Đánh giá rủi ro cháy nổ bằng phương pháp bán định lượng frame và đề xuất các biện pháp phòng cháy chữa cháy cho ngành sản xuất cơ khí

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:44(GMT +7)

Tóm tắt:

Cháy nổ luôn là mối họa lớn, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng tới tính mạng và tài sản trong lịch sử phát triển của nhân loại, câu nói “Giặc phá không bằng nhà cháy” cũng chứng minh được sự tàn khốc của cháy nổ. Tuy đã có rất nhiều nghiên cứu và các tiêu chuẩn về phòng chống cháy nổ (PCCN), nhưng tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào liên quan đến công tác PCCN trong ngành sản xuất cơ khí cũng như nghiên cứu về đánh giá rủi ro cháy nổ mà chỉ có những nghiên cứu cho các yếu tố gây ra cháy nổ có liên quan như bụi, chai khí nén. Việc nghiên cứu đánh giá rủi ro cháy nổ sẽ mở ra một bước tiến mới để nâng cao chất lượng công tác PCCN cho ngành sản xuất cơ khí. Phương pháp bán định lượng FRAME được áp dụng để phân tích và đánh giá các rủi ro cháy nổ tác động và ảnh hưởng như thế nào trên cơ sở 3 khía cạnh: con người, tài sản và các hoạt động sản xuất. Đề tài được nghiên cứu điển hình tại một nhà máy cơ khí tại Bình Dương với 9 khu vực chính, nhằm nhận diện và đánh giá những rủi ro cháy nổ tiềm ẩn, tồn tại tại cơ sở và từ đó loại bỏ, giảm thiểu những rủi ro cháy nổ bằng một số biện pháp khả thi.

1. GIỚI THIỆU

Ngành cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời ở nước ta được hình thành và phát triển từ rất sớm. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu phấn đấu trở thành nước công nghiệp mà sản phẩm thì chủ yếu được sản xuất bằng máy móc. Do đó, ngành công nghiệp cơ khí là một ngành kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam bởi vì đây máy móc, thiết bị cung cấp cho toàn bộ cho các ngành kinh tế khác đều được sản xuất bởi ngành cơ khí. Trên thế giới, không có bất kỳ quốc gia nào thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà lại thiếu mất sự phát triển mạnh của nền công nghiệp cơ khí. Sự phát triển của ngành cơ khí luôn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, nó vừa là nền tảng vừa là động lực cho sự phát triển của tất cả các ngành nghề khác, và là một trong những ngành thu hút số lượng lao động và giải quyết được phần lớn công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.

Nhà máy cơ khí là cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí, cấu kiện, vật tư bằng thép. Nguyên liệu chủ yếu trong dây chuyền công nghệ là thép. Ngoài ra, còn có các hóa chất, chất phụ gia, sơn, chai nén khí… đều là những chất dễ cháy. Chất cháy hầu hết có mặt toàn dây chuyền sản xuất, trong khi đó nguồn gây cháy bắt nguồn và hình thành theo nhiều dạng khác nhau như: do không chấp hành nội quy về an toàn PCCC, ma sát giữa các bộ phận kim loại, chập điện, do phát sinh từ công việc hàn cắt, sử dụng ngọn lửa trần,… Do đó, khả năng xảy ra cháy nổ tại nhà máy khá cao. Nếu không có biện pháp cứu chữa kịp thời, đám cháy dễ lan rộng và phát triển với quy mô diện tích lớn, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hơn thế nữa là gây ngưng trệ hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động. Đặc biệt, vào giai đoạn này là đang là mùa hanh khô, công tác PCCC lại cần phải được đặt vào vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Quan niệm “nước xa không cứu được lửa gần” việc xây dựng tốt công tác phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở sản xuất công nghiệp theo tiêu chí đúng, kịp thời, hiệu quả, an toàn và tại chỗ là vấn đề trọng tâm và cần thiết.

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã phân tích và đánh giá những rủi ro cháy nổ tiềm ẩn, tồn tại và từ đó loại bỏ, giảm thiểu những rủi ro cháy nổ bằng một số biện pháp khả thi về tổ chức, hoàn thiện phương án PCCC đảm bảo an toàn về con người và tài sản, phù hợp với tình hình sản xuất hiện tại cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai tại nhà máy sản xuất cơ khí.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu đã lựa chọn đối tượng nghiên cứu và đã tiến hành phân tích, đánh giá rủi ro cháy nổ tại 1 cơ sở trong ngành sản xuất cơ khí với 09 khu vực được đánh giá (nhà văn phòng, nhà xe, nhà bảo vệ, khu vực chế tạo, khu vực phun bi, khu vực sơn, kho, khu sơn dậm, khu vực xuất hàng)

2.2. Phương pháp nhận diện và đánh giá rủi ro cháy nổ

  • Phương pháp: phương pháp bán định lượng FRAME được sử dụng để nhận diện mối nguy và đánh giá rủi ro cháy nổ trong đề tài sử dụng
  • Đặc điểm của phương pháp FRAME: “FRAME” ban đầu được tạo ra như một công cụ để quản lý rủi ro cháy nổ trong một tòa nhà hay cơ sở và xây dựng được hệ thống phòng ngừa cân bằng giữa hiệu quả và chi phí hợp lý để giảm rủi ro cháy nổ đến mức có thể chấp nhận được.

Đây là một phương pháp tính toán toàn diện, minh bạch và thiết thực cho các rủi ro cháy nổ trong cơ sở, công trình. Phương pháp sẽ xem xét rủi ro cháy nổ trong ba khía cạnh: rủi ro cháy nổ đối với công trình và những tài sản bên trong nó, rủi ro cháy nổ đối với người cư ngụ và cuối cùng là rủi ro cháy nổ đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ sở đó [1].

Phương pháp nhận diện mối nguy và đánh giá rủi ro cháy nổ bán định lượng FRAME được phát triển dựa trên sáu nguyên tắc cơ bản được liệt kê như sau (Erik, D. S., 2008):

  • Nguyên tắc 1: Một công trình được thiết kế và đầu tư các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy đầy đủ được xem như công trình có sự cân bằng tốt giữa rủi ro và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Cả hai yếu tố này được thể hiện dưới dạng số và giá trị của rủi ro cháy nổ được xem là chấp nhận được sau khi thực hiện tính toán là nhỏ hơn hoặc bằng 1.
  • Nguyên tắc 2: Mức độ thiệt hại nghiêm trọng từ vụ cháy có thể được tính toán cùng với một số yếu tố ảnh hưởng:
  • Nguyên tắc 3: Khả năng chấp nhận rủi ro cháy nổ sẽ thấp hơn khi mức độ tiếp xúc cao hơn.
  • Nguyên tắc 4: Khả năng vận hành của hệ thống phòng cháy chữa cháy có thể được thể hiện dưới dạng tập hợp các yếu tố sau:
  • Nguyên tắc 5: Đánh giá rủi ro cháy nổ được thực hiện riêng lẻ theo từng yếu tố:
  • Nguyên tắc 6: Trong một công trình, có thể tồn tại một số tình huống cháy nổ khác nhau. Do đó, tính toán sẽ được thực hiện cho riêng biệt từng gian nhà. Phương pháp “FRAME” sử dụng mỗi gian nhà trong công trình làm đơn vị cơ bản cho các tính toán.

Chỉ cần sau lần đầu tính toán bằng phương pháp FRAME, thì tất cả các điểm yếu hiện có sẽ được phơi bày và qua đó, các chuyên gia cháy nổ có thể cải thiện được tình trạng của cơ sở và đưa ra một thiết kế tốt cho hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Một điều phải nhắc đến của phương pháp FRAME đó là việc có thể ước tính được tổn thất. Mối quan hệ giữa giá trị rủi ro cháy nổ (R) với mức thiệt hại có thể được đánh giá và dự kiến sau một tình huống cháy nổ. Tất nhiên là không phải bất kỳ tình huống cháy nổ nào đều dẫn tới kết quả là một sự thiệt hại nghiêm trọng [1]. Do vậy, chúng ta sẽ có một bảng thang đo về mối quan hệ giữa rủi ro cháy nổ R và mức độ thiệt hại sau đây:

Bảng 1. Bảng thang đo về mối quan hệ giữa rủi ro cháy nổ và hành động thực hiện

Giá trị rủi ro cháy nổ R

Ghi chú

Hành động thực hiện

Lớn hơn 4,5

Rất cao (IV)

Cần thực hiện hành động khắc phục ngay lập tức

Từ 1,6 đến 4,5

Cao (III)

Từ 1,0 đến 1,6

Trung bình (II)

Cần có kế hoạch thực hiện khắc phục

Nhỏ hơn 1,0

Thấp (I)

Có thể chấp nhận, duy trì các công tác


– Các định nghĩa và công thức cơ bản để tính toán: cho 3 đối tượng là tòa nhà và các tài sản bên trong, con người và hoạt động kinh doanh, sản xuất.

  •  Đối với tòa nhà và các tài sản bên trong

Rủi ro cháy nổ (R) được xác định bằng thương số của Rủi ro cháy nổ tiềm năng (P) với tích của Mức rủi ro cháy nổ chấp nhận được (A) và Mức độ phòng chống cháy nổ (D). Ta có công thức như sau:

R = P / (A * D)                                                                       (1)

Rủi ro cháy nổ tiềm năng (P) được xác định bằng tích số của hệ số tải trọng cháy (q), hệ số lan truyền (i), hệ số diện tích (g), hệ số tầng (e), hệ số thông gió (v) và hệ số tiếp cận/ di chuyển ra vào cơ sở (z). Ta có công thức như sau:

P = q * i * g * e * v * z                                                             (2)

Mức rủi ro cháy nổ chấp nhận (A) được xác định bằng giá trị 1,6 trừ đi hệ số hoạt động chính, phụ và nguồn phát nhiệt (a), hệ số thời gian sơ tán (t) và hệ số thiệt hại tài sản (c). Ta có công thức như sau:

A = 1,6 – a – t – c                                                                      (3)

Mức độ phòng chống cháy nổ (D) được xác định bằng tích số của hệ số cấp nước (W), hệ số chữa cháy cấp cơ bản (N), hệ số chữa cháy cấp đặc biệt (S) và hệ số chống cháy (F). Ta có công thức như sau:

D = W * N * S * F                                                                     (4)

  • Đối với con người

Rủi ro cháy nổ (R1) được xác định bằng thương số của Rủi ro cháy nổ tiềm tàng (P1) với tích của Mức rủi ro cháy nổ chấp nhận được (A1) và Mức độ phòng chống cháy nổ (D1). Ta có công thức như sau:

R1 = P1/ (A1 * D1)                                                                  (5)

Rủi ro cháy nổ tiềm năng (P1) được xác định bằng tích số của hệ số tải trọng cháy (q), hệ số lan truyền (i), hệ số tầng (e), hệ số thông gió (v) và hệ số tiếp cận/ di chuyển ra vào cơ sở (z). Ta có công thức như sau:

P1 = q * i * e * v * z                                                                  (6)

Mức rủi ro cháy nổ chấp nhận được (A1) được xác định bằng giá trị 1,6 trừ đi hệ số hoạt động chính, phụ và nguồn phát nhiệt (a), hệ số thời gian sơ tán (t) và hệ số môi trường (r). Ta có công thức như sau:

A1 = 1,6 – a – t – r                                                                        (7)

Mức phòng chống cháy nổ (D1) được xác định bằng tích của hệ số chữa cháy cấp cơ bản (N) và hệ số thoát nạn (U). Ta có công thức như sau:

D1 = N * U                                                                                  (8)

  • Đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất:

Rủi ro cháy nổ (R2) được xác định bằng thương số của Rủi ro cháy nổ tiềm năng (P2) với tích của Mức rủi ro cháy nổ chấp nhận được (A2) và Mức độ phòng chống cháy nổ (D2). Ta có công thức như sau:

R2 = P2 / (A2 * D2)                                                                  (9)

Rủi ro cháy nổ tiềm năng (P2) được xác định là tích số của hệ số lan truyền (i), hệ số diện tích (g), hệ số tầng (e), hệ số thông gió (v) và hệ số tiếp cận/ di chuyển ra vào cơ sở (z). Ta có công thức như sau:

P2 = i * g * e * v * z                                                                    (10)

Mức rủi ro cháy nổ chấp nhận được (A2) được xác định bằng giá trị 1,6 trừ đi hệ số hoạt động chính, phụ và nguồn phát nhiệt (a), hệ số thiệt hại tài sản (c), hệ số phụ thuộc (d). Ta có công thức như sau:

A2 = 1,6 – a – c – d                                                                       (11)

Mức phòng chống cháy nổ (D2) được xác định bằng tích số của hệ số cấp nước (W), hệ số chữa cháy cấp cơ bản (N), hệ số chữa cháy cấp đặc biệt (S) và hệ số giải cứu (Y). Ta có công thức như sau:

D2 = W * N * S * Y                                                                      (12)

Dữ liệu của các hệ số trên được thu thập bằng cách thông qua quan sát, phỏng vấn, xem xét các dữ liệu tại các khu vực nghiên cứu và kết hợp sử dụng các yếu tố phụ tác động và ảnh hưởng đến các hệ số chính gồm có hệ số phụ gồm hệ số q; i; g; e; v và z cho mức độ rủi ro cháy nổ tiềm năng (P), các hệ số phụ a, t, r, c và d cho mức độ rủi ro cháy nổ chấp nhận được (A) và các hệ số W; N; S, F, U và Y cho mức độ phòng chống cháy nổ.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

3.1. Các nguy cơ cháy nổ trong lĩnh vực sản xuất cơ khí

Trên thực tế, mọi lĩnh vực, ngành nghề đều có những nguyên nhân chung dẫn đến cháy nổ như chập điện, hút thuốc… và có những nguyên nhân cháy nổ riêng biệt cho từng lĩnh vực như cháy nổ trong quá trình hàn cắt, phát sinh nhiệt và sơn của ngành sản xuất cơ khí.

Chập điện

Là nguyên nhân phổ biến xảy ra ở các nhà máy. Một nghiên cứu của Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cháy tại Mỹ chỉ ra rằng có tới 16% lý do cháy xảy ra là do điện [3]. Sử dụng nguồn điện quá tải dẫn đến cháy nổ dây dẫn điện, cầu chì. Chập điện là nguyên nhân khá phổ biến trong các vụ cháy nổ tại nhà máy, khu công nghiệp, chủ yếu là do dây điện hở, điện bị quá tải, đấu nối không đúng kỹ thuật…, gây ra nhiều vụ cháy nổ, để lại hậu quả đáng tiếc. Khi bộ phận cách điện bị hư hỏng, dòng điện tăng cao đột ngột gây nóng đường dây dẫn hay do hồ quang điện khi đóng cầu dao sinh ra. Một tình huống hay gặp phải nữa chính là tình trạng chập mạch, các đường dây dẫn bị hở, hư hỏng ở những vị trí góc khuất, không thường hay chú ý đến.

– Hút thuốc

Thường có bảng cấm hút thuốc được bố trí tại các khu vực sản xuất nhưng do việc tuân thủ nội quy của một số người lao động vẫn còn hạn chế và với nhận thức chủ quan, ý thức kém để đánh rơi tàn thuốc vẫn còn đang cháy xuống các vật liệu dễ bắt cháy. Không ít vụ việc đáng tiếc đã xảy ra chỉ do ý thức của một vài cá nhân, do không kìm nén được thói quen xấu dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

– Sử dụng các thiết bị điện không an toàn

Tại các nhà xưởng có sử dụng rất nhiều các thiết bị điện, nó có ở mọi nơi, mọi vị trí, có nhiều các thiết bị đặc biệt sử dụng nguồn điện mạnh dễ xảy ra cháy nổ. Các thiết bị máy móc trong sản xuất, đặc biệt là thiết bị sinh nhiệt gia nhiệt độ cao và thiết bị cơ khí tạo ma sát, nếu không vận hành đúng cách sẽ trở thành tác nhân gây cháy.

Bên cạnh đó, việc sử dụng sai cách, không kiểm tra kỹ nguồn điện trước khi sử dụng, làm rối loạn máy, thay đổi dòng điện đột ngột khiến cháy nổ xảy ra.

– Hóa chất

Có rất nhiều hóa chất được sử dụng trong các nhà xưởng và nhiều trong số đó rất dễ bắt lửa gây ra đám cháy lớn khó dập tắt. Những hóa chất thường xuất hiện và dễ gây cháy tại nhà xưởng như dầu, sơn, gas, xăng,… cần đặc biệt chú ý. Chất lỏng và khí dễ cháy thường là tác nhân kết hợp với những nguồn cháy, làm đám cháy lan nhanh chóng trên quy mô rộng, tăng thêm thiệt hại về người và tài sản.

– Hàn, cắt, mài gần nơi dễ cháy

Một nghiên cứu, phân tích các tai nạn cháy nổ liên quan đến hàn và cắt tại Hàn Quốc trong 5 năm qua đã đưa ra tỉ lệ phần trăm các chất gây ra tai nạn trong qua trình hàn cắt và tỉ lệ phần trăm những tai nạn đó xảy ra tại nhà máy chiếm 21,4%, cơ sở quân sự là 14,3%, đường xá và đường ống là 14,3%, và các tòa nhà là 14,3% [4]. Máy hàn hay các loại máy cắt thường tạo ra các mảnh vụn nóng có thể bị bắt lửa nếu không cẩn trọng. Có nhiều người khi làm việc với máy hàn, máy cắt không chú ý làm gần các nguồn điện, có các vật dụng dễ bắt lửa ở bên cạnh, tạo điều kiện thuận lợi để cho những mảnh vụn gây ra đám cháy.

Hàn cắt là công việc tạo ra tia lửa, cùng với vật liệu nóng chảy khiến nhiệt độ tăng cao, lên đến hơn 1.000oC cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy nổ trong sản xuất [2].

3.2. Kết quả đánh giá rủi ro cháy nổ

Phương pháp bán định lượng FRAME sẽ được áp dụng để phân tích và đánh giá các rủi ro cháy nổ tác động và ảnh hưởng đến con người, tài sản và thiệt hại và các hoạt động sản xuất như thế nào tại 9 khu vực chính đó là khu vực nhà văn phòng, khu chế tạo, khu buồng phun bi, khu vực sơn, khu vực sơn dậm, khu vực kho, khu vực xuất hàng, khu vực nhà xe và khu vực bảo vệ.

Để đánh giá được rủi ro cháy nổ thì chúng ta cần phải tìm được 3 hệ số chính đó là:

  • P: Hệ số về rủi ro tiềm năng cháy nổ
  • A: Hệ số về mức độ chấp nhận
  • D: Hệ số về mức độ phòng ngừa của hệ thống PCCC tại cơ sở
  • Và số thứ tự P, P1, P2; D, D1, D2; A, A1, A2 lần lượt biểu hiện cho các tác động đối với công trình và các yếu tố bên trong cơ sở đó; cho con người và cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phần mềm Excel sẽ được sử dụng để hỗ trợ việc tính toán các hệ số và chúng ta có được các kết quả tại các khu vực như sau:

Bảng 2. Kết quả đánh giá mức độ rủi ro cháy nổ tại các khu vực trong nhà máy

STT

Khu vực

R

R1

R2

1

Văn phòng

0,19

0,63

0,16

2

Chế tạo

1,32

1,4

1,13

3

Phun bi

0,12

1,36

0,14

4

Sơn

0,43

2,18

0,46

5

Kho

0,11

1,37

0,08

6

Sơn dậm

0,28

1,14

0,28

7

Xuất hàng

0,16

0,81

0,15

8

Bảo vệ

0,05

0,86

0,04

9

Nhà xe

0,1

0,84

0,1

Ta có nhận xét sau:

  • Đối với rủi ro cháy nổ về khía cạnh kết cấu và tài sản (R), ngoại trừ khu vực chế tạo có mức độ rủi ro cháy nổ trung bình (1,32) thì các khu vực còn lại đều ở mức rủi ro cháy nổ thấp dưới 1 và chấp nhận được.
  • Đối với rủi ro cháy nổ về khía cạnh con người (R1) có mức rủi ro cháy nổ cụ thể là:
    • Tại khu vực chế tạo, phun bi, kho, sơn dậm có giá trị R1 lần lượt là 1,4; 1,36; 1,37; 1,14 có mức rủi ro cháy nổ lớn hơn 1 và dưới 1,6 nên được xem là mức rủi ro cháy nổ trung bình.
    • Tại khu vực sơn có giá trị R1 lần lượt là 2,18 nằm trong khoảng giá trị từ 1,6 đến 4,5 ở mức cao.
    • Các khu vực còn lại có mức rủi ro cháy nổ chấp nhận được.
  • Đối với rủi ro cháy nổ về khía cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tất cả các khu vực gần đều ở mức độ rủi ro cháy nổ chấp nhận được ngoại trừ khu vực chế tạo là có mức rủi ro cháy nổ trung bình (1,13).

Từ những nhận xét trên ta có bảng tổng hợp đánh giá rủi ro cháy nổ tại các khu vực như bảng sau.

Bảng 3: Bảng tổng hợp kết quả đánh giá rủi ro cháy nổ tại các khu vực của nhà máy

STT

Xếp loại

Số lượng khu vực

Tỷ lệ %

1

Rất cao (IV)

0

0

2

Cao (III)

1 (Sơn)

11,2

3

Trung bình (II)

4 (Chế tạo, phun bi, kho, sơn dậm)

44,4

4

Thấp (I)

4 (Văn phòng, nhà xe, xuất hàng và bảo vệ)


3.3. Kết quả đánh giá rủi ro lại sau khi thực hiện đề xuất biện pháp kiểm soát công tác phòng cháy chữa cháy

Bảng 4. Kết quả đánh giá mức độ rủi ro cháy nổ dự kiến đạt được sau khi thực hiện các biện pháp đề xuất tại các khu vực trong nhà máy

STT

Khu vực

R

R1

R2

1

Văn phòng

0,08

0,23

0,07

2

Chế tạo

0,3

0,27

0,25

3

Phun bi

0,03

0,24

0,03

4

Sơn

0,07

0,37

0,07

5

Kho

0,03

0,38

0,02

6

Sơn dậm

0,1

0,2

0,09

7

Xuất hàng

0,04

0,18

0,04

8

Bảo vệ

0,01

0,19

0,01

9

Nhà xe

0,04

0,19

0,04


Bảng 5. Bảng so sánh các giá trị của các mức độ rủi ro cháy nổ trước và sau khi thực hiện các biện pháp đề xuất

STT

Khu vực

R

R1

R2

Trước

Sau

Trước

Sau

Trước

Sau

1

Văn phòng

0,19

0,08

0,63

0,23

0,16

0,07

2

Chế tạo

1,32

0,3

1,4

0,27

1,13

0,25

3

Phun bi

0,12

0,03

1,36

0,24

0,14

0,03

4

Sơn

0,43

0,07

2,18

0,37

0,46

0,07

5

Kho

0,11

0,03

1,37

0,38

0,08

0,02

6

Sơn dậm

0,28

0,1

1,14

0,2

0,28

0,09

7

Xuất hàng

0,16

0,04

0,81

0,18

0,15

0,04

8

Bảo vệ

0,05

0,01

0,86

0,19

0,04

0,01

9

Nhà xe

0,1

0,04

0,84

0,19

0,1

0,04

Mức độ hiệu quả rõ rệt của các biện pháp được đề xuất tại các khu vực. Tại khu vực sơn, có mức độ rủi ro cháy nổ cao (2,18) sẽ dự kiến giảm xuống mức rủi ro cháy nổ chấp nhận được (0,37) và các khu vực có mức độ rủi ro cháy nổ trung bình như khu vực chế tạo, phun bi, kho và sơn dậm sẽ đạt mức độ rủi ro cháy nổ chấp nhận được sau khi thực hiện biện pháp. Các khu vực còn lại của nhà máy sẽ được cải thiện tốt hơn nữa về công tác phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, do các biện pháp được đề xuất chủ yếu là mang tính thụ động giúp giảm ngăn ngừa tác động của sự cố nếu có xảy ra chứ chưa chủ động triệt tiêu hay giảm được mức độ rủi ro cháy nổ tiềm năng nên trong quá trình sản xuất, nên các rủi ro cháy nổ vẫn còn nguyên. Do đó, ngoài các biện pháp trên thì nhà máy nên nghiên cứu thêm để thay thế hay nâng cấp quy trình công nghệ sản xuất.

4. KẾT LUẬN

Sau khi thực hiện nghiên cứu và đánh giá rủi ro cháy nổ theo phương pháp bán định lượng FRAME thì mức độ rủi ro cháy nổ thấp của cơ sở là tại các khu vực nhà văn phòng, nhà xe, khu xuất hàng và nhà bảo vệ. Tuy ở mức độ rủi ro cháy nổ trung bình tại khu vực chế tạo, phun bi, kho và sơn dậm nhưng với R1>1, đây là mức độ rủi ro cháy nổ không chấp nhận được vì liên quan đến tính mạng con người. Còn khu vực sơn, có mức rủi ro cháy nổ cao trên 2,0 và cao nhất so với các khu còn lại và cũng là rủi ro cháy nổ liên quan đến tính mạng con người. Nhìn chung, các rủi ro cháy nổ tại các khu vực chỉ tác động liên quan tới con người là chủ yếu, nhưng riêng khu vực chế tạo, mức độ rủi ro cháy nổ ảnh hưởng tới cả 3 khía cạnh về tài sản, con người và hoạt động.

Chúng ta thấy được tuy là đơn vị sản xuất kết cấu thép, nguồn nguyên vật liệu chủ yếu là sắt thép, ít có rủi ro cháy nổ gây cháy nổ nhưng tại khu vực làm việc còn tồn tại nhiều yếu tố gây cháy nổ, làm cho đám cháy lan truyền và gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Quá trình đánh giá rủi ro cháy nổ cũng cho thấy được những thiếu sót, hạn chế trong công tác PCCC của nhà máy. Cũng như kết quả dự kiến đạt được sau khi thực hiện các biện pháp được đề xuất cho ra kết quả các khu vực ở mức độ rủi ro cháy nổ cao như khu vực sơn hay khu vực có mức độ rủi ro cháy nổ trung bình như khu vực chế tạo đều thể hiện ở mức độ rủi ro cháy nổ thấp và chấp nhận được. Mặc dù, mức độ rủi ro tiềm năng vẫn đáng chú ý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1.] Erik De Smet (2008), FRAME 2008 Theoretical basis and technical reference guide truy cập ngày 2/7/2020 từ: http://www.framemethod.net/indexen_html_files/FRAME2008TRG.pdf

[2.] Huỳnh Quang Tâm (2018), Cháy, nổ do hàn cắt kim loại: Cảnh báo nhiều hiệu quả chưa cao, truy cập ngày 5/7/2020, từ: http://www.pccc.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/ban-can-biet?p_p_id=EXT_ARTICLEVIEW&p_p_lifecycle=0&p_p_col_id=center-top&p_p_col_pos=8&p_p_col_count=9&_EXT_ARTICLEVIEW_groupId=10217&_EXT_ARTICLEVIEW_articleId=893214&_EXT_ARTICLEVIEW_version=1.0&_EXT_ARTICLEVIEW_redirect=%2Fweb%2Fguest%2Fhome

[3.] Su-kyung Lee, Jung-hoon Lee, & Dong-woo Song (2018), Investigation of the LPG Gas Explosion of a Welding And Cutting Torch at a Construction Site, Korean Chemical Engineering Research, 56(6), 811-818

[4.]  Vytenis Babrauskas (2008), Research on Electrical Fires: The State of the Art, Fire Safety Science, 9(6), 3-18. DOI:10.3801/IAFSS.FSS.9-3

TS. Mai Thị Thu Thảo1*, ThS. Phan Đăng Khoa2
1Khoa Môi trường và Bảo hộ Lao động, Trường ĐH Tôn Đức Thắng
2Phòng An toàn, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại An Tâm


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)