Đánh giá và chứng nhận chất lượng về an toàn lao động và ecgônômi với máy, thiết bị sản xuất, chỗ làm việc và quá trình công nghệ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:51(GMT +7)

Theo Tổ chức Lao động quốc tế: tai nạn lao động liên quan đến vận hành máy móc chiếm 10% tổng số tai nạn lao động. Có tới 39% TNLĐ do máy móc gây nên, làm mất một phần, mất hoàn toàn khả năng lao động hoặc gây chết người.

– Tại các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng 250-350 ngàn người chết vì TNLĐ, mà nguyên nhân là sự không thích ứng của các thành phần cơ bản trong hệ thống người – máy – môi trường.

– ILO nhận định rằng, việc cung cấp không kiểm soát các phương tiện kỹ thuật, thiết bị, máy móc không hoàn thiện (về an toàn và Ecgônômi) tại các nước đang phát triển sẽ tiếp tục làm tăng nhiều tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

– Ở nước ta việc áp dụng các yêu cầu, tiêu chuẩn Ecgônômi trong thiết kế chế tạo máy móc, công cụ, phương tiện kỹ thuật, thiết bị sản xuất chưa được bản thân các nhà thiết kế, các nhà quản lý chất lượng sản phẩm quan tâm thích đáng và đúng mức.

– Hiện nay tại các cơ sở sản xuất của nhiều ngành công nghiệp, tình trạng máy móc, thiết bị sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, thiếu đồng bộ, không đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn an toàn và Ecgônômi là tình hình phổ biến; vì vậy nguy cơ gây TNLĐ, BNN và điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, đang hàng ngày đe dọa an toàn và sức khoẻ người lao động.

– Mặt khác, việc nhập khẩu và chuyển giao công nghệ hàng loạt máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của nước ngoài, do nhiều hãng sản xuất và từ nhiều nguồn khác nhau dễ dàng dẫn đến việc người lao động Việt Nam phải gánh chịu hậu quả TNLĐ, BNN, hoặc tổn hao sinh học nặng nề, do chất lượng an toàn và Ecgônômi không đảm bảo cũng như không phù hợp với đặc tính tâm sinh lý của họ.

– Từ cơ sở thực tiễn kể trên, đòi hỏi phải hình thành một hệ thống đánh giá và chứng nhận chất lượng nhà nước nhằm kiểm soát đồng bộ và toàn diện chất lượng về an toàn lao động và Ecgônômi đối với máy móc phương tiện kỹ thuật, thiết bị sản xuất, trước khi cho phép chế tạo hàng loạt trong nước cũng như nhập từ nước ngoài.

1. Nguyên tắc đánh giá chất lượng Ecgônômi, an toàn lao động đối với máy móc, thiết bị.

– Mỗi thiết bị, máy móc khi thiết kế đều được dự định hợp tác với con người, nguyên lý này là cơ sở để đánh giá chúng đồng bộ về Ecgônômi và an toàn lao động.

– Nếu chúng ta xuất phát từ đặc tính tâm sinh lý của con người thì có thể xem tập hợp máy móc như một tổng thể đồng nhất và vấn đề đặt ra là nghiên cứu phương pháp đánh giá về kết cấu cho tập hợp như vậy.

– Đánh giá Ecgônômi hệ thống người- máy là một bộ phận bắt buộc của việc đánh giá toàn diện chất lượng sản phẩm công nghiệp và là một giai đoạn quan trọng khi nghiên cứu và hoàn thiện chúng, cũng như khi giám định và chứng nhận sản phẩm theo cấp chất lượng.

– Đánh giá Ecgônômi hướng tới việc xác định mức độ thích ứng của sản phẩm công nghệ, máy móc, thiết bị quá trình công nghệ, chỗ làm việc với các yêu cầu tiêu chuẩn Ecgônômi nhằm mục đích tạo ra các điều kiện lao động an toàn, đạt được năng suất lao động và khả năng làm việc cao của con người.

– Trên cơ sở các công trình nghiên cứu phân tích chủ yếu về mặt kết cấu đối với máy móc, thiết bị với những kiến thức Ecgônômi, người ta tiến hành nghiên cứu thực nghiệm trên mô hình chỗ làm việc cụ thể. Những dẫn liệu rút ra từ kết quả sẽ phục vụ để thiết kế chỗ làm việc thích ứng với người điều khiển.

– Quá trình triển khai các nghiên cứu trên cho phép nghiên cứu và hoàn chỉnh “hướng dẫn đánh giá máy móc, thiết bị dưới góc độ ứng dụng cho con người” – là cơ sở để soạn thảo các yêu cầu cụ thể, phương pháp nghiên cứu, đánh giá từng nhóm máy, thiết bị riêng biệt.

– Việc đánh giá được tiến hành trong khuôn khổ của hệ thống đánh giá chất lượng, trình độ kỹ thuật của sản phẩm, ngay ở giai đoạn hình thành thiết kế về kết cấu, cũng như sau các nghiên cứu mẫu máy (prototype) và các tài liệu lý lịch kèm theo.

– Phạm vi đánh giá về Ecgônômi và an toàn lao động đối với máy thiết bị bao gồm:

+ An toàn vận hành: độ bền các chi tiết quyết định độ an toàn, độ tin cậy, sự đảm bảo tránh được các sự cố,các chấn thương cơ học, tránh điện giật, chống cháy nổ, cũng như an toàn khi vận chuyển, lắp ráp và bảo dưỡng.

+ Tư thế và không gian làm việc.

+ Các điều kiện nhìn rõ ban ngày và ban đêm.

+ Gánh nặng thể lực: gánh nặng động và tĩnh đối với tay, chân và các bộ phận khác của cơ thể.

+ Đảm bảo an toàn đối với các yếu tố có hại phát sinh bởi máy móc thiết bị, công nghệ cũng như môi trường xung quanh: bụi, khí, siêu âm, hơi nước, trường điện từ, vi khí hậu, tiếng ồn, độ rung các tia bức xạ…

+ Những yêu cầu về thẩm mỹ, đề cập đến bố cục không gian, sơ đồ chỉ báo, tạo dáng, phối màu…

+ Những yêu cầu về an toàn và vệ sinh lao động trong các tài liệu hướng dẫn sử dụng, trong vận chuyển, lắp ráp, vận hành cũng như sửa chữa.

2. Hệ thống chứng nhận và cấp dấu chất lượng về an toàn và Ecgônômi đối với máy móc, thiết bị.

Hệ thống chứng nhận và cấp dấu chất lượng về an toàn và Ecgônômi là một bộ phận của hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm bao gồm: Trung ương, các khu vực, các ngành và xí nghiệp.

Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động tham gia cùng với Tổng cục tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chế, quy trình chứng nhận cũng như lập hội đồng chuyên gia thẩm định công việc này. Đồng thời chịu trách nhiệm thực hiện giám định trực tiếp nhóm máy nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm theo phân cấp.

Các nhóm máy khác do cơ quan cấp ngành chịu trách nhiệm giám định trên cơ sở phương pháp và tiêu chuẩn ngành. Thiết bị và công cụ giản đơn do xí nghiệp tổ chức giám định theo hướng dẫn thống nhất về phương pháp cũng như chỉ tiêu.

Các nhóm chuyên gia giám định gồm từ 7 đến 9 người với chuyên môn khác nhau gồm các nhà kỹ thuật, sinh lý, vệ sinh, cũng như thẩm mỹ kỹ thuật, chịu trách nhiệm xác định các chỉ tiêu đánh giá của nhóm máy cụ thể.

——————————-

Các bài viết có liên quan:

– Ecgônômi trong mối quan hệ liên ngành;

– Sự tác động tương hỗ giữa người-máy-môi trường

– Những nguyên tắc ecgônômi trong thiết kế hệ thống làm việc

– Các yêu cầu ecgônômi đối với phương tiện kỹ thuật

– Ecgônômi chỗ làm việc với máy tính

TS. Nguyễn Thế Công


(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)