Bảo vệ những đôi tay lao động tránh khỏi các rối loạn da nghề nghiệp
Những đôi tay lao động cần mẫn giúp duy trì hoạt động của các doanh nghiệp mỗi ngày. Mặc dù một số người tin rằng làn da nứt nẻ và bị kích ứng là do công việc vất vả, trên thực tế đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh về da nghiêm trọng. Mỗi ngày làm việc, người lao động đều phải tiếp xúc với nhiều chất gây kích ứng và những điều kiện làm việc có hại cho làn da. Từ bụi, bột và các chất khác có mặt trong không khí, tới những chất mài mòn từ các công cụ, thành phần và vật liệu mà họ sử dụng, người lao động phải đối mặt với nhiều điều kiện có khả năng dẫn tới rối loạn da nghề nghiệp.
Ba loại bệnh da nghề nghiệp chủ yếu bao gồm:
– Viêm da tiếp xúc kích ứng: rối loạn này có ảnh hưởng tích lũy mà đôi khi có thể gây đau hoặc khó chịu một cách nhanh chóng. Ở những trường hợp khác, nó có thể tích tụ dần trong khoảng thời gian nhiều năm. Mặc dù rất đau đớn, rối loạn này có khả năng chữa trị được.
– Viêm da tiếp xúc dị ứng: rối loạn này có thể xảy ra ngay lập tức hoặc tích lũy theo thời gian. Người lao động có thể tiếp xúc với một chất hoặc vật liệu trong nhiều năm trước khi trở nên mẫn cảm với nó. Một khi đã trở nên mẫn cảm với chất hoặc vật liệu đó, ảnh hưởng này sẽ theo người lao động suốt đời, không thể chữa trị. Người lao động sẽ cảm thấy đau đớn và khó chịu ngay lập tức khi tiếp xúc với chất hoặc vật liệu mà họ bị dị ứng.
– Ung thư da: bệnh này gây ra bởi việc tiếp xúc với tia tử ngoại (UV) hoặc những vật liệu có khả năng gây ung thư như dầu khoáng đã qua sử dụng (trong động cơ/máy móc), nhựa than đá, và hắc ín.
Các dấu hiệu cảnh báo
Thật không may, mầu hết các vấn đề về da nghề nghiệp đều không được báo cáo, một phần do bản thân người lao động không nhận ra tình trạng da của bản thân là do nghề nghiệp. Một số không muốn đề cập tới những vấn đề này do lo sợ những hậu quả có thể đến từ người sử dụng lao động. Có khả năng số lượng các trường hợp gặp vấn đề về da liên quan tới nghề nghiệp cao hơn báo cáo tới 50 – 70 lần. Cục Thống kê Lao dộng Hoa Kỳ (BLS) đã phát hiện 75% số bệnh nhân bị viêm da nghề nghiệp phát triển thành bệnh da mãn tính.
Các triệu chứng và mức độ của viêm da nghề nghiệp rất đa dạng. Những triệu chứng đầu tiên của một rối loạn da nhẹ bao gồm ngứa ngáy, bong da, và/hoặc khô rạn; đau, nứt da và/hoặc chảy máu; sưng bàn tay và các ngón tay; và phồng rộp hoặc mẩn đỏ trên bàn tay/các ngón tay. Các rối loạn da nghề nghiệp (OSDs) có thể dễ dàng ngăn chặn được ở giai đoạn sớm này bằng cách sử dụng biện pháp bảo vệ kiểu cách ly và chăm sóc da.
Một rối loạn da không chỉ là vấn đề về thẩm mỹ. Nó cũng có thể trở thành gánh nặng tài chính đối với người lao động và người sử dụng lao động. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh, OSDs là dạng phổ biến nhất của bệnh nghề nghiệp, với chi phí ước tính (bao gồm cả thời gian nghỉ ốm, giảm năng suất lao động, và yêu cầu bồi thường của người lao động) trên 1 tỉ đôla mỗi năm. BLS ước tính rằng bệnh viêm da nghề nghiệp chiếm tới 50% thời gian lao động bị mất do các bệnh nghề nghiệp công nghiệp. Chỉ một trường hợp viêm da nghề nghiệp đã có thể tiêu tốn của người sử dụng lao động xấp xỉ 3.500 đôla chi phí khiếu nại bồi thường và trung bình 23,9 ngày nghỉ ốm, theo Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ.
Viêm da là chứng bệnh dễ phòng ngừa hơn chữa trị. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thực hiện một số bước phòng ngừa để chăm sóc đôi bàn tay và ngăn ngừa viêm da nghề nghiệp.
Chặn đứng các rối loạn da nghề nghiệp
Những nỗ lực phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe nghề nghiệp, bao gồm các chứng rối loạn da, nên được tiến hành theo nguyên tắc STOP.
S – Substitution (Thay thế):
Trước tiên và quan trọng nhất là phải thay thế những hóa chất độc hại tại nơi làm việc, những chất có khả năng kích ứng da hoặc gây viêm da bằng những chất thân thiện hơn với làn da.
T – Technology (Công nghệ):
Áp dụng các biện pháp kỹ thuật có thể giúp giảm tiếp xúc da với các chất gây kích ứng, như bao bọc thiết bị máy móc, nhờ đó ngăn ngừa khả năng bắn hóa chất lên da.
O – Organization (Tổ chức):
Áp dụng những thay đổi trong tiến trình làm việc để hạn chế sự tiếp xúc của một người lao động với chất gây kích ứng da. Có thể đạt được điều này bằng cách luân chuyển lao động thường xuyên hơn và tăng thời gian làm khô đối với các phần sản phẩm mà người lao động cần chạm vào.
P – PPE (Phương tiện bảo vệ cá nhân):
Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, như găng tay, để giảm thiểu tiếp xúc da với các chất gây kích ứng.
Không chỉ rửa tay
Chỉ rửa tay thôi là không đủ. Để giữ cho đôi bàn tay được khỏe mạnh, người lao động nên sử dụng kem dưỡng bảo vệ và phục hồi da trước và sau khi làm việc. Khi người lao động không sử dụng kem dưỡng da, các yếu tố ô nhiễm vật lý và vi sinh vật có khả năng thâm nhập làn da, gây hại da và nhiễm trùng. Lipid và các chất giữ ẩm tự nhiên của da cũng sẽ bị mất đi và khiến da bị khô.
Thực hiện các bước thực hành chăm sóc da là hết sức cần thiết để duy trì làn da khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh da nghề nghiệp. Điều quan trọng là xác định được nguy cơ mà người lao động phải đối mặt và đảm bảo họ thực hiện các nguyên tắc an toàn lao động, bao gồm cả việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được khuyến cáo. Khuyến khích người lao động sử dụng các sản phẩm chăm sóc da để giảm nguy cơ mắc các bệnh về da như viêm da và ung thư da.
Triển khai thực hành chăm sóc da tốt là hoạt động quan trọng đối với bất kỳ tổ chức nào. Hoạt động này cần bao gồm hai khía cạnh:
– Bảo vệ. Việc sử dụng kem dưỡng bảo vệ sẽ tạo ra một lớp bảo vệ, giúp ngăn ngừa các tác nhân gây hại vật lý và vi sinh vật xâm nhập vào da. Kem dưỡng giúp duy trì điều kiện tự nhiên của da, duy trì lipid và độ ẩm tự nhiên của da khi làm việc. Lớp bảo vệ cũng giúp bảo vệ da khỏi bệnh viêm da và khỏi sự tiếp xúc với các tia tử ngoại hay điều kiện làm việc lạnh. Lớp này đồng thời hỗ trợ làm sạch da dễ dàng bằng các chất làm sạch ít tính tẩy rửa hơn. Người lao động nên bôi kem bảo vệ trước khi bắt đầu mỗi ca làm việc và bôi lại sau khi rửa tay, hoặc ít nhất là sau mỗi 3 giờ.
– Phục hồi. Kem dưỡng phục hồi giúp cải thiện sức sống của da bằng cách cung cấp độ ẩm, nuôi dưỡng và điều hòa làn da, ngăn không cho da trở nên khô nẻ hay bị tổn hại mà kết quả cuối cùng có thể dẫn tới bệnh da nghề nghiệp. Kem dưỡng phục hồi nên được bôi sau khi làm việc, có thể là cuối ca hoặc trước một khoảng nghỉ dài tại chỗ làm, như nghỉ ăn trưa. Người lao động nên sử dụng kem phục hồi ít nhất một lần mỗi ngày.
OSDs là mối đe dọa tiềm ẩn ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của tổ chức cũng như sức khỏe và phúc lợi của người lao động. Giữ cho làn da của người lao động trong trạng thái tốt khi họ làm việc là yếu tố quyết định tới sự thành công của một doanh nghiệp.
Lựa chọn loại kem phù hợp
Dưới đây là danh sách các yếu tố mà nhà quản lý cần cân nhắc tới khi lựa chọn các loại kem dưỡng bảo vệ và phục hồi giúp giữ cho đôi tay người lao động được an toàn và khỏe mạnh.
Kem dưỡng bảo vệ
Kem dưỡng phục hồi
Các yếu tố mong muốn đối với kem dưỡng bảo vệ:
– Có hoặc không có mùi hương
– Không chứa silicôn
– Thích hợp sử dụng đối với da tay, da mặt và toàn thân/ Thích hợp sử dụng cho da tay và toàn thân
– Thích hợp cho những người có tiền sử dị ứng
Các yếu tố mong muốn đối với kem dưỡng phục hồi:
– Có hoặc không có mùi hương
– Không chứa silicôn
– Thích hợp sử dụng đối với da tay, da mặt và toàn thân
– Thích hợp sử dụng cho da tay và toàn thân
– Thích hợp cho những người có tiền sử dị ứng
Các sản phẩm phù hợp nên có sẵn và dễ tiếp cận đối với người lao động tại nơi cần sử dụng. Các loại kem này nên được đặt tại những khu vực chính như phòng thay đồ, lối vào khu vực làm việc, nhà vệ sinh và khu vực rửa tay.
Theo Viện An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp quốc gia Hoa Kỳ, 13 triệu người lao động tại Mỹ có khả năng tiếp xúc với các hóa chất có thể thấm qua da. Nếu không được báo cáo, bệnh da nghề nghiệp tại nơi làm việc có thể làm tăng sự vắng mặt của người lao động và giảm năng suất công việc.
Người sử dụng lao động có thể phải gánh chịu rủi ro về tăng chi phí do lao động nghỉ ốm và giảm năng suất công việc. Để giữ cho đội ngũ công nhân của mình được mạnh khỏe và làm việc hiệu quả, các nhà quản lý ATVSLĐ nên áp dụng các bước thực hành tốt về chăm sóc da tại nơi làm việc nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh da nghề nghiệp. Việc sử dụng các loại kem dưỡng bảo vệ và phục hồi da một cách đều đặn là rất cần thiết để giữ cho làn da của người lao động được khỏe mạnh.
Biên dịch: Hoàng Phương
(Nguồn tin: ohsonline.com)