An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc trong bối cảnh COVID-19

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:50(GMT +7)

Ngày 26 tháng 6 năm 2020, WHO đã đưa ra hướng dẫn thực hiện các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc.

COVID-19 có thể lây nhiễm tại nơi làm việc?

COVID-19 lây lan chủ yếu qua các giọt đường hô hấp hoặc tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm. Phơi nhiễm có thể xảy ra tại nơi làm việc, trong quá trình di chuyển tại môi trường lao động, khi đi công tác đến địa phương đang có dịch, cũng như trên đường đến và đi từ nơi làm việc.

 Rủi ro khi ký hợp đồng làm việc tại nơi làm việc có COVID-19 là gì?

Nguy cơ tiếp xúc với COVID-19 tại nơi làm việc phụ thuộc vào tần suất tiếp xúc trong phạm vi 1m với những những người mà thường xuyên tiếp xúc cơ thể với người bị nhiễm COVID-19, và phụ thuộc vào việc tiếp xúc với các bề mặt và đồ vật bị nhiễm.

Người lao động có thể đánh giá nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc như thế nào và lập kế hoạch cho các biện pháp phòng ngừa?

Cùng với sự hỗ trợ của các nhà tư vấn về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSH), các nhà quản lý nên thực hiện đánh giá rủi ro nhanh để xác định khả năng xảy ra rủi ro phơi nhiễm, nhằm đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Điều này cần được thực hiện cho từng công việc và nghề nghiệp cụ thể.

Rủi ro phơi nhiễm thấp

Nghề nghiệp hoặc công việc không thường xuyên tiếp xúc gần với cộng đồng hoặc những người khác. Người lao động trong nhóm này có những tiếp xúc nghề nghiệp hạn chế với cộng đồng và đồng nghiệp. Ví dụ: nhân viên làm việc từ xa (tức là làm việc tại nhà), nhân viên văn phòng không thường xuyên tiếp xúc gần với người khác và nhân viên cung cấp dịch vụ qua điện thoại.

Rủi ro phơi nhiễm trung bình

Công việc hoặc nhiệm vụ tiếp xúc thường xuyên và gần với cộng đồng hoặc những người khác. Mức độ rủi ro này có thể áp dụng đối với những người lao động tiếp xúc thường xuyên và gần với người khác trong môi trường làm việc mật độ người cao (ví dụ như chợ thực phẩm, bến xe buýt, phương tiện giao thông công cộng và các hoạt động công việc cần có khoảng cách vật lý dưới 1 mét để quan sát), hoặc những nhiệm vụ cần tiếp xúc thường xuyên và gần với các đồng nghiệp. Điều này cũng có thể bao gồm việc tiếp xúc thường xuyên với những người trở về từ các khu vực có sự lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Ví dụ: nhân viên làm việc trong ngành bán lẻ, giao hàng tận nhà, chỗ ăn ở, xây dựng, cảnh sát và nhân viên an ninh, giao thông công cộng, nước và vệ sinh.

Rủi ro phơi nhiễm cao

Các công việc hoặc nhiệm vụ tiếp xúc gần với những người có nhiều khả năng bị nhiễm COVID-19, cũng như tiếp xúc với các đồ vật và bề mặt có thể bị nhiễm vi rút. Ví dụ: công việc vận chuyển những người đã bị nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm COVID-19 mà không có sự ngăn cách giữa lái xe và hành khách, công việc cung cấp các dịch vụ gia đình hoặc chăm sóc tại nhà cho những người bị nhiễm COVID-19 và công việc tiếp xúc với những người chết do bị nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm COVID-19 vào thời điểm họ chết. Danh mục các công việc này bao gồm người giúp việc gia đình; nhân viên chăm sóc xã hội; nhà cung cấp phương tiện giao thông cá nhân và giao hàng tận nhà; kỹ thuật viên sửa chữa tại nhà (thợ ống nước, thợ điện) cho những gia đình có người nhiễm COVID-19.

Ai nên thực hiện đánh giá rủi ro tại nơi làm việc?

Người sử dụng lao động và người quản lý, kết hợp với tham vấn ý kiến của người lao động, nên thực hiện và cập nhật thường xuyên việc đánh giá rủi ro đối với phơi nhiễm COVID-19 liên quan đến công việc, tốt nhất là với sự hỗ trợ của các dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp.

Khi đánh giá rủi ro tại nơi làm việc, phải xem xét những gì?

Đối với mỗi đánh giá rủi ro, hãy xem xét môi trường, nhiệm vụ, mối đe dọa, các nguồn lực sẵn có, như thiết bị bảo vệ cá nhân và tính khả thi của các biện pháp bảo vệ. Việc đánh giá rủi ro cũng nên mở rộng đối với các chỗ ở tập thể do người sử dụng lao động cung cấp cho người lao động, như ký túc xá. Các dịch vụ công cộng thiết yếu, như dịch vụ an ninh và cảnh sát, bán lẻ thực phẩm, chỗ ăn ở, phương tiện giao thông công cộng, giao hàng, cung cấp nước và vệ sinh, và các nhân viên tuyến đầu khác có thể làm tăng những nguy cơ tiếp xúc nghề nghiệp đối với sức khỏe và an toàn. Những người lao động có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn do tuổi cao hoặc tình trạng sức khỏe sẵn bệnhlý nền nên được xem xét đánh giá rủi ro cho từng cá nhân.

 Người sử dụng lao động nên quyết định khi nào mở, đóng hoặc mở lại nơi làm việc và/hoặc dừng hoặc giảm quy mô hoạt động?

Quyết định đóng cửa hoặc mở lại nơi làm việc hoặc dừng hoặc giảm quy mô hoạt động nên dựa vào đánh giá rủi ro, năng lực áp dụng các biện pháp bảo vệ và mức độ tuân thủ, và khuyến nghị của các cơ quan chính quyền.

Các biện pháp chính để bảo vệ chống lại COVID-19 nên được thực hiện ở TẤT CẢ các nơi làm việc?

Các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm COVID-19 áp dụng cho tất cả nơi làm việc và tất cả mọi người: rửa tay thường xuyên hoặc khử trùng bằng chất khử trùng có cồn, bảo vệ cơ quan hô hấp ví dụ khi ho thì che mồm, giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét theo các khuyến cáo quốc gia, đeo khẩu trang khi làm việc tại những nơi khoảng cách vật lý không thể đảm bảo, vệ sinh và khử trùng môi trường thường xuyên, hạn chế đi lại không cần thiết. Các thông điệp và chính sách rõ ràng, đào tạo và giáo dục cho nhân viên và cán bộ quản lý nhằm nâng cao nhận thức về COVID-19 là điều cần thiết. Quản lý những người nhiễm COVID-19 hoặc những tiếp xúc của họ là rất quan trọng, ví dụ: yêu cầu công nhân những người không khỏe hoặc có triệu chứng không khỏe tự cách ly ở nhà và liên hệ với nhân viên y tế hoặc gọi đường dây thông tin COVID-19 để được tư vấn hoặc chuyển tuyến.

Cần thực hiện những biện pháp bổ sung tại nơi làm việc và cho những công việc có mức rủi ro trung bình?

Nơi làm việc cho các công việc có mức rủi ro trung bình cần phải làm sạch và khử trùng ít nhất hai lần một ngày đối với các đồ vật và bề mặt được tiếp xúc thường xuyên, bao gồm tất cả các phòng chung, bề mặt, sàn nhà, phòng tắm và phòng thay đồ. Xem xét việc tạm dừng bất kỳ hoạt động nào mà không thể đảm bảo giãn cách đủ 1 mét. Nếu điều này không thể thực hiện được, hãy tăng cường thông gió, tăng cường vệ sinh tay thường xuyên và yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay và quần áo bảo hộ lao động thích hợp trong quá trình vệ sinh làm phát sinh tia nước, cung cấp khóa đào tạo về cách sử dụng. Tổ chức việc thay và giặt quần áo lao động tại nơi làm việc, để người lao động mang đồ sạch về nhà.

Cần thực hiện những biện pháp bổ sung tại nơi làm việc và cho những công việc có mức rủi ro cao?

Trong khu vực làm việc có mức rủi ro cao, đánh giá khả năng tạm dừng hoạt động; tăng cường vệ sinh tay thường xuyên; cung cấp khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ lao động dùng một lần, găng tay và kính bảo vệ mắt cho những công nhân phải làm việc trong nhà của những người bị nghi ngờ hoặc bị nhiễm COVID-19; đào tạo người lao động cách phòng, chống lây nhiễm và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; Tránh giao những công việc có mức rủi ro cao cho người lao động đã có sẵn các bệnh lý nền, đang mang thai hoặc trên 60 tuổi.

Những điều cần xem xét khi thiết lập khoảng cách vật lý tại nơi làm việc?

WHO khuyến cáo nên giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét với tất cả mọi người trong tất cả các môi trường, bao gồm cả môi trường lao động. Do sự lây nhiễm có thể xảy ra ở những nơi làm việc đông đúc, vì vậy WHO khuyến cáo nên đảm bảo không gian, ít nhất là 10 mét vuông, cho mỗi công nhân. Tuy nhiên, các quốc gia có thể sẽ yêu cầu tuân thủ khoảng cách vật lý lớn hơn 10 mét vuông.

Để hỗ trợ cho việc tuân thủ các khuyến nghị của quốc gia hoặc địa phương, hãy thực hiện các hướng dẫn về khoảng cách vật lý theo cách thực tế và khả thi trong bối cảnh cả người lao động và người sử dụng lao động đều chấp nhận nhiệm vụ của công việc. Khuyến khích người lao động tuân thủ các tiêu chuẩn về khoảng cách vật lý tại các sự kiện bên ngoài nơi làm việc, trong cộng đồng và trong ký túc xá.

Đánh giá rủi ro và tham vấn giữa người sử dụng lao động và người lao động là rất quan trọng để thiết lập và thực hiện các biện pháp tạo khoảng cách vật lý tại nơi làm việc. Điều này có thể yêu cầu thay đổi các vị trí làm việc, thay đổi việc sử dụng không gian chung và các phương tiện vận chuyển, thay đổi ca làm việc, chia nhóm và các biện pháp khác để giảm sự giao tiếp xã hội tại nơi làm việc.

Nếu các biện pháp khoảng cách vật lý tại nơi làm việc không khả thi đối với các nhiệm vụ công việc cụ thể, hãy xem xét liệu công việc có thể dừng lại hay không và nếu không thể, hãy áp dụng các biện pháp bảo vệ bổ sung, chẳng hạn như sử dụng màn chắn, che miệng và mũi khi hắt hơi, sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay nhiều hơn, thông gió và khử trùng.

Nếu chỉ áp dụng khoảng cách vật lý, không thể ngăn ngừa sự lây nhiễm COVID-19. Điều quan trọng là biện pháp đảm bảo khoảng cách vật lý phải kết hợp với các biện pháp y tế cộng đồng khác, chẳng hạn như vệ sinh tay và cơ quan hô hấp, làm sạch môi trường và khử trùng các bề mặt và đồ vật thường chạm vào, thông gió, đeo khẩu trang và chính sách “ở nhà nếu không khỏe”.

Quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng lao động?

Người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức của họ nên hợp tác với các cơ quan y tế để ngăn ngừa và kiểm soát COVID-19. Sự hợp tác giữa người quản lý và người lao động và đại diện của người lao động là cần thiết đối với các biện pháp phòng ngừa liên quan đến nơi làm việc. Các tiêu chuẩn lao động quốc tế về quyền và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trong An Toàn và Vệ Sinh Lao Động cần được tôn trọng một cách đầy đủ.

Người sử dụng lao động cùng với sự tham vấn của người lao động và đại diện của người lao động, nên lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu sự lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc thông qua các biện pháp kiểm soát hành chính và kỹ thuật, đồng thời cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và quần áo bảo hộ cá nhân theo đánh giá rủi ro. Các biện pháp như vậy không nên liên quan đến bất kỳ khoản tiền chi tiêu nào từ phía người lao động.

Cần phải có các biện pháp đặc biệt theo khuyến nghị của các dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp để bảo vệ những người lao động có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn, ví dụ như những người từ 60 tuổi trở lên, hoặc những người có sẵn bệnh lý nền. Người lao động làm việc trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức và kỹ thuật số, những người làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ, người lao động trong nước và nhập cư không nên bị bỏ lại phía sau trong việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của họ tại nơi làm việc, nơi sinh kế của họ.

Không được kỳ thị xã hội hoặc phân biệt đối xử tại nơi làm việc vì bất kỳ lý do gì, bao gồm cả việc tiếp cận thông tin và bảo vệ từ COVID-19, các dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp và sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý.

Nếu bị nhiễm COVID-19 qua tiếp xúc nghề nghiệp, nó có thể được coi là một bệnh nghề nghiệp và nếu được xác định như vậy, cần được báo cáo và bồi thường theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế và các chương trình quốc gia về trợ cấp thương tật trong quá trình làm việc.

Quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động?

Người lao động có trách nhiệm tuân theo các biện pháp an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm được thiết lập tại nơi làm việc của họ, và tham gia các khóa đào tạo do người sử dụng lao động cung cấp. Người lao động nên báo cáo với người giám sát của họ bất kỳ tình huống nào có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng và sắp xảy ra đối với tính mạng hoặc sức khỏe của họ. Người lao động có quyền rời bỏ vị trị làm việc nếu họ tin rằng có mối nguy hiểm sắp xảy ra và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng hoặc sức khỏe của họ, và cần được bảo vệ trước tất cả các hậu quả do thực hiện quyền này.

Lập kế hoạch phòng ngừa và giảm thiểu lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc như thế nào?

Nơi làm việc nên phát triển các kế hoạch hành động để ngăn ngừa và giảm thiểu lây nhiễm COVID-19 như một phần của kế hoạch tiếp tục công việc và theo kết quả đánh giá rủi ro cũng như tình hình dịch tễ học.

Kế hoạch hành động và các biện pháp phòng ngừa cần được theo dõi và cập nhật thường xuyên. Người lao động và đại diện của họ cần được tham vấn và nên tham gia vào việc phát triển, giám sát và cập nhật thông tin về COVID-19 tại nơi làm việc. Việc giám sát hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa và sự tuân thủ của người lao động, khách đến thăm, khách hàng và nhà thầu phụ đối với những biện pháp này là rất quan trọng. Các kế hoạch phải được cập nhật khi ai đó bị nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc.

Có thể quay trở lại nơi làm việc ngay sau khi các biện pháp cộng đồng được dỡ bỏ?

Việc quay trở lại cơ sở làm việc nên được lên kế hoạch cẩn thận trước, với các biện pháp phòng ngừa được đưa ra tùy theo đánh giá rủi ro của các công việc và nhiệm vụ công việc khác nhau. Tất cả các rủi ro có thể xảy ra đối với An toàn và Sức khỏe phải được đánh giá, chẳng hạn như rủi ro do việc bảo trì máy móc và thiết bị bị cắt giảm trong thời gian đóng cửa. Nếu quay trở lại làm việc một cách vội vàng và không được thực hiện theo từng giai đoạn và thận trọng, nó sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng và có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực khôi phục hoạt động kinh tế và xã hội.

WHO có khuyến nghị kiểm tra thân nhiệt đối với người lao động tại nơi làm việc không?

Kiểm tra sàng lọc thân nhiệt không thể phát hiện tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19, vì những người bị nhiễm có thể không bị sốt khi mới bị nhiễm hoặc đã bị nhiễm COVID-19, ví dụ như trong thời kỳ ủ bệnh hoặc ngay trước khi các triệu chứng khác bắt đầu. Một số người có thể sử dụng thuốc hạ sốt nếu họ lo lắng về những hậu quả của việc không đi làm. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào kiểm tra thân nhiệt sẽ không ngăn được sự lây lan COVID-19 tại nơi làm việc.

Sàng lọc bằng cách đo thân nhiệt tại nơi làm việc có thể được xem như một phần của một loạt các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát COVID-19 tại nơi làm việc. Người lao động nên được khuyến khích tự theo dõi sức khỏe của họ, có thể bằng cách sử dụng bảng câu hỏi, và tự đo thân nhiệt tại nhà thường xuyên. Nơi làm việc nên áp dụng chính sách “ở nhà nếu không khỏe” và nghỉ ốm linh hoạt để không khuyến khích người lao động có các triệu chứng giống COVID-19 đến nơi làm việc.

WHO có khuyến nghị người lao động đeo khẩu trang tại nơi làm việc (văn phòng hoặc những nơi khác) không? Nếu có, loại khẩu trang hay mặt nạ nào?

Việc đeo khẩu trang phụ thuộc vào việc đánh giá rủi ro. Đối với những công việc và nhiệm vụ có mức độ rủi ro trung bình hoặc cao, đối với những người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền, cần mang khẩu trang y tế và các PPE khác. Khẩu trang vải hoặc khăn che mặt hiện được khuyên dùng cho những người trẻ tuổi hơn và những người không có triệu chứng tại những nơi khoảng cách vật lý không thể đảm bảo. Điều này ngăn chặn sự lây lan vi rút từ người (có thể bị COVID-19 nhưng không có triệu chứng) sang người khác. Chính sách về đeo khẩu trang hoặc che mặt, ở những nơi làm việc có rủi ro thấp, phải phù hợp với các hướng dẫn quốc gia hoặc địa phương. Khẩu trang có thể mang đến một số rủi ro nếu không được sử dụng đúng cách.

Có hướng dẫn sử dụng hệ thống thống gió và điều hòa không khí trong văn phòng không?

Các nơi làm việc cần có không khí trong lành. Đối với các công việc và nhiệm có rủi ro phơi nhiễm trung bình hoặc cao, WHO khuyến nghị tăng tỷ lệ thông gió thông qua sục khí tự nhiên hoặc thông gió nhân tạo, tốt nhất là không tái lưu thông không khí. Trong trường hợp không khí tuần hoàn, bộ lọc nên được làm sạch thường xuyên.

Nên cung cấp những hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý cho người lao động trong đại dịch COVID-19?

COVID-19 gây ra một loạt những lo lắng, chẳng hạn như sợ bị ốm và chết, bị xã hội bỏ quên, bị cách ly hoặc mất kế sinh nhai. Lo lắng và trầm cảm là những triệu chứng phổ biến của nhiều người trong bối cảnh của COVID-19. Hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý nên được cung cấp cho tất cả người lao động. Đánh giá rủi ro toàn diện có thể giúp xác định và giảm thiểu các nguy cơ nghề nghiệp liên quan đối với sức khỏe tâm thần

Tài liệu Hướng dẫn xem xét các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng tại nơi làm việc trong bối cảnh COVID-19 có thể truy cập tại:

https://www.who.int/publications/i/item/considerations-for-public-health-and-social-measures-in-the-workplace-in-the-context-of-covid-19

Lược dịch: Thúy Hằng


(Nguồn tin: www.who.int)