Các công ty nên ứng phó với biến thể của SARS-CoV-2 như thế nào?
Tháng 11 năm 2021, một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Harvard đã tiến hành khảo sát 534 người sử dụng lao động về khả năng ứng phó với biến thể Omicron, bảo vệ an toàn cho người lao động và đáp ứng các yêu cầu của kinh doanh. Dưới đây là một số biện pháp các doanh nghiệp đã áp dụng.
Khuyến khích tiêm chủng
Tiêm phòng vẫn là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh biến chứng nghiêm trọng hơn, nhập viện hoặc tử vong do Covid-19. Thống kê cho thấy những người được tiêm phòng Covid-19 có nguy cơ bị nhiễm bệnh thấp hơn 6 lần, khả năng nhập viện thấp hơn 12 lần và nguy cơ tử vong do Covid thấp hơn 14-19 lần so với những người chưa tiêm vắc xin.
Kết quả khảo sát cho thấy, có 57% doanh nghiệp thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 cho nhân viên theo yêu cầu của Tiêu chuẩn Tạm thời về Tình trạng Khẩn của Cục An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ (OSHA) và các nhà thầu liên bang. Ngược lại, nếu không có những yêu cầu này, chỉ có 25% doanh nghiệp có kế hoạch tiêm chủng cho người lao động.
Các nhiệm vụ tiêm chủng Covid-19 không tác động nhiều đến việc tuyển dụng hay giữ chân nhân viên: Khoảng 13% số người được hỏi cho biết các nhiệm vụ này là nguyên nhân nhân viên từ chức, cũng 13% người sử dụng lao động cho biết nhiệm vụ tiêm chủng là đã hỗ trợ cho việc tuyển dụng hoặc giữ chân nhân viên.
Như vậy, việc tăng cơ hội được tiếp cận với các loại vắc xin là chìa khóa tăng sự chấp nhận của những người lao động không có động cơ cao. Người sử dụng lao động nên tiếp tục thúc đẩy việc tiêm chủng thông qua lịch làm việc linh hoạt và thời gian nghỉ làm vẫn được hưởng lương. Người lao động nên cân nhắc gia nhập các công ty đang thực hiện tiêm chủng tại nơi làm việc.
Xem xét các tỷ lệ nhiễm bệnh tại địa phương khi quyết định cho nhân viên quay trở lại làm việc tại văn phòng
Có 27% các doanh nghiệp mà tất cả nhân viên có thể thực hiện công việc từ xa đã trở lại làm việc và 56% doanh nghiệp chỉ có một số nhân viên quay trở lại làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng nhận thấy rằng, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc sẽ cao khi tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng cao. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể cảm thấy thoải mái khi cho nhân viên từ xa quay trở lại doanh nghiệp khi tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng dưới 10/100.000 (cứ 100.000 người thì có 10 người bị nhiễm Covid-19) trong một tuần. Tuy nhiên, khi con số này vượt quá 50/100.000 thì khả năng người lao động mang virus Covid-19 vào nơi làm việc là rất cao. Để giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp sẽ trì hoãn việc trở lại nơi làm việc của nhân viên hoặc giảm số lượng người lao động có mặt tại nơi làm việc bằng cách kết hợp các công việc với nhau và lịch trình thay đổi.
Người bị suy giảm miễn dịch, bao gồm những người đang điều trị ung thư, dùng thuốc ức chế miễn dịch, hoặc những người đã cấy ghép nội tạng, xem xét tiếp tục làm việc từ xa cho đến khi tỷ lệ lây nhiễm giảm đáng kể.
Giảm tiếp xúc bằng cách giữ khoảng cách xã hội
Lịch làm việc linh hoạt và làm việc từ xa đã giúp tạo ra khoảng cách xã hội phù hợp. Hơn nữa, người sử dụng lao động đang từng bước phân công nhân viên làm việc từ xa trở lại nơi làm việc tại doanh nghiệp cùng với việc tăng cường các biện pháp an toàn khi họ áp dụng các phương thức làm việc mới. Người sử dụng lao động có thể sử dụng các kỹ thuật kinh tế học hành vi để “thúc đẩy” nhân viên duy trì khoảng cách xã hội tại nơi làm việc. Nếu sức chứa của một phòng họp là hai người, hãy đảm bảo rằng chỉ có hai chiếc ghế trong đó!
Cải thiện thông gió
Hệ thống thông gió cũng tác động đến sự lây nhiễm virus trong không gian kín. Việc tăng lượng không khí trao đổi trong nhà sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc. Cải thiện hệ thống thông gió không phải lúc nào cũng cần thêm chi phí đầu tư. Nhiều nơi làm việc có thể bổ sung thêm nhiều không khí trao đổi và cải thiện hệ thống lọc trên các hệ thống xử lý không khí hiện có, một số nơi khác có thể mở cửa sổ. Tuy nhiên, người sử dụng lao động có thể bỏ qua đèn cực tím, vì có rất ít bằng chứng cho thấy việc xử lý không khí trong nhà bằng tia cực tím ngăn chặn được sự lây nhiễm Covid-19.
Quyết định khi nào nên khuyến nghị hoặc yêu cầu sử dụng khẩu trang
Khẩu trang giúp bảo vệ người đeo không bị nhiễm Covid-19 và ngăn truyền virus cho người khác. Kết quả khảo sát cho thấy 90% doanh nghiệp yêu cầu đeo khẩu trang tại nơi làm việc; 58% doanh nghiệp yêu cầu đeo khẩu trang bất chấp tình trạng tiêm chủng; 70% người sử dụng lao động cho biết họ yêu cầu đeo khẩu trang ở tất cả các địa điểm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo đeo khẩu trang khi ở trong nhà với những người khác, cho dù đã tiêm phòng hay chưa, nếu tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng là cao hoặc đáng kể. Tại nơi làm việc, một số người sử dụng lao động hạn chế nhân viên chưa được tiêm phòng vào một số khu vực khó đeo khẩu trang như nhà ăn hoặc phòng tập thể dục.
Khuyến khích xét nghiệm
48% người sử dụng lao động cho biết họ có kế hoạch cung cấp xét nghiệm thường xuyên, trong đó có cả một số người sử dụng lao động chưa và không thực hiện quy định về vắc xin cho doanh nghiệp mình. Trong số đó, 48% người sử dụng lao động có kế hoạch cung cấp xét nghiệm, 80% dự định thực hiện xét nghiệm hàng tuần. 25% người sử dụng lao động kỳ vọng rằng nhân viên sẽ trả chi phí xét nghiệm nếu luật tiểu bang cho phép.
Xét nghiệm kháng nguyên là lựa chọn hàng đầu cho việc giám sát Covid-19 do chi phí không cao và có kết quả nhanh; tuy nhiên, nguồn cung cấp các xét nghiệm vẫn là một thách thức ở nhiều nơi trên cả nước. Tất cả nhân viên phải được hướng dẫn không đến nơi làm việc nếu họ cảm thấy bị ốm.
Thận trọng về việc thiết lập lại du lịch
Hầu hết các công ty đã hạn chế hoặc dừng các chuyến đi công tác trong đại dịch và nhiều công ty đã thiết lập lại hoạt động du lịch khi biến thể Omicron xuất hiện. Biến thể này có thể làm tăng nguy cơ khi đi lại và các quy tắc quốc tế thay đổi nhanh chóng làm tăng nguy cơ bị cách ly hoặc gián đoạn việc đi lại.
Các biến thể dễ lây lan hơn, vì vậy các nhà lãnh đạo nên thận trọng khi cho phép nhân viên đi đến những nơi có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, thay vào đó nên yêu cầu nhân viên tiến hành các cuộc họp công việc bằng hội nghị trực tuyến. Nhận thức được việc tiết kiệm chi phí và thời gian cũng như lợi ích về môi trường của việc giảm đi du lịch, các nhà lãnh đạo có khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm ngân sách cho việc đi lại trong công việc trong tương lai gần.
Phơi nhiễm tiếp xúc
Nhiều nơi làm việc sẽ có nhân viên nhiễm Covid-19 trong thời gian tới. Người sử dụng lao động nên thông báo trung thực về việc nhân viên bị phơi nhiễm Covid-19 trong doanh nghiệp mình, đồng thời tôn trọng quyền riêng tư y tế của những nhân viên đã báo cáo bị nhiễm Covid-19. Các nhân viên đã tiêm chủng khi tiếp xúc với người bị nhiễm Covid-19, nếu không có triệu chứng thì không được yêu cầu cách ly.
Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần
Việc đáp ứng các nhu cầu về sức khỏe tâm thần của nhân viên sẽ còn quan trọng hơn trong những tháng tới. Tỷ lệ trầm cảm và lo âu đã tăng trong đại dịch. Nhiều người đang thương tiếc cho cái chết của bạn bè và người thân.
Người sử dụng lao động có thể tiếp tục cung cấp quyền truy cập vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ảo và kỹ thuật số, mặc dù thực tế là bằng chứng khoa học về tính hiệu quả của nhiều ứng dụng sức khỏe tâm thần kỹ thuật số vẫn còn hạn chế.
Luôn cập nhật hiệu quả của các biện pháp can thiệp
Người sử dụng lao động nên cập nhật những biện pháp can thiệp có hiệu quả để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Ví dụ, hầu hết các doanh nghiệp đã loại bỏ việc kiểm tra nhiệt độ, biện pháp này đã được chứng minh là không hiệu quả trong việc giảm sự lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc.
Vệ sinh bình thường là đủ để bảo vệ sự lây nhiễm Covid-19 trong hầu hết các trường hợp và khử trùng có thể được dành riêng cho các bề mặt và nơi làm việc có khả năng tiếp xúc cao với người nhiễm Covid-19.
Biên dịch: Thúy Hằng
(Nguồn tin: https://hbr.org/2021/12/the-omicron-variant-how-companies-should-respond)