Ecgônômi chỗ làm việc với máy tính

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:51(GMT +7)

1. Khái niệm về ecgônômi chỗ làm việc với máy vi tính
Từ những năm của thập kỷ 80 của thế kỷ 20, với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật vi điện tử, vi xử lý, nền khoa học công nghệ của thế giới đã tạo ra nhiều thế hệ máy tính đa dạng, ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực hoạt động của cuộc sống. Trong nhiều ngành sản xuất hiện phổ biến những chỗ làm việc của hệ thống CAD (máy tính trợ giúp thiết kế), và hệ thống CAM (máy tính trợ giúp sản xuất), lao động của con người được tiến hành trong những điều kiện hoàn toàn mới, phức tạp và đa dạng về gánh nặng lao động.

Ecgônômi máy tính quan tâm tới các tổn thương và gánh nặng tại chỗ làm việc với màn hình như: Các ảnh hưởng tới thị giác, các biến đổi trên da, những đau đớn của hệ cơ xương, đau đầu, những rối loạn tâm sinh lý và tâm thể chất (psychosomatic), những rối loạn ở phụ nữ có thai; phân tích các điều kiện lao động tại chỗ làm việc: bàn phím, màn hình, chuột; ảnh hưởng của chiếu sáng với màn hình vi tính; tác động của trường điện từ, của tiếng ồn…; những yêu cầu và nguyên tắc cấu trúc không gian chỗ làm việc với màn hình vi tính và những điều kiện lập trình mang tính ecgônômi: tính đến khả năng tâm lý nhằm tránh sai lỗi, tránh các hoạt động chậm, tránh tác động của các stress.

2. Nguyên tắc cơ bản hình thành cấu trúc không gian chỗ làm việc với máy vi tính

a. Cấu trúc không gian chỗ làm việc cần thích ứng với kích thước của 90% người sử dụng cho người trưởng thành cả hai giới. Kích thước tối thiểu, lấy theo P5 của nữ giới và kích thước tối đa lấy theo P95 của nam giới.

Với kích thước của người Việt Nam có chiều cao xác định là P5 (nữ) = 142,7cm và P95 (nam) = 170,8cm.

Bao gồm các kích thước:

– Cao đất – kheo: cao ghế ngồi;

– Cao đất – gối: mặt bàn đến sàn;

– Dày đùi: chiều cao khoảng trống để chân;

– Cao ngồi đến mắt: bố trí trường nhìn;

– Tầm với của tay: bố trí các thành phần máy vi tính tại chỗ làm việc.

b. Các thành phần chỗ làm việc phải quan sát cần được đặt trong tầm của trường nhìn – là khoảng không gian được xác định bởi một hình nón có góc ở đỉnh  800. Trạng thái thị giác được xác định trong không gian này sẽ nhận được chuyển động không những của đồng tử con mắt, mà còn gắn với chuyển động không mệt mỏi của đầu. Trục đối xứng của trường nhìn (đường nhìn trung tâm) phù hợp với hướng nhìn ở tư thế ít mệt mỏi nhất của mắt và theo hướng thẳng từ mắt nhân viên vi tính dưới một góc 15o, thấp hơn so với mặt nằm ngang ở tư thế thân mình và đầu thẳng. Trong trường nhìn có thể phân biệt thành trường nhìn tối ưu, là hình nón có góc ở đỉnh là 300 có trục đối xứng cũng là đường nhìn trung tâm. Trong không gian bao trùm bởi trường nhìn trung tâm thì có độ nhìn rõ nhất, trạng thái nhìn còn liên quan đến chuyển động của đồng tử mắt. Các thành phần phải quan sát thường xuyên (màn hình, tài liệu…) cần được đặt trong tầm nhìn tối ưu hay vùng lân cận của nó.

c. Giá trị của các thông số cấu trúc không gian chỗ làm việc cần đảm bảo sao cho nhân viên vi tính có thể làm việc ở tư thế thuận lợi nhất. Các nghiên cứu phân tích, tư thế làm việc dễ chịu và hay được lựa chọn nhất của nhân viên vi tính, cũng như việc phân tích các thông số thống kê các tư thế này cho phép xác định các phạm vi và giá trị trung bình của các thông số đó như sau:

– Góc nghiêng của thân mình về phía sau so với đường nằm ngang, có giá trị: 910 ÷ 1200, trung bình 1040.

– Góc giữa đường cánh tay so với đường nằm ngang, có giá trị: 910 ÷ 1400, trung bình 1130

– Góc giữa đường cánh tay và cẳng tay, có giá trị: 750 ÷ 1250, trung bình 990

Giá trị của các thông số này phụ thuộc chủ yếu vào vị trị tối ưu của bàn phím cũng như việc sắp xếp và xác định vị trí của trường nhìn của nhân viên vi tính trong không gian chỗ làm việc.

d. Cấu trúc chỗ làm việc cần tạo khả năng phù hợp của kết cấu không gian đó đối với các đặc tính cá nhân về tâm sinh lý của nhân viên vi tính, có thể có sự khác nhau đáng kể trong tỉ lệ thành phần của cơ thể, cũng như đặc tính của cơ quan thị giác ở mỗi nhân viên cụ thể. Vì vậy, cần đảm bảo khả năng điều chỉnh riêng từng thông số cơ bản của cấu trúc này (ví dụ, chiều cao của mặt ghế ngồi, chiều cao của bàn phím, chiều cao của màn hình máy
vi tính…).

Vì vậy không thể xác định được giá trị cố định của các thông số này, bởi vì nó không đảm bảo điều kiện làm việc tối ưu cho tất cả các nhân viên vi tính (thậm chí cả đối với cá thể có cùng một tầm với).

e. Cấu trúc không gian chỗ làm việc cần phải thích ứng với chủng loại và kiểu máy vi tính khác nhau. Bởi vì kích thước của các thành phần máy vi tính có liên quan, như chiều cao bàn phím (được xác định bằng khoảng cách từ giữa bàn phím đến mặt bàn) và chiều cao của bộ phận xử lý của máy tính (CPU) (thường là nơi đặt màn hình lên trên) có ảnh hưởng đáng kể đến cấu trúc không gian chỗ làm việc. Bởi vậy mục tiêu là phải áp dụng việc điều chỉnh riêng biệt chiều cao màn hình và chiều cao đặt bàn phím.

Kích thước ngang (chiều dài và rộng) của CPU, và của máy in xác định kích thước đòi hỏi đối với kích thước mặt bàn làm việc để xếp đặt cả thành phần này, đồng thời không cản trở bề mặt thao tác tại chỗ làm việc, cũng như phải đảm bảo cho thao tác với thuận tiện đối với nhân viên vi tính tới các thành phần này.

——————————-

Các bài viết có liên quan:

– Ecgônômi trong mối quan hệ liên ngành;

– Sự tác động tương hỗ giữa người-máy-môi trường;

– Những nguyên tắc ecgônômi trong thiết kế hệ thống làm việc;

– Các yêu cầu ecgônômi đối với phương tiện kỹ thuật

– Đánh giá và chứng nhận chất lượng về an toàn lao động và ecgônômi với máy, thiết bị sản xuất, chỗ làm việc và quá trình công nghệ

TS. Nguyễn Thế Công


(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)