CÁC YẾU TỐ TÁC HẠI NGHỀ NGHIỆP

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:26(GMT +7)

Tác hại nghề nghiệp không hẳn sẽ mãi mãi gắn chặt với nghề nghiệp và không thể nào tránh được. Trái lại, con người có khả năng dự phòng nó, hạn chế nó, thay đổi nó, thậm chí loại trừ hẳn nó ra khỏi điều kiện làm việc.

Thế nào là yếu tố tác hại nghề nghiệp?

Các yếu tố có trong quá trình công nghệ, quá trình lao động và hoàn cảnh nơi làm việc có thể gây ảnh hưởng nhất định đối với trạng thái cơ thể và sức khoẻ người lao động. Các yếu tố đó được gọi là yếu tố vệ sinh nghề nghiệp hay yếu tố nghề nghiệp.

Khi các yếu tố nghề nghiệp có tác dụng xấu đối với sức khoẻ và khả năng làm việc của người lao động thì được gọi là các yếu tố tác hại nghề nghiệp. Những bệnh tật chủ yếu do tác hại nghề nghiệp gây nên được gọi là những bệnh nghề nghiệp.

Phân loại các yếu tố tác hại nghề nghiệp

Các yếu tố tác hại nghề nghiệp chủ yếu gặp trong sản xuất được chia thành 4 loại:

Tác hại nghề nghiệp liên quan đến quá trình công nghệ sản xuất

– Yếu tố vật lý:

+ Điều kiện khí tượng xấu ( nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, bức xạ nhiệt.)

+ Bức xạ điện từ ( sóng vô tuyến điện, điện từ trường cao tần).

+ Bức xạ ion hoá ( tia X, tia bức xạ khác)

+ Tiếng ồn, rung chuyển.

+ Áp lực cao, thấp.

Yếu tố hoá học và lý hoá:

+ Các chất độc trong sản xuất.

+ Bụi trong sản xuất.

– Yếu tố sinh học:

+ Sự cảm nhiễm và sự xâm nhập của vi sinh vật và ký sinh trùng.

+ Sự tiếp xúc với người bệnh hoặc súc vật mắc bệnh, hoặc bị súc vật mắc bệnh cắn, đốt…

Tác hại nghề nghiệp liên quan tới tổ chức lao động

– Thời gian làm việc quá lâu, thông ca, làm thêm giờ.

– Cường độ lao động, nghỉ ngơi không hợp lý.

– Sự bất hợp lý trong việc sắp xếp sức lao động, sử dụng công cụ phương tiện lao động quá nặng , không phù hợp với kích thước của người lao động.

– Làm việc ở tư thế gò bó quá lâu, công việc lặp đi lặp lại…

– Sự căng thẳng quá mức của 1 cơ quan hoặc của 1 hệ thống nào đó.

Tác hại nghề nghiệp liên quan đến điều kiện vệ sinh nơi làm việc

– Diện tích phân xưởng chật hẹp, máy móc thiết bị đặt quá sát nhau.

– Thiếu thiết bị thông gió, thoáng khí hoặc có nhưng hiệu lực kém.

– Thiếu thiết bị bao che và cách nhiệt để chống nóng, chống bụi, chống hơi khí độc, hoặc có nhưng không hoàn hảo.

– Chiếu sáng chưa tốt, ánh sáng không đủ hoặc chiếu sáng không hợp lý.

– Việc thực hiện các qui tắc vệ sinh công nghiệp và an toàn lao động còn chưa triệt để.

– Thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động.

Tác hại nghề nghiệp liên quan đến tâm sinh lý người lao động

– Quá tải về thể lực (cơ tĩnh,cơ động), hoặc phải làm việc ở tư thế bắt buộc

– Quá tải về thần kinh tâm lý được chia ra:

+ Tính đơn điệu của công việc, do phải lặp lại nhiều lần các phần việc, chu kỳ ngắn, cùng một kiểu, được biểu thị bằng thời gian phải lặp đi lặp lại công việc đó (mức độ ít và trung bình khi chu kỳ thường xuyên được lặp lại từ 1/2 đến 1 phút, mức độ cao khi chu kỳ dưới 0,5 phút)

+ Căng thẳng thần kinh và các giác quan do công việc điều khiển máy móc phức tạp (điều khiển điện thoại, điện báo viên…)

+ Nhịp điệu làm việc được biểu thị bằng số động tác trong 1 phút.


(Nguồn tin: )