Các nguy cơ gây tai nạn lao động khi sử dụng máy, thiết bị thi công xây dựng và biện pháp phòng tránh

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:06(GMT +7)

Đối với mỗi nhóm máy xây dựng, các nhà sản xuất đều đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn khi làm việc với từng máy hoặc thiết bị. Tuy nhiên, khi sử dụng các máy hoặc thiết bị đó vào thực tế thi công thì cần có các yêu cầu và biện pháp an toàn thích hợp với thực tế thi công đó.

CÁC NGUY CƠ GÂY TAI NẠN LAO ĐỘNG KHI LẮP ĐẶT VÀ SỬ DỤNG MÁY, THIẾT BỊ THI CÔNG XÂY DỰNG

Thiếu sót trong quản lý máy

– Không thực hiện đăng ký, kiểm định, khám nghiệm hoặc thực  hiện chế độ duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa đúng quy định.

– Giao trách nhiệm không rõ ràng trong việc quản lý và sử dụng máy.

– Thiếu hoặc không có hồ sơ, lý lịch, tài liệu hướng dẫn về lắp đặt, sử dụng và bảo quản máy.

Tình trạng máy sử dụng không tốt

Máy không hoàn chỉnh

– Thiếu các thiết bị cảnh báo nguy hiểm hoặc có nhưng hoạt động không chính xác, ví dụ như: chuông, còi báo động khi thiết bị nâng bị quá tải; đồng hồ báo áp suất ở các máy nén khí, đồng hồ báo hiệu điện thế và cường độ dòng điện,…;

– Thiếu các thiết bị an toàn hoặc có nhưng đã bị hỏng, mất tác dụng hoặc hoạt động không chính xác. Do đó, máy có thể xuất hiện các yếu tố nguy hiểm khi phải làm việc quá tính năng hoặc giới hạn cho phép. Đặc biệt là khi máy thiếu các thiết bị khống chế quá tải (bộ phận đối trọng của các máy nâng, hạ); van xả khi áp suất máy nén khí quá cao; hoặc cầu chảy khi cường độ điện tăng cao quá giá trị cho phép,….

Máy đã hư hỏng

– Các hỏng hóc của máy phát sinh trong quá trình sử dụng do tác động của ngoại lực dưới dạng cơ, nhiệt, hoá năng nếu không được sửa chữa, thay thế đúng lúc sẽ gây ra sự cố, tai nạn.

– Các bộ phận, chi tiết cấu tạo của máy bị biến dạng, cong vênh, méo hoặc móp,… như đứt bulông hoặc bong mối hàn,…

– Hộp số bị trục trặc làm cho vận tốc chuyển động theo phương ngang, phương đứng hoặc xoay không chính xác theo sự điều khiển.

– Hệ thống phanh điều khiển bị rơ mòn, mômen phanh tạo ra nhỏ không đủ tác dụng hãm.

Máy bị mất cân bằng ổn định

Mất ổn định đối với máy đặt cố định hay di động là một trong những nguy cơ chủ yếu gây ra sự cố và tai nạn. Mất cân bằng dẫn tới rung lắc hoặc nghiêng làm cho các thao tác kém chính xác hoặc có thể làm lật đổ máy.

Những nguy cơ gây mất ổn định thường là:

– Máy đặt lên nền (móng) không vững chắc như nền đất yếu gây  lún hoặc đất dốc vượt quá góc nghiêng cho phép. Xe vận chuyển đất bị nghiêng do nền đất bị lún.

– Cẩu hoặc nâng vật quá trọng tải cho phép đối với máy xúc hoặc cần trục.

– Không tuân theo các vận tốc chuyển động qui định khi di chuyển, nâng, hạ vật hoặc khi quay (gây ra mômen ly tâm lớn). Đặc biệt khi phanh hãm đột ngột có thể gây lật đổ máy.

– Bị tác dụng của ngoại lực lớn như bị xô đẩy do các phương tiện vận chuyển, do các máy khác va chạm phải hoặc khi máy làm việc mà có gió lớn (trên cấp 6), đặc biệt đối với các máy có trọng tâm ở cao như cần trục tháp,…

Thiếu các thiết bị che chắn hoặc rào ngăn vùng nguy hiểm

Vùng nguy hiểm của máy móc là khoảng không gian trong đó có các yếu tố tác dụng thường xuyên hay nhất thời có thể gây ra mối nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng con người. Các máy phục vụ xây dựng đều có vùng nguy hiểm nhất định. Các nguy cơ gây tai nạn lao động chủ yếu là:

– Máy cắt, kẹp hoặc cuộn vào áo, quần hoặc các bộ phận của cơ thể người lao động  (tóc, tay hoặc chân) ở các bộ phận chuyển động, ví dụ như: vùng nằm giữa dây xích và bánh răng;  giữa  dây  đai  truyền (dây curoa) và trục quay; giữa  hai  bánh răng; hoặc giữa hai trục cán, ép,… Tai nạn lao động đã xảy ra khi công nhân làm việc với máy cưa mà lưỡi cưa không được bao che.

– Các mảnh dụng cụ và vật liệu gia công văng bắn vào người như: mảnh vỡ của đá mài, răng đĩa máy cưa, phoi tiện hoặc các đầu mẩu gỗ,….

– Bụi hoặc hơi khí độc tỏa ra ở các máy như máy đập đá, máy  phun sơn,… gây nên các ảnh hưởng tới mắt, cơ quan hô hấp hoặc tiêu hóa – là nguyên nhân gián tiếp gây tai nạn lao động, như.

– Các bộ phận máy va đập vào người; đất, đá hay vật được cẩu  rơi xuống người (khi họ đứng trong vùng nguy hiểm – vùng hoạt động trong tầm với của cần trục, khoang đào ở các máy đào hoặc máy xúc,…).

Gặp sự cố tai nạn điện

– Xe hoặc máy thi công đè lên dây điện đặt dưới đất hoặc va chạm vào đường dây điện trên cao.

– Bị giật do dòng điện rò ra vỏ hoặc các bộ phận kim loại của máy bị hỏng chất cách điện.

– Dây điện bị quá tải, gây cháy dây và có nguy cơ hỏa hoạn.

– Vi phạm các qui định về phòng chống cháy nổ khi làm việc với điện.

Thiếu ánh sáng

Chiếu sáng không đủ hoặc quá mạnh trong các nhà xưởng, tại vị trí làm việc (ban ngày, đêm hoặc lúc trời sương mù,…) làm cho người lao động không nhìn rõ các bộ phận trên máy và khu vực xung quanh. Đó là một trong những nguy cơ có thể dẫn tới tai nạn lao động.

Do người vận hành máy

– Không bảo đảm trình độ chuyên môn như: chưa thành thạo tay nghề, các thao tác không chuẩn xác, chưa có kinh nghiệm xử lý kịp thời các sự cố….

– Vi phạm điều lệ, nội quy, quy phạm về an toàn như sử dụng  máy không đúng công dụng, tính năng kỹ thuật (quá công suất, quá tải hoặc quá tốc độ,…).

– Không bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe như mắt kém, tai  nghễnh ngãng hoặc bị các bệnh về tim mạch….

– Vi phạm kỷ luật lao động như rời khỏi máy khi máy còn đang hoạt động, say rượu, bia trong lúc vận hành máy; giao máy cho người không có nhiệm vụ và nghiệp vụ điều khiển,….

CÁC BIỆN PHÁP ĐỀ PHÒNG TAI NẠN LAO ĐỘNG KHI SỬ DỤNG MÁY, THIẾT BỊ THI CÔNG XÂY DỰNG

Biện pháp về tổ chức

Tổ chức tốt việc quản lý máy

Thủ trưởng đơn vị sử dụng quyết định bằng văn bản cho đơn vị và cá nhân chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng máy, bao gồm: Quản lý hồ sơ, lý lịch, thuyết minh, hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt, bảo quản và sử dụng an toàn; thực hiện đăng kiểm với cơ quan chức năng nhà nước những máy thuộc diện đăng kiểm; thực hiện bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ theo kế hoạch. Khi có sự cố hay hư hỏng máy, phải thực hiện sửa chữa, đại tu, chạy thử và thử nghiệm theo quy chế của nhà sản xuất.

Tuyển chọn và sử dụng thợ vận hành

Người vận hành máy phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

– Có giấy chứng nhận bảo đảm sức khỏe do cơ quan y tế cấp.

– Có văn bằng, chứng chỉ về đào tạo chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp.

– Có thẻ hoặc giấy chứng nhận đã được huấn luyện về an toàn lao động.

– Được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp  với công việc thực hiện.

Bảo đảm chất lượng máy tốt, an toàn khi vận hành

Có đầy đủ các thiết bị an toàn phù hợp, hoạt động chính xác và bảo đảm độ tin cậy

Theo chức năng và công dụng, các thiết bị an toàn được phân thành các nhóm chủ yếu sau: thiết bị an toàn tự động, thiết bị phòng ngừa và thiết bị phát tín hiệu khi có nguy hiểm.

– Thiết bị an toàn tự động có tác dụng làm ngừng hoạt động của một bộ phận nào đó khi nó làm việc đến mức giới hạn cho phép (ví dụ:  thiết bị không chế quá tải ở cần trục) hoặc làm giảm tác động của yếu tố nào đó đã vượt qua giới hạn cho phép (ví dụ: van giảm áp của thiết bị chịu áp lực,….).

– Thiết bị phòng ngừa có tác dụng báo hiệu mức độ làm việc của máy (ví dụ: thiết bị chỉ sức nâng của cần trục ở tầm với tương ứng hoặc áp kế ở thiết bị chịu áp lực,….).

– Thiết bị phát tín hiệu khi có nguy hiểm như ánh sáng, màu sắc hoặc âm thanh.

Kiểm tra, thử nghiệm độ bền và độ tin cậy của các bộ phận, cơ cấu chuyển động và các chi tiết máy:

– Kiểm tra độ bền của dây cáp hoặc dây xích: Không để dây cáp hay dây xích bị kéo căng quá lực căng cho phép.

– Trong quá trình sử dụng, dây cáp hoặc dây xích sẽ bị hư mòn, có thể bị đứt trong quá trình làm việc và gây nguy hiểm, do đó phải tiến hành kiểm tra để loại bỏ khi không còn bảo đảm tiêu chuẩn.

– Kiểm tra thử nghiệm các bộ phận kết cấu: Tất cả các máy móc thiết bị sau khi lắp đặt, sửa chữa lớn hay sau một quá trình làm việc phải được kiểm tra thử nghiệm theo quy định của nhà sản xuất. Một trong những phương pháp kiểm tra là thử quá tải. Thử quá tải thường áp dụng với cần trục hoặc thiết bị chịu áp lực….

– Kiểm tra phanh: Phanh là một cơ cấu rất quan trọng để bảo đảm an toàn khi vận hành máy, tác dụng của nó là dùng để giảm hoặc ngừng chuyển động của một bộ phận nào đó. Luôn kiểm tra để đảm bảo mômen do phanh sinh ra thắng được mômen ở trục quay của máy. Khi phanh không còn tác dụng thì phải loại bỏ ngay.

Bảo đảm sự ổn định của máy

Sự ổn định của bất kỳ loại máy xây dựng nào đều là điều kiện cần thiết để sử dụng máy an toàn. Sự ổn định cần được bảo đảm đối với máy đặt cố định ở một chỗ, khi di chuyển, trong lúc máy làm việc hoặc khi không làm việc.

Cần chú ý một số nguyên tắc chính như sau:

– Không cẩu quá tải làm tăng mômen lật.

– Không đặt cần trục lên nền hoặc đường ray có độ dốc lớn.

– Không phanh đột ngột khi hạ vật cẩu.

– Không quay cần trục hay tay cần nhanh.

– Không nâng hạ tay cần nhanh.

– Không làm việc khi có gió lớn (trên cấp 6).

Lắp đặt các thiết bị che chắn và rào ngăn vùng nguy hiểm của máy

Thiết bị che chắn và rào ngăn có tác dụng ngăn cách các bộ phận cơ thể của người làm việc xâm phạm vùng nguy hiểm của máy để không xảy ra tai nạn lao động. Tất cả các loại thiết bị che chắn và rào ngăn đều phải đáp ứng các yêu cầu sau:

– Phải ngăn ngừa được tác động của các yếu tố nguy hiểm lên người. Thiết bị che chắn tay người làm việc chạm phải lưỡi cưa máy.

– Phải bền chắc dưới các tác động của cơ, nhiệt hoặc hoá năng vì các tác động này có thể gây biến dạng hình học, nóng chảy hoặc ăn mòn máy.

– Không gây cản trở cho việc quan sát, xem xét, làm vệ sinh hoặc tra dầu mỡ các bộ phận được che chắn.

– Luôn khóa máy (để ngắt nguồn năng lượng) khi dùng xong để tránh những người không có trách nhiệm thao tác máy.

Thực hiện các biện pháp đề phòng sự cố tai nạn điện

Đề phòng bị điện giật khi chạm vào các phần mang điện

– Đảm bảo cách điện tốt cho các thiết bị và đường dây. Thường xuyên kiểm tra chất cách điện (ít nhất một năm một lần). Nếu dòng điện dò vượt quá 10mA đối với dòng điện xoay chiều và 50mA đối với dòng điện một chiều thì phải thay thế chất cách điện.

– Bao che, ngăn cách các bộ phận mang điện.

– Nếu vỏ máy, dây điện bị vỡ, hở hoặc thủng thì phải thay ngay.

– Cầu dao, công tắc điện của máy phải để trong hộp kín có khóa ở những nơi khô ráo và thuận tiện cho thao tác.

– Khi đang làm việc mà mất điện thì phải ngắt điện cho các máy khỏi lưới điện.

Đề phòng bị giật điện khi chạm vào vỏ máy bị chạm mát

Thực hiện nối đất từ vỏ máy. Điện trở nối đất là cọc sắt hoặc nhôm có điện trở Rnđ nhỏ hơn 4 Ω.  Trường hợp a) nối vỏ máy qua dây trung tính, áp dụng trong trường hợp máy sử dụng nguồn điện có dây trung tính nối đất (thường là từ lưới điện quốc gia); trường hợp b) nối vỏ máy trực tiếp xuống đất, áp dụng trong trường hợp máy sử dụng nguồn điện mà không có dây trung tính (thường là từ máy phát điện chạy xăng hoặc dầu).


(Nguồn tin: Trích “ATVSLĐ trong xây dựng”)