Đặc điểm nhân trắc người Việt Nam trong lứa tuổi lao động năm 2018-2019

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:52(GMT +7)

Bài báo này phân tích một số đặc điểm nhân trắc của người Việt Nam (chiều cao đứng, chiều cao ngồi và trọng lượng cơ thể) cùng chỉ số Skelei và chỉ số thân để thấy rõ tầm vóc, thể lực và đặc điểm nhân trắc đặc thù của người Việt Nam trong độ tuổi lao động hiện nay.

Theo kết quả thực hiện đo trực tiếp các dấu hiệu chiều cao, cân nặng và cao ngồi trên 5.148 đối tượng thuộc các ngành nghề nông-công nghiệp, học sinh-sinh viên và lao động tự do tại một số tỉnh thành thuộc 3 miền Bắc – Trung – Nam do Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thực hiện trong giai đoạn 2017-2019 cho thấy:

Nam giới người Việt Nam hiện nay có chiều cao trung bình là 164,5±5,7cm, nữ giới cao trung bình 154,4 ± 4,7cm, mặc dù so với thời điểm 1982-1985 đã cao hơn 4,6cm với nam và 4,5cm với nữ, nhưng vẫn thuộc loại cao trung bình của nhân loại. So với một số nước trong khu vực, chiều cao đứng trung bình của nam nữ người Việt Nam tương tự như của người Indonesia và Philipin nhưng thấp hơn người Thái Lan, Malaysia, Singgapo.

Chênh lệch chiều cao đứng giữa nam và nữ trung bình khoảng 10 cm, nằm trong giới hạn phổ biến thường thấy trên thế giới.

Chiều cao đứng trung bình của nam, nữ ở ba miền chênh lệch nhau không nhiều. Điều này khác xa so với 30 năm về trước, người miền Bắc thấp hơn đáng kể so với người miền Nam ở nhiều lớp tuổi. Có thể do điều điện sống và dinh dưỡng ở miền Bắc đã được cải thiện rất nhiều trong những năm qua làm cho thể hình của người miền Bắc đã tăng đáng kể, bắt kịp với người miền Nam.

Chiều cao đứng của nam nữ người Việt Nam trong độ tuổi lao động hiện tại (kết quả đo giai đoạn 2017-2019) cao hơn so với kết quả đo được công bố trong Atlat nhân trắc học người Việt Nam độ tuổi lao động (1986) ở tất cả các lớp tuổi. Sự gia tăng chiều cao đứng theo thời gian còn được thể hiện khá rõ khi so sánh chiều cao đứng trung bình giữa các lớp tuổi. Chiều cao đứng trung bình có xu hướng giảm dần từ các lớp tuổi trẻ đến các lớp tuổi cao hơn. Sự khác biệt về chiều cao trung bình giữa nhóm tuổi trẻ 16-19 và 20-29 so với nhóm 40-49 và 50-59 có ý nghĩa thống kê với mức tin cậy cao (p<0,01).

Theo thang phân loại của các nhà nhân loại học thì khi chỉ số thân nhỏ hơn 50,9 là người có thân ngắn, từ 51-52,9 là loại người có thân vừa và từ 53 trở lên là thuộc loại người có thân dài. Nam giới người Việt Nam trong lứa tuổi lao động có chỉ số thân trung bình là 52,8cm và nữ giới là 52,9cm, nằm trong nhóm người có phần thân trên thuộc loại vừa, tiệm cận loại người có thân dài của nhân loại. Như vậy, người Việt Nam trong lứa tuổi lao động có phần thân trên thuộc loại vừa lệch hẳn về phía loại người có thân dài của nhân loại khi đánh giá thông qua chỉ số thân. Đây là điều đặc biệt cần chú ý khi tiếp nhận các loại máy móc và dây chuyền công nghệ được sản xuất ở các nước Âu Mỹ trong chuyển giao công nghệ.

Trọng lượng cơ thể trung bình của nam giới người Việt Nam là 59,2±8,9kg, nữ là 50,8±6,6kg và có chỉ số khối cơ thể thuộc loại bình thường (BMI=21,9 với nam và 21,3 với nữ), tiệm cận tới mức tiền béo phì (BMI=23–24,9). Kết quả này khác xa so với kết quả đã công bố trong Atlat 1986 có cân nặng trung bình nhẹ hơn hiện tại 10,6kg (với nam giới) và 6,5kg (với nữ giới).

Các công trình nghiên cứu điều tra cơ bản về các đặc điểm nhân trắc Ecgônômi của người Việt Nam đã được Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động (nay đổi tên thành Viện khoa học an toàn và vệ sinh lao động) và Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường thực hiện 30 năm về trước. Các đặc điểm nhân trắc của người Việt Nam cũng tuân thủ qui luật gia tăng theo thời gian của nhân loại. Thực tế, đặc điểm nhân trắc của người Việt Nam hiện nay đã khác xa so 30 năm về trước, việc nghiên cứu xây dựng một tập Atlat nhân trắc phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu, thiết kế, đánh giá ecgônômi ở Việt Nam là rất cần thiết. Với bộ dữ liệu mới được cập nhật, trong thời gian tới, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động sẽ làm mới bộ Atlat nhân trắc phục vụ cho thiết kế, đánh giá Ecgônômi.

——————————-

Tài liệu tham khảo: Phạm Thị Bích Ngân (2019), ““Xây dựng Atlat nhân trắc người Việt Nam trong độ tuổi lao động giai đoạn hiện nay”, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)