An toàn lao động khi lập và thực hiện tiến độ thi công trên công trường xây dựng
Đối với một dự án xây dựng, tiến độ thi công là một phần không thể thiếu được, nó giúp cho công trình có thể được đưa vào sử dụng đúng thời điểm mà chủ đầu tư mong muốn và quyết định sự thành công hay thất bại của một dự án xây dựng. Tiến độ thi công công trình bao gồm các tiến độ của những giai đoạn thành phần như: phần ngầm, phần thân và phần hoàn thiện,… Tiến độ trong mỗi một giai đoạn thi công đó phụ thuộc vào các biện pháp thi công được lập, kết hợp với các yêu cầu kỹ thuật xây dựng của biện pháp thi công đó, năng lực của nhà thầu và khả năng cung cấp vật tư, nguyên vật liệu,…
Nếu tiến độ thi công không hợp lý, ví dụ: công trình phải hoàn thành quá nhanh, thì có thể xảy ra mất an toàn lao động trong quá trình thi công, như:
– Vi phạm qui trình công nghệ thi công (tháo ván khuôn sớm khi bê tông chưa đủ cường độ) dẫn tới kết cấu bị nứt, vỡ hoặc sập đổ.
– Bên thi công phải thuê thêm máy, thuê thêm nhân công, hoặc bố trí làm thêm ca, thêm giờ, dẫn tới mặt bằng thi công quá chật, công nhân phải làm đêm, ảnh huởng tới sức khỏe,…v.v.
Đó chính là những nguy cơ có thể gây ra tai nạn lao động trên công trường. Do vậy, cần hết sức chú ý tới vấn đề an toàn lao động trong khi lập và thực hiện tiến độ thi công.
An toàn lao động khi lập và thực hiện tiến độ thi công:
– Dựa trên các yêu cầu kỹ thuật của từng công việc, cần chú ý đến trình tự và thời gian thi công các công việc đó. Cụ thể là không được rút ngắn thời gian thực hiện một công việc nào đó mà chưa xét tới ảnh hưởng của nó tới cường độ hoặc sự ổn định của các cấu kiện và cả hệ kết cấu công trình, cũng như ảnh hưởng của nó tới các công việc khác.
– Xác định các tuyến (đoạn) công tác sao cho việc di chuyển các tổ đội công nhân là ít nhất trong một ca, hạn chế nguy cơ gây tai nạn khi công nhân phải di chuyển nhiều trên công trường.
– Để tránh va chạm các công việc theo phương thẳng đứng, không được bố trí công việc ở các tầng khác nhau trên cùng một phương thẳng đứng.
– Nên tổ chức thi công theo phương pháp dây chuyền trên các phân đoạn để đảm bảo sự làm việc nhịp nhàng giữa các tổ đội công nhân, tránh chồng chéo, cản trở và có thể gây tai nạn cho nhau.
(Nguồn tin: Theo cuốn: ATVSLĐ trong thi công xây dựng)