Hướng dẫn cho các nhà quản lý hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc sau khi nhiễm Covid-19 và hội chứng Covid kéo dài

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:50(GMT +7)

Dựa vào kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Hội Y Học Lao Động CHÂU ÂU (Society of Occupational Medicine), Cục Sức khỏe và An toàn nơi làm việc của Châu Âu (European Agency for Safety and Health at Work) đã đưa ra Hướng dẫn cho các nhà quản lý doanh nghiệp chuẩn bị cho việc quay trở lại của người lao động sau khi nhiễm Covid-19 và Hội chứng Covid kéo dài.

Những người bị nhiễm Covid-19 gặp khó khăn sinh hoạt trong vài ngày được gọi là “COVID cấp tính”. Thuật ngữ “Hội chứng COVID kéo dài” được sử dụng cho những người gặp khó khăn trong sinh hoạt sau bốn tuần nhiễm COVID. Các thuật ngữ khác như “Triệu chứng COVID-19 đang diễn ra” dùng cho triệu chứng Covid kéo dài 4-12 tuần; “Triệu chứng hậu COVID-19” dùng cho triệu chứng covid kéo dài từ 12 tuần trở lên. Do không thể dự đoán những tác động thay đổi của hội chứng COVID kéo dài, một số công nhân có thể cần quay trở lại làm việc từ từ, trong một khoảng thời gian, để nâng cao năng suất lao động của họ.

“Hội chứng hậu COVID” và “Hội chứng COVID kéo dài” là gì?

– 1/5 số người bị nhiễm Covid có các triệu chứng sau 4 tuần và 1/10 số người có triệu chứng trong 12 tuần hoặc lâu hơn. Đối với một số người, các triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều tháng.

– Các triệu chứng của những người bị nhiễm Covid rất khác nhau và chưa có chuẩn đoán chính xác về Hội chứng Covid kéo dài.

– Các triệu chứng Covid kéo dài không thể dự đoán được và thay đổi theo thời gian; đối với một số bệnh nhân, các triệu chứng này diễn ra thường xuyên, đối với những người khác, các triệu chứng này xảy ra trong thời gian ngắn.

– Các triệu chứng phổ biến bao gồm: mệt mỏi – tình trạng mệt mỏi không được cải thiện ngay cả khi đã được nghỉ ngơi; khó thở; đau cơ và khớp; đau ngực; ho; sức khỏe tinh thần như lo âu và trầm cảm.

– Các triệu chứng khác bao gồm đau đầu, gặp khó khăn khi suy nghĩ và tìm các từ đúng, gây áp lực lên tim và máu, giảm chức năng khứu giác, phát ban trên da, các vấn đề về tiêu hóa, chán ăn và viêm họng.

– Hội chứng Covid kéo dài có thể có các tình trạng bất thường: các triệu chứng tái phát và chuyển thành giai đoạn mới, đôi khi bất thường. Một vài trường hợp ban đầu nhẹ hoặc thậm chí không có biểu hiện gì sau đó trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng rõ rệt đến các hoạt động thường ngày.

Tại sao các nhà quản lý lại có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc?

Các nhà quản lý và người lao động đều có chung một mối lo ngại là tình trạng sức khỏe yếu với những biểu hiện bất thường và khó nắm bắt, đặc biệt là trong Hội chứng Covid kéo dài.

Sau thời gian bị nhiễm Covid, cuộc sống của mỗi người khác nhau, họ có thể phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng đối với nhiều người có cơ hội quay trở lại làm việc là một điều quan trọng vì lý do tài chính, hay cải thiện sức khỏe tinh thần và để họ có cơ hội tiếp tục làm việc. Tất cả các yếu tố này đều giúp người lao động hồi phục.

Hành động và cách cư xử của nhà quản lý có ảnh hưởng lớn đối với việc quay trở lại làm việc của người lao động. Họ không cần phải là một chuyên gia về hội chứng Covid kéo dài, nhưng các nhà quản lý nên là:

– Đầu mối liên lạc đầu tiên của người lao động;

– Hỗ trợ người lao động để họ nhận thấy có giá trị và giúp người lao động ý thức được bản thân khi họ đang không ở trạng thái tốt nhất của mình;

– Cân nhắc việc điều chỉnh để người lao động cân bằng được công việc và sức khỏe khi quay trở lại làm việc.

Tầm quan trọng của việc cùng tìm ra giải pháp

Tùy thuộc vào vai trò, môi trường làm việc và các triệu chứng hậu Covid kéo dài của từng người lao động, họ cần các mức hỗ trợ khác nhau. Các nhà quản lý cần lắng nghe từng nhu cầu, mối quan tâm của người lao động khi họ quay trở lại công việc. Các nhà quản lý nên cho phép người lao động được chủ động thực hiện một số công việc, cùng làm việc với họ và nhóm của họ để tìm ra giải pháp phù hợp.

Các bước chính cần thực hiện khi hỗ trợ người lao động quay trở lại công việc

Bước 1: Giữ liên lạc trong thời gian người lao động vắng mặt tại nơi làm việc.

– Duy trì liên lạc đều đặn qua điện thoại hoặc email.

– Thảo luận về các quyền và nghĩa vụ của cả người sử dụng lao động và người lao động liên quan đến việc nghỉ ốm. Nếu như người lao động nghỉ làm trong một số ngày, người quản lý nên đưa ra một bảng thông báo dựa trên các yêu cầu trong Luật Lao động.

– Đồng ý chia sẻ thông tin đồng nghiệp và khách hàng, nhưng tôn trọng tính bảo mật.

– Nếu doanh nghiệp được hỗ trợ sức khỏe nghề nghiệp và/hoặc tâm lý/dịch vụ phúc lợi, hãy thông báo cho người lao động về các gói hỗ trợ này và cách tiếp cận nó. 

– Thảo luận với người lao động dựa trên những mong muốn của họ về các biện pháp can thiệp, chương trình phục hồi, huấn luyện ATVSLĐ và các đối tác của doanh nghiệp khi người lao động quay trở lại làm việc.

– Thông báo cho người lao động biết doanh nghiệp luôn sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ và cho phép người lao động nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe cần thiết. 

Cung cấp thông tin cho người lao động về mọi chính sách phục hồi, sau khi người lao động nhiễm Covid, được thiết lập trong doanh nghiệp.

Bước 2: Chuẩn bị cho người lao động quay trở lại.

Yêu cầu giấy chứng nhận y tế trước khi trở lại làm việc đối với người lao động ở vị trí lao động cần gắng sức hoặc căng thẳng, hoặc có các vai trò quan trọng về an toàn, hoặc có tình trạng sức khỏe kém trước khi bị nhiễm Covid.

Đặt vào vị trí của người lao động để hiểu những vấn đề người lao động quan tâm đến.

Sắp xếp một cuộc thảo luận khi người lao động quay trở lại nơi làm việc để thống nhất các dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp, người giám sát và tổ chức công đoàn nhằm hỗ trợ những người đã trải qua các triệu chứng bất ổn.

Tham vấn ý kiến ​​của dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp hoặc bác sĩ nghề nghiệp về cách thích ứng tại nơi làm việc.

– Cung cấp thông tin về hội chứng Covid kéo dài, về công việc và việc quay trở lại làm việc cho đồng nghiệp và người giám sát của người lao động.

– Sử dụng bất kỳ chương trình hỗ trợ nào của chính phủ nói chung hoặc chương trình COVID-19 nói riêng để điều chỉnh nơi làm việc nhằm hỗ trợ người lao động tiếp tục làm việc

Bước 3: Thảo luận với người lao động khi họ quay trở lại công việc.

– Trước khi thảo luận, hãy suy nghĩ về những điều chỉnh đối với công việc và nhiệm vụ. Đảm bảo rằng người lao động đến cuộc họp sẵn sàng thảo luận về tình trạng của họ có thể ảnh hưởng như thế nào đến công việc:

+ Nhà quản lý và người lao động có thể liệt kê các yêu cầu công việc theo danh mục và đưa ra mức ước tính (theo tỷ lệ phần trăm) có thể hoàn thành công việc mỗi ngày. Xác định xem khối lượng công việc có thể quá tải đối với người lao động không?

+ Người lao động có đủ nhận thức: xử lý dữ liệu phức tạp, nhập dữ liệu cần tập trung cao, chuyển đổi nhiệm vụ trong công việc nhanh, sử dụng hệ thống đa chiều, quản lý nhiều bên liên quan hoặc viết báo cáo?

+ Người lao động có đủ sức khỏe thể chất để làm việc ở: vị trí thao tác lặp lại, tư thế tĩnh, không gian hạn chế?

+ Người lao động có bị cảm xúc chi phối khi làm việc với: người lớn/trẻ em dễ bị tổn thương, khách hàng đang đau khổ hoặc có khả năng gây bạo lực?

Quan trọng là những điều chỉnh trong công việc sẽ giúp họ thực hiện (một phần) công việc tốt hơn. Gợi ý người lao động tham vấn ý kiến bác sĩ nghề nghiệp hoặc dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp.

– Trong cuộc trao đổi, nhà quản lý nên tạo không khí thoải mái. Nhà quản lý nên hỏi bất cứ điều gì người lao động đang lo lắng. Khi nói về công việc, nhà quản lý nên nói về những điều chỉnh để cho công việc được thực hiện khả thi và ưu tiên công việc, thời gian biểu linh hoạt cho những tuần đầu tiên người lao động quay trở lại làm việc. Việc nhà quản lý và người lao động cùng đồng ý với kế hoạch quay trở lại làm việc là rất cần thiết và cần có sự linh hoạt vì cả hai bên sẽ không biết chính xác điều gì sẽ phù hợp cho cả hai trong tương lai khi quay trở lại làm việc. Kế hoạch này cũng cần chia sẻ với dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp, bác sỹ nghề nghiệp, nhân sự, đồng nghiệp của người lao động.

– Tránh mọi điều chỉnh không mong muốn.

Bước 4: Hỗ trợ người lao động trong những ngày đầu khi quay trở lại làm việc.

– Nhà quản lý phải sẵn sàng chào đón người lao động quay trở lại vào ngày đầu tiên.

– Cho phép người lao động bắt đầu công việc một cách từ từ,

– Nhắc nhở người lao động về các ưu tiên trong công việc, lịch công tác và những thay đổi mà người lao động đã đồng ý. Nhà quản lý nên kiểm tra những thay đổi đang ở đúng vị trí và hoạt động tốt.

– Đảm bảo rằng người lao động được cập nhật đầy đủ về những thay đổi, những công việc đã hoàn thành trong thời gian họ nghỉ việc do nhiễm Covid, giới thiệu đồng nghiệp mới, v.v.

– Thường xuyên trao đổi với người lao động về cách họ quản lý sức khỏe và công việc.

Bước 5: Cung cấp sự hỗ trợ liên tục và đánh giá thường xuyên.

Quá trình người lao động quay trở lại làm việc rất khác so với thủ tục quay lại làm việc thông thường vì các triệu chứng sau khi nhiễm Covid không thể dự đoán trước và thay đổi theo thời gian. Quan trọng hơn nữa là khối lượng công việc/những thay đổi công việc cần thường xuyên được xem xét. Nếu có thể, cần kết hợp với chuyên gia sức khỏe thường xuyên đánh giá tiến độ của công việc. Bằng cách này, nhà quản lý có thể dự đoán trước các vấn đề và đảm bảo rằng người lao động kiểm soát tốt mọi triệu chứng đang diễn ra và tiếp tục làm việc.

– Giao tiếp thường xuyên và cởi mở. 

– Xem xét khối lượng công việc và đồng ý tăng dần các nhiệm vụ theo thời gian. Đôi khi việc này sẽ kéo dài nhiều tháng, không phải vài tuần. Đối với một số người, khả năng quay trở lại công việc thành công cao hơn nếu tốc độ làm việc chậm. Điều này có khả năng ngăn ngừa tái phát các triệu chứng Covid hoặc tiếp tục nghỉ việc. Đối với một số người, các triệu chứng Covid đang diễn ra có nghĩa là họ không thể đáp ứng các yêu cầu của công việc. Khi đó, cần phải  điều chỉnh hoặc quay trở lại thực hiện từ bước 1.

– Tham vấn bộ phận nhân sự. Chính sách tạm thời về Covid có thể cần phải được thực hiện, đặc biệt liên quan đến nghỉ ốm và nhu cầu hỗ trợ thay cho việc đưa ra hình thức phạt những người cần một thời gian vắng mặt kéo dài hoặc các công việc được thay đổi.

– Vì sự vắng mặt kéo dài hoặc công việc bị điều chỉnh, nên cần phải đào tạo lại người lao động; cần phải xem xét các yêu cầu đào tạo, đặc biệt là trong các ngành nghề được quy định.

– Theo dõi khối lượng công việc của người lao động khác. Tùy thuộc vào tỷ lệ lây nhiễm trong khu vực, nhiều nhân viên có thể vắng mặt vì Covid hoặc bị các ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng, dẫn đến việc gây áp lực công việc cho những người lao động đang tiếp tục làm việc. Vì vậy, nhà quản lý nên bổ sung công việc ở khối lượng thấp nhất và tạm thời.

– Mặc dù chương trình tiêm chủng đã được thực hiện; người lao động bị nhiễm Covid đã hồi phục và quay trở lại làm việc, nhưng doanh nghiệp vẫn nên duy trì các biện pháp kiểm soát lây nhiễm Covid theo khuyến nghị: giãn cách xã hội, thường xuyên rửa/vệ sinh tay và sử dụng khẩu trang.

– Đảm bảo rằng người lao động không sử dụng hết năng lượng của họ cho công việc, vì họ còn cần năng lượng dành cho gia đình, các hoạt động giao lưu và giải trí.

Ví dụ về điều chỉnh công việc

Thời gian quay lại và giờ làm việc theo từng giai đoạn. Do thời gian và tác động của các triệu chứng sau Covid, mọi người có thể cần dần dần trở lại làm việc, còn được gọi là theo nhịp độ. Việc quay trở lại theo từng giai đoạn, ngắn và chính xác dường như đáp ứng đủ cho Covid kéo dài. Đối với những người lao động có các triệu chứng mệt mỏi, làm việc từ xa và “theo nhịp độ” (nghĩa là thời gian nghỉ giải lao trong quá trình làm việc dựa vào các triệu chứng) là rất quan trọng. Một số công nhân có thể tiếp tục làm đủ giờ lao động; nhưng đối với một số người khác giảm giờ làm việc sẽ nâng cao hiệu quả công việc. Đôi khi những công nhân bị Covid kéo dài có thể tái phát nếu giờ làm việc trong ngày bị kéo dài.

Kế hoạch phục hồi cần được cá nhân hóa vì phụ thuộc vào những triệu chứng cụ thể của từng người lao động. Nhà quản lý nên cân nhắc các yếu tố:

+ Điều chỉnh thời gian làm việc (bắt đầu, kết thúc và nghỉ giải lao);

+ Điều chỉnh số giờ làm việc trong ngày ngắn hơn hoặc ngày nghỉ xen kẽ giữa các ngày làm việc;

+ Điều chỉnh ca làm việc như tạm dừng ca muộn hoặc ca sớm và/hoặc trực đêm;

+ Thay đổi mô hình làm việc theo nhịp độ, nghỉ thường xuyên và/hoặc bổ sung;

+ Điều chỉnh khối lượng công việc, giao ít nhiệm vụ hơn bình thường trong một thời gian nhất định. Cho phép người lao động có nhiều thời gian hơn để hoàn thành các công việc thông thường và tránh làm việc đến hạn chót;

+ Những điều chỉnh tạm thời đối với nhiệm vụ.

+ Hỗ trợ qua tổng đài tư vấn và kiểm tra; hệ thống “bạn thân”; thời gian nghỉ cho các cuộc hẹn chăm sóc sức khỏe; không làm việc cách ly;

+ Các mục tiêu làm việc rõ ràng và cơ chế xem xét lại các mục tiêu;

+ Làm việc tại nhà một phần thời gian, nếu có thể;

+ Thường xuyên kiểm tra xem các triệu chứng có thay đổi hay không.

Các dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp có thể hỗ trợ các nhà quản lý và người lao động trở lại?

Khi thời gian nhiễm Covid kéo dài, việc trở lại làm việc quá sớm hoặc công việc quá tải có thể gây tái phát các triệu chứng. Các chuyên gia sức khỏe nghề nghiệp có thể giúp đỡ theo một số cách:

– Hỗ trợ việc điều chỉnh các tiêu chí đánh giá rủi ro và đánh giá các biện pháp kiểm soát tại nơi làm việc;

– Thực hiện các đánh giá cá nhân, xây dựng kế hoạch phục hồi cá nhân. Đảm bảo các cuộc điều tra y tế liên quan đã được thực hiện;

– Kinh nghiệm trong việc đánh giá tình trạng sức khỏe mới của nhân viên và đánh giá tác động của các triệu chứng đối với chức năng hoạt động;

– Đánh giá rủi ro tại vị trí làm việc của người lao động;

– Xem xét sự an toàn của người lao động và đồng nghiệp của họ;

– Giám sát sức khỏe khi điều chỉnh tiêu chí đánh giá sức khỏe vì xuất hiện một số rủi ro mới.

Trách nhiệm chung của nhà quản lý là tìm kiếm các thông tin liên quan:

– Chính sách quay trở lại làm việc do công ty xây dựng;

– Cách hỗ trợ về sức khỏe và tâm lý (tư vấn, mạng lưới nhân viên);

– Hỗ trợ phục hồi chức năng (vật lý trị liệu);

– Chương trình chăm sóc trẻ em và chăm sóc sức khỏe lâu dài.

Biên dịch: Thúy Hằng


(Nguồn tin: osha.europa.eu)