Công việc trên mái và những điểm cần nhớ
Các nguyên nhân phổ biến gây ra tai nạn:
* Ngã xuống từ rìa mái;
* Ngã xuống qua các lỗ hổng trên mái;
* Ngã do sập mái làm từ vật liệu giòn và dễ vỡ.
Mặc dù phần lớn tai nạn xảy ra với những công nhân chuyên làm việc trên mái, song không hiếm những trường hợp xảy ra đối với công nhân lên tu tạo và dọn dẹp mái nhà. Để có thể làm việc an toàn trên mái nhà đòi hỏi người công nhân phải có kiến thức và kinh nghiệm, cùng với những trang thiết bị đặc biệt. Trước khi bắt đầu làm việc, phải lên kế hoạch về hệ thống an toàn. Hết sức đề phòng để tránh việc công nhân có thể ngã từ trên mái xuống, hoặc nếu có xảy ra tai nạn thì mức độ nghiêm trọng của tai nạn đó cũng phải được hạn chế tối đa.
Những biện pháp an toàn được đề ra dựa vào kiểu dáng mái và tính chất công việc.
1. Mái phẳng
Mái phẳng là loại mái có độ dốc dưới 10°. Nếu mái nhà cao hơn 2m thì tất cả các lỗ hổng trên mái và rìa mái phải có lan can và tấm đỡ bảo vệ để tránh bị rơi từ trên cao xuống. Tiêu chuẩn lắp đặt lan can và tấm đỡ dựa trên những nguyên tắc lắp đặt giàn giáo. Cách xử lý lỗ hổng trên mái là dùng các tấm đậy chắc chắn, có thể chịu tải trọng tốt và khó chuyển dịch. Các tấm đậy phải dày và được đánh dấu rõ ràng. Nếu rìa mái có gờ tường đủ chắc thì có thể chôn các thanh giàn giáo thông thường dể dựng lan can và tấm đỡ. Nếu không có thể dùng những tấm chịu lực đúc sẵn hoặc những khung thép ống hình tam giác có chu vi 2,4m và sử dụng các thanh giàn giáo được neo chặt vào mái hoặc các tấm chịu lực bằng bê tông để bảo vệ rìa mái.
Sơ đồ bảo vệ ở rìa mái phẳng
2. Mái dốc
Đối với tất cả các loại mái dốc có độ nghiêng trên 10° hoặc có độ cao trên 2m và dễ trơn trượt đều cần có bảo vệ ở rìa mái.
Những điểm cần nhớ:
* Không được làm việc trên mái không có bảo vệ rìa mái
* Trước khi làm việc, phải biết trước khu vực nào là phần mái giòn
* Không được đi trên mái giòn
Phương tiện bảo vệ là các rào cản hoặc lan can đủ cao và chắc chắn để ngăn ngừa công nhân ngã xuống đất do trượt hoặc lăn. Ngoài ra nên đề phòng mái có thể gây trơn trượt do tính chất vật liệu làm mái, do rêu mốc hoặc do mưa, tuyết.
Nếu ngói lợp mái không đủ chắc để bám hoặc đứng, phải dùng các thiết bị phụ trợ như thang bò, ván, dù chỉ để kiểm tra mái hoặc làm việc trong một thời gian ngắn.
Hai phương án bảo vệ rìa mái dốc
3. Mái giòn
Bạn có thể kiểm tra độ giòn của mái trước khi đi qua mái nhà hoặc làm việc trên đó. Nhiều vật liệu lợp mái tạo ra cảm giác về độ an toàn cao và độ chịu tải trọng tốt, nhưng lại không thể chịu tải trọng tập trung khi đặt chân lên mái hoặc có thể vỡ nếu người đứng trên đó bị ngã xuống. Tấm lợp fibro xi măng đơn là ví dụ điển hình về những trường hợp vỡ bất ngờ. Bạn cũng không nên sai lầm khi tin vào độ vững của những đường viền dày giữa các tấm lợp. Ngoài ra, còn những loại vật liệu dễ vỡ khác như sợi kim loại, tấm lợp chất dẻo gấp múi, tôn 6 múi dùng cho các mái nhẹ và những tấm lợp đơn không có gia cố. Đôi khi khó có thể nhận ra được độ giòn của một số loại tấm lợp do chúng đã được sơn hoặc phủ hắc ín lên, đặc biệt là những trường hợp đang được dùng để phủ hoặc sửa chữa mái.
Khi nghi ngờ và phát hiện ra những mái dòn phải sử dụng ít nhất là hai thang lót hoặc thang mái để có thể đứng trên một thang và di chuyển trên thang kia.
Cần đặt biệt thận trọng khi sử dụng ống máng hay các mái lân cận có phủ vật liệu giòn để làm phương tiện lên xuống. Trong những trường hợp này, lớp phủ hoặc lan can sẽ là những phương tiện hữu hiệu để phòng chống trượt hoặc vấp ngã. Nhớ phải dán các bản thông báo chú ý tại những nơi có mái giòn.
Thang mái để làm việc trên các mái dốc hoặc mái giòn
4. Ván lót và thang mái:
Ván lót và thang mái phải được thiết kế và chế tạo cẩn thận, và không được làm bằng gổ vụn. Ván lót phải dày ít nhất 38mm, dài không quá 380mm và được đặt chắc chắn. Phần neo và chóp kim loại ở đầu ván không được tựa thẳng đầu nhọn vào mái vì có thể gây vỡ mái. Phần đó phải được ngoắc vào bề dốc phía bên kia của mái hoặc được buộc chặt bằng dây thừng. Không được dùng những mái chìa hoặc ống máng làm chổ tựa thang vì chúng không đủ độ cứng vững.
Thang mái với móc sắt để ngoắc vào đỉnh mái
(Nguồn tin: Trích dẫn-An toàn, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe trên công trường xây dựng, ILO)