An toàn lao động khi thi công phần ngầm công trình

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:05(GMT +7)

Phần ngầm công trình là những phần công trình nằm ở dưới mặt đất tự nhiên như: phần nền, phần cọc, phần móng hoặc phần tầng hầm.

Tai nạn lao động trong quá trình thi công phần ngầm công trình được đánh giá là một trong những dạng tai nạn lao động trầm trọng nhất, do rất nhiều người có thể cùng bị chấn thương hoặc tử vong khi đất sụp, lở. Do vậy, thực hiện tốt các biện pháp để đảm bảo an toàn lao động khi thi công phần ngầm công trình là rất cần thiết.

1. Thi công cọc ép

Cọc ép hiện nay được sử dụng tương đối rộng rãi ở Việt Nam. Đặc điểm về công nghệ thi công cọc ép là phải sử dụng hệ giá thép, kích thủy lực và các đối trọng để ép cọc bê tông cốt thép xuống đất. Trong quá trình thi công ép cọc, cần chú ý một số nguy cơ khác mang nét đặc thù của quá trình thi công này.

1.1. Các nguy cơ gây tai nạn lao động khi thi công cọc ép

Một số nguy cơ điển hình gây mất an toàn lao động khi thi công cọc ép là:

– Hệ giá ép đặt trên mặt đất không cân bằng và ổn định nên bị nghiêng khi các đối trọng bê tông được cẩu lên, dẫn tới giá ép bị đổ, gây tai nạn lao động.

– Các đối trọng bê tông bị lệch, không thẳng hàng, dẫn tới hệ đối trọng mất cân bằng, bị trượt và rơi từ trên cao xuống người làm việc ở dưới.

– Kích thủy lực bị vỡ phớt dầu, hoặc đường ống dẫn dầu bị vỡ do áp lực bơm dầu vượt quá mức cho phép.

1.2. Các biện pháp đề phòng tai nạn lao động khi thi công cọc ép

– Các thiết bị như máy bơm dầu, kích thủy lực hoặc đồng hồ đo phải được kiểm định ..

– Các bước trong quá trình thi công ép cọc phải được lập và kiểm tra về mặt an toàn trước khi thi công.

– Luôn kiểm tra nền trước khi đưa giá ép vào sao cho đủ cứng, ổn định và bằng phẳng trong suốt quá trình ép cọc.

– Các đối trọng bê tông phải được tính toán và xếp sao cho ngay ngắn, thẳng hàng và sát vào nhau.

– Nên bơm dầu với áp lực bằng 0,7 lần áp lực danh định của máy bơm dầu để tránh vỡ ti dầu hoặc hở phớt của kích thủy lực.

– Vị trí móc dây cáp để cẩu cọc phải đúng vị trí qui định của đơn vị sản xuất cọc.

– Công nhân không có nhiệm vụ nên đứng cách xa vị trí thi công một khoảng bằng một lần chiều dài đoạn cọc đang ép cộng với 2m.

2. Thi công cọc đóng

Giải pháp cọc đóng thường được sử dụng cho những công trình xây dựng xa khu dân cư. Đặc điểm của công nghệ thi công cọc đóng là các cọc bê tông cốt thép hoặc cọc thép được đóng xuống đất bằng cách sử dụng búa đóng. Búa đóng này được treo vào hệ giá búa. Hệ giá búa này được đặt trên các thiết bị giữ (di chuyển hoặc cố định). Trong quá trình thi công cọc đóng, có một số nguy cơ gây tai nạn lao động đặc thù sau:

2.1. Các nguy cơ gây tai nạn lao động khi thi công cọc đóng

– Các phần đệm đầu cọc bị vỡ, hoặc cọc bị vỡ, nát trong quá trình búa đóng vào đầu cọc và rơi xuống người làm việc ở dưới.

– Các mối nối bằng bulông hoặc hàn của búa hay giá búa bị lỏng và tuột trong quá trình thi công, làm cho một bộ phận nào đó hoặc cả hệ búa rơi xuống dưới, gây tai nạn lao động.

– Cọc bị rơi trong quá trình cẩu lắp vào vị trí đóng do đứt hoặc tuột dây cáp.

– Các nguy cơ gây tai nạn lao động khi làm việc với máy và thiết bị thi công xây dựng.

2.2. Các biện pháp đề phòng tai nạn lao động khi thi công cọc đóng

– Tuân theo đúng các biện pháp về an toàn của nhà sản xuất máy đóng cọc (đi kèm với hướng dẫn sử dụng của máy).

– Kiểm tra mọi chi tiết liên kết của máy (bulông hoặc mối hàn,…) trước khi vào làm việc.

– Các đường ống cung cấp hơi, khí nén hay dầu thủy lực của máy đóng cọc phải được thử nghiệm trước khi thi công với áp suất lớn hơn 2 lần áp suất lúc làm việc.

– Đối với dây cáp để treo buộc cọc, phải có hệ số an toàn ít nhất là 8.

– Kiểm tra hệ số thực dụng của búa (do kỹ sư công trường tính toán đối với từng loại búa khác nhau tương ứng với các loại cọc khác nhau). Ví dụ khi dùng búa điezen để đóng cọc thì hệ số thực dụng phải nằm trong khoảng từ 4 ÷ 6. Nếu hệ số thực dụng nhỏ hơn 4 thì chứng tỏ búa quá nhẹ, khiến búa phải đóng nhiều nhát liên tục vào đầu cọc thì mới đưa được cọc xuống, dẫn tới dễ gây nát cọc và bê tông vỡ ra sẽ rơi xuống công nhân ở dưới. Còn nếu hệ số thực dụng lớn hơn 6 thì chứng tỏ búa quá nặng, khi đóng sẽ làm gẫy cọc và có thể gây tai nạn lao động cho công nhân do các phần của cọc rơi xuống người.

– Khi thi công, phải chỉnh vị trí cọc và giá búa sao cho búa đóng vào đúng tim cọc, không được đóng lệch.

– Trong quá trình đóng cọc, luôn quan sát và nếu thấy các tấm đệm đầu cọc có hiện tượng nứt hoặc hỏng thì phải dừng thi công và thay tấm đệm khác.

3. Thi công cọc khoan nhồi hoặc cọc barrette

Cọc khoan nhồi và cọc barrette là những loại cọc có sức chịu tải từ khoảng 400 tới trên 3000T. Do đó, loại cọc này thường được lựa chọn khi công trình có tải trọng tại chân cột lớn. Cọc khoan nhồi thường có tiết diện hình tròn, còn cọc barrette có tiết diện hình chữ nhật hoặc tổ hợp của các hình chữ nhật. Đặc điểm về công nghệ thi công cọc khoan nhồi hoặc cọc barrette là phải sử dụng các thiết bị khoan hoặc đào vào trong đất thành các lỗ sâu, với sự hỗ trợ của dung dịch bentonite hoặc nước để giữ vách đất không bị sập. Sau đó, lồng thép được đặt và bê tông cọc được đổ vào trong lỗ khoan.

3.1. Các nguy cơ gây tai nạn lao động khi thi công cọc khoan nhồi hoặc cọc barrette

– Người lao động bị trượt ngã xuống hố đào trong quá trình thi công.

– Đất đào lên văng vào người khi gầu đào lắc để ra hết đất trong gầu, đặc biệt nguy hiểm khi đất văng vào mặt.

– Ống đổ bê tông bị đứt trong khi rút ống (đang đổ bê tông) và văng vào công nhân, gây tai nạn lao động.

– Các nguy cơ gây tai nạn lao động khi làm việc với máy và thiết bị thi công xây dựng.

3.2. Các biện pháp đề phòng tai nạn lao động khi thi công cọc khoan nhồi hoặc cọc barrette

– Công nhân phải đeo khẩu trang, găng tay, kính và mũ bảo hộ lao động.

– Ống vách phải đặt cao hơn mặt đất khoảng 50cm và có sàn làm việc cho công nhân.

– Công trường phải có hệ thống thu lại dung dịch bentonite trào ra khỏi lòng hố đào. Cố gắng giữ cho công trường luôn khô ráo để giảm nguy cơ người trượt ngã xuống hố.

– Đề phòng các tai nạn về điện khi sử dụng máy hàn để gia công cốt thép của cọc, như phải thực hiện nối đất cho máy.

– Luôn chú ý tới ống đổ bê tông, đề phòng bị tuột đột ngột trong quá trình rút ống.

– Tham khảo các biện pháp đề phòng tai nạn lao động khi làm việc với máy và thiết bị thi công xây dựng

4. Thi công tường vây tầng hầm công trình

Các công trình cao tầng hiện nay đều được thiết kế tầng hầm. Để thi công tầng hầm, đất trong lòng tầng hầm phải được đào tới cốt đáy tầng hầm. Điều quan trọng là vách đất của tầng hầm phải được giữ ổn định bằng tường vây, nếu không, đất ở vách có thể sụp đổ và gây tai nạn lao động cho người làm việc trong lòng tầng hầm.

4.1. Các nguy cơ gây tai nạn lao động khi thi công tường vây  tầng hầm công trình

– Tường vây tầng hầm bị sập đổ một phần hay hoàn toàn và đè vào những người công nhân đang làm việc ở dưới.

– Tai nạn lao động xảy ra trong lúc thi công hệ thống chống đỡ tạm của tường vây. Ví dụ như trong lúc cẩu các thanh thép hình của hệ văng chống thì dây cáp bị đứt hay tuột, hoặc các thanh thép hình va đập  vào công nhân,…

– Hệ văng chống tạm không đủ khả năng chịu lực và bị biến hình hoặc mất ổn định, dẫn tới cả hệ văng chống và tường vây bị sụp đổ, gây tai nạn lao động. Khi đó, có thể đất xung quanh công trình sẽ sụp lở vào bên trong tầng hầm, làm cho các công trình bên cạnh bị lún, nghiêng hoặc đổ, gây tai nạn cho cả những người và công trình khác.

– Công nhân làm việc hoặc leo trèo trên các thanh chống ngang  của tường vây tầng hầm mà không đeo dây an toàn hoặc không có giàn giáo nên có thể bị trượt ngã.

– Đáy tầng hầm bị nước ngầm đẩy và bị vỡ (cốt nước ngầm cao hơn cốt đáy tầng hầm), gây tai nạn lao động.

4.2. Các biện pháp đề phòng tai nạn lao động khi thi công tường vây tầng hầm công trình

Đối với việc thi công tường vây tầng hầm, việc tính toán để đảm bảo cho tường vây đủ khả năng chịu được tải trọng ngang của nước ngầm, của đất và tải trọng của các công trình bên cạnh là phải do những kỹ sư chuyên nghiệp thực hiện. Việc thi công cần thực hiện theo đúng các thiết kế đó. Ngoài ra, cần tham khảo thêm các biện pháp đề phòng tai nạn lao động khi làm việc với máy và thiết bị thi công xây dựng và khi làm việc trên cao.

5. Đào đất hố móng

Khi cốt đáy móng hoặc đáy giằng móng ở dưới cốt đất mà người và thiết bị di chuyển thì bắt buộc phải đào đất hố móng hoặc hào để thi công móng hoặc giằng móng. Hố móng có thể là nông hoặc sâu, thành hố có thể là thẳng đứng hoặc dốc và có thể không được gia cố hoặc có được gia cố. Biện pháp đào đất hố móng hoặc hào có thể là cơ giới như sử dụng các máy xúc hoặc đào thủ công.

5.1. Các nguy cơ gây tai nạn lao động khi đào đất hố móng

a) Vách đất bị sụp, lở và đè lên người làm việc ở dưới

– Hố (hào) có vách thẳng đứng với chiều cao vượt quá chiều cao giới hạn đối với từng loại đất.

– Hố (hào) đào có mái dốc với góc nghiêng vượt quá độ nghiêng cho phép đối với từng loại đất.

– Một số trường hợp như trong quá trình đào hố hoặc hào, vách đất vẫn còn ổn định. Nhưng qua thời gian, đất bị ẩm ướt do mưa hay nước ngầm làm cho lực dính hay lực ma sát trong đất bị giảm, do đó vách đất sẽ bị sụp, lở.

– Vách đất còn có thể bị sụp, lở do tác động của ngoại lực như: vật liệu hoặc đất đào lên được chất thành đống gần mép hố đào; Hố (hào)  ở  gần đường giao thông có thể bị lực chấn động của các phương tiện vận chuyển qua lại và vách đất bị sụp, lở.

– Đối với hố (hào) có vách thẳng đứng được gia cố, nếu lắp dựng hoặc tháo dỡ kết cấu chống vách không đúng quy định thì có thể làm  mất tác dụng của hệ chống đỡ hoặc gây chấn động mạnh làm cho đất sụp, lở.

b) Người bị ngã xuống hố

– Lên hoặc xuống hố (hào) sâu mà không có thang hoặc không tạo bậc ở vách đất của hố (hào).

– Leo trèo trên các kết cấu chống vách đất.

– Bị ngã khi làm việc trên mái dốc mà không đeo dây an toàn.

– Hố (hào) ở trên hoặc gần đường qua lại mà không có rào ngăn, không có cầu hoặc ván bắc qua, ban đêm không có đèn báo hiệu.

c) Đất (đá) lăn hoặc rơi từ trên bờ hố xuống người làm việc ở dưới

– ất đào lên đổ sát mép hố (hào) mà không có ván chắn. Do đó, có thể đất sẽ rơi xuống lòng hố đào và gây chấn thương cho người làm việc ở dưới.

– Phương tiện vận chuyển qua lại bờ hố (hào) và làm rơi vãi hoặc hất đất (đá) xuống hố.

d) Người lao động bị ngạt do hơi hoặc khí độc

Người lao động bị ngạt do hơi hoặc khí độc thường gặp khi đào các hố sâu hoặc đào đất tại các vị trí như gần các bãi rác lâu năm, các bờ kênh hoặc mương nước thải,… Hơi hoặc khí độc như các-bô-níc, mê-tan,… có thể xuất hiện bất ngờ trong khi đào đất tại các khu vực đó.

e) Tai nạn lao động do đào phải bom, mìn, đường dây cáp điện hoặc các đường ống ngầm

Trong lòng đất, có rất nhiều vị trí có bom, mìn còn sót lại từ thời chiến tranh, hoặc là nơi chôn đường dây cáp điện hay các đường ống ngầm. Có thể trong quá trình đào đất, máy hoặc người làm việc sẽ bị tai nạn trong trường hợp này.

f) Tai nạn lao động khi khoan hoặc đào đất bằng phương pháp nổ mìn

– Tính toán sai phạm vi an toàn khi thi công nổ mìn.

– Đánh giá sai đặc điểm địa chất và  kết cấu của đất ở khu vực cần nổ mìn, đặc biệt là tại các vùng núi cao. Do đó, khi nổ mìn thì đất (đá) xung quanh (hoặc ở các vùng núi xung quanh) bị rung động và trượt hoặc lăn xuống người làm việc ở dưới.

– Vi phạm quy định an toàn khi nổ  mìn như nhồi thuốc, đặt kíp mìn và xử  lý  mìn câm, …v.v. không đúng.

– Sức ép không khí lên cơ thể người quá lớn do trú ẩn gần nơi mìn nổ.

– Đất (đá) văng hoặc bắn vào người  khi mìn nổ.

5.2. Các biện pháp đề phòng tai nạn lao động khi đào đất hố móng

a) Đề phòng vách đất bị sụt, lở

Để đề phòng vách đất bị sụp, lở khi đào hố (hào), có thể phân ra 3 trường hợp sau:

* Đào hố (hào) có vách thẳng đứng mà không có hệ gia cố và chống vách đất:

– Chỉ được đào hố (hào) với vách thẳng đứng ở đất nguyên thổ, có độ ẩm tự nhiên, không có mạch nước ngầm và xa các nguồn chấn động  với chiều sâu nhỏ hơn hoặc bằng chiều sâu tới hạn mà Tiêu chuẩn xây dựng đã qui định.

Theo TCVN-5308-1991 thì chiều sâu tới hạn của hố (hào) có vách thẳng đứng đối với một số loại đất được quy định như sau:

+ Không quá 1m đối với đất cát và đất tơi xốp hoặc đất mới đắp;

+ Không quá 1,25m đối với đất pha cát (á cát);

+ Không quá 1,5m đối với đất pha sét (á sét) và đất sét;

+ Không quá 2m đối với đất rất cứng khi đào phải dùng xà beng hoặc cuốc chim.

Trong các trường hợp khác thì hố (hào) phải được tính toán chiều cao tới hạn, gia cố thành hố (chống vách đất) suốt chiều cao hố hoặc đào hố có mái dốc. Các trường hợp này phải tính toán và lập thành biện pháp thi công cụ thể, được thực hiện bởi các kỹ sư xây dựng. Công nhân cần thực hiện đúng theo các biện pháp đó để đảm bảo an toàn lao động.

– Khi đào hố, hào sâu bằng máy ở nơi đất dính, có độ chặt cao thì cho phép đào vách đất thẳng đứng sâu tới 3m, nhưng không được có người ở dưới. Nếu cần có người làm việc ở dưới thì chỗ có người phải chống vách hoặc đào thành mái dốc.

Trong suốt quá trình thi công, phải thường xuyên xem xét tình hình ổn định vững chắc của vách hố (hào). Nếu thấy ở trên vách có các vết rạn nứt có thể bị sụp, lở thì phải ngừng ngay công việc, công nhân phải lên khỏi hố (hào) ngay và có biện pháp kịp thời chống đỡ chỗ đó hoặc phá cho đất chỗ đó sụp, lở luôn để tránh nguy hiểm sau này.

– Khi đào hố (hào) sâu với vách đứng, tuyệt đối không được đào kiểu hàm ếch.

* Đào hố (hào) vách đứng và có chống vách:

Khi đào hố (hào) ở những nơi đất đã bị xáo trộn (đất đắp hoặc đất đã được làm tơi trước), mức nước ngầm cao và vách đào thẳng đứng thì phải chống vách đất. Có nhiều phương pháp chống vách đất như dùng ván gỗ, ván cừ larsen,…, tuy nhiên trong phần này chỉ đề cập tới việc chống vách đất bằng ván gỗ.

Dùng ván dày 4 ÷ 5 cm, đặt chúng nằm ngang áp sát vào vách đất theo mức đào sâu dần, phía ngoài có cọc giữ thẳng đứng với các văng chống ngang. Khoảng cách các cọc giữ hay các thanh văng ngang phải được tính toán tùy thuộc vào từng điều kiện địa chất cụ thể, và được thực hiện bởi các kỹ sư xây dựng tại công trường.

– Đối với các hố (hào) có độ sâu lớn, việc chống vách phải thực hiện thành nhiều đợt từ trên xuống, mỗi đợt cao từ 1 ÷ 1.2m (phù hợp với chiều cao làm việc của người công nhân).

– Trong quá trình đào đất thủ công hay bằng máy hoặc khi tiến hành các công việc khác trong lòng hố móng, cố gắng không va chạm mạnh  tới hệ văng chống vì có thể làm xê dịch vị trí hoặc hư hỏng các bộ phận của hệ này.

– Trong quá trình thi công, phải luôn luôn theo dõi kết  cấu  chống  vách  đất  hố đào. Nếu có điều gì nghi ngờ (ván lát bị phình, văng ngang hoặc cọc giữ bị uốn cong nhiều,…) có thể dẫn tới gãy hoặc   sập   hố   đào   thì   phải ngừng thi công ngay, yêu cầu mọi người ra khỏi hố (hào) và có biện pháp gia cố kịp thời (tăng  số  lượng  cọc  giữ  và văng chống,…). Khi bảo đảm hệ văng chống chắc chắn, an toàn thì mới tiếp tục làm việc ở dưới hố đào.

* Đào hố sâu có mái dốc

– Độ dốc của vách hố (hào) phụ thuộc vào từng loại đất cụ thể. Tham khảo TCVN-5038-1991 về góc mái dốc tối đa cho phép của thành hố (hào) đối với một số loại đất.

– Các trường hợp không đề cập trong tiêu chuẩn trên thì phải được tính toán bởi kỹ sư công trường.

b) Đề phòng người bị ngã xuống hố đào

– Khi đào hố (hào) sâu, công nhân lên xuống phải dùng thang chắc chắn hoặc tạo bậc đất lên xuống.

– Không nên nhảy qua hay leo trèo trên kết cấu văng chống vách đất.

– Khi phải đứng làm việc trên mái dốc có độ dốc lớn hơn 450 mà chiều sâu hố (hào) hoặc chiều cao mái dốc lớn hơn 3m; hoặc khi độ dốc của mái đất nhỏ hơn 450 mà mái dốc lại trơn ướt, thì công nhân phải đeo dây an toàn và dây an toàn này phải được móc vào các cọc giữ chắc chắn.

– Khi đào hố (hào) ở nơi có nhiều người đi lại như bên cạnh đường đi, trong sân bãi hoặc gần nơi làm việc… thì phải làm rào ngăn chắc chắn cao ít nhất 1m và phải có biển báo cách mép hố (hào) 1m, buổi tối phải có đèn đỏ báo hiệu. Nếu tạm dừng thi công thì phải có lưới che đậy hố móng.

– Để đi lại qua hố (hào), phải bắc cầu nhỏ rộng ít nhất 0,8m đối với cầu đi lại một chiều và rộng 1,5m đối với cầu đi lại hai chiều. Cầu phải có lan can bảo vệ chắc chắn cao 1m. Buổi tối phải có đèn chiếu sáng cầu.

c) Đề phòng đất (đá) lăn hoặc rơi từ trên cao xuống

– Đất (đá) đào từ dưới lên, khi đổ lên bờ phải để cách xa mép hố, hào ít nhất là 0,5m.

– Hố (hào) đào ở gần đường đi lại thì xung quanh mép hố cần dựng ván chắn cao khoảng 15cm để ngăn không cho đất hay vật rơi xuống hố.

– Đống đất đổ lên bờ phải có độc dốc không quá 450 so với phương nằm ngang.

– Trong khi đào đất, nếu có các tảng đá hoặc cục đất to nhô ra khỏi mặt phẳng mái dốc thì cần phá bỏ nó đi từ phía trên, nếu không nó sẽ tiếp tục trồi ra và lăn xuống người làm việc ở dưới.

– Trong lúc nghỉ giải lao, mọi người không được ngồi ở dưới hố (hào).

– Khi đào đất bằng máy đào, trong lúc máy đang hoạt động, cấm công nhân đứng trong phạm vi tầm quay của tay cần máy đào.

– Không được bố trí người làm việc trên miệng hố (hào) trong khi đang có người làm việc ở dưới.

d) Đề phòng ngạt thở do khí độc

– Khi đào hố (hào), nếu phát hiện thấy hơi hoặc khí khó ngửi, dẫn tới hiện tượng người chóng mặt, khó thở, nhức đầu… thì phải ngừng ngay công việc. Mọi người phải ra xa chỗ đó hoặc phải lên bờ ngay để đề phòng nhiễm độc. Chỉ khi nào đã xử lý xong, bảo đảm không còn hơi, khí độc hoặc nồng độ khí không còn nguy hiểm đến sức khỏe con người thì mới cho tiếp tục thi công. Trường hợp vẫn phải làm việc trong điều kiện có hơi, khí độc thì công nhân phải sử dụng mặt nạ chống hơi khí độc, bình thở ô-xy,…

– Trước khi xuống làm việc ở hố (hào) sâu, phải kiểm tra không khí xem có hơi, khí độc bằng dụng cụ đo chuyên dùng. Có thể đưa chim bồ câu hoặc gà con xuống để kiểm tra. Nếu những con vật này vẫn bình thường thì người mới xuống làm việc.

– Khi phát hiện có hơi khí độc thì phải dùng quạt hay máy hút khí để giải tỏa.


(Nguồn tin: Theo cuốn: ATVSLĐ trong Xây dựng)