Miềm núi

60

79,38 ± 1,63

5

Tổng

440

80,48 ± 0,34

5,5

Đối với công việc GVMN chúng tôi xác định giá trị cho phép của tiếng ồn tương ứng với điều kiện làm việc của các phòng chức năng, hành chính, kế toán, kế hoạch. Giới hạn cho phép là 65dBA; Tức là mức áp suất âm chung hoặc tương đương không quá 65dBA Theo thông tư số 24/2016/TT-BYT. Tiếng ồn trung bình thu được là 80,48 ± 0,34dBA tương ứng với 5,5 điểm (trung bình cả 3 Miền và khu vực miền núi).  

Phân tích tiếng ồn chia theo lớp: Lớp nhà trẻ; lớp mẫu giáo bé, lớp mẫu giáo nhỡ, lớp mẫu giáo lớn kết, quả cho thấy ở các lớp đều có ồn cao và không có sự khác biệt giữa các lớp khi đặc biệt khi trẻ chơi, hoạt động ngoài giờ, thậm trí cả trong thời gian hoạt động góc tiếng ồn cũng tăng rất cao, cao nhất có thể đạt đến 88dBA còn bình thường duy trì nhiều ở mức trên 80dBA.

Tiến hành đo tiếng ồn trung bình 8 giờ tại một số lớp đại diện kết quả cũng cho giá trị tương tự như vậy: Lớp nhà trẻ; lớp mẫu giáo bé, nhỡ, lớn. Kết quả cho thấy: tiếng ồn trung bình người giáo viên phải tiếp xúc trong ca làm việc 76,91 ± 3,03dBA và tính theo thang 6 điểm thì tương ứng với 5 điểm, tại lớp nhà trẻ tiếng ồn trung bình là thấp nhất 75,46 tuy nhiên giá trị tiếng ồn lớn nhất lại thu được ở lớp này là 121,9dBA.

3.2.2. Kết quả khảo sát nhóm yếu tố đánh giá tác động về tâm sinh lý lao động

3.2.2.1. Biến đổi hệ thần kinh trung ương

Qua quá trình khảo sát, đánh giá nhóm nghiên cứu nhận thấy người GVMN không chịu ảnh hưởng nhiều về gắnh nặng thể lực nhưng dưới điều kiện làm việc với tiếng ồn liên tục của trẻ trong ca làm viêc, số học sinh trong lớp đông, kết hợp với thời gian làm việc liên tục từ 9 – 11 tiếng/ngày sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến gánh nặng tâm sinh lý nói chung và thần kinh trung ương nói riêng. Với nhận định như vậy để đánh giá được mức độ biến đổi hệ thần kinh trung ương của GVMN một các đầy đủ nhất nhóm nghiên cứu đã đánh giá thông qua các chỉ số: Thời gian phản xạ thị vận động, Thời gian phản xạ thính vận động. Kết quả lần lượt cho thấy: thấy % tăng thời gian phản xạ thị vận động tính trên tổng của đối tượng nghiên cứu là 28,34 ± 15,13%, kết quả này tương ứng với 3,42 ± 1,44 điểm, % tăng thời gian phản xạ thính vận động tính trên tổng của đối tượng nghiên cứu là 29,51 ± 11,21%, tương ứng với mức điểm là 3,52 ± 1,13 điểm. Mức điểm này phản ánh ĐKLĐ đã ảnh hưởng đến khả năng phản xạ thính, thị vận động của GVMN – tương ứng với mức nặng nhọc. Chúng tôi có phân tích sâu hơn thì cho thấy tuổi đời, tuổi nghề hay vùng miền không ảnh hưởng đến mức tăng thời gian phản xạ thính, thị vận động của giáo viên mầm non.

3.2.2.2. Kết quả đánh giá mức hoạt động của não khi làm việc

Đánh giá về mức độ hoạt động não lực chúng tôi nhận thấy chỉ số biến đổi khả năng nhớ thông quá mức độ giảm dung lượng nhớ giữa trước và sau ca bằng thử nghiệm trí nhớ hình. Đây là chỉ số được đánh bằng phương pháp định lượng không bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan của con người nên có độ tin cậy cao.

Bảng 3. Phân tích mức giảm dung lượng nhớ theo điểm

Tỷ lệ % giảm dung lượng nhớ/điểm

n

Tỷ lệ %

TB ± SD %

Tổng điểm

Tới 5 (1 điểm)

34

8,1

4,41 ± 14,4

34

> 5 – 15 (2 điểm)

0

0

0

0

> 15 – 25 (3 điểm)

172

41,1

21,73 ± 5,3

516

> 25 – 35 (4 điểm)

75

17,9

33,33 ± 0,00         

300

> 35 – 45 (5 điểm)

114

27,3

40,31 ± 6,8

570

> 45 (6 điểm)

23

5,5

52,9 ± 7,3

138

Tổng

418

100,0

29,18 ± 13,6

1558

Điểm trung bình

3,73 ± 1,25

TB – Trung bình; SD – Độ lệch chuẩn

Kết quả Bảng 3 cho thấy dung lượng nhớ giảm tính trên tổng của đối tượng nghiên cứu là 28,18 ± 16,6% (tương ứng với mức điểm 3,73 ± 1,25 điểm). Mức điểm này phản ánh ĐKLĐ đã ảnh hưởng đến khả năng nhớ của GVMN – tương ứng với mức nặng nhọc.

Phân tích mức giảm dung lượng nhớ của GVMN theo vùng/miền chúng tôi nhận thấy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P > 0,05). Tuy nhiên phân tích mức giảm dung lượng nhớ theo tuổi đời, tuổi nghề thì thấy nhóm tuổi đời từ 50 tuổi trở lên có điểm trung bình là 4,57 ± 0,99 điểm cao hơn các nhóm tuổi khác và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P < 0,01). Nhóm có tuổi nghề trên 30 năm điểm trung bình là 4,59 ± 0,99, so với các nhóm tuổi nghề khác, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,01). Khi phân tích sâu hơn chúng tôi nhận thấy, những đối tượng có tuổi nghề trên 30 năm chủ yếu là các đối tượng có tuổi đời trên 50 tuổi, chính vì thế mà điểm trung bình của nhóm tuổi đời trên 50 tuổi (4,57 điểm) so với nhóm tuổi nghề trên 30 năm (4,59 điểm) sai khác không đáng kể. Điều này cho thấy điểm khác biệt của nhóm có tuổi nghề trên 30 năm có thể không phải do ảnh hưởng của của tuổi nghề mà do ảnh hưởng của tuổi đời.

3.2.2.3. Đánh giá độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh 

Đối với GVMN chúng tôi nhận thấy chỉ số đặc trưng nhất cho yếu tố căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh là chỉ số về số đối tượng đồng thời phải quan sát.

Kết quả chúng tôi thu được cho thấy số đối tượng trung bình người GVMN phải quan sát là 32,8 ± 5,82 học sinh – tương ứng với mức điểm trung bình là 4,57 ± 0,74. Theo thông tư số 49/2021/TT/BGDĐT cho thấy số trẻ tối đa trong một lớp lớp mẫu giáo lớn tối đa là 35 trẻ. Nếu tính theo quy định tại thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH thì với số lượng trẻ này tường ứng với 5 điểm (từ 31 đến 50 đối tượng được tính là 5 điểm). Thực tế khi khảo sát cũng có lớp đạt tới sỹ số đến 50 học sinh. Với sỹ số như vậy nên khi đánh giá ĐKLĐ người của GVMN chỉ tiêu này có mức điểm trung bình rất cao (4,57 ± 0,74 điểm). Các giáo viên có tuổi đời trên 50 hay tuổi đời dưới 30 hoặc ở các nhóm tuổi khác được phân công đứng lớp như bình thường, không có ưu tiên gì cho giáo viên có tuổi đời cao hay giáo viên có tuổi đời ít (ít kinh nghiệm hơn). Chính vì vậy cho thấy đây cũng là một trong những áp lực đối với giáo viên có có tuổi đời cao. Có thể đây cũng là một trong những lý do khiến một số ảnh hưởng về biến đổi chức năng hệ thần kinh trung ương và mức độ hoạt động não lực của nhóm tuổi đời từ 50 trở lên luôn có mức điểm trung bình cao hơn các nhóm tuổi khác.  

Bảng 4. Kết quả mức tăng thời gian chú ý theo điểm

Tỷ lệ % tăng thời gian chú ý/điểm

n

Tỷ lệ %

TB ± SD %

Tổng điểm

Tới  < 10 (1 điểm)

38

8,6

4,66± 2,58

36

> 10 – 20  (2 điểm)

58

12,7

12,11± 3,55

106

> 20 – 30 (3 điểm)

67

16,0

22,06± 3,47

201

> 30 – 40 (4 điểm)

160

38,8

32,99± 3,18

648

> 40 -50 (5 điểm)

52

13,4

41,94± 3,99

280

> 50 (6 điểm)

43

10,5

58,51± 12,37

264

Tổng

418

100,0

30,03± 15,51

1535

Điểm trung bình

3,67 ± 1,38

TB – Trung bình; SD – Độ lệch chuẩn

Kết quả Bảng 4 cho thấy sau một ca làm việc đã có những ảnh hưởng nhất định đến sự chú ý của người GVMN, do mệt mỏi làm cho sự tập trung chú ý của người GVMN bị giảm xuống, kết quả làm thời gian tập trung chú ý cuối ca lại tăng lên – thời gian hoàn thành thử nghiệm được kéo dài hơn so với đầu ca. Tỷ lệ tăng thời gian chú ý trung bình là 30,03 ± 15,51 % tương ứng với 3,67 ± 1,38 điểm. Mức điểm này tương đương với ĐKLĐ mức nặng nhọc.

Phân tích mức tăng thời gian tập trung chú ý của GVMN theo vùng/miền cho thấy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P > 0,05). Phân tích kết quả tăng thời gian chú ý chia theo tuổi đời chúng tôi thu được kết quả cho thấy các nhóm tuổi đời khác nhau thì có điểm trung bình đánh giá ĐKLĐ khác nhau. Nhóm có điểm đánh giá cao nhất là nhóm có tuổi đời từ 50 tuổi trở lên 4,13 điểm – cao hơn hẳn so với kết quả của các nhóm khác (giao động từ 3,44 – 3,95 điểm, P < 0,01). Kết quả này cùng thu được khi phân tích mức tăng thời gian chú ý theo tuổi nghề, sự khác biệt giữa các nhóm có ý nghĩa thống kê (P < 0,05). Nhóm tuổi nghề trên 30 năm có điểm trung bình là 4,14 ± 0,82 cao hơn hẳn các nhóm tuổi nghề khác cụ thể như nhóm tuổi nghề dưới 10 năm điểm trung bình là 3,74 ± 1,49; nhóm có tuổi nghề từ 11 – 20 năm có điểm trung bình là 3,48 ± 1,5 và nhóm có tuổi nghề từ 21 – 30 có điểm trung bình là 3,55 ± 1,18. Khi phân tích sâu hơn chúng tôi nhận thấy, những đối tượng có tuổi nghề trên 30 năm chủ yếu là các đối tượng có tuổi đời trên 50 tuổi chính vì thế mà điểm trung bình của nhóm tuổi đời trên 50 tuổi (4,13 điểm) so với nhóm tuổi nghề trên 30 năm (4,14 điểm) sai khác không đáng kể. Điều này cũng cho thấy điểm khác biệt của nhóm có tuổi nghề trên 30 năm có thể không phải do ảnh hưởng của của tuổi nghề mà do ảnh hưởng của tuổi đời.

Từ kết quả nghiên cứu, i chúng tôi nhận thấy các chỉ số gây biến đổi chức năng thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến hoạt động của não lực và các chỉ số gây căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh đều có kết quả tương đồng với 1 số nghiên cứu đã đề cập trước đó. Có thể các nghiên cứu không chỉ ra các chỉ số cụ thể như trong nghiên cứu của chúng tôi nhưng đã có những nhận định, đánh giá cuối cùng đồng quan điểm:

Nghiên cứu của Liu & Onwuegbuzie [6], của Wolf và cộng sự [4];… đều chỉ ra kết quả là người GVMN bị căng thẳng, mệt mỏi, thậm trí có nghiên cứu chỉ ra GVMN có dấu hiệu trầm cảm. Nghiên cứu của của JB Li và cộng sự [1] còn đặc biệt chỉ ra GVMN bị suy giảm về mặt cảm xúc.     

Tại Việt Nam chúng tôi chưa thấy có công bố cụ thể về tỷ lệ GVMN có kết quả đánh giá các chỉ số tương ứng với ĐKLĐ, nhưng cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có những ảnh hưởng nhất định đến căng thẳng thần kinh tâm lý của GVMN. Cụ thể như nghiên cứu của Trịnh Viết Then [9] cho thấy tình trạng stress ở GVMN, đa số giáo viên bị stress, có mức độ stress nhẹ (38,0%); 16,5% giáo viên có mức độ stress từ stress trung bình (13,1%), stress cao (2,8%) và stress rất cao (0,6%). Lê Thị Hương [5] nghiên cứu cho thấy đa phần giáo viên có những biểu hiện ban đầu của stress nghề nghiệp như đau đầu, căng thẳng, mất tập trung, mệt mỏi không muốn làm việc, đôi khi có những hành vi gây hấn với trẻ. Tác giả Phạm Thị Phương [3] giáo viên trường mầm non tư thục 93.6% stress ở mức trung bình, và có 9 giáo viên stress ở mức độ cao (6.4 %). Trần Thị Minh Đức và cộng sự [7]: cho thấy ở giáo viên mần non có 15,1% bị căng thẳng; 10, 9% có biểu hiện lo âu; 8,4% có biểu hiện trầm cảm… các kết quả này đều phù hợp với kết quả điểm đánh giá của chúng tôi là ĐKLĐ của GVMN ở mức nặng nhọc gây tác động lên biểu hiện stress mệt mỏi thần kinh cho giáo viên.

3.2.3. Khảo sát  nhóm yếu tố đánh giá về Ecgônômi – tổ chức lao động  

3.2.3.1. Vị trí, tư thế lao động và đi lại trong ca làm việc: Đối với công việc của GVMN yếu tố về vị trí tư thế làm việc được xem xét ở nhiều chỉ tiêu nhưng nhóm nghiên cứu nhận thấy chỉ tiêu “Làm việc phải cúi gập thân mình nhiều lần” là rất đặc trưng và đã được đánh giá kết quả cho thấy khi quan sát trực tiếp người GVMN trong ca làm việc có góc cúi tới 300 với số lần giao động từ 80 đến 270 lần/ca, mức độ hoạt động này tương ứng với 3 điểm. Vì khoảng giá trị thu được tất cả tương ứng với 3 điểm nên khi phân tích sự  ảnh hưởng của tuổi đời, tuổi nghề hay vùng miền thì điểm trung bình không thay đổi là 3 điểm.

3.2.3.2. Chế độ lao động

Trong các cấp học thì GVMN có chế độ lao động đặc biệt nhất, giáo viên làm việc liên tục từ sáng (đầu ca) đến chiều (cuối ca), không giống như các cấp học khác hết tiết dạy có thể về. Theo kết quả khảo sát nhóm nghiên cứu thu được: các cô giáo sẽ có mặt tại trường theo quy định từ 7 sáng để mở phòng đón trẻ, cho trẻ ăn sán và rời khỏi trường là 17h chiều (sau khi trả trẻ xong), có thể muộn hơn – sau khi trả hết học sinh. Như vậy thời gian làm việc của các cô trung bình là khoảng 10h/ngày. Tính theo quy định hiện nay với thời gian làm việc này tương đương với thang điểm 3/6 của phân loại ĐKLĐ.

Đặc trưng của nhóm yếu tố về Ecgônômi – tổ chức lao động, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng có nhận định giống với nhận định của một số nghiên báo cáo trước đó. Nghiên cứu của Liu & Onwuegbuzie [6], Andrew Gibbons và cộng sự [2]… trong báo cáo nghiên cứu đều cho thấy GVMN có khối lượng công việc quá tải, giờ làm việc kéo dài; Tỷ số giáo viên trên trẻ thấp. Kết quả này cũng tương đương với nhận định trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi: thời gian làm việc kéo dài từ 9 -11 giờ, số đối tượng phải quan sát đồng thời lớn (sỹ số lớp đông – tỷ số giáo viên trên trẻ thấp – đồng nghĩa với thiếu giáo viên…).

Từ kết quả đánh giá các chỉ tiêu ở trên chúng tôi tính điểm cho ĐKLĐ của người GVMN như  ở Bảng 5 dưới đây:

Bảng 5. Tổng hợp kết quả đo đánh giá ĐKLĐ

TT

 yếu tố

 yếu tố theo thông tư/Tên yếu tố/Tên chỉ số

Kết quả khảo sát

Điều chỉnh theo thời gian

Điểm

Ghi chú

Kết quả đo

Điểm 

Thời gian tiếp xúc

Điểm trừ

A

Nhóm yếu tố đánh giá về môi trường và vệ sinh lao động

1

5

1/Tiếng ồn

80,59 ± 0,46 (dBA)

5

> 50% thời gian ca làm việc

0

5

B

Nhóm yếu tố đánh giá tâm sinh lý

2

14

2. Biến đổi chức năng hệ thần kinh trung ương/2.1.Tăng thời gian phản xạ thị vận động so với đầu ca (%)

28,34 ± 15,13

3,42

0

3,42

14

14. Biến đổi chức năng hệ thần kinh trung ương/14.2. Tăng thời gian phản xạ thính vận động so với đầu ca (%)

29,51 ± 11,21

3,52

0

3,52

3

15

15. Mức độ hoạt động não lực/15.2. Biến đỗi khả năng nhớ: giảm dung lượng nhớ (% ca sao lao động động so với trước ca)

29,18± 13,6

3,37

100% thời gian trong  ca làm việc

0

3,37

4

17

17. Độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh/17.1 Số đối tượng phải quan sát đồng thời

32,8 ± 5,82

4,57

0

4,57

17

17. Độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh/17.3 Tăng thời gian làm thử nghiệm/test chú ý (% so với đầu ca).

30,03 ± 15,51

3,67

> 50% thời gian ca làm việc

0

3,67

C

Yếu tố đánh giá về Ecgonomic và tổ chức lao động

5

21

21 Vị trí, tư thế lao động và đi lại trong ca làm việc/21.5. làm việc phải cúi gấp thân mình nhiều lần

3

3

100% thời gian trong  ca làm việc

0

3

6

22

Chế độ lao động/22.2. Thời gian lao động mỗi ca (Giờ)

3

3

0

3

Tổng điểm

0

3,69

Từ kết quả ở bảng 3.4 chúng tôi nhận thấy điểm trung bình cộng của các yếu tố là 3,69 điểm nằm trong khoảng 3,37 – 4,56 điểm – tương đương với ĐKLĐ loại IV. Công việc có ĐKLĐ loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm. Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH ký ngày 28/12/2021Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo ĐKLĐ, có hiệu lực kể từ ngày15 tháng 4 năm 2022.

Kết quả này của chúng tôi cũng phù hợp với kiến nghị của Bộ Giáo dục và đào tạo kiến nghị Bộ Lao động Thương binh & Xã hội xem xét công nhận nghề GVMN thuộc ngành nghề nặng nhọc và độc hại. Hiện nay tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu đánh giá về ĐKLĐ của GVMN nên việc so sánh với các kết quả khác cũng khá hạn chế. Kết quả của đề tài được thực hiện theo Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo ĐKLĐ mới nhất của Việt Nam hiện nay.

4. KẾT LUẬN

4.1. Điều kiện làm việc của giáo viên bậc học mầm non

– Yếu tố môi trường: Tiếng ồn tại môi trường làm việc của GVMN trung bình 80,48 ± 0,34 dBA, cao hơn tiêu chuẩn cho phép 15,08 dBA, tương đương với điểm trung bình là 5,5 điểm.

– Yếu tố tâm sinh lý:

+ Biến đổi hệ thần kinh trung ương: Phản xạ thính, thị vận động cao hơn tiêu chuẩn cho phép so với điều kiện làm viêc bình thường có mức điểm trung bình lần lượt là 3,52±1,13 điểm; 3,42 ± 1,44 điểm tương đương ĐKLĐ mức nặng nhọc.

 + Mức hoạt động não lực khi làm việc: Giảm dung lượng nhớ sau ca làm việc tương đương với điểm trung bình 3,73 ± 1,25 điểm tương đương ĐKLĐ mức nặng nhọc.

+ Mức độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh: Số đối tượng phải quan sát tương đương với điểm trung bình là 4,57 ± 0,74 mức điểm tương đương ĐKLĐ mức nặng nhọc.

Thời gian chú ý sau ca làm việc tăng với điểm trung bình 3,67 ± 1,38 tương đương với ĐKLĐ mức nặng nhọc.

– Yếu tố về Ecgônômi:

+ Số lần cúi gập thân mình trong ca có mức điểm trung bình là 3 điểm; 188,51 ± 36,513 lần cúi trong ca.  

+ Thời gian làm việc từ 9 – 11 h/ca tương đương với điểm trung bình là 3 điểm.

4.2. Đề xuất mức xếp loại nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho GVMN theo các quy định hiện hành

Điểm trung bình cộng của các yếu tố trong ĐKLĐ là 3,69 điểm tương đương với ĐKLĐ loại IV. Công việc có ĐKLĐ loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm.

5. KIẾN NGHỊ

Đề xuất các cơ quan quản lý xem xét đưa ngành GVMN vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]     Li Jian-Bin et al. (2021), “Occupational well-being in beginning early childhood educators of Hong Kong and the prediction of job-related factors: Variable-centered and person-centered approaches”, Frontiers in Psychology, vol. 12, p. 746123.

[2]     Peters Michael A. and Tesar Marek (2017) Troubling the Changing Paradigms: An Educational Philosophy and Theory Early Childhood Reader, Volume IV. Routledge, 2017.

[3]     Phương Phạm Thị (2016) Luận văn Thạc sỹ Stress của giáo viên mầm non tư thục. Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2016, p. 149.

[4]     Wolf Sharon et al. (2015), “Cumulative risk and teacher well-being in the Democratic Republic of the Congo”, Comparative Education Review, vol. 59, no. 4, pp. 717-742.

[5]     Lê Thị Hương (2013), “Stress trong công việc của giáo viên mầm non hiện nay”, Luận văn ThS. Tâm lý học mã 60 31 80.

[6]     Liu Shujie and Onwuegbuzie Anthony J. (2012), “Chinese teachers’ work stress and their turnover intention”, International Journal of Educational Research, vol. 53, pp. 160-170.

[7]     Đức Trần Thị Minh (2021), “Suy kiệt ở giáo viên và ảnh hưởng của nó tới trầm cảm, lo âu và căng thăng”, Tạp chí Tâm lý học, vol. 8, p. 17.

[8]     Hoàng Văn Minh Lưu Ngọc Hoạt (2020) Phương pháp chọn mẫu và tính cỡ mẫu trong nghiên cứu khoa học sức khỏe. Trường Đại học y tế công cộng 2020, p. 26.

[9]     Trịnh Viết Then (2016) Stress ở giáo viên mầm non. Học Viện Khoa học xã hội, 2016, p. 265.

[10]   Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (2015), “ Thuờng quy kỹ thuật sức khỏe nghề nghiệp và môi trường”,  vol. 1, ed, 2015, p. 626.

Nguyễn Thị Hiền1, Vũ Xuân Trung, Nguyễn Hương Trà My1, Đặng Hoàng Anh2 ,

Bùi Thị Ngọc Minh1,Nguyễn Hương Trà My1, Đặng Văn Hải3,

1Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp – Viện KH An Toàn và Vệ sinh Lao động

 2Công đoàn giáo dục Việt Nam

3Công đoàn giáo dục Nghệ An


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)