Các giải pháp đơn giản trong việc nâng, cầm và giữ vật liệu
Trên các công trường xây dựng, người lao động dành nhiều thời gian để nâng nhấc, mang vác, cầm, giữ, đẩy hoặc kéo những tải trọng vật liệu nặng. Mặc dù việc sử dụng các công cụ cơ giới hóa hiện nay đã trở nên phổ biến, nhưng rất nhiều loại vật liệu vẫn phải mang vác hoặc xử lý thủ công. Đôi lúc không thể sử dụng các phương tiện máy móc cơ giới do điều kiện mặt bằng công trường.
Nếu thường xuyên nâng hoặc mang vác vật liệu trong thời gian quá lâu, lưng và vai của người lao động sẽ liên tục chịu áp lực. Thậm chí có thể gây đau cơ nghiêm trọng hoặc chấn thương khớp. Người lao động gặp rủi ro nếu thường xuyên mang vác những vật liệu nặng hoặc cồng kềnh tới một khoảng cách xa, cúi gập người để nâng vật nặng hoặc kéo căng người lên phía trên đầu để giữ vật. Rủi ro sẽ cao hơn nếu cơ thể bị vặn xoắn khi đang mang vác vật nặng.
Người lao động có khả năng gặp chấn thương nếu thường xuyên đẩy hoặc kéo các loại xe kéo, xe đẩy nặng hoặc các thiết bị chuyên trở khác.
Các chấn thương và rối loạn
Dưới đây là một số chấn thương người lao động có thể gặp phải khi mang vác vật liệu bằng tay.
Lưng: Đau thắt lưng và nghiêm trọng hơn là chấn thương cơ xương ở phần lưng có thể bất ngờ xảy ra hoặc dần phát triển trong một khoảng thời gian. Ví dụ những chuyển động nhanh, bất ngờ, đặc biệt khi đang mang vác vật nặng, có thể ngay lập tức dẫn tới trạng thái căng cơ rất đau đớn. Trạng thái căng này có thể phát triển thành những chấn thương nghiêm trọng khi cơ không có thời gian hồi phục và phơi nhiễm với ứng xuất phụ.
Cột sống chạy từ phần đỉnh của cổ xuống tới phần lưng dưới. Cột sống được tạo nên bởi rất nhiều xương gọi là đốt sống, đốt này tiếp nối đốt kia. Giữa các đốt sống là các khớp xương và đĩa đệm. Những bộ phận này làm cho phần lưng trở nên linh hoạt và có thể cử động được. Các đĩa đệm linh hoạt bởi chúng có một chất giống như keo ở bên trong.
Khi nâng, gập người về phía trước, vươn người lên trên hoặc vươn người về phía trước, các cơ ở lưng sẽ làm việc nặng nhọc hơn và các dây chằng (những sợi dài hỗ trợ các cơ lưng) sẽ uốn và duỗi ra. Các đĩa đệm bị ép lại. Khi bị ép, các đĩa đệm có thể đè lên các bộ phận khác của cột sống bao gồm cả các dây thần kinh. Điều này có thể gây ra chứng đau lưng. Nếu cúi gập người về phía trước lặp đi lặp lại trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, các đĩa đệm sẽ yếu đi dẫn tới hiện tượng thoát vị đĩa đệm.
Vặn người khi đang cúi sẽ tăng thêm áp lực lên đĩa đệm, đặc biệt khi dùng lực để nâng, đẩy hoặc kéo vật.
Vai và cổ: Mang vác vật, thậm chí là vật nhẹ, phía trên vùng vai có thể nhanh chóng đẫn đến mệt mỏi và gây sưng tấy các cơ ở cổ và vai. Rủi ro mắc các hội chứng nghiêm trọng hơn ở cổ và vai tăng lên khi người lao động thực hiện công việc thường xuyên và trong khoảng thời gian dài. Mang vác hoặc để vật nặng trên vai có thể làm căng các cơ vai và cổ và gây chấn thương tại vị trí vật tiếp xúc với cơ thể.
Các cơ ở vai được nối với cánh tay bằng các dây chằng. Giữa các dây chằng và xương là các túi dịch được gọi là túi hoạt dịch. Các túi này làm nhiệm vụ bôi trơn vai, giúp vai cử động dễ dàng. Nếu phần vai tiếp tục bị căng có thể làm cho túi hoạt dịch bị ép, sưng, cứng và viêm (viêm bao hoạt dịch). Viêm bao hoạt dịch có thể gây ra đau đớn hoặc thậm chí không thể nâng nổi cánh tay.
Căng cứng liên tục ở phần vai cũng có thể làm cho các dây chằng ở vai bị viêm gây đau đớn (viêm gân).
Một tình trạng bệnh phổ biến khác nữa là hội chứng căng cổ. Hội chứng này là một dạng của căng cơ có thể gây ra cứng cổ, các cơn co thắt cơ và đau ở vùng cổ hoặc đau lan ra từ cổ. Làm ảnh hưởng đến cơ thang, là cơ lớn, mỏng chạy từ phần lưng trên qua vai đến phần cổ. Người mắc hội chứng căng cổ có thể thấy hơi thắt lại ở cơ thang đồng thời cảm thấy co cứng và đau.
Cánh tay, bàn tay và cổ tay: Nếu mang vác vật nặng có cạnh cứng và sắc, người lao động có thể bị xước da hoặc bị thương ở các mô mềm ở bàn tay. Hoặc trường hợp nếu mang vật khó cầm hoặc giữ, thì các vật này có thể ép lên bàn tay hoặc cổ tay ở các tư thế gây nguy hiểm và căng từ đó gây ra những rối loạn như viêm gân hoặc hội chứng ống cổ tay.
Một số giải pháp
Việc mang vác vật liệu bằng tay vẫn rất phổ biến trong ngành xây dựng, nhưng có thể thay đổi cách thức để hoạt động công việc này trở nên dễ dàng hơn đối với người lao động. Các giải pháp hiện có có thể giảm thiểu mức độ căng thẳng lên phần lưng, vai, cổ và các bộ phận khác trên cơ thể người lao động. Đồng thời giúp giảm bớt tần suất và thời gian cơ thể phải chịu sức căng này. Nhiều giải pháp khác cũng có thể giúp loại bỏ các nguy cơ an toàn tiềm ẩn, đồng thời tăng năng suất lao động.
Loại hình nhiệm vụ và các điều kiện mặt bằng sẽ quyết định giải pháp nào là phù hợp đối với người lao động.
Các giải pháp chung dành cho việc mang vác vật liệu nhằm giảm thiểu rủi ro bao gồm:
Thay đổi vật liệu hoặc quy trình làm việc
Một trong những giải pháp hiệu quả nhất có thể là sử dụng các vật liệu, cấu kiện xây dựng hoặc các phương pháp làm việc cần tập trung ít sức lao động. Cũng có những vật liệu khác có thể được sử dụng mà không đòi hỏi quá nhiều sức lực về thể chất, tư thế gây nguy hiểm hoặc các cử động lặp đi lặp lại. Ví dụ các loại gạch block bằng bê tông nhẹ gần đây cũng được sử dụng ở rất nhiều khu vực. Cá nhân một người thợ xây dựng hoặc một nhà thầu phụ thường không thể đưa ra quyết định về việc ngừng sử dụng một loại vật liệu. Những thay đổi cụ thể yêu cầu có sự thông qua của chủ đầu tư, kiến trúc sư, kỹ sư hoặc nhà thầu tổng.
Thay đổi các công cụ và/hoặc thiết bị
Có thể mua hoặc thuê những thiết bị vận chuyển vật liệu cho mọi phương diện của hoạt động xây dựng. Các thiết bị có phần cán tay cầm tròn, có đệm để mang vác vận chuyển những vật nặng; các thiết bị kéo có hoặc không có động cơ, các bệ kéo sử dụng trong nhà xưởng hoặc ngoài trời; các thiết bị kéo có bánh xe để vận chuyển các vật liệu dạng tấm, ống hoặc cáp điện; các loại khung hoặc giá đỡ để giữ vật liệu trong suốt quá trình lắp đặt.
Các thiết bị nâng cơ học, thủy lực và chân không sẵn có với nhiều kiểu dáng và kích cỡ. Một số thiết bị cho phép sắp xếp các cấu kiện và vật liệu khá dễ dàng.
Trong một số trường hợp, chi phí và điều kiện mặt bằng thi công có thể hạn chế việc sử dụng các dạng thiết bị nêu trên.
Thiết bị nâng chân không hỗ trợ tránh nâng bằng tay
Thay đổi quy tắc làm việc
Ví dụ, các nhà thầu có thể yêu cầu vật liệu được lưu kho ở một độ cao cách sàn nhà phù hợp và được vận chuyển hầu hết trong mọi trường hợp bằng các phương tiện cơ giới. Quy hoạch nâng cấp các khu vực xếp dỡ và lưu kho vật liệu có thể giảm thiểu số lần vật liệu cần phải di chuyển.
Tổ chức tập huấn và các chương trình liên quan khác
Chính sách cung cấp hoạt động tập huấn về ecgônômi có thể hỗ trợ người lao động xác định những vấn đề tiềm ẩn nhanh hơn và tìm ra các giải pháp hiệu quả.
Các chương trình rèn luyện sức khỏe tại nơi làm việc rất phổ biến trong ngành xây dựng. Mặc dù những chương trình này có thể là một phần của bất kỳ nỗ lực nhằm phòng ngừa rối loạn cơ và khớp, không nên coi các chương trình học tập là giải pháp thay thế cho những giải pháp cần phải có. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy các chương trình này phòng chống được chấn thương. Nghiên cứu chỉ ra rằng các bài tập rèn luyện sức khỏe chỉ pháp huy hiệu quả trong thời gian ngắn trong việc giảm thiểu tình trạng đau vùng thắt lưng. Cũng chưa có một bằng chứng nào ủng hộ việc sử dụng “giáo dục cơ học thân thể” như một phương tiện hiệu quả để phòng ngừa chứng đau lưng hoặc các rối loạn nặng liên quan đến vùng lưng. Trong ấn bản của mình, NIOSH cũng không khuyến cáo sử dụng các loại đai lưng để phòng ngừa chấn thương vùng lưng.
Trong tài liệu hướng dẫn của NIOSH thì tập huấn là hoạt động đặc biệt quan trọng. NIOSH khuyến cáo một người không nên nâng quá 51 lbs. Khi tiến hành nâng có thể áp dụng những kinh nghiệm sau:
– Khi nâng hoặc đặt một tải trọng, không với ra xa quá 10 inchs (1 inch = 2,54 cm).
– Không vặn người.
– Nâng kết hợp cùng hai chân, không dùng lưng để nâng. Giữ lưng càng thẳng càng tốt.
– Nâng vật sử dụng cán cầm đặc được cầm bằng cả hai tay.
Khi nâng, cầm và sắp xếp vật liệu trên mặt bằng công trường, người lao động không thể luôn tuân thủ đúng theo các yêu cầu kể trên. Trong trường hợp này, giới hạn trọng lượng cần thấp hơn 51 lbs.
Biên dịch: Bích Hà
(Nguồn tin: cdc.gov/niosh)
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)