An toàn sức khỏe khi làm việc trong tư thế bắt buộc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:52(GMT +7)

ERGONOMICS là tập hợp các kiến thức khoa học về con người đang làm việc, chúng cần thiết để các nhà thiết kế xây dựng các công cụ, máy móc, thiết bị, các vị trí làm việc sao cho con người có thể sử dụng chúng một cách tiện lợi, an toàn và có hiệu quả nhất.

Phạm vi của ergonomics thường quan tâm là nghiên cứu thiết kế các chỗ làm việc, các công cụ, máy móc, thời gian và cải tạo môi trường lao động sao cho phù hợp với yêu cầu sinh lý và hình thái con người.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới tư thế làm việc của người lao động (một trong nhiều yếu tố nghiên cứu của ergonomics) trong quá trình sản xuất và những bất lợi do nó gây ra cho người lao động.

Trong quá trình lao động, người lao động phải giữ mãi một tư thế để khỏi ảnh hưởng đến công việc sản xuất gọi là tư thế lao động bắt buộc. Ngược lại, người lao động có sự thay đổi từ tư thế này sang tư thế khác mà không ảnh hưởng đến sản xuất gọi là tư thế thoải mái.

Ảnh hưởng của tư thế lao động bắt buộc:

* Ảnh hưởng chung:

– Gây ra các rối loạn về cơ-xương, vận mạch, thị giác, thính giác và các ảnh hưởng nguy hại tới tâm lý.

– Với phụ nữ, gây ảnh hưởng tới các thao tác, tăng thời gian nghỉ ốm, tăng tỷ lệ sai sót khi làm việc, tăng tỷ lệ tai nạn lao động, gây lãng phí vật liệu…

* Làm việc ở tư thế đứng:

– Một số công việc phải đứng suốt ca (dệt, xẻ gỗ, chế biến thủy hải sản…) sẽ làm  bắp chân căng tức, sưng tấy vì cơ bắp không vận động để đưa máu trở về tim và do đó làm cơ thể mệt mỏi.

– Đứng lâu, gây áp lực ổ bụng, có nguy cơ gây sa ruột. Với phụ nữ, có thể gây biến dạng xương chậu, sa dạ con, lệch dạ con…

– Đứng lâu còn gây biến dạng khớp xương đầu gối, giãn tĩnh mạch bắp chân, làm cơ suy yếu mất tính đàn hồi gây đau nhức…

– Một số ngành nghề phải ưỡn, cong cột sống (thợ tiện, thợ hàn, phay, khuân vác, dệt…) làm cho cột sống bị vẹo, gây rối loạn chức năng hô hấp, tuần hoàn, tổn thương cơ và dây chằng cột sống…

– Lao động nặng, kéo dài ở tư thế bắt buộc (khuân vác, thợ mỏ…) có thể bị tổn thương gai cột sống, vôi hóa, viêm thần kinh tọa…

* Làm việc ở tư thế ngồi:

– Một số ngành nghề phải ngồi lâu (đúc, gò hàn, đánh máy chữ, máy vi tính, soi kính, may, dây chuyền công nghệ…) sẽ cản trở sự lưu thông huyết, máu ứ đọng trong tĩnh mạch ổ bụng, ảnh hưởng tới sự co bóp nhu động ruột gây tóa bón, trĩ…

– Đối với phụ nữ ngồi lâu ảnh hưởng đến lưu thông máu trong cơ quan sinh dục, gây rối loạn kinh nguyệt, đau bụng trước hoặc sau khi có kinh, viêm dạ con, viêm buồng trứng, ống dẫn trứng và xảy thai…

Biện pháp phòng ngừa tư thế làm việc bất lợi:

* Biện pháp chung:

– Không bố trí phụ nữ có thai làm việc ở tư thế bắt buộc.

– Tổ chức lao động hợp lý, nghỉ giải lao giữa giờ.

– Giảm thời gian tác động và sự tác động của các tác nhân rủi ro.

– Bố trí nơi làm việc gọn gàng, tiện thao tác. Làm việc phải đủ sáng.

* Biện pháp tổ chức quản lý:

– Thay đổi hoặc luân phiên công việc có thể thay thế giữa ngồi và đứng.

– Nghỉ ngơi và nghỉ giải lao giữa giờ hợp lý.

– Bố trí tư thế và vị trí làm việc của người lao động hợp lý.

– Huấn luyện và giáo dục người lao động biết tự bảo vệ mình.

* Biện pháp kiểm soát kỹ thuật – cải thiện nơi làm việc:

– Kích thước và vị trí nơi làm việc phải hợp lý.

– Thiết kế công cụ lao động phù hợp với tầm vóc người lao động.

– Có sự trợ giúp của các thiết bị máy móc trong quá trình thao tác.


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)