Hình dung về tương lai của ngành xây dựng: Thách thức và cơ hội đối với ATVSLĐ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:07(GMT +7)

Các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và những người hoạt động trong ngành cần dự đoán và chuẩn bị cho sự ra đời của các mối nguy mới và sự khuếch đại các mối nguy hiện có do hiện đại hóa nơi làm việc và những thay đổi khác trong ngành xây dựng.

Giới thiệu

Ngành xây dựng ngày nay khá khác so với những gì đã tồn tại cách đây chỉ vài thập kỷ. Ngày nay, cảnh công nhân kéo theo những cuộn bản thiết kế vẽ tay, bấm số vào máy tính in giấy, hoặc loay hoay với thước lô-ga đã trở nên ít thấy. Giờ đây các hồ sơ và kế hoạch được xây dựng và lưu trữ bằng kỹ thuật số; người lao động sử dụng các công cụ mới, hiệu quả hơn; và nhiều người trên công trường được trang bị các loại thiết bị thông minh và công nghệ cầm tay. Thành phần nhân khẩu học của lực lượng lao động cũng trở nên khác hơn. Người nhập cư ngày càng chiếm một phần đáng kể trong lực lượng lao động xây dựng. Mặc dù khoảng cách giới vẫn còn khá lớn – với phụ nữ chỉ chiếm 10% trong ngành (Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, 2020) – nhưng nó đã bắt đầu thu hẹp lại khi các công ty chấp nhận tính toàn diện và đa dạng hơn. Khi ngành công nghiệp này tiếp tục phát triển, có thể có các yếu tố ngoài ý muốn ảnh hưởng đến bản chất công việc và sự an toàn, sức khỏe và hạnh phúc của lực lượng lao động xây dựng. Những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, sự thay đổi công việc, sự thay đổi trong cách sắp xếp công việc, lực lượng lao động già hóa, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đại dịch COVID-19 đang diễn ra đã thay đổi cách thức tiến hành công việc xây dựng. Mặc dù rất khó để dự báo chính xác tương lai sẽ diễn ra như thế nào, nhưng vẫn cần phải cố gắng dự đoán và chuẩn bị cho những gì phía trước.

Các công nghệ mới, máy móc tự động và robot đang ngày càng xuất hiện nhiều trong ngành xây dựng

Các công trường xây dựng trong tương lai có thể sẽ tăng cường sử dụng các công nghệ tiên tiến như máy bay không người lái, khung xương trợ lực, phương tiện tự hành, thiết bị di động được điều khiển từ xa, in 3-D và mô hình thông tin xây dựng (BIM). Những công nghệ này được kỳ vọng sẽ làm tăng năng suất và chất lượng đồng thời giảm giá thành của các dự án xây dựng. Ngoài ra, các công nghệ mới có thể cải thiện sự an toàn của người lao động trong một số nhiệm vụ nhất định. Ví dụ, khung xương trợ lực đã được sử dụng để giảm lực ép lên vai của công nhân trong các công việc trên cao. Các thiết bị đeo được trên người và công nghệ cảm biến cũng đã được sử dụng để giám sát mức độ phơi nhiễm nguy hiểm tại nơi làm việc. Tuy nhiên, lợi ích của công nghệ mới cũng có thể đi kèm với rủi ro tiềm ẩn. Sự cố thương tích có thể xảy ra khi người vận hành không quen thuộc với các công nghệ, đặc biệt là trong các điều kiện vận hành không thường xuyên. Những nguy cơ và hậu quả không lường trước được liên quan đến việc sử dụng rô-bốt trong xây dựng có thể xuất hiện đặc biệt nhiều do đặc điểm của các dự án xây dựng truyền thống: môi trường làm việc luôn thay đổi, nhu cầu cần nhiều thợ thủ công lành nghề cùng làm việc trong một dự án, nhiều người sử dụng lao động chia sẻ một địa điểm làm việc chung và sự tương tác giữa nhiều phần của thiết bị tự động. Một vấn đề tiềm ẩn khác là tác động của xe tự hành đối với an toàn của khu vực làm việc trên đường cao tốc và các sự cố xảy ra, điều này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Người sử dụng lao động nên xem xét các loại vấn đề này và các mối nguy tiềm ẩn khi tích hợp công nghệ mới vào nơi làm việc. Trung tâm nghiên cứu robot nghề nghiệp của NIOSH đang nghiên cứu tìm cách đánh giá các công nghệ robot, cung cấp hướng dẫn về an toàn cho robot, xác định nhu cầu nghiên cứu và hỗ trợ phát triển và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn.

Vật liệu xây dựng được chế tác

Vật liệu xây dựng như bê tông, thép, gỗ và gạch xây từ trước đến nay thường được sử dụng trong các dự án xây dựng trong nhiều mục đích do chi phí và hiệu quả của chúng. Gần đây, các vật liệu được sử dụng để xây dựng nhà cửa, đường xá và các công trình kiến ​​trúc khác đã chuyển từ các yếu tố tự nhiên sang một số sự kết hợp giữa vật liệu tự nhiên và nhân tạo. Vật liệu xây dựng tái chế (reclaimed, recycled) và được chế tác thường có sẵn hơn, tiết kiệm chi phí, dễ lắp đặt và bảo trì hơn. Vật liệu xây dựng được chế tác có thể chứa nhựa, chất làm ổn định, chất chống cháy, chất kết dính, kim loại nặng, hạt nano và các chất phụ gia khác giúp cải thiện tính chất của vật liệu, nhưng có thể gây rủi ro cho an toàn và sức khỏe của người lao động. Vật liệu xây dựng trong tương lai sẽ tiếp tục chứa các thành phần nguy hiểm tiềm tàng, đặc biệt là khi các nhà nghiên cứu khám phá các ứng dụng khác nhau của các hạt nano và các công nghệ vật liệu khác trong xây dựng. Việc cắt, khoan và chà nhám các vật liệu mới này có thể giải phóng các hạt nguy hiểm, dẫn đến tăng khả năng tiếp xúc với chúng. Cần nghiên cứu để nâng cao hiểu biết của chúng ta về cách những vật liệu này có thể dẫn đến phơi nhiễm chất độc ở người lao động và những loại biện pháp can thiệp hoặc kiểm soát nào là phù hợp để đảm bảo an toàn cho người lao động.

COVID 19 và các bệnh truyền nhiễm khác

Trong đại dịch COVID-19, việc xây dựng được coi là thiết yếu, nhưng nó đã cũng đặt ra câu hỏi về những rủi ro mà công nhân xây dựng có thể gặp phải do sự lây truyền dịch bệnh trong cộng đồng đang diễn ra. Công nhân xây dựng có thể tăng nguy cơ tiếp xúc với COVID-19, cúm và các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt khi công việc yêu cầu họ vào nhà hoặc công trường có người ở, nơi họ có thể tiếp xúc gần với công nhân, khách hàng, khách đến thăm hoặc các thành phần khác trong cộng đồng. Trong một số tình huống, người lao động cũng có thể cùng nhau đi tàu xe tới nơi làm việc. Ngoài nguy cơ phơi nhiễm, CPWR – Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Xây dựng ước tính rằng gần 60% lực lượng lao động xây dựng có nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19 cao hơn dựa trên tuổi tác, bệnh ngầm hoặc các yếu tố khác (CPWR, năm 2020). Một nghiên cứu gần đây đã ước tính nguy cơ nhập viện liên quan đến COVID-19 ở những công nhân xây dựng ở Austin, TX gấp 4,5 lần nguy cơ bình quân đầu người của công chúng (Pasco và cộng sự, 2020). CDC đã soạn thảo hướng dẫn cho công nhân xây dựng để tự bảo vệ và làm chậm sự lây lan của COVID-19, bao gồm các bước giảm thiểu tổng quát như đeo khẩu trang, cách ly xã hội, tránh đám đông và các không gian trong nhà kém thông thoáng, và vệ sinh tay. Ngoài những rủi ro về sức khỏe, các hậu quả khác của việc bùng phát dịch bệnh lớn trên các công trường xây dựng bao gồm gián đoạn chuỗi cung ứng, các dự án bị hủy bỏ, sa thải và gia tăng sự biến động trong ngành. Những hậu quả này có thể dẫn đến những lo ngại quan trọng về sức khỏe tâm thần và trong một số trường hợp, làm xuất hiện chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện trong lực lượng lao động xây dựng. Khi các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện, chúng ta phải xem xét tác động và các chiến lược giảm thiểu hiệu quả cho ngành công nghiệp quan trọng này.

Các chứng rối loạn tâm thần và tự sát

Bản chất của công việc xây dựng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và tình trạng hạnh phúc của lực lượng lao động. Việc làm trong ngành xây dựng thường không ổn định, có lúc không có việc làm, có lúc lại phải làm việc nặng nhọc. Những người lao động này thường được sử dụng bởi nhiều người sử dụng lao động, cả trong khi dài hạn và ngắn hạn. Công việc xây dựng cũng đòi hỏi nhiều về thể chất và tinh thần, thường không có địa điểm làm việc cố định và nhiều công nhân phải đi xa để sống và làm việc xa gia đình, đôi khi trong điều kiện thiếu thốn. Nguyên nhân chủ yếu do các ưu đãi về tài chính và sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao, và cả áp lực từ làm việc trong thời gian dài. Đại dịch COVID-19, bất ổn kinh tế và bất ổn xã hội ở thời điểm hiện tại có thể gây thêm căng thẳng và các vấn đề sức khỏe tâm thần cho công nhân xây dựng. Do đó, những điều kiện này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, sự tham gia của người lao động và khả năng của người lao động để đối phó và hoàn thành công việc của họ.

Tỷ lệ tự tử ở Hoa Kỳ đã tăng lên kể từ năm 2008. Trong khi NIOSH, CPWR, Hiệp hội Thương mại Xây dựng Bắc Mỹ (NABTU), Cơ quan Quản lý ATVSLĐ (OSHA), và các tổ chức khác trong ngành xây dựng vẫn đang tìm cách giải quyết các vụ tự tử trong xây dựng, nhưng xu hướng này vẫn tiếp tục, dẫn đến tỷ lệ tự tử trong công nhân xây dựng cao đáng báo động. Các phát hiện từ một nghiên cứu trong Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong (MMWR)  của CDC cho thấy tỷ lệ tự tử ở công nhân xây dựng nằm trong nhóm cao nhất ở tất cả các ngành. Năm 2016, nam giới làm việc trong lĩnh vực xây dựng ở 32 bang có tỷ lệ tự tử cao hơn 65% so với tỷ lệ nam giới làm việc dân sự từ 16–64 tuổi (Peterson và cộng sự, 2020). Công tác chuẩn bị cho tương lai của công việc trong ngành xây dựng phải bao gồm các chiến lược để hiểu rõ hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần, các yếu tố làm xuất hiện nguy cơ tự tử, rối loạn sử dụng chất kích thích, đồng thời phát triển và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bằng cách giải quyết các điều kiện làm việc, các yếu tố gây căng thẳng liên quan đến công việc và các yếu tố quan trọng khác .

Sử dụng đồ uống có cồn và các hóa chất khác

Lạm dụng rượu là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong cộng đồng nhưng có thể phòng ngừa được, nó vẫn tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của lực lượng lao động xây dựng. Trong một nghiên cứu năm 2020 về việc uống rượu bia theo nghề nghiệp, công nhân xây dựng và khai thác có tỷ lệ uống rượu bia cao nhất so với các nghề nghiệp khác (Shockey và Esser, 2020). Uống rượu quá mức có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe khác, bao gồm rối loạn sử dụng rượu, các bệnh mãn tính như huyết áp cao và đột quỵ, và các chấn thương không chủ ý như tai nạn xe hơi. Công nhân xây dựng cũng có nguy cơ mắc các chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện khác. Một nghiên cứu của NIOSH năm 2018 về các ca tử vong do sử dụng quá liều theo nghề nghiệp cho thấy công nhân xây dựng có nguy cơ tử vong quá liều liên quan đến heroin và opioid theo toa cao nhất so với các nghề nghiệp khác (Harduar Morano và cộng sự, 2018). Các nghiên cứu khác đã báo cáo những phát hiện tương tự. Do đó, phòng ngừa cơ bản đối với thương tích và quản lý chứng rối loạn sử dụng chất dạng thuốc phiện đều là những chủ đề quan trọng trong lĩnh vực xây dựng. Việc sử dụng và lạm dụng cần sa cũng là mối quan tâm trong ngành xây dựng do bối cảnh luật pháp thay đổi nhanh chóng. Khi nhiều bang áp dụng luật tăng cường khả năng tiếp cận với cần sa và khi nhiều công nhân tiêu thụ các sản phẩm cần sa hơn, thì sẽ có nhiều tác động đối với công nhân xây dựng và quản lý (Howard và Osborne, 2020); những yếu tố này bao gồm một số ví dụ sự suy yếu, tuyển dụng, sức khỏe và hạnh phúc, và khả năng bị thương,

Do các vấn đề về sức khỏe tâm thần, tự tử và sử dụng chất kích thích thường bị ảnh hưởng bởi cả cuộc sống gia đình và nơi làm việc, nên thường cần áp dụng phương pháp Total Worker Health®. Cách tiếp cận này tập trung vào cách mà nơi làm việc và công việc góp phần vào phương pháp, và có thể được sửa đổi nhằm cải thiện kết quả sức khỏe của lực lượng lao động. Total Worker Health® nhấn mạnh các mối quan hệ bền chặt tồn tại cả trong và ngoài công việc — bao gồm cả những mối quan hệ liên quan đến gia đình, cộng đồng và xã hội của người lao động nói chung. Một ví dụ là việc sử dụng một tập hợp các hoạt động và can thiệp quan trọng để tăng cường phát triển và sử dụng các mạng lưới và chương trình hỗ trợ ngang hàng trong ngành xây dựng.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt

Công nhân xây dựng thường bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết trong đó có nhiệt độ khắc nghiệt, tình hình này có thể xấu lên do sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong tương lai. Đặc biệt, công nhân xây dựng có nguy cơ bị bệnh, bị thương, tử vong và giảm năng suất lao động do nắng nóng, đặc biệt là khi tính chất công việc đòi hỏi nhiều về thể chất và phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ngoài trời (NIOSH, 2016). Công việc xây dựng ngoài trời thường được tiến hành vào những tháng mùa hè trong thời gian nóng nhất trong năm, đôi khi có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm. Mặc dù công nhân xây dựng chỉ chiếm 6% tổng lực lượng lao động, nhưng họ chiếm 36% tổng số ca tử vong nghề nghiệp do nhiệt ở Hoa Kỳ (285 ca tử vong) trong giai đoạn 1992–2016 (Dong et al., 2019).

Một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi cho thấy việc hoạt động dưới nhiệt độ cao cũng có thể gây ra các tác động xấu đối với thận (Nerbass et al., 2017). Một nghiên cứu khác đã tìm hiểu mối quan hệ giữa nhiệt độ tăng cao và chấn thương thể chất ở nơi làm việc. Ít nhất hai nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ tích cực giữa làm việc dưới nhiệt độ cao và chấn thương thể chất ở các công nhân xây dựng (Xiang và cộng sự, 2014, Caulkins và cộng sự, 2019). Những chấn thương này có thể do lòng bàn tay đổ mồ hôi, kính bảo hộ bị mờ, chóng mặt, mất nước và giảm khả năng suy luận do làm việc ở nhiệt độ cao (NIOSH, 2016). Do số ngày có chỉ số nhiệt trên 100° F được dự báo sẽ tăng gấp đôi ở các vùng của đất nước vào năm 2036 đến năm 2065 (Dahl và cộng sự, 2019), làm việc dưới nhiệt độ cao sẽ tiếp tục là mối quan tâm chủ chốt đối với lực lượng lao động xây dựng.

Ngoài stress nhiệt, công nhân xây dựng cũng có thể tiếp xúc với môi trường quá lạnh, chất lượng không khí kém, chất gây dị ứng, các bệnh truyền nhiễm do trung gian (vector) và các mối nguy hiểm khác. Nghiên cứu nghề nghiệp cần xem xét thêm tác động của khí hậu đối với an toàn và sức khỏe của công nhân xây dựng. Các biện pháp can thiệp cần xem xét các chiến lược để bảo vệ người lao động và hỗ trợ quản lý, bao gồm việc đánh giá các chiến lược giảm thiểu hiện có nhằm đảm bảo rằng các biện pháp kiểm soát mối nguy hại tại nơi làm việc có hiệu quả.

Thay đổi về nhân khẩu học trong lực lượng lao động

Nhân khẩu học của lực lượng lao động xây dựng đang thay đổi nhanh chóng, và các chương trình an toàn và sức khỏe phải điều chỉnh để đảm bảo rằng tất cả công nhân được bảo vệ khỏi bệnh tật và thương tích. Việc lực lượng lao động già hóa, số lượng lao động sinh ra ở nước ngoài ngày càng tăng và sự đa dạng về giới tính và số lượng giới tính ngày càng tăng sẽ đòi hỏi ngành xây dựng phải thiết kế các địa điểm xây dựng và nhiệm vụ công việc để phù hợp với khả năng và hạn chế của đa số lao động ở mọi lứa tuổi, giới tính, và các sắc tộc. Do đó, cần phải nghiên cứu để xác định cách thiết lập các địa điểm làm việc và cấu trúc các nhiệm vụ để chúng có thể được thực hiện bởi lực lượng lao động ngày càng đa dạng này, mà không làm tăng rủi ro cho một nhóm. Ví dụ, thiết bị bảo hộ cá nhân và thiết bị an toàn trong tương lai phải được thiết kế để phù hợp với phụ nữ và nam giới với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau để giữ an toàn cho tất cả người lao động (xem blog liên quan). Số lượng công nhân xây dựng tự nhận là người Tây Ban Nha đang tăng lên đáng kể, tăng từ 9% lên 29% trong lực lượng lao động xây dựng từ năm 1990 đến năm 2015 (CPWR 2018). Khi ngày càng nhiều công nhân gốc Tây Ban Nha (đặc biệt là công nhân nhập cư) tham gia vào lực lượng lao động xây dựng, các chính sách, chương trình và thực hành cần giải quyết sự chênh lệch về sức khỏe, rào cản ngôn ngữ và giảm khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe mà một số công nhân có thể gặp phải.

Sắp xếp công việc

Số lượng người lao động Hoa Kỳ làm việc trong các cấu trúc sắp xếp công việc không theo tiêu chuẩn gần đây đã tăng lên và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng. Theo CPWR, 30% công nhân xây dựng đã được sắp xếp công việc không theo tiêu chuẩn, xếp thứ 2 trong cấu trúc công việc không theo tiêu chuẩn cao thứ hai ở các ngành công nghiệp chính (CPWR 2019). Lĩnh vực xây dựng bao gồm các doanh nghiệp và nơi làm việc với nhiều quy mô và sứ mệnh khác nhau mà không dễ xác định được đặc trưng. Người lao động trong lĩnh vực này có nhiều mối quan hệ với người sử dụng lao động của họ, từ việc làm lâu dài với một người sử dụng lao động đến nhiều mối quan hệ lao động hoặc hợp đồng (thông thường hoặc thuê ngoài) chỉ kéo dài trong vài ngày hoặc vài tháng. Sự sắp xếp công việc không theo tiêu chuẩn đưa ra một số thách thức đối với đời sống của người lao động, bao gồm cả sự không chắc chắn về công việc; giảm thu nhập; thiếu bảo hiểm, nghỉ ốm và các phúc lợi công việc khác; sự khác biệt trong đào tạo giữa các nhân viên; và những quan ngại pháp lý về việc ai chịu trách nhiệm bảo vệ việc làm cho người lao động (Howard 2017). Khi việc sắp xếp công việc không theo tiêu chuẩn ngày càng trở nên phổ biến, cần tiếp tục có các khuyến nghị và chiến lược hợp lý, dựa trên bằng chứng về cách giải quyết các vấn đề tổ chức công việc duy nhất này, nhằm thúc đẩy an toàn, sức khỏe và hạnh phúc của lực lượng lao động xây dựng.

NIOSH và tương lai của ngành xây dựng

Các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và những người hoạt động trong ngành cần dự đoán và chuẩn bị cho sự ra đời của các mối nguy mới và sự khuếch đại các mối nguy hiện có do hiện đại hóa nơi làm việc và những thay đổi khác trong ngành xây dựng. Tương lai của ngành xây dựng mang đến những cơ hội to lớn cho các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết những mối quan tâm này và cải thiện sự an toàn, sức khỏe và phúc lợi của người lao động. Thông qua chương trình Sáng kiến cho ​​Tương lai của Công việc và các nỗ lực khác, NIOSH đã sẵn sàng tiến hành một phương pháp tiếp cận chủ động nhằm giải quyết những vấn đề này bằng cách biên soạn, giới thiệu và thúc đẩy nghiên cứu về tương lai của công việc; xác định các cơ hội hợp tác; và áp dụng các phương pháp tiếp cận thực tế để cải thiện kết quả an toàn, sức khỏe và hạnh phúc. Văn phòng An toàn và Sức khỏe Xây dựng NIOSH đang làm việc trên nhiều lĩnh vực để đảm bảo rằng ngành xây dựng được chuẩn bị cho những thách thức nhiều mặt trong tương lai, đồng thời thúc đẩy các giải pháp sáng tạo. Còn bạn đang làm gì để chuẩn bị cho những thay đổi này?

Biên dịch: Bình Nguyên


(Nguồn tin: cdc.gov)