An toàn lao động trong công tác xếp, dỡ và vận chuyển vật liệu xây dựng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:05(GMT +7)

Vật liệu xây dựng gồm nhiều nhóm khác nhau, bao gồm các nhóm vật liệu rời như: cát, đá, sỏi,…; nhóm vật liệu dạng hình khối như: gạch, bao xi măng, các thanh thép tròn hoặc thép hình,…; nhóm vật liệu dạng lỏng như: xăng, dầu, sơn,… Trong quá trình xây dựng, các vật liệu được cung cấp liên tục tới công truờng để đảm bảo đúng tiến độ thi công. Chính vì vậy, nếu các vật liệu này không được sắp xếp, bốc dỡ và vận chuyển an toàn và đúng phương pháp thì có thể gây tai nạn lao động do vật liệu rơi, đổ hoặc lăn vào người làm việc.

Các nguy cơ gây tai nạn lao động trong công tác xếp, dỡ và vận chuyển vật liệu xây dựng

Tai nạn lao động trong công tác xếp, dỡ và vận chuyển vật liệu xây dựng được phân làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất làm thủ công và nhóm thứ hai làm bằng máy.

Tai nạn lao động khi làm thủ công

– Dạng tai nạn lao động chủ yếu đối với công nhân xếp hoặc dỡ vật liệu là họ bị tổn thương vùng cột sống lưng do cúi xuống để nâng vật nặng không đúng phương pháp.

– Người lao động không được trang bị quần áo bảo hộ khi làm việc. Khi đó, vật liệu có thể cọ vào cơ thể và gây tai nạn lao động.

– Nếu người công nhân có đi giầy nhưng không phải loại giầy cứng thì họ có thể không may bị vật nặng rơi vào chân và gây tổn thương chân.

– Khi vận chuyển vật liệu thủ công, lực nén xuống nền tại vị trí bàn chân người là lớn. Nếu giầy quá cũ, rách hoặc bục thì có thể bị bung ra trong quá trình làm việc – là nguy cơ gián tiếp gây tai nạn lao động.

Tai nạn lao động khi sử dụng máy

Khi dùng máy để xếp các vật liệu có hình khối, nếu xếp không ngay ngắn thì có thể gây ra trượt và đổ các vật liệu đó. Đặc biệt là nếu nền để tập kết vật liệu không cứng và không bằng phẳng thì nguy cơ bị mất ổn định và đổ khối vật liệu đó là rất lớn.

Khối vật liệu đang bị trượt do được đặt trên nền không bằng phẳng và không được xếp ngay ngắn.

Các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong công tác xếp, dỡ và vận chuyển vật liệu xây dựng

Yêu cầu đầu tiên là công nhân phải đủ sức khỏe theo qui định của từng loại công việc.

– Cần hướng dẫn phương pháp nâng các vật nặng cho người lao động. Hình dưới là ví dụ hướng dẫn các bước để nâng một vật nặng sao cho không bị chấn thương vùng cột sống lưng.

Hình a: Chú ý phải luôn giữ thẳng lưng khi bắt đầu nâng một vật, trong đó hai bàn tay nên ôm vào hai góc của vật; Hình b: Chú ý ôm sát vật cần nâng vào người; Hình c: Chú ý vừa ôm sát vật, vừa đứng thẳng chân và giữ thăng bằng cho cơ thể; Hình d: Luôn giữ thẳng lưng khi nâng, hạ vật.

Với mỗi công việc liên quan tới bốc xếp và vận chuyển, cần  lập phương án và biện pháp cụ thể, sao cho đảm bảo an toàn cho người và thiết bị thi công. Ví dụ như xem xét các phương tiện, thiết bị để vận chuyển các loại vật liệu phù hợp; khối lượng cần vận chuyển, bốc hoặc xếp; đường đi cho phương tiện thiết bị đó,…

– Khi xe chở vật liệu rời, vật liệu phải thấp hơn thành xe ít nhất 10cm. Nếu xếp cao hơn thì phải nối thành xe. Không được chở quá trọng tải qui định của xe.

– Khi xe chở vật liệu dài và cồng kềnh, phải chằng buộc chắc chắn. Nếu hàng dài hơn 1,5 lần chiều dài thùng xe thì phải dùng rơ-moóc có cao độ sàn ngang bằng với sàn của thùng xe.

– Khi xếp các vật liệu vào vị trí tập kết, nền hay bãi phải bằng phẳng; phải có lối ra hoặc vào cho người, máy và thiết bị bốc xếp; phải có hệ thống thoát nước tốt và phải đủ ánh sáng.

Minh họa cách xếp vật liệu đúng phương pháp

– Với các vật liệu dạng hình hộp hoặc các bao (xi măng), cần xếp ngay ngắn, sát nhau và không nghiêng lệch. Với các vật liệu dạng ống hoặc thanh thì cần đặt trên các giá chắc chắn. Với các vật liệu dạng hình trụ như thùng phuy thì tốt nhất là xếp thành 1 tầng ở dưới mặt đất. Nếu không được thì phải xếp dần từ dưới lên trên và phải có các miếng kê chặn để chúng không bị lăn.

– Vị trí tập kết vật liệu tốt nhất là ở trong các kho, nếu không thì phải có mái hay bạt che mưa, nắng.

– Với các đống gạch xây thì không nên xếp cao quá 2m.


(Nguồn tin: Nilp.vn)