An toàn lao động trong thiết kế mặt bằng thi công công trình xây dựng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:05(GMT +7)

Thiết kế mặt bằng thi công có thể được hiểu là việc tính toán và thể hiện sự sắp xếp vị trí các bộ phận của công trường trong khu vực xây dựng sao cho việc thi công được tiến hành liên tục, đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động.

Khi thiết kế mặt bằng thi công, phải xác định các vị trí nhà làm việc, lán trại công nhân, các công trình tạm, kho hoặc bãi vật liệu, vị trí đặt máy và thiết bị thi công, đường ra vào công trường cho người, cho máy, đường cung cấp điện, nước,… sao cho hợp lý. Nếu việc này làm không tốt, như bố trí đường giao thông quá hẹp khiến cho xe hoặc máy thi công đi lại khó khăn, dẫn tới có khả năng va chạm giữa chúng với nhau hoặc va chạm với các bộ phận của công trình và gây tai nạn lao động. Do đó, thiết kế mặt bằng thi công hợp lý cũng là một trong những biện pháp để đảm bảo an toàn lao động.

An toàn lao động trong thiết kế mặt bằng thi công

Một số điểm cần chú ý khi thiết kế mặt bằng thi công công trình là:

– Công trường phải có hàng rào để ngăn cách với bên ngoài, đảm bảo an ninh bên trong phạm vi công trường. Khi công trường gần đường giao thông thì hàng rào phải là loại kín để người từ trong công trường không nhìn được ra ngoài và người từ bên ngoài cũng không nhìn được vào bên trong công trường – là nguyên nhân gián tiếp gây tai nạn lao động và tai nạn giao thông do họ mất tập trung khi làm việc và khi đi đường.

– Văn phòng làm việc, lán trại của cán bộ và công nhân nên đặt ở đầu hướng gió chủ đạo (Đông Bắc – Tây Nam). Còn các kho, bãi vật liệu, xưởng gia công phụ trợ và khu vệ sinh nên đặt ở cuối hướng gió này.

– Đường đi lại cho xe và thiết bị thi công phải đủ rộng và nên bố  trí thành các đường một chiều có bề rộng tối thiểu là 4m, còn nếu bố trí đường hai chiều thì tối thiểu là phải rộng 7m. Các đường đi lại hạn chế giao nhau.

– Kho vật liệu trên công trường phải bố trí ở những nơi bằng phẳng và thoát nước tốt. Cần phải có những vị trí để phục vụ công tác bốc dỡ.

– Bãi vật liệu rời trên công trường phải được xếp gọn gàng, không gây cản trở đi lại – tốt nhất là nên phân thành từng khu riêng biệt.

– Trạm biến thế điện trên công trường phải có rào ngăn và biển báo. Các cầu dao điện, cầu chì hoặc thiết bị đóng cắt điện phải có hộp, khóa và được đặt ở nơi khô ráo. Đường dây điện phải được treo cách mặt đường đi lại ít nhất là 5m. Điện động lực và điện sinh hoạt phải  tách thành hai hệ thống riêng.

– Cần phải có bể chứa và đường ống cung cấp đủ nước cho sinh hoạt, phục vụ các công việc như đổ bê tông, xây hoặc trát,… và chữa cháy.

– Ban đêm phải bố trí đèn bảo vệ, đặc biệt là tại các kho bãi, hoặc đèn báo tại khu vực có các hố đào, mương hoặc rãnh…

– Hệ dàn giáo phải có hệ thống thu sét nếu không được liên kết với hệ thống tiếp đất của công trình.

– Phải có các thiết bị chữa cháy như bình cứu hỏa tại văn phòng làm việc, lán trại, các kho vật liệu và ngay tại công trình đang được xây dựng.


(Nguồn tin: Theo cuốn “ATVSLĐ trong Xây dựng”)