An toàn lao động trong gia công cốt thép

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:05(GMT +7)

Các thanh thép sau khi được vận chuyển từ nhà máy về công trường cần phải được gia công cho đúng với các yêu cầu của thiết kế. Việc gia công cốt thép chủ yếu phải dùng các máy chuyên dùng như: máy đánh gỉ, cắt hoặc uốn thép,… Có nơi, gia công cốt thép bằng các dụng thủ công, ví dụ khi khối lượng công việc ít, công nhân có thể nắn thẳng cốt thép bằng dụng cụ như: vam, búa hoặc đe.

Các nguy cơ gây tai nạn lao động trong gia công cốt thép

– Người làm việc bị vảy sắt hoặc gỉ sắt bắn vào mắt trong khi làm việc.

– Khi cắt hoặc uốn cốt thép bằng máy, có thể xảy ra các trường hợp tai nạn do máy cuốn hay kẹp vào tay công nhân. Cốt thép đang gia công văng vào người, hoặc điện giật,…v.v. Nguyên nhân có thể là do tình trạng máy không tốt, bị hỏng hóc, không có đầy đủ các thiết bị an toàn và không thực hiện nối đất chống điện giật.

– Các thanh thép bị đứt hoặc tuột trong quá trình căng hoặc kéo để đánh gỉ hoặc để cắt, uốn và quật hoặc văng vào người làm việc, đặc biệt nguy hiểm khi đầu thanh thép văng vào mặt người làm việc.

– Khi chặt cốt thép thủ công bằng búa để đập lên đục hoặc chạm, rất dễ xảy ra tai nạn do búa va đập vào tay người giữ cán hoặc chạm, vì người quai búa không chính xác hoặc do cán búa gãy khiến búa tuột khỏi cán, hay đầu cốt thép chặt văng bắn vào người.

– Khi uốn cốt thép bằng vam trên bàn uốn, có thể xảy ra tai nạn khi kéo vam làm bàn uốn bị nghiêng đổ hay chốt tựa bị bật ra làm công nhân bị mất đà ngã hay cốt thép văng vào người.

Các biện pháp đề phòng tai nạn lao động trong gia công cốt thép

– Công nhân phải thực hiện nghiêm chỉnh nội quy an toàn khi sử dụng máy và thiết bị tại xưởng gia công cốt thép.

– Trước khi làm việc, cần cho máy chạy không tải để kiểm tra.

– Bụi và vẩy kim loại phát sinh khi đánh gỉ và uốn cốt thép cần được dọn sạch khỏi bàn gia công hoặc máy gia công bằng cách dùng bơm hút hay dùng chổi quét. Cấm dùng tay, ngay cả khi có găng tay, để phủi bụi và vẩy sắt.

– Để đề phòng vảy hoặc gỉ sắt bắn vào mắt và làm xước tay, khi làm việc công nhân phải đeo kính và găng tay bảo hộ lao động.

– Đối với máy cắt dẫn động cơ khí, cấm cắt các đoạn cốt thép ngắn hơn 30cm nếu không có bộ phận che chắn bảo vệ.

– Đối với máy uốn, chỉ được dịch chuyển vị trí và chèn cốt thép, đặt lại chốt và cữ chặt trên máy lúc đĩa máy không quay.

– Các loại máy gia công cốt thép đều phải thực hiện nối đất hoặc nối không để đảm bảo an toàn điện.

– Cốt thép đã được gia công xong cần xếp gọn vào nơi quy định, không được để trên máy, bên cạnh máy hay trên lối đi lại.

– Để đề phòng cốt thép bị đứt do bị căng quá mức khi kéo, trên cáp kéo phải có thiết bị đo lực căng hoặc đơn giản hơn có thể dùng đối trọng với trọng lực cân bằng với sức căng yêu cầu.

– Để đề phòng cốt thép bị tuột, đầu cốt thép phải được cố định vào đầu cáp kéo bằng thiết bị kẹp, không được nối theo cách buộc.

– Để tránh cốt thép bị đứt, tuột và văng quật vào người, công  nhân không được đứng gần cốt thép khi đang kéo căng. Khu vực kéo căng cốt thép phải được rào ngăn không để người lạ vào. Khi cốt thép đã được kéo thẳng phải từ từ hãm tời để giảm lực căng cho đến khi tời dừng hẳn, lúc đó công nhân mới được đến gần tháo đầu cốt thép ở kẹp  và lấy cốt thép đã được nắn thẳng ra.

– Khi chặt thép thủ công, phải sử dụng các dụng cụ thật tốt: búa phải có cán chắc, đầu búa không được có ba via, xờm và được chêm chặt vào cán. Đục phải sắc, mồm chạm phải khít với đường kính cốt thép chặt.  Người quai búa tạ không được đeo găng tay. Người quai búa và người giữ chạm phải phối hợp thật nhịp nhàng. Trong khi làm việc phải tập trung chú ý vào công việc.

– Có thể uốn cốt thép thủ công nếu khối lượng cốt thép ít và đường kính cốt thép không lớn quá 20mm.

– Khi uốn thép thủ công, chú ý cố định bàn uốn thật chắc chắn xuống nền nhà và đóng thật chắc các chốt thép trên bàn uốn (dùng làm điểm tựa để uốn cốt thép).


(Nguồn tin: Theo cuốn “ATVSLĐ trong Xây dựng”)