Đục thể thủy tinh nghề nghiệp do tiếp xúc bức xạ ion hóa, bức xạ không ion hóa và biện pháp phòng chống.

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:27(GMT +7)

1. Đục thể thủy tinh và tình hình mắc.

Thể thủy tinh có hình thấu kính, hai mặt lồi (trước, sau) được cấu tạo bởi 3 phần từ ngoài vào trong: Bao, vỏ, nhân.

Đục thể thủy tinh là sự mờ đục thể thủy tinh với bất kỳ mức độ nào. Tùy theo mức độ, vị trí đục mà ảnh hưởng đến thị lực nhiều hay ít. Khi thị lực giảm do đục thể thủy tinh việc điều trị hiệu quả nhất hiện nay là phẫu thuật lấy thể thủy tinh và có thể thay thế thể thủy tinh nhân tạo.

Đục thế thể thủy tinh có thể được phân loại theo nhiều cách tùy mục đích của việc phân loại. Tuy nhiên hay được phân loại theo vị trí giải phẫu thể thủy tinh, theo mức độ đục hoặc theo nguyên nhân gây đục.

Thể thủy tinh vốn trong suốt. Khi sự trong suốt không còn ở bất kỳ vị trí, mức độ nào gọi là đục thể thủy tinh. Sự xuất hiện của những vẩn đục hay những đám mờ bên trong hạt nhân gọi là đục hạt nhân. Sự mờ đục xuất hiện ở phần vỏ gọi là đục vỏ. Sự mờ đục xuất hiện ở phần vỏ sau dưới lớp bao sau gọi là đục dưới bao sau.

Sự mờ đục có thể ở các mức độ khác nhau (đục bắt đầu, đục tiến triển, đục hoàn toàn), ban đầu có thể xảy ra ở các vị trí khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân gây đục. Tuy nhiên sự mờ đục sẽ tiến triển dẫn đến đục toàn bộ thế thể thủy tinh (đục thế thể thủy tinh hoàn toàn).

Đục thể thủy tinh là bệnh thường gặp và gây mù lòa chủ yếu ở các nước và Việt Nam. Trong những nguyên nhân chính gây mù thì đục thể thủy tinh cao nhất với 39%, nguyên nhân thứ 2 là do tật khúc xạ chưa được chỉnh kính 18%.

Tại Việt Nam năm 2007, cuộc đánh giá nhanh về tình trạng mù lòa có thể phòng tránh được (RAAB) tại 16 tỉnh thành trong cả nước với trên 28.033 người từ 50 tuổi trở lên, kết quả tỷ lệ mù là 3,1% (dao động 2,8% – 3,4%) suy ra tỷ lệ mù lòa trong toàn dân số ít nhất là 0,59% (385.800người), trong đó mù lòa do đục thể thủy tinh cao nhất 66,1%.

2. Nguyên nhân gây đục thể thủy tinh. Có rất nhiều nguyên nhân gây đục thể thủy tinh. Nguyên nhân do bẩm sinh và mắc phải như tuổi già, bệnh tiểu đường, bệnh lý tại mắt (glocom, viêm màng bồ đào…), chấn thương tại mắt (chấn thương cơ học, hóa chất), dùng thuốc corticosteroid…Tiếp xúc với các yếu tố tác hại có trong môi trường đặc biệt là trong môi trường lao động như bức xạ ion hóa, tia X, bức xạ không ion hóa (bức xạ tử ngoại, bức xạ nhiệt, vi sóng) được coi là nguyên nhân gây đục thể thủy tinh nghề nghiệp.

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) xếp nhóm các bệnh nghề nghiệp theo từng nguyên nhân và bệnh đục thể thủy tinh được xếp vào nhóm bệnh nghề nghiệp tác hại do:

– Bức xạ ion hóa, tia X thuộc nhóm 1.2.4

– Bức xạ không ion hóa (bức xạ tử ngoại, bức xạ nhiệt, vi sóng) thuộc nhóm 1.2.6

Hiện nay, đục thể thủy tinh nghề nghiệp được hơn 30 nước trên thế giới đưa vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được đền bù. Trong đó có nhiều nước Châu Âu, Pháp, Nga, Hungary, Trung Quốc…

2.1. Đục thể thủy tinh do bức xạ ion hóa: Tác hại được biết đến với biểu hiện hầu hết tại các cơ quan trong cơ thể và đục thể thủy tinh là biểu hiện thường gặp. Đục thể thủy tinh có thể là một triệu chứng của bệnh nhiễm xạ toàn thân có khi chỉ là tổn thương đơn lẻ do bức xạ ion chiếu vào mắt. Đục thể thủy tinh do bức xạ ion hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó liều chiếu và thời gian chiếu là quan trọng nhất.

Biểu hiện đục thể thủy tinh do bức xạ ion hóa là mờ ở dưới bao sau và đôi khi ở lớp vỏ.

Người lao động có nguy cơ tiếp xúc bức xạ ion hóa, tia X như: khai thác mỏ, dầu khí, chế tạo máy móc, trong y tế chụp chiếu X-quang, xạ trị, can thiệp tim mạch…

2.2. Đục thể thủy tinh do bức xạ không ion hóa: bức xạ tử ngoại, bức xạ nhiệt, vi sóng có thể gây các tổn thương khác nhau trong mắt, cấp tính hoặc mạn tính tùy thuộc vào bước sóng, cường độ và thời gian tiếp xúc. Đục thể thủy tinh là một trong những thiệt hại do tiếp xúc kéo dài.

*Bức xạ tử ngoại (UV) chia thành 3 loại: UVA có bước sóng dài (380-315nm), UVB có bước sóng trung bình (315-280nm), UVC có bước sóng ngắn (< 280nm). Ảnh hưởng của các loại UV lên các phần của mắt khác nhau. Tiếp xúc lâu dài UVB, UVA tăng nguy cơ đục thể thủy tinh.

Các nghề nghiệp có nguy cơ tiếp xúc với bức xạ tử ngoại nhân tạo: thợ hàn hồ quang, lò nung hồ quang điện, sản xuất mỹ phẩm và thuộc da, trong y tế dùng đèn duyệt khuẩn, các thiết bị giúp chẩn đoán và điều trị…

* Bức xạ nhiệt: Bức xạ hồng ngoại (IR) nằm ngoài ánh sáng đỏ của quang phổ ánh sáng nhìn thấy với bước sóng từ 760-10.000nm. Được chia thành 3 loại: IRA (760-1.400nm). IRB (1.400-3.000nm) và IRC (3000-10.000nm). Bức xạ hồng ngoại thường được hấp thụ bề ngoài da và trong mô mắt nhưng với sự thâm nhập vào độ sâu khác nhau tùy thuộc vào bước sóng. Sự hấp thụ và truyền các bức xạ hồng ngoại phụ thuộc vào cấu trúc của mắt. Trong đó, thể thủy tinh hấp thu bước sóng trong khoảng 900-1400nm, chủ yếu là IRA.

Cơ chế tác động của bức xạ hồng ngoại lên mắt chiếm ưu thế bởi chấn thương nhiệt vì vậy thường coi là đục thể thủy tinh do bức xạ nhiệt.

Tiếp xúc lâu dài IR có thể đục thể thủy tinh.Cơ chế gây đục do IR thực sự chưa hiểu hết. Nhiều giả thuyết cho rằng cả cơ chế hấp thu nhiệt trực tiếp và hấp thu nhiệt gián tiếp qua mống mắt, thể mi, thủy dịch gây biến tính protein thể thủy tinh, hậu quả gây đục. Đục thể thủy tinh do bức xạ nhiệt được coi là bệnh nghề nghiêp ở Châu Âu.

*Đục thể thủy tinh do vi sóng (microwaves) tần số 30kHz- 300GHz : Theo EU bức xạ vi sóng gây đục thể thủy tinh do là tác động nhiệt. Bước sóng dài hàng centimet (cm) thậm chí decimet (dm). Thời gian tiếp xúc phụ thuộc vào cường độ bức xạ.

Tại Trung Quốc, người lao động tiếp xúc với sóng điện từ có bước sóng từ 300MHz- 300GHz hoặc bước sóng dài 1m-1mm là nguyên nhân có thể gây đục thể thủy tinh nghề nghiệp.

Cơ chế đục thể thủy tinh cũng được cho là do tác động dưới dạng nhiệt.

Nghề nghiệp có tiếp xúc với vi sóng (microwaves) có nguồn gốc nhân tạo: trạm rada, trạm thu phát sóng phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin liên lạc.
tiếp xúc với các máy có nguồn bức xạ phát ra: lò đốt sóng cao tần, thiết bị đun nóng kim loại, đèn khử trùng, dây tải điện cao áp…

3.Các biện pháp dự phòng

Đục thể thủy tinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó nguyên nhân do bức xạ ion hóa, bức xạ không ion hóa có thể phòng ngừa được.

3.1. Biện pháp kỹ thuật nhằm giảm yếu tố tác hại tại nguồn phát sinh.

– Áp dụng công nghệ tiên tiến trong dây chuyền sản xuất, thay thế thiết bị máy móc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.

– Định kỳ bảo dưỡng, kiểm tra các máy móc, thiết bị. Đặc biệt, trong sản xuất tiếp xúc với các chất phóng xạ, tia X đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn phóng xạ

3.2. Biện pháp bảo hộ lao động tập thể, cá nhân.

Đối với bức xạ ion hóa, bức xạ không ion hóa thì việc ngăn ngừa tác hại của chúng lên người lao động bằng khoảng cách, màn che chắn, hạn chế thời gian tiếp xúc là vô cùng quan trọng.

– Liều chiếu của bức xạ ion hóa, tia X, UV, vi sóng và cường độ bức xạ nhiệt,  giảm nhanh theo khoảng cách từ nguồn phát đến người tiếp xúc. Vì vậy cần tránh xa nguồn bức xạ khi vận hành. Có thể dùng các thiết bị điều khiển từ xa, hoặc dùng que gậy dài để thao tác…

– Bảo vệ bằng che chắn: Đối với bức xạ ion hóa có thể sử dụng các màn che chắn phù hợp để giảm thiểu năng lượng bức xạ khi đâm xuyên (màn che chắn bằng chì, bê tông…).Đối với nhân viên khi tiếp xúc với ion hóa, tia X có thể mặc quần áo, đeo kính pha chì…. Đối với thợ lò tiếp xúc với bức xạ nhiệt cao đeo kính lọc bức xạ nhiệt. Người tiếp xúc với bức xạ tử ngoại như thợ hàn cần đeo kính hoặc mặt nạ lọc tia tử ngoại…

– Giảm thiểu thời gian tiếp xúc bằng thay đổi vị trí lao động, nghỉ ngắn, hoặc giới hạn thời gian lao động để tránh hấp thụ quá liều tối đa cho phép.

– Thay quần áo bảo hộ lao động và tắm rửa trước khi về nhà.

3.3. Biện pháp y tế

– Người tiếp xúc với bức xạ ion hóa, tia X phải đeo liều kế cá nhân khi làm việc để kiểm soát liều hấp thụ dưới giới hạn liều tối đa cho phép.

– Khám tuyển và khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp theo quy định (đối với bức xạ ion hóa, tia X khám 6 tháng/lần) trong đó có khám mắt nhằm phát hiện sớm đục thể thủy tinh. Khi có biểu hiện bệnh, cần có biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Th.S Lê Minh Hạnh

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường


(Nguồn tin: http://nioeh.org.vn)