Các yếu tố rủi ro ecgonomi chính là gì?

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:52(GMT +7)

Phần này giải thích các yếu tố rủi ro ecgonomi chính và kiểm tra tác động của chúng đối với sức khỏe con người bằng việc sử dụng các ví dụ tại nơi làm việc.

Các yếu tố rủi ro ecgonomi vật lý có thể gây hại cho cơ thể và có thể người lao động bị chấn thương cơ xương hoặc bệnh tật. Có nhiều yếu tố rủi ro ecgonomi vật lý, bao gồm:

• lực, ví dụ như nâng, đẩy, kéo hoặc mang vác vật nặng;

• tư thế bất lợi, ví dụ như vặn, vươn hoặc uốn;

• sự lặp lại và thiếu thời gian phục hồi;

• công việc tĩnh, và

• các yếu tố môi trường, ví dụ thiếu không gian, bề mặt làm việc không bằng phẳng, thiết kế khu vực làm việc kém, ánh sáng kém.

Các ví dụ dưới đây minh họa các yếu tố rủi ro ecgonomi chính có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện công việc hiệu quả.

Lực

Điều cần thiết là phải xem xét các loại vật nặng được nâng, đặc biệt là cân nặng và kích cỡ của chúng.

Vấn đề chính đối với các công việc có yêu cầu nâng vật nặng là tải cơ quá mức, đặc biệt là trên đĩa đệm cột sống thắt lưng. Lực tăng lên do nâng vật nặng bằng tay mang lại sự gia tăng đột ngột và mạnh mẽ áp lực bên trong các đĩa đệm và có thể nhanh chóng làm chúng quá tải. Lực từ việc nâng vật nặng trở nên lớn hơn gấp mười lần trong cột sống.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong quá trình nâng, các lực lớn nhất được tạo ra trong cơ thể người, và các đĩa đệm ở vùng thắt lưng dưới (đặc biệt là đĩa đệm L5/S1) có rủi ro cao nhất. Lực hoặc trọng lượng của tải được nâng lên càng lớn, lực nén trên cột sống càng lớn và nguy cơ đối với các đĩa đệm ở lưng dưới càng lớn.

Khi lực cơ tăng lên do lực tải nặng, sự tuần hoàn máu đến cơ giảm và điều này gây ra mỏi cơ nhanh hơn. Nếu không có thời gian phục hồi, có khả năng chấn thương mô mềm, đặc biệt nếu trọng lượng tải là đáng kể.

Hình 2 minh họa yếu tố rủi ro ecgonomi về lực. Hai công nhân xây dựng được yêu cầu nâng thủ công một tấm đá nặng 80kg và sau đó giữ nó trong khi nó được ốp cố định vào cạnh tường. Công việc này dẫn đến lực nén lớn trên toàn thân và khiến những công nhân đó có nguy cơ bị chấn thương.

Để loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ chấn thương, cần thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo an toàn. Trong Hình 3, sức khỏe, sự thoải mái và hiệu suất của con người đối với hoạt động này đã được cải thiện khi áp dụng hệ thống xử lý chân không để nâng tấm đá – đây là một ví dụ tuyệt vời về thực hành ecgonomi tốt.

  

Tư thế bất lợi

Một tư thế cá nhân, phạm vi và thao tác của họ là các khía cạnh quan trọng trong việc thực hiện công việc. Tư thế và động tác phụ thuộc vào nhiệm vụ và môi trường làm việc. Các cơ bắp, gân, dây chằng và khớp đều có liên quan khi áp dụng một tư thế, thực hiện một động tác và áp dụng một lực. Tư thế xấu hoặc bất lợi có thể dẫn đến căng cơ, dây chằng và khớp, từ đó dẫn đến đau cổ, vai và các bộ phận khác của hệ thống cơ xương.

Khi duy trì một tư thế hoặc di chuyển, các khớp phải được giữ ở vị trí trung lập (xem Hình 4). Ở vị trí trung lập, các cơ và dây chằng được kéo dài ít nhất có thể.

Ví dụ về các tư thế xấu trong khi nâng bao gồm cánh tay giơ lên và/hoặc thân uốn cong và xoắn. Trong những tư thế như vậy, các khớp không ở vị trí trung lập. Nhiệm vụ công việc được mô tả trong Hình 5 cho thấy người công nhân đang thao tác trong tư thế bất lợi: nâng và đặt một vật nặng lên vị trí cao quá đầu, làm tăng áp lực lên các cơ lưng.

Ngoài việc nâng một vật nặng lên cao quá đầu, người công nhân trong Hình 5 cũng phải giữ vật nặng ở xa cơ thể. Yếu tố này làm tình huống trở nên xấu hơn bởi vì khi giữ một vật nặng ở xa cơ thể 1 sải tay sẽ làm tăng mức độ căng thẳng lên khoảng 5 lần so với khi giữ cùng một tải trọng gần sát với cơ thể (xem Hình 6).

Sự lặp lại và thiếu thời gian phục hồi

Cơ thể con người không được thiết kế cho các hành động lặp đi lặp lại nhiều. Thực hiện cùng một hoạt động lặp đi lặp lại, sử dụng cùng các cơ, gân và khớp, có thể dẫn đến chấn thương. Nhiệm vụ càng lặp đi lặp lại, các cơn co thắt cơ bắp càng nhanh và thường xuyên. Do đó, các nhiệm vụ đòi hỏi tỷ lệ lặp lại cao liên quan đến lực cơ bắp nhiều hơn và đòi hỏi nhiều thời gian hơn để phục hồi.

Cơ thể con người có khả năng phục hồi tuyệt vời nếu có đủ khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa các khoảng thời gian làm việc lặp đi lặp lại. Khi thời gian phục hồi không đủ, và khi sự lặp lại cao được kết hợp với tư thế mạnh mẽ và bất lợi, người đó có nguy cơ cao bị chấn thương cơ xương khớp. Công việc bốc hàng hóa từ vị trí lưu trữ và đặt chúng lên xe đẩy là một ví dụ về công việc liên quan đến các hoạt động xử lý lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Một ví dụ khác là việc nhập dữ liệu lặp đi lặp lại trên máy tính.

Để giải quyết yếu tố rủi ro ecgonomi của sự lặp đi lặp lại, điều quan trọng là phải nỗ lực để đánh giá việc thiết lập nơi làm việc và xem xét các hoạt động công việc để có thời gian phục hồi phù hợp. Nghỉ ngơi trong công việc thể chất để phục hồi và thời gian nghỉ ngơi là rất cần thiết với hoạt động công việc lặp đi lặp lại. Vì sự phục hồi là nhanh nhất ở thời điểm bắt đầu nghỉ ngơi, do đó, nhiều lần nghỉ trong thời gian ngắn có lợi hơn là cho phép nghỉ một vài lần gián đoạn dài hơn.

Công việc tĩnh

Công việc tĩnh liên quan đến việc duy trì cùng một tư thế trong một thời gian dài. Tải tĩnh của cơ đòi hỏi sự co cơ liên tục, có thể dẫn đến giảm lưu lượng máu đến cơ, chèn ép cơ và dẫn đến tăng mệt mỏi.


Một ví dụ về công việc tĩnh là khi một người được yêu cầu bốc và đặt vật nặng trong suốt quá trình vận hành đóng gói, như trong Hình 7. Khi xếp hàng vào hộp trên băng tải, người vận hành phải đứng ở một vị trí trong khoảng thời gian dài. Khi hộp đầy, người vận hành di chuyển hộp sản phẩm đến một pallet được đặt rất gần băng tải, dẫn đến chuyển động hạn chế và phải vặn xoắn cơ thể để đặt vào pallet.

Một giải pháp khả thi để giảm thiểu rủi ro của công việc tĩnh và chuyển động vặn xoắn là sử dụng một xe nâng pallet có chiều cao thay đổi được và vị trí của xe đủ xa để người vận hành có thể di chuyển hợp lý khi chuyển các hộp sang pallet. Sự can thiệp này sẽ làm giảm thời gian của tư thế tĩnh, loại bỏ các tư thế vặn xoắn, uốn và tăng chuyển động cơ thể.

Yếu tố môi trường

Các yếu tố môi trường làm tăng rủi ro ecgonomi bao gồm thiếu không gian, sàn không bằng phẳng, đường dốc và thiết kế khu vực làm việc kém. Không gian bị hạn chế sẽ dẫn đến tư thế làm việc khom lưng và vật cản có thể làm tăng nhu cầu vặn, vươn hoặc nghiêng cơ thể.

Lấy thiết kế bàn làm việc làm ví dụ, cần thiết kế để người sử dụng có thể hạn chế phải vươn về phía trước và với sang hai bên để tránh phải uốn cong hoặc vặn xoắn cơ thể. Thiết bị làm việc và dụng cụ được sử dụng thường xuyên nên được đặt trực tiếp ở phía trước hoặc gần cơ thể.

Hình 8 cho thấy một khu vực làm việc đã được thiết lập để đảm bảo rằng các mục nằm trong mỗi phạm vi tiếp cận, điều này đôi khi được gọi là vùng tiếp cận thuận tiện.

Khi có nhiều hơn một người sử dụng khu vực làm việc, cần thiết kế để có thể dễ dàng điều chỉnh chiều cao của bàn làm việc phù hợp với kích thước của từng cá nhân.


(Nguồn tin: hsa.ie)