Các bức xạ nơi làm việc và biện pháp phòng ngừa
– Bức xạ anpha (a) khả năng xuyên kém.
– Bức xạ bêta (b) khả năng đâm xuyên lớn hơn hạt (a).
– Bức xạ Rơnghen (X) là bức xạ hãm. Đâm xuyên lớn (điện từ trường).
– Bức xạ gamma (g) là bức xạ điện tử (photon) đâm xuyên mạnh.
– Bức xạ Neutron đâm xuyên cực mạnh.
Tác hại nghề nghiệp
Tác hại của bức xạ Ion hoá phụ thuộc nhiều yếu tố: liều tiếp xúc, cách chiếu xạ, tính chất của các loại tia, tính cảm thụ của mỗi người, thời gian tiếp xúc, biện pháp phòng ngừa.
a) Tác hại cấp tính
Nạn nhân bị nhiễm chất phóng xạ với liều cao, xuất hiện trong một thời gian ngắn, thì biểu hiện: nhức đầu khủng khiếp, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa dữ dội, nạn nhân bị tiêu chảy, rối loạn điện giải, bị truỵ tim mạch, chết sau vài giờ.
b) Tác hại mạn tính
– Tiếp xúc với các tia phóng xạ liều thấp lặp đi lặp lại nhiều lần vẫn có thể gây tổn thương da, viêm thận mạn tính, viêm loét giác mạc mắt, đục nhân mắt, tổn thương tuyến sinh dục, huỷ diệt tinh trùng, teo da, rụng tóc, nhiễm độc thai nhi, biến đổi gen di truyền.
– Tiếp xúc với liều dưới 100 rem gây bệnh âm ỉ, tổn thương cơ quan tạo máu, tuỷ xương suy thoái, bạch cầu và tiểu cầu giảm, bệnh nhân bị nhiễm trùng đưa đến tử vong.
– Bị nhiễm xạ còn gây ung thư thượng bì, ung thư máu, ung thư xương, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư phổi và dạ dày…
Biện pháp phòng ngừa
a) Biện pháp kỹ thuật
– Buồng làm việc phải được che chắn xung quanh bằng tấm chì, cao su chì, tường trát vữa barít và phải có biển báo theo quy định của luật pháp.
– Căn cứ vào tính nguy hiểm của nguồn phóng xạ, phải bố trí các phòng làm việc thích hợp theo từng khu vực.
– Có hệ thống thông gió, lọc bụi, lọc khí độc.
– Phải có hệ thống cấp nước, thoát nước đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.
– Có nhà tắm riêng, có chậu giặt và tủ đựng quần áo bảo hộ riêng, tủ phải nhẵn để hạn chế bụi bám vào.
– Các chất thải sau khi thu gom lại phải để khu vực riêng, phải để một thời gian cho nguồn phóng xạ bán phân rã rồi đưa đến nơi quy định để xi măng hoá, chôn sâu xuống đất (theo tính phân rã của mỗi chất).
– Thùng chứa chất thải sơn màu vàng, gắn nhãn phóng xạ để phân biệt, thùng phải kín.
– Chất thải phóng xạ lỏng, chất phóng xạ có chu kỳ bán rã ngắn có thể thu vào bể chứa trong một thời gian nhất định rồi thải ra ngoài (trước khi thải ra ngoài phải kiểm tra hoạt độ phóng xạ). Phóng xạ lỏng có chu kỳ bán rã dài áp dụng phương pháp keo tụ để lắng trong (trao đổi ion – hoá hơi), hoặc đưa xi măng hoá hay bitum hoá.
– Vệ sinh an toàn vận chuyển: phải dùng các dụng cụ, phương tiện chứa riêng bằng vật liệu không thấm nước, không cháy, không bị ăn mòn. Liều xuất ngoài bao bì không được vượt quá tiêu chuẩn giới hạn cho phép. Kiện hàng phóng xạ không xếp chung với chất dễ cháy nổ, ôxi hoá hoặc chất ăn mòn, có bảng chỉ dẫn.
– Nguồn phóng xạ hở và kín chưa dùng phải để trong kho riêng. Liều xuất ngoài kho không được vượt quá 0,1 rem/h. Kho phải có hệ thống thông gió, có sơ đồ sắp xếp các chất phóng xạ.
– Người lao động làm việc phải sử dụng trang bị bảo hộ lao động thích hợp. Khi bị phóng xạ dây vào quần áo phải tẩy xạ ngay.
– Người làm việc trong môi trường bị ô nhiễm không khí, bụi phải mặc quần áo bảo hộ, tất chân, giày, găng tay, kính bảo hộ, mũ, khăn mặt dùng một lần và quần áo choàng bên ngoài. Phải sử dụng phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp như: mũi, miệng.
– Cấm ăn uống, hút thuốc, đùa nghịch trong buồng làm việc. Trước khi ăn và sau giờ làm việc phải thay quần áo, tắm rửa bằng xà phòng sạch sẽ.
– Nhân viên làm việc phải sử dụng liều xạ cá nhân để quản lý sức khoẻ.
b) Biện pháp y tế
Tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đảm bảo hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho các đối tượng tiếp xúc với quang tuyến X và các chất phóng xạ. Khám lần đầu là 6 tháng: Khám lâm sàng: hệ thống tiêu hoá, cơ quan hô hấp, tuần hoàn, hệ thống hạch bạch huyết; Xét nghiệm: huyết đồ, tuỷ đồ, đo lượng phóng xạ cá nhân, xét nghiệm nhiễm sắc thể nếu cần. Khám định kỳ lần sau 6 tháng một lần: Khám lâm sàng: da và niêm mạc; Xét nghiệm: công thức máu, tuỷ đồ, tình trùng.
Kỹ năng kiểm tra, đánh giá
a) Quan sát
– Mặt bằng, không gian, khoảng cách từ nguồn phóng xạ tới nguồn tiếp xúc.
– Quy trình sản xuất sử dụng chất phóng xạ.
– Nhận dạng loại bức xạ.
b) Kiểm tra các hệ thống thiết bị kiểm soát môi trường (có hay không, hiệu quả)
– Hệ thống che chắn nguồn phóng xạ, phòng làm việc che bằng tấm chì hay cao su chì.
– Độ dày của tường trát vữa barít để ngăn nguồn bức xạ đâm xuyên.
– Biển báo chất phóng xạ.
– Khoảng cách nguồn phóng xạ tới khu làm việc và khu dân cư…
– Hệ thống thông gió, lọc bụi, lọc khí.
– Phương tiện chứa đựng chất thải phóng xạ.
– Kho chứa, sơ đồ sắp xếp các chất phóng xạ.
– Hệ thống xử lý các chất phóng xạ rắn, lỏng.
– Nhà tắm rửa, nhà thay quần áo.
c) Kiểm tra phương tiện phòng hộ cá nhân (có hay không, hiệu quả)
– Quần áo, giày tất, găng tay, mũ, kính, khẩu trang, mặt nạ, áo choàng.
– Thiết bị tẩy xạ phương tiện bảo hộ.
– Liều xạ cá nhân.
– Hồ sơ khám sức khoẻ nghề nghiệp.
– Bố trí lực lượng lao động làm việc phù hợp với sức khoẻ.
– Tập huấn cho người lao động về các biện pháp đảm bảo an toàn, kỹ năng kiểm soát.
d) Kiểm chứng
– Hỏi người lao động về những dấu hiệu bệnh lý liên quan đến nghề nghiệp: người mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ỉa chảy… hoặc tổn thương da, viêm loét giác mạc…? Nếu họ trả lời có một vài triệu chứng thì có thể do bị nhiễm xạ.
– Hồ sơ đo môi trường, hồ sơ khám sức khoẻ, tình trạng ốm đau, nghỉ việc.
– Nghe thấy người lao động phàn nàn về sức khoẻ do chất phóng xạ.
– Mô tả hoặc chụp ảnh để làm bằng chứng cho việc đánh giá nguy cơ.
(Nguồn tin: Trích dẫn: Tài liệu huấn luyện về an toàn – vệ sinh lao động” do Cục an toàn biên soan, 2013)