Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và tình hình áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất giầy
Tóm tắt:
Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và tình hình áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại 26 cơ sở sản xuất giầy da thuộc 3 miền Bắc-Trung-Nam, sử dụng phương pháp đo đạc các thông số của môi trường lao động (MTLĐ) và điều tra bằng phiếu hỏi: i) phiếu phỏng vấn doanh nghiệp,ii) phiếu phỏng vấn người lao động (NLĐ),iii) phiếu thu thập và nhận diện mối nguy về ATVSLĐ. Kết quả cho thấy, 09/26 CSSX giầy da vi phạm quy chuẩn về vi khí hậu; 21 vị trí vi phạm tiêu chuẩn về tiếng ồn; 06 cơ sở sản xuất (CSSX) có nhiều vị trí nồng độ dung môi hữu cơ acetone, MEK vượt tiêu chuẩn cho phép. Phát hiện 09/26 CS chưa trang bị PTBVCN, 06/26 CS không tổ chức đo, kiểm tra MTLĐ định kỳ, 08/26 CS không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ.15/26 CSSX đạt chứng nhận ISO 9001, chỉ có 01 CSSX đạt chứng nhận hệ thống quản lý (HTQL) ATVSLĐ OHSAS 18001.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngành giày đang là ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng mạnh ở Việt Nam trong những năm sắp tới sau khi các hiệp định tự do thương mại như EVFTA, CPTPP… có hiệu lực. Do đó, việc tăng trưởng sản xuất trong lĩnh vực da giày cũng sẽ tăng lên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tăng các nguy cơ của người lao động tiếp xúc với ô nhiễm môi trường lao động và hóa chất sử dụng trong công nghệ sản xuất. Ngoài ra, ngành sản xuất giày là ngành tập trung số lượng lớn NLĐ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh nghề nghiệp và ATVSLĐ. Môi trường làm việc của NLĐ chịu nhiều tác động của các yếu tố như bụi, tiếng ồn, ánh sáng và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Vì vậy thông tin về thực trạng ATVSLĐ và tình hình áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất giầy sẽ là cơ sở để xây dựng và ban hành các hướng dẫn về quản lý và/hoặc kỹ thuật trong quản lý an toàn lao động nói chung và xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ nhằm giảm thiểu nguy cơ cũng như tác động của các tai nạn lao động liên quan đến hóa chất tại các khu vực doanh nghiệp sản xuất giày dép nói riêng. Nghiên cứu này là một phần trong đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu xây dựng và áp dụng mô hình hệ thống quản lý An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018 ở các cơ sở sản xuất giày”.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
– Các vị trí lao động tại 26 cơ sở sản xuất (CSSX) giầy da ở 3 miền Bắc – Trung – Nam, trong đó 06 CS miền Bắc, 02 CS miền Trung, 18 CS miền Nam.
– NLĐ tại 26 CS sản xuất giầy da.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Đo trực tiếp các thông số tại MTLĐ và điều tra bằng phiếu hỏi.
2.2.1. Đo các thông số của MTLĐ
Các chỉ tiêu, phương pháp đo đạc các thông số của MTLĐ được đưa ra trong Bảng 1.
Bảng 1. Chỉ tiêu, phương pháp đo đạc và thiết bị sử dụng
Chỉ tiêu |
Phương pháp xác định |
Thiết bị sử dụng |
Số lượng mẫu |
Vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió) |
TCVN 5508:2009 |
Testo 425, Germany |
130 |
Độ ồn chung |
TCVN 3985:1999 |
RION – NL 42 (Japan) |
182 |
Bụi toàn phần |
TCVN 5067:1995 |
Metler AE 240, Swiss |
130 |
CO |
NIOSH 6604 |
Shimadzu UV-VIS mini-1240 |
78 |
CO2 |
NIOSH 6603 |
Shimadzu UV-VIS mini-1240 |
78 |
NO2 |
NIOSH 6701 |
Shimadzu UV-VIS mini-1240 |
78 |
SO2 |
NIOSH 6400 |
Shimadzu UV-VIS mini-1240 |
78 |
MEK |
NIOSH 1300 |
GC/FID Shimadzu 2010 |
182 |
Acetone |
NIOSH 1300 |
GC/FID Shimadzu 2010 |
182 |
n-Hexan |
OHSA 07 |
GC/FID Shimadzu 2010 |
182 |
Toluen |
NIOSH 1501 |
GC/FID Shimadzu 2010 |
182 |
Etyl Acetat |
NIOSH 1450 |
GC/FID Shimadzu 2010 |
182 |
Phiếu điều tra tình hình ATVSLĐ tại các doanh nghiệp giầy da dành cho đối tượng DN: quy mô sản xuất, quy trình sản xuất, hệ thống quản lý đang áp dụng, hệ thống máy móc, hóa chất sử dụng và các thông tin về ATVSLĐ tại DN.
b. Phiếu phỏng vấn NLĐ
Phiếu điều tra tình hình ATVSLĐ tại các doanh nghiệp giầy da dành cho đối tượng là NLĐ để nhận diện mối nguy theo từng công đoạn, khả năng xảy ra mối nguy và mức độ nghiêm trọng của mối nguy: quy mô sản xuất, quy trình sản xuất, hệ thống quản lý đang áp dụng, hệ thống máy móc, hóa chất sử dụng và các thông tin về ATVSLĐ tại DN.
c. Phiếu thu thập và nhận diện mối nguy ATVSLĐ
Qua điều tra, khảo sát nhận diện mối nguy cần phải có sự tham vấn của 3 bên bao gồm người sử dụng lao động, NLĐ và góc nhìn của chuyên gia đánh giá. Các thông tin thu thập gồm các mối nguy có thể xảy ra, nguyên nhân xảy ra, hậu quả, và chuỗi các sự kiện có thể xảy ra, lịch sử các sự cố.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Thực trạng ATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất giầy.
3.1.1. Kết quả quan trắc MTLĐ
Tổng hợp kết quả quan trắc MTLĐ tại 26 CSSX giầy da trong Bảng 2.
Bảng 2. Tổng hợp kết quả quan trắc MTLĐ tại 26 CSSX giầy da
TT |
Chỉ tiêu |
TS mẫu đo |
Số mẫu không đạt TC VSLĐ |
||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
M. Bắc |
M. Trung |
M. Nam |
M. Bắc |
M. Trung |
M. Nam |
TS không đạt |
% |
||
TS CS giầy da |
6CS |
2CS |
18CS |
3CS |
1CS |
8CS |
12CS |
46,2 |
|
1 |
Nhiệt độ |
30 |
10 |
90 |
0 |
3 |
16 |
19 |
14,6 |
2 |
Độ ẩm |
30 |
10 |
90 |
10 |
0 |
1 |
11 |
6,0 |
3 |
Tốc độ gió |
30 |
10 |
90 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0,0 |
4 |
Độ ồn chung |
42 |
14 |
126 |
4 |
0 |
17 |
21 |
11,5 |
5 |
Bụi toàn phần |
30 |
10 |
90 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0,0 |
6 |
CO |
18 |
6 |
54 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0,0 |
7 |
CO2 |
18 |
6 |
54 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0,0 |
8 |
NO2 |
18 |
6 |
54 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0,0 |
9 |
SO2 |
18 |
6 |
54 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0,0 |
10 |
MEK |
42 |
14 |
126 |
0 |
0 |
16 |
16 |
8,8 |
11 |
Acetone |
42 |
14 |
126 |
0 |
0 |
8 |
8 |
4,4 |
12 |
n-Hexan |
42 |
14 |
126 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0,0 |
13 |
Toluen |
42 |
14 |
126 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0,0 |
14 |
Etyl Acetat |
42 |
14 |
126 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0,0 |
– Vi khí hậu:
+ Có 09/26 CSSX vi phạm quy chuẩn QCVN 26:2016/BYT, trong đó, miền Bắc 2/6, miền Trung 1/2 và miền Nam: 6/18.
+ Về nhiệt độ: 19/130 vị trí không đạt quy chuẩn (chiếm 14,6%), nhiệt độ vượt từ 0,1-6,2oC, tập trung tại 01 CSSX miền Trung và 06 CS miền Nam.
+ Về độ ẩm: có tất cả 11/130 vị trí không đạt quy chuẩn, trong đó miền Bắc 10 vị trí thuộc 02 CSSX và miền Nam 01 vị trí.
– Tiếng ồn:
Quan trắc MTLĐ tại 26 công ty giầy da cho thấy tiếng ồn chung tại 02 CSSX ở miền Bắc (04 vị trí quan trắc) và 07 CSSX ở miền Nam (17 vị trí quan trắc) không đạt QCVN 24:2016/BYT, chủ yếu tập trung ở khu vực mài, mài đế, khu vực may và đúc khuôn, dập lỗ. Tiếng ồn đo được tại một số vị trí vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép đến 10,1dBA.
– Hơi hữu cơ:
Có 16/182 vị trí đo (06/26 CS) Methyl Ethyl Ketone (MEK) (chiếm 8,8%) và 08/182 vị trí đo (04/26 CSSX) Acetone (chiếm 4,4%) vượt tiêu chuẩn vệ sinh lao động 3733/2002/QĐ-BYT. Các hóa chất này là các dung môi được sử dụng phổ biến tại các vị trí quét keo và dán đế giầy. Nồng độ MEK ở một số công đoạn như quét nước xử lý cuối chuyền còn lên tới 565mg/m3, gấp gần 2 lần tiêu chuẩn cho phép và nồng độ acetone trong không khí lên tới nồng độ gấp 1,5 lần tiêu chuẩn cho phép (1540mg/m3).
– Tốc độ gió, bụi hô hấp và các yếu tố hóa học (CO, CO2, SO2, NO2, hơi hữu cơ n-hexan, toluen, etyl acetat): kết quả cho thấy tại các vị trị đo thuộc 26 CS giầy da thuộc Bắc, Trung, Nam đều nằm trong giới hạn của tiêu chuẩn vệ sinh lao động 3733/2002/QĐ-BYT.
Nhìn chung, kết quả quan trắc cho thấy NLĐ ngành giầy tại các CS được khảo sát có nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố có hại là vi khí hậu nóng, tiếng ồn, hơi khí hữu cơ (acetone, MEK) vượt các tiêu chuẩn cho phép. Nghiên cứu này khẳng định hơn nữa những kết quả nghiên cứu trong nước được thực hiện trước đó về hiện trạng MTLĐ của NLĐ ngành giầy.
3.1.2. Thực trạng ATVSLĐ
Kết quả việc triển khai công tác ATVSLĐ của 26 CSSX giầy được khảo sát như sau:
– Về trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN):
Kết quả khảo sát cho thấy có 09/26 CSSX (chiếm 34,6%) chưa trang bị PTBVCN cho tất cả NLĐ; 03/26 CSSX (chiếm 11,5%)trang bị PTBVCN không đầy đủ về số lượng cho NLĐ theo quy định; 01/26 CSSX (chiếm 3,8%) có NLĐ không sử dụng trang bị PTBVCN đúng mục đích công việc.
– Đường đi lại nội bộ và cửa thoát hiểm:
Kết quả khảo sát cho thấy nhiều CSSX không thực hiện việc kiểm tra, bảo trì cửa thoát hiểm, không diễn tập ứng phó với các tình huống khẩn cấp: 06/26 CSSX (chiếm 23,1%) thiết kế đường đi lại nội bộ không đảm bảo chiều rộng theo quy định; 03/26 CSSX (chiếm 11,5%) có đường đi lại nội bộ còn để các vật cản, chướng ngại vật; 05/26 CSSX (chiếm 19,2%)không có các biển cảnh báo an toàn, biển cấm, biển chỉ dẫn cho người và phương tiện qua lại; 03/26 CSSX (chiếm 11,5%)không phổ biến cho NLĐ các quy định về thoát hiểm và niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người biết và chấp hành và không có sơ đồ chỉ dẫn lối thoát hiểm; 02/26 CSSX (chiếm 7,7%) không có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn lối thoát hiểm.
– Rủi ro về điện:
Khảo sát cho thấy:02/26 CSSX (chiếm 7,7%) không thực hiện nối trung tính vỏ kim loại của máy, thiết bị điện để đề phòng điện chạm vỏ hoặc nối nhưng không đảm bảo; 03/26 CSSX (chiếm 11,5%)có dây điện không đi trên sứ cách điện, lắp đặt trên kết cấu kim loại của nhà xưởng; 02/26 CSSX (chiếm 7,7%)không thiết kế hoặc không lắp đặt hệ thống chống sét đánh thẳng hoặc lắp đặt không đảm bảo; 06/26 CSSX (chiếm 23,1%) không định kỳ kiểm tra đo điện trở nối đất nhà xưởng, thiết bị.
– Đo đạc môi trường lao động tại nơi làm việc:
06/26 CSSX (chiếm 23,1%) không tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động định kỳ hàng năm;
– Huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động:
Khảo sát cho thấy 08/26 CSSX (chiếm 30,8%) không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người học nghề, tập nghề khi tuyển dụng hoặc huấn luyện không đầy đủ.
3.2. Tình hình áp dụng HTQLATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất giầy
Kết quả tổng hợp số cơ sở sản xuất (CSSX) giày da đạt được chứng nhận áp dụng các hệ thống quản lý (HTQL) được dẫn ra trong Bảng 3.
Bảng 3.Tổng hợp số CSSX giầyđạt chứng nhận các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn
TT |
Hệ thống quản lý theo Tiêu chuẩn |
Số cơ sở giầy da đạt Chứng nhận |
Tổng số cơ sở giầy da đạt Chứng nhận |
% |
||
Miền Bắc |
Miền Trung |
Miền Nam |
||||
1 |
BSCI |
0 |
1 |
9 |
10 |
38,5 |
2 |
ISO 9001 |
4 |
2 |
9 |
15 |
57,7 |
3 |
ISO 14001 |
0 |
2 |
2 |
4 |
15,4 |
4 |
ISO 22000 |
0 |
0 |
2 |
2 |
7,7 |
5 |
SA 8000 |
0 |
0 |
5 |
5 |
19,2 |
6 |
OSHAS 18001 |
0 |
1 |
0 |
1 |
3,9 |
7 |
ISO 45001 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0,0 |
Trong số 26 CS được khảo sát, số CS đạt được chứng nhận ISO 9001 là lớn nhất – 15/26 CS (chiếm 57,6%) và có chỉ duy nhất 01CStại miền Trung đạt chứng nhận HTQL ATVSLĐ OHSAS 18001 (chiếm 3,6%). Có 10/26 CS (chiếm 38,5%) đạt chứng nhận BSCI – là bộ quy tắc giúp đánh giá và tuân thủ tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, trong đó có quy tắc số 11 là về An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc.04/26 CS đạt chứng nhận HTQL về môi trường ISO 14001, 02/26 CS đạt chứng nhận ISO 22000, 05/26 CS đạt chứng nhận về trách nhiệm xã hộiSA 8000. Cho đến thời điểm khảo sát (năm 2019), chưa có CS giầy da nào đạt được chứng nhận HTQL ATVSLĐ ISO 45001.
Phần lớn những CS đạt được các chứng nhận trên tập trung ở DN có quy mô lớn và vừa. Ngoài các hệ thống quản lý theo quy định của Pháp luật Việt Nam, một số DN lớn còn áp dụng và vận hành các Hệ thống quản lý của nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng nhưng không có chứng chỉ công nhận.
4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
4.1. Kết luận
+ Môi trường lao động: 09/26 CSSX vi phạm quy chuẩn về vi khí hậu; 21/182 vị trí vi phạm tiêu chuẩn về tiếng ồn; 06 CSSX có nhiều vị trí nồng độ dung môi hữu cơ acetone, MEK vượt tiêu chuẩn cho phép.
+ Trang bị PTBVCN: 34,6% CSSX chưa trang bị PTBVCN cho NLĐ; 11,5% CSSX trang bị PTBVCN không đầy đủ về số lượng cho NLĐ.
+ Đường đi lại nội bộ và cửa thoát hiểm: 23,1% CSSX thiết kế đường đi lại nội bộ không đảm bảo chiều rộng theo quy định; chiếm 19,2% CSSX không có các biển cảnh báo an toàn, biển cấm, biển chỉ dẫn cho người và phương tiện qua lại; 7,7% CSSX không có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn lối thoát hiểm.
+ Rủi ro về điện: 23,1% CSSX không định kỳ kiểm tra đo điện trở nối đất nhà xưởng, thiết bị.
+ Đo đạc MTLĐ và huấn luyện ATVSLĐ: 23,1% CSSX không tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động định kỳ hàng năm;30,8% CSSX không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người học nghề, tập nghề khi tuyển dụng hoặc huấn luyện không đầy đủ.
+ Hệ thống quản lý ATVSLĐ: 57,6% CSSX đạt chứng nhận ISO 9001, chỉ có 3,6% CSSX đạt chứng nhận HTQL ATVSLĐ OHSAS 18001.
4.2. Kiến nghị
Cần có các giải pháp cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ như cải thiện môi trường vi khí hậu nơi làm việc, chống ồn và các nguy cơ tiếp xúc với các hóa chất hữu cơ bay hơi từ dung môi từ keo dán giầy. Cần có các quy định, giải pháp cụ thể của Nhà nước về hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như nâng cao nhận thức của NLĐ về công tác đảm bảo ATVSLĐ và khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý ATVSLĐ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Phạm Công Tuấn, Phan Thị Thúy Chinh, Nguyễn Thúy Quỳnh, Trần Thị Thu Thủy (2016), “Điều kiện làm việc của công nhân nữ ngành sản xuất da giày tại một số khu công nghiệp ở Việt Nam”, Y tế công cộng, số 41, pp.6-11.
[2]. Trần Thị Liễu, Thái Hà Vinh, Đặng Thị Thu Hà, Đỗ Trần Hải (2018), “Chất lượng không khí khu vực làm việc và khu vực bếp ăn tại một số cơ sở sản xuất dệt may và giày da Việt Nam”, Tạp chí Hoạt động KHCN An toàn – Sức khỏe & Môi trường lao động, số 1,2&3, pp.56-64.
[3]. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cục An toàn lao động (2016), “Hồ sơ quốc gia về An toàn và Vệ sinh lao động ở Việt Nam, giai đoạn 2010-2015”.
[4]. Bộ Y tế (2016), “Thông tư số 24/2016/TT-BYT Ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 24/2016/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn – Mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc”, ban hành ngày 30/6/2016.
[5]. Bộ Y tế(2016), “Thông tư số 26/2016/TT-BYT Ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 26/2016/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vi khí hậu–Giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc”, ban hành ngày 30/6/2016.
[6]. Bộ Y tế (2002), “Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động”, ban hành ngày 10/10/2002.
ThS. Nguyễn Khánh Huyền, ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng, CN. Lê Thị Đào và các cộng sự
Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)