An toàn lao động khi phá dỡ công trình
Để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng một công trình mới trên khu đất đã có sẵn các công trình khác (thường là các công trình cũ) thì giải pháp phá, dỡ các công trình này thường là bắt buộc.
Việc phá, dỡ công trình có thể được hiểu là quá trình tháo rời, dỡ và nhấc xuống dần dần các bộ phận công trình (các bộ phận này vẫn còn nguyên vẹn sau khi tháo, dỡ), hoặc việc đánh sập hay đẩy đổ công trình.
Có nhiều dạng công trình cần phá, dỡ như các nhà một tầng hoặc nhiều tầng; công trình xây bằng vật liệu gỗ, gạch, bê tông cốt thép, thép hoặc kết hợp các loại vật liệu trên,… Khi phá, dỡ những công trình như vậy thì các yếu tố nguy hiểm và độc hại phát sinh dưới nhiều dạng khác nhau như sự sập đổ bất ngờ các bộ phận công trình, nồng độ bụi hoặc tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép,… đặc biệt là với các công trình bê tông cốt thép hoặc xây gạch. Bởi vậy, phá, dỡ các công trình được đánh giá là một trong những công việc nguy hiểm có mức độ rủi ro cao so với các công việc khác.
Biện pháp để phá, dỡ công trình được thiết kế tùy thuộc vào vị trí, kết cấu và đặc trưng vật liệu của công trình. Phương pháp nhanh nhất là sử dụng thuốc nổ để đánh sập công trình. Ngoài ra, còn có một số phương pháp khác như sử dụng các máy, thiết bị chuyên dùng: dùng tay cần của máy xúc gầu nghịch để đẩy đổ công trình hoặc gắp các bộ phận công trình, dùng cần cẩu treo bóng thép để tạo lực văng đập vỡ công trình, dùng dây cáp kéo đổ công trình, dùng lưỡi cưa máy để cắt công trình, dùng các máy phá bê tông sử dụng khí nén,…hoặc sử dụng biện pháp thủ công. Trong điều kiện xây dựng ở nước ta hiện nay, biện pháp phá, dỡ công trình sử dụng máy, thiết bị chuyên dùng hoặc thủ công vẫn được ưu tiên lựa chọn trong các phương án thi công.
Nguyên tắc áp dụng biện pháp này là phải thực hiện từ trên cao xuống dưới thấp, ngược với quá trình xây dựng công trình là từ dưới thấp lên trên cao.
Các nguy cơ gây tai nạn lao động khi phá, dỡ công trình
– Khi phá, dỡ công trình, dù được thi công bằng biện pháp nào thì các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động và xảy ra tai nạn lao động là rất lớn, bao gồm các nhóm sau:
– Công nhân thường xuyên phải làm việc trong môi trường có nhiều bụi, tiếng ồn, có thể có nhiều nước bẩn ở cống hoặc rãnh chảy ra do đường ống bị vỡ trong quá trình phá, dỡ công trình,… Đó là các nguy cơ trực tiếp làm suy giảm sức khỏe người lao động và gián tiếp gây tai nạn lao động.
– Người lao động có thể bị các vật rơi hoặc văng vào người như bê tông, gạch, thép hoặc gỗ,… trong quá trình phá, dỡ công trình.
– Sơ đồ kết cấu, tải trọng trên các kết cấu như cột, dầm hoặc sàn và khả năng chịu tải của chúng bị thay đổi trong quá trình tháo dỡ công trình, có thể gây nên sự sụp đổ bất ngờ và gây tai nạn lao động.
– Khi một kết cấu nào đó bị sụp đổ ngoài dự định của con người thì các phần kết cấu hoặc bộ phận khác của công trình như các bức tường, cột hoặc dầm,… cũng có thể bị sụp đổ theo và gây tai nạn lao động.
– Việc chuyển các phế thải và sản phẩm của việc phá, dỡ công trình như: gạch, bê tông vụn hoặc sắt thép,… ra khỏi công trường không kịp thời có thể gây nguy hiểm cho người đi lại do dẫm hoặc va quệt phải những chỗ sắc nhọn.
– Thiết bị phá, dỡ không phù hợp hoặc bị làm hỏng trong quá trình thi công cũng là một trong những nguy cơ gây tai nạn lao động.
– Các công trình và người xung quanh công trình có thể bị ảnh hưởng của việc phá, dỡ như bị gạch, bê tông vụn văng phải.
– Việc quản lý người ra, vào công trường không nghiêm ngặt dẫn tới họ có thể tự do ra vào công trình và bị tai nạn bất ngờ do gạch, gỗ vụn, hay sắt thép văng phải, hoặc bị máy thi công va chạm vào.
– Người làm việc thiếu các phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc máy và thiết bị thi công thiếu các phương tiện bảo vệ thích hợp.
Các biện pháp đề phòng tai nạn lao động khi phá, dỡ công trình
– Biện pháp phá, dỡ phải được lập và tính toán kiểm tra của người có chuyên môn (kỹ sư xây dựng), trong đó chú ý tới mặt bằng phá, dỡ, phương pháp phá, dỡ với các bản vẽ chi tiết.
– Trước khi phá, dỡ, phải khảo sát và đánh giá đúng tình trạng của nền, móng, các kết cấu như: cột, dầm, sàn và tường công trình.
– Phải tháo toàn bộ hệ thống điện, nước và các hệ thống kỹ thuật của công trình trước khi phá, dỡ công trình.
– Khi phá, dỡ, đặc biệt phải quan tâm đến vấn đề tiếng ồn do máy gây ra; ô nhiễm không khí do bụi; đặc điểm về kết cấu và vật liệu công trình; an toàn cho người làm việc trên công trường và cho cư dân khu vực xung quanh (những người bên ngoài công trình là những người có thể không nhận thức được các mối nguy hiểm của việc tháo dỡ công trình).
– Chú ý tới hệ thống hàng rào. Phải sử dụng hệ thống hàng rào kín với chiều cao ít nhất là 2m để tránh gây sự chú ý của người bên ngoài công trình và của công nhân từ bên trong công trình nhìn ra ngoài.
– Đối với công trình phá, dỡ mà bẩn ở mức độ ô uế thì nên có các panô, áp phích được dán ở vị trí làm việc, phòng nghỉ và phòng vệ sinh để luôn nhắc người lao động thực hiện các biện pháp giữ vệ sinh sạch sẽ. Cần xem xét các chất gây ô nhiễm thuộc loại gì để có các biện pháp tập trung và vận chuyển ra ngoài thích hợp.
– Nên có các giải pháp ngăn chặn bụi như dùng lưới bao che hoặc phun nước liên tục vào các vị trí phát sinh nhiều bụi.
– Không nên đốt các phế thải trên công trường mà nên vận chuyển đi.
– Trong biện pháp phá, dỡ, phải nêu rõ:
+ Biện pháp quản lý lối ra, vào công trường;
+ Giờ làm việc và không làm việc, trong đó đặc biệt chú ý tới giờ không làm việc vì kết cấu công trình có thể sập đổ bất ngờ trong thời gian này, gây tai nạn cho người trong công trường. Hạn chế tháo, dỡ công trình sau 6 giờ chiều.
+ Kiểm tra tính liên tục của kết cấu;
+ Xem xét ảnh hưởng của việc phá, dỡ tới các công trình không phá, dỡ hoặc công trình liền kề và của môi trường tự nhiên, xã hội xung quanh (khu vực đông dân cư hay khu vực thương mại,…);
+ Kiểm tra sự đồng bộ của các thiết bị phá, dỡ;
+ Bố trí đầy đủ các biển báo hiệu, rào ngăn và hệ thống phòng chống cháy, nổ;
+ Xem xét hệ thống vận chuyển phế thải sao cho liên tục và giữ cho công trường luôn gọn gàng, sạch sẽ;
+ Trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;
+ Việc giám sát của kỹ sư xây dựng và cán bộ an toàn phải liên tục trong suốt quá trình phá, dỡ công trình;
+ Các phương án và biện pháp cấp cứu trong trường hợp có tai nạn xảy ra phải được chuẩn bị kỹ, lưu ý đến các số điện thoại nóng như 115,…).
(Nguồn tin: Theo cuốn “ATVSLĐ trong xây dựng”)