Bước đầu nghiên cứu đánh giá rủi ro an toàn vệ sinh lao động tại các nhà máy đường khu vực miền Trung

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:43(GMT +7)

Đánh giá các mối nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động (NLĐ) ở các nhà máy (NM) đường là vấn đề quan trọng và cần thiết hiện nay.

Kết quả bước đầu đánh giá rủi ro ATVSLĐ ở các NM đường khu vực miền Trung cho thấy các mối nguy hại chủ yếu hiện diện ở đây là các mối nguy hại vật lý, cơ học, hóa học, tư thế lao động, sinh học. Nhiệt độ là mối nguy hại được phân mức rủi ro ở mức cao nhất trong số các mối nguy hại vật lý. Các mối nguy hại hóa học (SO2, NO2, CO) đều tiểm ẩn rủi ro ở mức cao. Rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ của mối nguy hại sinh học ở mức thấp nên chưa đề cập trong bài viết này. Mối nguy hại tư thế lao động cũng được phân hạng ở mức cao ở một số vị trí công việc tại các công đoạn điển hình như cẩu, cân, bàn lùa; khu chặt mía sơ bộ; sàng phân loại; đóng bao và vận chuyển hàng vào kho. Tất cả đơn vị công việc được khảo sát đều có mối nguy hại cơ học được phân loại ở mức thấp và mức trung bình.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có 41 NM đường mía với tổng công suất 140.000 tấn mía/ngày. Toàn bộ khu vực miền Trung hiện tại có 13 NM đường đang hoạt động với sản lượng thiết kế 53,8 nghìn tấn mía/ngày, chiếm 38,3% so với cả nước, thu hút hơn 3000 NLĐ. Môi trường lao động (MTLĐ) của các cơ sở chế biến đường chứa đựng nhiều yếu tố gây rủi ro tói an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho NLĐ. Các yếu tố nổi bật cần phải kể đến gồm điều kiện làm việc căng thẳng, thời gian làm việc kéo dài, MTLĐ có nhiệt độ cao, nhiều bụi bặm, tiếng ồn lớn.… Do vậy, việc đánh giá các mối nguy hại đến sức khỏe NLĐ và đề xuất hệ thống quản lý ATVSLĐ ở trong các NM đường là cần thiết. 
Trong bài này chúng tôi trình bày các kết quả bước đầu của nghiên cứu đánh giá rủi ro ATVSLĐ ở các NM đường khu vực miền Trung. Kết quả nghiên cứu nhằm giúp các nhà quản lý, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể can thiệp sớm vào quá trình cải thiện điều kiện làm việc (ĐKLV), phòng tránh tai nạn và tác hại nghề nghiệp cho NLĐ. 
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Nhiệm vụ đã tiến hành nhận diện và đánh giá rủi ro của các mối nguy hại cơ học, vật lý, hóa học và tư thế lao động ở 04 NM chế biến đường khu vực miền Trung:
1. NM mía Đường An Khê – Công ty CP Đường Quảng Ngãi; 
2. NM mía Đường Ayunpa – Thành Thành Công Gia Lai; 
3. NM mía Đường KCP Sơn Hòa – Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam; 
4. NM mía đường Kon Tum – Công ty CP Đường Kon Tum 
Các công đoạn điển hình và các vị trí được tiến hành khảo sát và đánh giá rủi ro:
– Cẩu ép: các vị trí cẩu, cân bàn lùa; khu chặt mía sơ bộ; băm mía; nam châm điện; băng tải; máy ép; lọc thùng quay.
– Hóa chế: các vị trí trung hòa sơ bộ; gia nhiệt; xông SO2; trung hòa, lắng; lọc; cô đặc.
– Nấu đường: các vị trí nấu đường A; trợ tinh; ly tâm; nấu đường B,C; sàng phân loại.
– Đóng gói: các vị trí đóng bao; vận chuyển.
Thực tế, các NM sản xuất đường mía đều có nét giống nhau về sơ đồ công nghệ. Tuy nhiên điểm khác biệt nhất là về quy mô sản xuất và thành phẩm đầu ra, ví dụ như NM Đường An Khê có công suất lớn, thì việc bố trí máy móc thiết bị, cũng như việc thêm bớt các khâu trong công nghệ sản xuất có khác hơn so với các NM có công suất nhỏ hơn. Hình 1 giới thiệu sơ đồ công nghệ chủ yếu hiện nay đang sử dụng tại một số NM mía đường ở nước ta hiện nay.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Đánh giá rủi ro là phương pháp hệ thống và hiệu quả nhằm xác định rủi ro và quyết định các giải pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu hoặc loại bỏ chúng. Nó là một giai đoạn quan trọng trong bất kỳ chương trình quản lý nguy cơ nào của doanh nghiệp. Để phân loại rủi ro theo mức độ cần có giải pháp can thiệp, các rủi ro cần được đánh giá một cách nhất quán. Thường rủi ro có thể được phân tích bằng cách kết hợp các ước tính về hậu quả (cũng được mô tả như mức độ nghiêm trọng) và khả năng xảy ra (hoặc tần số, xác suất) trong khi đang sử dụng các giải pháp kiểm soát. Nhìn chung, mức độ hay giá trị phân hạng của một rủi ro nhất định được thiết lập khi sử dụng lưới hai chiều hoặc ma trận, với một trục là hậu quả, trục kia là khả năng xảy ra. Hiện có rất nhiều phương pháp đánh giá rủi ro khác nhau. Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng các phương pháp sau đây để đánh giá rủi ro của các mối nguy hại xuất hiện tại nơi làm việc của các NM sản xuất đường mía:
+ Phương pháp đánh giá mối nguy vật lý: kết quả nghiên cứu của TS. Đỗ Trần Hải, TSKH Phạm Quốc Quân, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động (VNNIOSH-2017);
+ Phương pháp đánh giá mối nguy hại hóa học: theo phương pháp MCHRA (Malaysia Chemical Health Risk Assessment) của Bộ Lao động Malaixia;
+ Phương pháp đánh giá mối nguy hại tư thế lao động: theo phương pháp RULA;
+ Phương pháp đánh giá mối nguy hại cơ học, máy: theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7301-1(2):2008 ISO 14121-1:2007: An toàn máy-Đánh giá rủi ro.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Mối nguy vật lý 

Bảng 1: Kết quả đánh giá mối nguy hại vật lý (t0: nhiệt độ, w: độ ẩm, v: vận tốc gió)

Kết quả trên Bảng 1 cho thấy, với mối nguy hại nhiệt độ, đối với các khu vực sau đây của cả 4 NM nhà máy gồm: khu vực sàng, khu vực đóng bao và phòng điều khiển của hai khu vực hóa chế và bộ phận ép được xếp lần lượt ở các mức 2 hoặc 3 và mức 1 do các khu vực này đều có lắp điều hòa. Còn hầu hết các khu vực còn lại đều có kết quả phân loại mối nguy hại ở mức 4 và mức 5, điều này tương ứng với kết quả đo đạc thông số nhiệt độ của các khu vực này đều vượt mức tiêu chuẩn vệ sinh lao động theo Thông tư 26/2016/TT-BYT về Quy định Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Vi Khí hậu – Giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc.
Về độ ẩm: 5/23 vị trí khảo sát ở NM đường Ayunpa và 17/23 vị trí ở NM đường An Khê được phân mức rủi ro ở mức 4; một số khu vực đáng quan tâm là khu vực máy băm 3, khu vực máy ép, khu vực trung hòa…. Các vị trí còn lại của 2 NM này và tất cả các vị trí khảo sát của 2 NM đường Kon Tum và KCP Sơn Hòa đều được phân mức rủi ro ở mức 3 và mức 2.
Mối nguy hại vận tốc gió, 23 vị trí khảo sát của cả 4 NM đều có mối nguy hại vận tốc gió được xếp ở mức 1 (rủi ro có thể bỏ qua).
Bảng 2: Kết quả đánh giá nguy cơ mối nguy vật lý: Anh sáng (AS), tiếng ồn, chỉ số nhiệt bức xạ (WBGT)

Từ Bảng 2 có thể thấy rằng: đối với ánh sáng, các vị trí khảo sát ở khu vực băng tải (NM KCP Sơn Hòa, Ayunpa); khu vực lắng (Kon Tum); khu vực lọc chân không (Kon Tum, Ayunpa); khu vực ly tâm (Kon Tum); khu vực sàng (Kon Tum); khu vực máy lọc thùng quay (Ayunpa) có mối nguy hại ánh sáng được phân mức rủi ro ở mức 4. Các vị trí còn lại ở cả 4 NM đều được phân mức rủi ro ở mức 3 và mức 2.
Mối nguy hại tiếng ồn: 8/23 vị trí ở NM đường Kom Tum; 10/23 vị trí ở NM đường Ayunpa; 13/23 vị trí ở NM đường KCP Sơn Hòa và An Khê được phân mức rủi ro ở mức 4. Kết quả này phản ánh tình trạng NLĐ ở các NM chế biến đường thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn ở mức cao từ nhiều máy móc công suất lớn. Một số vị trí đáng chú ý là khu vực máy băm, khu vực xông SO2 và khu vực ly tâm.
Mối nguy hại nhiệt bức xạ: tất cả các vị trí khảo sát ở cả 4 NM đều được phân mức rủi ro về mối nguy hại nhiệt bức xạ ở mức 3 và mức 2.
3.2. Mối nguy hại hóa học 
Bảng 3: Kết quả đánh giá tổng hợp mối nguy hóa học (SO2, NO2)

Bảng 4: Kết quả đánh giá mối nguy hóa học (CO, CO2, CxHy)

Hóa chất xuất hiện trong MTLĐ của các NM sản xuất đường mía chủ yếu từ quá trình hóa chế, tẩy trắng, cô đặc đường và từ hoạt động của lò hơi. Kết quả đánh giá rủi ro của một số hóa chất tại đây cho thấy: 
– Đối với các chất SO2, NO2, CO: tất cả các vị trí khảo sát đều có mối nguy hại SO2, NO2, CO được phân mức rủi ro ở mức 4 (mức cao).
– Đối với CO2, CxHy: mối nguy hại CO2, CxHy ở tất cả các vị trí của cả 4 NM được phân mức rủi ro ở mức 3 (mức trung bình).
3.3. Mối nguy hại tư thế lao động (xem Bảng 5)
Bảng 5: Kết quả đánh giá tổng hợp mối nguy tư thế lao động

Ghi chú: 1-2: Rủi ro có thể bỏ qua; 3-4: Rủi ro thấp; 5-6: Rủi ro trung bình; 7: Rủi ro cao
Kết quả nêu trên Bảng 5 cho thấy, các công việc tại các khu vực cẩu, cân, bàn lùa; khu chặt mía sơ bộ; sàng phân loại; đóng bao và vận chuyển hàng vào kho của các NM được khảo sát đa số được phân mức rủi ro của mối nguy hại tư thế lao động ở mức rủi ro cao (mức 7). Đây là những vị trí phải chịu gánh nặng về trọng tải lớn, đi kèm với thao tác lặp đi lặp lại nhiều trong khoảng thời gian ngắn. Cần đưa ra giải pháp sớm khắc phục. Tất cả các vị trí công việc còn lại đều được phân mức ở mức rủi ro thấp và rủi ro trung bình.
3.4. Mối nguy cơ học (xem Bảng 6)
Bảng 6: Kết quả đánh giá tổng hợp mối nguy hại cơ học (trơn trượt, cuốn ép, ngã cao)

Ghi chú: 1-2: Rủi ro thấp; 3-4: Rủi ro trung bình; 5-6: Rủi ro cao (Áp dụng cho Bảng 6 và Bảng 7)
Mối nguy trơn trượt, cuốn ép: kết quả đánh giá rủi ro cơ học nêu trên Bảng 6 cho thấy, các mối nguy trơn trượt, cuốn ép của các vị trí được khảo sát đều được phân mức rủi ro ở mức 1 hoặc 2 (mức thấp). Riêng vị trí cẩu, cân, bàn lùa ở nhà máy đường KCP Sơn Hòa có mối nguy cuộn ép được phân mức 4 (mức trung bình).
Mối nguy ngã cao: được phân mức ở mức rủi ro trung bình (mức 3 hoặc 4) ở tất cả các vị trí khảo sát.
Bảng 7: Kết quả đánh giá tổng hợp mối nguy cơ học (văng bắn, vật rơi)

Mối nguy văng bắn: mối nguy văng bắn của các vị trí được khảo sát đều được phân mức rủi ro ở mức 1 hoặc 2 (mức thấp).
Mối nguy vật rơi: NM máy đường Kon Tum và KCP Sơn Hòa: mối nguy vật rơi của các vị trí được khảo sát đều được phân mức rủi ro ở mức 1 hoặc 2 (mức thấp).
Các NM đường Ayunpa và An Khê: với hai vị trí công việc được khảo sát mối nguy vật rơi thì chỉ có bộ phẩn cẩu, cân, bàn lùa có được phân mức 4 (mức trung bình), còn khu vực đóng bao được phân mức 1 (mức thấp).
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Từ kết quả khảo sát và đánh giá rủi ro ATVSLĐ ở các NM chế biến đường khu vực miền Trung, có thể rút ra một số kết luận như sau:
– Ở các NM chế biến đường thì các mối nguy hại vật lý, cơ học, hóa học, tư thế lao động, là các mối nguy hại chủ yếu. Mối nguy hại sinh học ở mức thấp có thể bỏ qua.
– Nhiệt độ là mối nguy hại được phân mức rủi ro ở mức cao nhất trong số các mối nguy hại vật lý, đa số các vị trí công việc được khảo sát đều được xếp ở mức 4 (mức rủi ro cao) và mức 5 (mức rủi ro rất cao).
– Tất cả các vị trí khảo sát đều có các mối nguy hại SO2, NO2, CO (mối nguy hại hóa học) được phân mức rủi ro ở mức 4 (mức cao).
– Đối với mối nguy hại về tư thế lao động, các công việc tại các khu vực cẩu, cân, bàn lùa; khu chặt mía sơ bộ; sàng phân loại; đóng bao và vận chuyển hàng vào kho của các NM được khảo sát đa số được phân mức rủi ro của mối nguy hại tư thế lao động ở mức rủi ro cao (mức 7) là mức cần tiến hành ngay các giải pháp khắc phục
– Tất cả các công việc ở các vị trí khảo sát đều có mối nguy hại cơ học được phân loại ở mức thấp và mức trung bình.
Dựa vào những kết quả phân hạng rủi ro ở trên, các NM đường có thể ưu tiên áp dụng các giải pháp giảm thiểu rủi ro ở các vị trí công việc được đánh giá ở mức rủi ro rất cao và rủi ro cao. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TS. Đỗ Trần Hải, TSKH. Phạm Quốc Quân, TS. Nguyễn Thắng Lợi, “Đánh giá phân loại chất lượng vệ sinh môi trường lao động và rủi ro sức khỏe nghề nghiệp do tác động của các thông số vi khí hậu”, Tạp chí Bảo hộ Lao động, Số tháng 4/2017, Tr 26-34.
2. Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y tế, “Kỹ thuật đánh giá tư thế lao động theo phương pháp Rula”, Thường quy kỹ thuật Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Tr 347-353.
3. Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7301-1:2008 ISO 14121-1:2007: An toàn máy – Đánh giá rủi ro – Phần 1: Nguyên tắc.
4. Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7301-2:2008 ISO/TR 14121-2:2007: An toàn máy- Đánh giá rủi ro – Phần 2: Hướng dẫn thực hành và ví dụ về các phương pháp.
5. Trang web: http://www.dosh.gov.my/index.php/en/listofdocuments/guidelines/chemical/627-08 Assessment of the health risks arising from the use of hazardous chemical in the workplace 2nd-edition 2000

TS. Nhan Hồng Quang, ThS. Nguyễn Thị Thùy Trang,

KS. Nguyễn Anh Hoàng, KS. Phan Minh Chính

Phân viện KH ATVSLĐ & BVMT miền Trung


(Nguồn tin: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động, số 9/2018)