Cải thiện điều kiện an toàn máy trong sản xuất nông nghiệp
1. Sự cần thiết trong sử dụng máy để phát triển nông nghiệp
Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp là vấn đề trọng tâm trong nền kinh tế quốc dân, ngành nông nghiệp thu hút khoảng 25 triệu lao động chiếm gần 67% lực lượng lao động xã hội tham gia sản xuất, đóng góp khoảng 23% GDP trong nền kinh tế quốc dân. Hiện nay, trong cả nước có khoảng 18.000 hợp tác xã, 130.000 trang trại các loại. Việc đầu tư vào phát triển khoa học kỹ thuật, nhằm đưa thiết bị máy móc thay thế cho lao động thủ công, giải quyết khâu nặng nhọc, tính thời vụ và tổn thất nông nghiệp cho bà con nông dân, để phát triển các hợp tác xã, trang trại theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Trong một số ngành sản xuất như: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông lâm thủy hải sản, hầu hết các khâu (ngay từ các khâu làm đất, trồng trọt, chăm bón tới lúc thu hoạch và bảo quản sản phẩm) đều cần có thiết bị kỹ thuật hiện đại hỗ trợ nhằm cải thiện điều kiện lao động và tăng năng xuất sản phẩm. Bên cạnh những ích lợi từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật cũng có những khó khăn đó là những tai nạn đáng tiếc trong việc sử dụng các loại máy móc đó. Theo Cục An toàn lao động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cứ 100.000 lao động trong khu vực nông nghiệp, có gần 800 người bị tai nạn lao động khi sử dụng điện và 850 người bị tai nạn lao động trong sử dụng máy nông nghiệp, riêng trong các trang trại đã có 22,6% số người lao động bị tai nạn, trong đó 6,2% bị máy cán, cuốn, kẹp. Nguyên nhân chính là do phần lớn lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo, họ thường làm việc theo kinh nghiệm. Người dân thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng máy trong sản xuất nông nghiệp, khi mua máy về tự học, tự làm mà không có người hướng dẫn bài bản. Việc tìm ra những giải pháp để cải thiện điều kiện lao động, sử dụng an toàn máy trong sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế tai nạn lao động trong nông nghiệp là rất cần thiết.
2. Thực trạng sử dụng các loại máy trong sản xuất nông nghiệp
Hiện nay, sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang là nhu cầu cấp thiết, việc ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số chủng loại máy mới được đưa vào sản xuất tại các khâu như: máy cày, máy bừa, máy đập tách hạt, máy bơm nước; gieo mạ khay, khâu cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, gặt lúa, xúc đào mương, v.v.. Cùng với việc gia tăng sử dụng máy móc, các vụ tai nạn lao động trong nông nghiệp cũng gia tăng, để lại những thương tích nặng nề cho người nông dân, nhiều trường hợp dẫn tới tử vong.
– Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có gần máy kéo các loại với tổng công suất trên 5 triệu mã lực – tăng 4 lần so với năm 2001, có 589.000 máy tuốt, đập lúa, riêng Đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL) có hơn 11 ngàn máy gặt các loại trong đó, hơn 6.600 máy gặt đập liên hợp. Một số địa phương cũng có xu hướng gia tăng sử dụng máy móc nông nghiệp như:
Thành phố Hải Phòng là địa phương sớm áp dụng cơ khí hóa vào sản xuất nông nghiệp. Trong những giai đoạn trước năm 1990 trên địa bàn thành phố đã có trên 300 máy kéo MTZ (Liên Xô) từ 50CV trở lên, 50 máy ủi DT 75CV và gần 200 máy kéo tay loại 10 – 12CV sử dụng trong làm đất, san ủi cải tạo đồng ruộng, vận chuyển trong nông thôn.
Tỉnh Tuyên Quang, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quan tâm đầu tư, số lượng máy móc tăng nhanh qua các năm. Toàn tỉnh hiện có gần 30.000 máy nông nghiệp các loại, bước đầu giải phóng được sức lao động của con người trong các khâu nặng nhọc, đảm bảo đúng thời vụ, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất. Tại các khâu làm đất, đạt 48.987,86 ha, chiếm 68,4% diện tích đất gieo trồng; khâu gieo cấy 2.346 ha, đạt 3,28% diện tích đất gieo trồng; khâu chăm sóc 3.022,8ha, đạt 4,22%; khâu thu hoạch 10.232,6 ha, đạt 14,29%; khâu tuốt, tách hạt 31.338,51 ha, đạt 44,52%. Đối với các loại cây trồng, cây lúa đạt mức độ cơ giới hóa cao nhất, đạt 78,07%; tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa ở các khâu sản xuất chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, tuốt lúa, còn các khâu khác lao động thủ công vẫn là chủ yếu. Tỷ lệ này đối với cây ngô, lạc mức độ cơ giới hóa đạt 53,81%; cây đậu tương đạt 74,35%; cây mía 53,39%; cây chè đạt 35,93% diện tích gieo trồng 1.
Tỉnh Vĩnh Phúc, tính trung bình trên địa bàn tỉnh, đối với cây lúa, khâu làm đất bằng máy chiếm khoảng 80% diện tích, lúa gieo thẳng bằng giàn kéo tay chiếm 2,68% diện tích; chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh chiếm 5,05%. Trong khâu thu hoạch lúa, nông dân đã bất đầu mạnh dạn đầu tư máy gặt đập liên hợp và đưa vào sử dụng2.
Thành phố Hà Nội, việc sử dụng máy trong sản xuất nông nghiệp trên hầu hết các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thuỷ sản… Trong năm 2013, thành phố đã đầu tư 460 máy làm đất 15 mã lực và 195 máy làm đất 24 mã lực, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất từ 69,22% lên 85,1%; 78 máy gặt đập liên hợp, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa từ 7,8% lên 10,1%; 167 máy cấy, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cấy lúa từ 0,04% lên 1,64%. Thành phố phấn đấu đến năm 2016, mục tiêu đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 90%, gieo cấy đạt 20%, gặt đập 30%, phun thuốc trừ sâu đạt 40%, vắt sữa bò đạt 50%, quạt nước thủy sản 15%. Nhưng so với các quốc gia khác, cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam chỉ mới bằng khoảng 1/3 Thái Lan; 1/4 Hàn Quốc và 1/6 Trung Quốc. Trong đó, máy móc thiết bị chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; máy móc nội địa thiếu và yếu, thậm chí phải nhập máy đã qua sử dụng chính vì vậy công tác kiểm tra thanh tra công tác an toàn máy này trước khi đưa vào vận hành là rất cần thiết3.
Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diện tích làm đất bằng máy đạt 100%, máy bơm tưới tiêu hơn 90%… Toàn vùng có gần 1.800 máy gặt đập liên hợp và 3.500 máy gặt xếp dãy, trong số đó, phần lớn là máy gặt đập liên hợp có xuất xứ từ Trung Quốc nên công tác bảo đảm an toàn chưa được quan tâm4.
Tại một số tỉnh trong khâu làm đất, gieo trồng, tưới tiêu thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt cao như: ở Thanh Hóa, Gia Lai, Tây Ninh, Đồng Nai việc sử dụng máy trong khâu làm đất đạt khoảng 80%, đối với vùng chuyên trồng rau đạt 90%, đất trồng Sắn đạt 80%, đối với đất trồng ngô đạt khoảng 70%.
Bên cạnh đó, việc sử dụng máy bơm nước cũng không ngừng gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thủy lợi tại các khâu tưới tiêu hiện nay, cả nước có 16.000 trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng 7.130 trạm so với năm 2001, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa chiếm 23,2% và trên 2 triệu máy bơm nước các loại sử dụng trong nông nghiệp.
Việc ngày càng gia tăng cơ giới hóa, chuyên môn hóa nông nghiệp không đi cùng với đào tạo, huấn luyện kỹ năng cũng như các biện pháp bảo hộ lao động cũng tạo những vụ tai nạn lao động đáng tiếc. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam có hàng triệu người lao động bị thương nghiêm trọng do các vụ tai nạn với máy móc sử dụng trong nông nghiệp, nhiễm độc thuốc trừ sâu và các chất hoá học khác. Số liệu mới đây của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động cho thấy có tới 39% các tai nạn lao động do các loại máy trong sản xuất nông nghiệp gây nên. Theo thống kê khác tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, mỗi năm trung bình có gần 100 ca cấp cứu tai nạn liên quan đến máy nông nghiệp, trong đó chiếm phần lớn là do máy cày bằng tay. Tuy nhiên, trên thực tế các con số thống kê về các vụ tai nạn lao động trong nông nghiệp còn hạn chế. Đây là những con số được thống kê, còn rất nhiều những vụ tai nạn chưa được thống kê.
3. Nguyên nhân gây mất an toàn vệ sinh lao động trong sử dụng máy nông nghiệp
Theo thống kê của Cục An toàn lao động – Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, so với các ngành khác thì lao động trong nông nghiệp là một trong số những đối tượng có nguy cơ mắc tai nạn lao động (TNLĐ) cao nhất và đang ở mức báo động, chỉ đứng sau ngành xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ. Kết quả một số nghiên cứu như “Tai nạn thương tích (TNTT) trong lao động nông nghiệp tại Việt Nam”- Nguyễn Thuý Quỳnh (2009- 2010); “Thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và một số biện pháp giảm thiểu việc sử dụng thuốc không hợp lý trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Phạm Văn Toàn (2013) đã cho thấy đa số người lao động (NLĐ) sử dụng các loại hoá chất, phân bón, thuốc trừ sâu không an toàn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của người nông dân. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ người lao động (NLĐ) chủ yếu sử dụng máy móc theo kiểu “học lỏm”, đa số không được hướng dẫn về an toàn sử dụng máy móc, hóa chất. Có tới trên 40% máy móc không được che chắn thiết bị truyền động, gần 65% thiếu chỉ dẫn an toàn máy. Trong khi đó, trên 40% người lao động (NLĐ) không sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân khi sử dụng máy móc hay phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Những yếu tố này là nguyên nhân lớn dẫn đến nguy cơ tai nạn dễ xảy ra như bị dây cua – roa nghiến đứt tay, tay quay văng vào mặt, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Các chương trình phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp, đặc biệt là một số an toàn điện, an toàn máy, cách sử dụng an toàn các dụng cụ lao động, cách nhận biết nguy cơ để phòng tránh còn hạn chế và chưa được phát triển rộng rãi, thiếu những kiến thức các quy tắc an toàn trong quá trình vận hành máy.
Hiện nay, vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng chưa được chính quyền địa phương chức năng quan tâm đúng mức; chưa nhiều các hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện an toàn lao động cho nông dân, cũng như các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền về công tác an toàn lao động trong việc sử dụng bảo quản máy nông nghiệp.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp ở nhiều nơi bị buông lỏng; việc thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động đối với máy nông nghiệp và nông dân còn bị bỏ ngỏ. Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về vệ sinh, an toàn lao động chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên.
* Những điểm còn thiếu hụt, hạn chế
Những nghiên cứu về tai nạn thương tích ngành nông nghiệp có thiết kế mô tả cắt ngang chỉ đưa ra được những mô tả về các yếu tố liên quan, chưa thể kết luận một cách chặt chẽ về mối quan hệ nguyên nhân- kết quả về tai nạn thương tích ngành nông nghiệp.
Mẫu nghiên cứu còn nhỏ, chỉ đánh giá được tình hình tai nạn thương tích chung, chưa đủ lớn để phân tích sâu cho từng nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích.
Cơ sở dữ liệu về Bảo hộ lao động (BHLĐ) trong nông nghiệp đưa ra chưa được đầy đủ do các báo cáo, cập nhật thông tin về an toàn vệ sinh lao động cũng như công tác bảo hộ lao động của hộ gia đình, trang trại, hộ nông dân vẫn chưa có. Do vậy, rất cần thiết tiến hành một cuộc tổng điều tra thực trạng an toàn vệ sinh lao động- công tác An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong toàn ngành nông nghiệp và ngành nghề nông thôn.
4. Một số khuyến nghị cải thiện điều kiện an toàn lao động trong sử dụng máy nông nghiệp
– Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.
– Ứng dụng, chuyển giao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, đặc biệt là trong những ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động trong đó có ngành nông nghiệp.
– Thường xuyên kiểm tra, thanh tra công tác an toàn lao động trong sử dụng máy nông nghiệp.
– Các ngành, địa phương cần chủ động phối hợp để có biện pháp bảo đảm an toàn cho nông dân trong quá trình sử dụng máy kéo, máy làm đất, máy gieo hạt, máy cấy, trong thu hoạch, bảo quản, vận chuyển nông sản.
– Sửa đổi, bổ sung chính sách, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với yêu cầu tình hình mới, thay thế cho các tiêu chuẩn, quy chuẩn cũ được đẩy mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về an toàn vệ sinh lao động. Về lâu dài, Nhà nước cần triển khai những biện pháp đồng bộ thường xuyên, xây dựng hệ thống pháp luật, lực lượng cán bộ chuyên môn để hướng dẫn nông dân thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp, tránh được những tai nạn lao động trong sản xuất.
Sau đây là một số giải pháp cụ thể trong sử dụng bảo quản máy:
– Tuyệt đối không được ngủ ngật, bỏ đi nơi khác trong khi sử dụng máy;
– Không được cho những người không có trách nhiệm hay không có nhiệm vụ vận hành máy;
– Không lau chùi dầu mỡ khi máy đang hoạt động, khi máy có tiếng kêu lạ thì phải tắt rồi mới kiểm tra;
– Sử dụng nhập liệu thích hợp với từng loại máy để tránh gia tăng năng suất để bảo đảm an toàn.
– Đối với các máy dùng điện cần che chắn các loại dây dẫn khi sử dụng để bảo đảm an toàn.
– Để hạn chế loại trừ tai nạn nguy hiểm cần che chắn các bộ phận nguy hiẻm của máy, các thiết bị che chắn phải là các lưới sắt dễ nhìn thấy khi máy đang hoạt động;
– Kiểm tra kỹ các thiết bị an toàn máy khi mua, người điều khiển máy cần sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân, trên các máy có nút tắt khẩn cấp, bảng điện phải có nội dung tiếng Việt để bảo đảm an toàn trong sử dụng Tại các địa phương có thể phát động phong trào chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động an toàn máy giữa các hộ, hợp tác xã, nông trường, khen thưởng động viên kịp thời những đơn vị cá nhân thực hiện tốt.
—————-
1. Theo số liệu sở NNPTNT Tuyên Quang
2. Theo số liệu sở NNPTNT Vĩnh Phúc
3. Theo số liệu sở NNPTNT Thành Phố Hà Nội
4. Số liệu thống kê Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, năm 2014
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vấn đề quản lý an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 2001
2. Tài liệu huấn luyện an toàn điện, máy trong sản xuất nông nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tổ chức ILO, 2007
3. Thực trạng tai nạn thương tích trong lao động nông thôn, Phòng nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Y tế Công cộng
4. Nghiên cứu “Tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về thực trạng công tác bảo hộ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, làm cơ sở đề xuất tham gia Chương trình giai đoạn 2011-2015”;
5. Nghiên cứu “Xúc tiến việc làm bền vững và An toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp – những vấn đề đặt ra” Ths. Lê Kim Dung;
6. Bộ tài liệu về tập huấn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Báo cáo Thực trạng và giải pháp phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại Hải Phòng, của Sở nông nghiệp và PTNT Hải Phòng tại Hội nghị Cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 2015.
8. Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông thôn đến năm 2020, Cục chế biến Nông lâm, thủy sản và nghề muối, Bộ NNPTNT, năm 2014.
9. Số liệu mới đây của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động năm 2015
ThS. Đặng Thìn Hùng- Viện Khoa học Lao động và Xã hội
(Nguồn tin: Theo Bản tin Khoa học Lao động và Xã hội, Quí III, 2015)