Ecgônômi trong mối quan hệ liên ngành

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:50(GMT +7)

Ecgônômi (Ergonomics, từ gốc tiếng Hy lạp: “ergon” – lao động và “nomos” – quy luật) nghiên cứu và ứng dụng những quy luật chi phối quan hệ giữa con người và lao động.
Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam xác định thuật ngữ theo tiếng Việt là “Ecgônômi” và định nghĩa: Ecgônômi là môn khoa học liên ngành nghiên cứu tổng hợp sự thích ứng giữa phương tiện kỹ thuật và môi trường lao động với khả năng của con người về giải phẫu, sinh lý, tâm lý nhằm bảo đảm cho lao động có hiệu quả nhất, đồng thời bảo vệ sức khoẻ, an toàn và tiện nghi cho con người.

1. Quá trình phát sinh và phát triển của Ecgônômi:

– Những thử nghiệm của F.Taylor đầu thế kỷ 20, được công nhận rộng rãi trong lĩnh vực tổ chức khoa học lao động.

– Trước và trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự, được triển khai mạnh mẽ, nhằm làm thích ứng khí tài chiến đấu của binh sĩ.

– Sau chiến tranh, các thành tựu nghiên cứu, các phương pháp kỹ thuật trong tổ chức lao động thiết kế chỗ làm việc được áp dụng rộng rãi trong công nghiệp và ngày càng phát triển:

+ Đến năm 1947, nhiều hướng nghiên cứu cùng chung một mục tiêu, tập hợp trong một giới hạn liên ngành, tạo ra một khoa học có tính độc lập về đối tượng và mục tiêu (human engineering, human factor engineering, engineering psychology, biotechnology, ergology).

+ Tháng 5/ 1949 tại Oxford, ra đời thuật ngữ ergonomics cùng với sự ra đời của Hội nghiên cứu Ecgônômi (ERS) và tạp chí ergonomics xuất bản tại Lonđon. Năm 1954, Hội yếu tố con người được thành lập. Tháng 4/ 1954 thành lập hội Ecgônômi quốc tế ( IEA).

+ Thập kỷ 60 được gọi là “Ecgônômi công nghiệp”. Những năm tiếp theo là Ecgônômi nghiên cứu “ hệ thống người máy”

+ Thập kỷ 70 được mệnh danh là “Ecgônômi người tiêu dùng” với những tối ưu hoá hoạt động của con người ngoài lao động sản xuất.

+ Thập kỷ 80 gọi là “ Ecgônômi máy tính”

+ Thập kỷ 90 gọi là “ Ecgônômi thông tin”

– Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 được mệnh danh là “ Ecgônômi thời giờ rỗi”

– Những thập kỷ tiếp theo được dự đoán là “Ecgônômi vũ trụ”.

2. Ecgônômi với mối quan hệ liên ngành và với An toàn – sức khoẻ nghề nghiệp.

Ecgônômi được hình thành từ nhiều môn khoa học chính xác và khoa học tự nhiên: triết học, xã hội học, tâm lý học,điều khiển học, quang điện học,….các môn khoa học liên quan trực tiếp: tâm- sinh lý học, tâm lý lao động, kỹ thuật an toàn, tổ chức lao động khoa học, lý thuyết hệ thống, lý thuyết mô hình hoá, lý thuyết điều khiển tự động, lý thuyết thông tin, lý thuyết độ tin cậy, kỹ thuật ánh sáng…

Về cấu trúc, Ecgônômi bao gồm một số ngành khoa học tương đối độc lập với nhau:

Tâm lý học kỹ thuật, nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lý, nhân trắc của người sử dụng thiết bị kỹ thuật trong hệ thống người máy.

Thẩm mỹ học kỹ thuật, gắn liền với thiết kế mỹ thuật công nghiệp, tạo mốt, tạo dáng…..tạo ra tiện nghi điều kiện môi trường sống và họat động của con người trong hệ thống người- máy.

Nội dung, phương pháp và kỹ thuật các phương tiện tuyển chọn và đào tạo nghề người điều khiển.

Ecgônômi chức năng, phân tích và nghiên cứu algorit hoạt động của người điều khiển.

Gần đây người ta đưa thêm kỹ thuật phương tiện phản ánh thông tin (displays) vào thành phần của Ecgônômi.

Ecgônômi gắn bó chặt chẽ với KHKT – BHLĐ về mục tiêu bảo vệ con người trong môi trường lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả của họat động BHLĐ.

Tính toán các yêu cầu Ecgônômi là điều kiện cần thiết để tạo ra kỹ thuật tin cậy, an toàn và tiện nghi.

Quan niệm của bảo hộ lao động cho rằng, máy móc, phương tiện kỹ thuật, thiết bị sản xuất khi đưa vào sử dụng, thì ngoài yêu cầu không được để tồn tại những nguy cơ gây chấn thương, tai nạn, mà còn không được để dẫn đến những căng thẳng quá mức về thể lực và thần kinh tâm lý cho người điều khiển.

Điều quan trọng trong thực tiễn là việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu về yếu tố con người cần được tiến hành áp dụng ngay ở giai đoạn thiết kế máy, công nghệ mới và các giải pháp tổ chức.

——————————————

Các bài viết có liên quan:

– Sự tác động tương hỗ giữa người-máy-môi trường;

– Những nguyên tắc ecgônômi trong thiết kế hệ thống làm việc;

– Các yêu cầu ecgônômi đối với phương tiện kỹ thuật;

– Ecgônômi chỗ làm việc với máy tính;

– Đánh giá và chứng nhận chất lượng về an toàn lao động và ecgônômi với máy, thiết bị sản xuất, chỗ làm việc và quá trình công nghệ.

TS. Nguyễn Thế Công


(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)