Các biện pháp an toàn quan trọng đối với thợ hàn hồ quang

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:47(GMT +7)

Kiểm soát rủi ro bằng cách tiến hành các biện pháp kiểm soát theo thứ tự ưu tiên: giảm thiểu, thay thế, các giải pháp kỹ thuật (ví dụ như các hệ thống thông gió để loại bỏ khói hàn), các giải pháp kiểm soát hành chính, và cuối cùng là sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE).

Báo cáo của Cục Thống kê Lao động (Bureau of Labor Statistics – BLS) cho thấy trong năm 2016, khoảng 404.800 công nhân của Mỹ đang làm việc tại các vị trí hàn, cắt, đánh bóng và mài [1]. Đây là những công việc có tỉ lệ tai nạn lao động và mắc bệnh cao nhất trong tất cả các ngành nghề. Họ phải làm việc ngoài trời, thường xuyên đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nếu làm việc trong nhà thì lại trong các điều kiện đặc biệt như là làm việc dưới nước và trong các không gian kín. Họ phải làm việc với các tư thế lao động khó chịu, trên giàn giáo, và bị tiếp xúc với các thiết bị có nhiệt độ bề mặt rất cao, các loại hơi khí độc, tiếng ồn, các nguy cơ cháy, chập điện và bức xạ hồ quang, v.v…

Đánh giá rủi ro và Phân cấp Kiểm soát

Bước đầu trong việc kiểm soát hoàn toàn những rủi ro này là tiến hành đánh giá rủi ro thông qua việc xem xét các yếu tố vật lý của môi trường làm việc, các thiết bị và nguyên liệu được sử dụng cũng như quy trình thao tác của người lao động. Quá trình nhận dạng mối nguy bao gồm việc đánh giá toàn bộ khu vực làm việc; trao đổi với người lao động về cách họ tiến hành công việc, kiểm tra các nguyên liệu và thiết bị trước khi bắt đầu công việc; đọc các nhãn mác sản phẩm, bảng dữ liệu an toàn; cũng như rà soát các báo cáo về tai nạn và chấn thương.

Mức độ nghiêm trọng của các rủi ro đã được xác định sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm đặc tính của vật liệu hàn, tình trạng của thiết bị hàn, các điều kiện môi trường xung quanh khu vực tiến hành hàn (ví dụ như bên trong các không gian kín, hàn trên cao, v.v…) và cả kỹ năng cũng như kinh nghiệm của thợ hàn.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng để kiểm soát những rủi ro này, cần phải tiến hành các biện pháp kiểm soát theo thứ tự ưu tiên: giảm thiểu, thay thế, các biện pháp kỹ thuật (ví dụ như các hệ thống thông gió để loại bỏ khói hàn), các biện pháp kiểm soát hành chính, và cuối cùng là sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE). 

Mặc dù PPE là giải pháp được ưu tiên cuối cùng nhưng đây cũng là một giải pháp cần thiết trong rất nhiều công việc, đặc biệt là đối với thợ hàn. Quần áo bảo hộ, găng tay, mũ hàn, và các thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp là những đồ bảo hộ thiết yếu đối với rất nhiều thợ hàn.

Ecgonomi

Một công cụ điện tử trực tuyến về ecgonomi do OSHA xây dựng cho các nhà thầu về điện đã khuyến cáo những giải pháp kiểm soát có tính khả thi để phòng ngừa các chấn thương ecgonomi do thợ hàn làm việc trong thời gian dài ở những tư thế lao động cố định và khó chịu, cụ thể như sau [2]:

     • Cần sử dụng các loại bàn làm việc có thể điều chỉnh độ cao và các khay chứa đồ vật ở vị trí mà người lao động có thể đảm bảo các tư thế làm việc thuận theo tự nhiên.

     • Sử dụng các loại thảm và giày bảo hộ lao động bổ sung lớp chống mỏi để có thể giảm bớt sự tê mỏi và khó chịu khi phải đứng làm việc trong thời gian dài trên các bề mặt sàn cứng. Các loại thảm này giúp phân bố đều áp suất lên trên sàn cứng trên toàn bộ bàn chân và có thể cải thiện lưu thông máu.

     • Lên kế hoạch sơ bộ cho các công việc hàn để giảm thiểu các tư thế lao động khó chịu.

     • Không tiến hành hàn trên mặt đất hoặc sàn nhà.

     • Tránh làm việc trong tư thế quỳ gối. Thay vào đó hãy sử dụng các loại ghế đẩu thấp.

     • Khi bắt buộc phải quỳ gối, sử dụng miếng bọc đầu gối.

     • Khi chọn mua các loại phương tiện bảo vệ cá nhân mới, xem xét trọng lượng của các thiết bị ví dụ như mũ bảo hộ, tạp dề và các loại áo khoác để giảm bớt khối lượng mà người lao động phải chịu, đặc biệt khi lao động trong tư thế ngoẹo cổ hoặc vặn mình.

     • Sử dụng giá đỡ và dây cáp để đưa vật cần hàn lên độ cao phù hợp với tư thế của người lao động, tránh các tư thế lao động khó chịu.

     • Sử dụng các loại giá đỡ có thể điều chỉnh độ nghiêng ví dụ như các thiết bị nâng khí nén hoặc thủy lực để duy trì tư thế lao động tự nhiên trong quá trình hàn.

Các mối nguy cháy nổ và chập điện.

Bỏng và sốc điện là hai trong số những rủi ro nghiêm trọng nhất đối với thợ hàn. Mục 1910.252(a)(1)(i) trong tiêu chuẩn của OSHA về Hàn, cắt và mài đã ghi rõ rằng “nếu vật thể cần hàn hoặc cắt không thể di chuyển được, thì tất cả những mối nguy về cháy trong khu vực lân cận cần phải được di chuyển đến một vị trí an toàn”.

Tiêu chuẩn cũng đã chỉ rõ các vật liệu dễ cháy, cụ thể tại các khu vực sàn nhà hở hoặc nứt (mà không thể bao che kín), người lao động cần phải có các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo rằng không có bất cứ vật liệu dễ cháy nào ở dưới sàn nhà có khả năng tiếp xúc với tia lửa. Các thiết bị chữa cháy phù hợp (ví dụ như bình chữa cháy, thùng nước, thùng cát, v.v…)  phải  được đảm bảo luôn trong tình trạng sẵn sàng sử dụng. Ngoài ra, cần phải có một nhân viên giám sát có trang bị thiết bị chữa cháy và đã được tập huấn cách sử dụng tại những khu vực hàn hoặc cắt  đặc biệt. Cụ thể là những khu vực mà chỉ một đám cháy nhỏ cũng có thể bùng lên hoặc những khu vực có một trong các điều kiện như sau:

     • Vật liệu dễ cháy, trong quá trình sử dụng hoặc thùng chứa, nằm trong bán kính 35 feet (khoảng 10,7 m) so với điểm thao tác hàn.

     • Vật liệu dễ cháy ở ngoài bán kính 35 feet (khoảng 10,7 m) nhưng dễ bị bén tia lửa.

     • Tường hoăc sàn nhà nằm trong bán kính 35 foot (khoảng 10,7 m) tiếp xúc với vật liệu dễ cháy ở khu vực lân cận, bao gồm cả khoảng trống trong tường hoặc sàn nhà.

     • Vật liệu dễ cháy gần kề với phía đối diện của vách ngăn kim loại, tường, trần nhà, hoặc mái nhà và có thể bén lửa do tia lửa hoặc bức xạ.

Theo tiêu chuẩn hướng dẫn, người giám sát cháy, “cũng cần phải nắm rõ các thiết bị cảnh báo cháy bằng âm thanh khi có hoả hoạn xảy ra. Họ cần phải giám sát nguy cơ xảy ra cháy tại tất cả các khu vực bị phơi nhiễm, cố gắng dập tắt đám cháy khi có sự hỗ trợ của các thiết bị chữa cháy sẵn có, hoặc rung chuông báo cháy. Nhân viên giám sát cần theo dõi thêm tối thiểu là 30 phút sau khi kết thúc quá trình hàn hoặc cắt để nhận biết và xử lý trong trường hợp có đám cháy âm ỉ xảy ra”.

Tiêu chuẩn cũng chỉ rõ một số trường hợp đặc biệt không được tiến hành hàn hoặc cắt: các khu vực không được người quản lý cho phép; trong các toà nhà bị nứt nơi mà điều kiện an toàn không đảm bảo; có khí gây nổ, hoặc  có thể phát sinh khí gây nổ bên trong các thùng chứa không được vệ sinh hoặc chuẩn bị phù hợp. Ngoài ra là các thiết bị đã từng chứa các loại vật liệu dễ nổ cũng như có thể phát sinh trong các khu vực có thể tích tụ các loại bụi dễ cháy; hoặc trong các khu vực gần nơi lưu trữ lượng lớn các chất dễ bắt lửa và dễ tiếp xúc với lửa.

Khói hàn

Theo NIOSH, hàn hồ quang có thể tạo ra khói, là một hợp chất của các kim loại và thường chứa một lượng nhỏ Magiê. Các nghiên cứu của NIOSH cũng chỉ ra sự liên hệ giữa tổn thương thần kinh với những người lao động tiếp xúc với Magiê trong khói hàn.

Năm 2013,một nghiên cứu [3] của Michael R. Flynn thuộc Đại hoc Bắc Carolina cùng với Chapel Hill và cộng sự Pam Susi, CIH, MSPH của CPWR, được NIOSH tài trợ, về tỉ lệ phơi nhiễm Magiê của các công nhân hàn trong ngành xây dựng đã được báo cáo tại hội nghị AIHce. Tài liệu này hiện đang có sẵn trên trang web của Thư viện điện tử về an toàn và vệ sinh lao động trong ngành xây dựng (Electronic Library of Construction Occupational Safety & Health – eLCOSH). Nghiên cứu này đã tiến hành phân tích các dữ liệu của OSHA trong hơn 100.000 phép đo của khoảng 30.000 công nhân hàn của các ngành công nghiệp khác nhau trong khoảng thời gian hơn 30 năm, từ năm 1978 đến năm 2008. Các tác giả đã sử dụng dữ liệu OSHA để phân tích sự liên hệ giữa giá trị nồng độ tiếp xúc trung bình 8 tiếng của công nhân hàn và các tác nhân ô nhiễm trong không khí, tập trung vào việc tổng hợp và đánh giá phơi nhiễm tổng cộng do các yếu tố ô nhiễm phát sinh, đặc biệt là của Magiê và Chì. Báo cáo chỉ ra rằng cả thợ hàn ngành công nghiệp xây dựng và thợ hàn kết cấu thép đều có rủi ro  bị phơi nhiễm với Magiê và Chì tương đương nhau. Do đó có rất ít bằng chứng về việc miễn nhiễm với một hoặc một nhóm chất sau thời gian dài làm việc. Cụ thể là các hợp chất chứa sắt trong một số sản phẩm thương mại. Các tác giả khuyến cáo cần phải giảm bớt giá trị PEL đối với Magiê, tăng cường giải pháp thông gió hút cục bộ cho công nhân hàn ngành xây dựng, tập trung vào cả phơi nhiễm tổng cộng và các tác nhân ung thư, đặc biệt là Cadmi và Crom [4].

Tài liệu tham khảo

1. https://www.bls.gov/ooh/production/welders-cutters-solderers-and-brazers.htm

2.https://www.osha.gov/SLTC/etools/electricalcontractors/prefabrication/welding.html#Static%20and%20Awkward%20Postures

3. http://www.elcosh.org/record/document/3679/d001220.pdf

4. https://www.cdc.gov/niosh/topics/hexchrom/default.html

Biên dịch: Việt Thắng


(Nguồn tin: ohsonline.com)