Biện pháp kiểm soát chung nhằm giảm thiểu yếu tố có hại

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:27(GMT +7)

Làm việc trong môi trường có xuất hiện và tồn tại các yếu tố có hại sẽ là những nguyên nhân gây nên tình trạng bệnh lí hoặc các bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng tới sức khoẻ người lao động.

Các yếu tố có hại chủ yếu gặp trong sản xuất được chia thành 4 loại:

*Các yếu tố vệ sinh môi trường lao động: Vi khí hậu xấu, tiếng ồn, rung, bức xạ và phóng xạ, chiếu sáng không hợp lý, bụi; Các hóa chất độc hại; Các yếu tố vi sinh vật có hại…

* Các yếu tố bất lợi về tư thế lao động:  Tư thế làm việc gò bó, không gian làm việc chật hẹp; Di chuyển nhiều trong khi làm việc; Làm việc trên cao hay làm việc dưới nước nên khó thao tác…

* Các yếu tố bất lợi về tổ chức, bố trí nơi làm việc: Bố trí, sắp xếp máy móc, thiết bị không khoa học; Bố  trí,  sắp  xếp  người  lao  động  không  đúng  chuyên  môn, nghiệp vụ; Nơi làm việc chật chội, thiếu ánh sáng, khó thao tác; Cường độ lao động cao, thời gian làm việc dài, nghỉ ít.

* Các yếu tố bất lợi về tâm – sinh lí lao động: Mức độ đơn điệu trong lao động; Căng thẳng thần kinh tâm lí và mệt mỏi hệ thần kinh trung ương;Căng thẳng thị giác trong khi làm việc;Mức gánh tải tín hiệu thông tin trong làm việc

Để giảm yếu tố có hại ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức đo môi trường không khí (vi khí hậu, ồn, rung, bụi, hơi khí độc, các bức xạ…), nước thải… ít nhất mỗi năm một lần. Đối với nơi làm việc bị tù túng, bí gió như trong hầm lò, phải kiểm tra, giám sát hơi khí độc, khí dễ cháy nổ, lượng oxy thường xuyên hàng giờ (CH4,CO2, O2…) nhằm xác định vị trí làm việc có hại tác động đến sức khoẻ để:

– Lập kế hoạch cải thiện môi trường làm việc đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh;

– Quản lý đối tượng tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ rủi ro;

– Tổ chức tập huấn cho người lao động hiểu biết về tác động của yếu tố đó đến sức khoẻ và biện pháp an toàn tại nơi làm việc để họ có đủ năng lực tự kiểm soát;

– Bồi dưỡng hiện vật tại chỗ cho người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại;

– Trang cấp phương tiện bảo vệ sức khoẻ phù hợp với từng yếu tố có hại;

– Xây  dựng  quy  trình đảm  bảo  vệ  sinh  an  toàn  lao  động  cho từng loại máy, thiết bị, vật tư và nội quy vệ sinh tại nơi làm việc theo tiêu chuẩn vệ sinh tại Quyết định số 3733/2002/ QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/10/2002.

– Lập hồ sơ quản lý vệ sinh lao động theo quy định của Bộ Y tế.

Tổ chức kiểm tra

Cần lưu ý khi đi kiểm tra phải nhận dạng được các yếu tố có hại từ khâu đầu vào đến quá trình sản xuất phát sinh bằng trực quan: Nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, ngửi thấy, phản ứng của cơ thể và kiểm chứng qua người tiếp xúc…, rồi tổng hợp lại phân tích đánh giá yếu tố có nguy cơ rủi ro về tính chất lý học, tính chất hoá học gây nguy hại, từ đó đề ra giải pháp can thiệp kịp thời và phù hợp, như sau:

– Mặt bằng sản xuất, không gian nơi làm việc, khoảng cách từ nguồn phát sinh tới vị trí tiếp xúc

– Quan sát quy trình công nghệ sản xuất để nhận dạng các yếu tố có nguy cơ

Ví dụ: Nhận dạng các yếu tố có hại trong công nghệ hàn hồ quang.

Trong công nghệ hàn hồ quang ta thấy đầu vào là: máy hàn, que hàn, sắt thép. Khi hoạt động đã phát sinh ra hàng loạt các yếu tố có hại, các yếu tố đó có nguy cơ gây tai nạn thương tích, đơn cử:

– Hơi khí: ôzôn gây kích thích phổi và hen phế quản; ôxít cacbon gây nhiễm độc cấp và bệnh nhiễm độc oxyt các bon nghề nghiệp; ôxít nitơ gây ngạt thở cấp, gây hen phế quản…

– Kim loại: ôxít sắt gây bệnh bụi phổi – sắt; mangan gây nhiễm độc cấp và gây bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp; ôxít kẽm gây bệnh sốt kim loại; niken, crôm gây bệnh da nghề nghiệp và có thể gây ung thư phổi…

– Bụi silic gây Bệnh bụi phổi – silic nghề nghiệp

– Yếu tố vật lý: tia bức xạ gây bỏng, đục nhân mắt, viêm giác mạc mắt…; điện và than lửa gây điện giật và bỏng da; tư thế làm việc xấu gây rối loạn cơ xương khớp..

– Kiểm tra hệ thống thiết bị kiểm soát môi trường xem có hay không có, và nếu có thì áp dụng biện pháp nào? Hiệu lực của nó.

– Kiểm tra việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đối với từng yếu tố tiếp xúc

– Kiểm chứng những người tiếp xúc về tình trạng bệnh lý liên quan đến công việc.

– Kiểm tra hồ sơ quản lý môi trường, hồ sơ quản lý sức khoẻ ốm đau, bệnh tật

– Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp y tế (khám sức khoẻ, cấp cứu tại chỗ)

* Kiến nghị các giải pháp

Sau khi kiểm tra phát hiện được các yếu tố có nguy cơ, tổ chức thảo luận để lựa chọn giải pháp cho phù hợp, có khả thi, kiến nghị với người sử dụng lao động:

– Tổ chức tập huấn về luật pháp lao động, vệ sinh lao động để nâng cao năng lực cho mọi người lao động hiểu biết được luật pháp và tác động của các yếu tố có hại đến sức khoẻ, biện pháp an toàn và kỹ năng kiểm soát.

– Nâng cấp nhà xưởng, cải thiện cơ sở hạ tầng, các công trình vệ sinh, theo tiêu chuẩn quy định

– Lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát môi trường: thông gió, thu bắt  lọc  bụi,  hơi  khí  độc,  chiếu  sáng,  chống  ồn,  rung,  chống  nóng, chống lạnh, che chắn, cách ly nguồn phát sinh yếu tố có hại để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh…

– Lắp đặt hệ thống xử lý chất thải: khí thải, nước thải, rác thải trước khi thải ra môi  trường

– Cải  thiện  máy,  thiết  bị  sản  xuất,  phương  tiện,  dụng  cụ  làm việc phù hợp với nhân trắc và tư thế làm việc của người lao động

– Vệ sinh mặt bằng, vệ sinh nhà ăn, vệ sinh phòng dịch bệnh

–  Trang  bị  phương  tiện  bảo  vệ  cá  nhân  đảm  bảo  an  toàn  cho từng yếu tố tiếp xúc và phải phù hợp với nhân trắc người sử dụng (quần áo, găng tay, mũ, giầy, kính, khẩu trang, mặt nạ, bịt tai…)

– Tổ chức lao động hợp lý đảm bảo sức khoẻ cho người lao động

– Tổ chức ăn bồi dưỡng bằng hiện vật tại chỗ

– Biện pháp y tế: Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, lực lượng cấp cứu tại chỗ.


(Nguồn tin: Tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ Cho cán bộ làm công tác an toàn – vệ sinh lao động)