Giảm thiểu tình trạng khuyết tật nghề nghiệp liên quan đến các rối loạn cơ xương – các giải pháp tại Phần Lan

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:50(GMT +7)

Rối loạn cơ xương (MSDs) bao gồm các chứng bệnh ảnh hưởng đến xương, cơ, khớp, dây chằng và các cấu trúc liên quan khác. Các triệu chứng thông thường là đau nhức và giảm vận động, dẫn đến khả năng chức năng bị suy yếu và khuyết tật do công việc. Các rối loạn cơ xương xét về tính chất là đa nguyên gây bệnh, có nghĩa là các rối loạn này gây nên và nặng thêm bởi nhiều yếu tố có thể thay đổi và không thể thay đổi xảy ra cùng lúc, bao gồm tuổi tác, giới tính, gen, sức khỏe thể chất và tâm thần, lối sống và các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp.

Photo by IISAkkIHäRmä

Một khảo sát do Phần Lan tiến hành trong khu vực dân số trong độ tuổi lao động (1) cho thấy chỉ có 1/3 người trả lời không có trải nghiệm gì về sự đau đớn ở hệ cơ xương trong suốt tháng trước đó.

Phần lớn người được hỏi đều phàn nàn về các chứng như: đau lưng dưới (35%), đau cổ/vai (20-30%), đau đầu gối (20%). Sự phổ biến của các rối loạn cơ xương không hề thay đổi trong những thập kỷ gần đây.

Theo số liệu thống kê quốc gia thì các rối loạn cơ xương là những lý do về mặt y học phổ biến nhất đối với tình trạng khuyết tật nghề nghiệp (2). Điều này áp dụng cho cả khuyết tật ngắn hạn (33% tổng số các khoảng thời gian khuyết tật được đền bù kéo dài chưa đến một năm) và khuyết tật vĩnh viễn (35% tổng số tiền trợ cấp cho khuyết tật). Chi phí dành cho khuyến tật nghề nghiệp liên quan đến các rối loạn cơ xương tương đối cao, không chỉ là thiệt hại về số ngày làm nói chung mà còn làm giảm năng xuất tại nơi làm việc nói riêng (3).

Hai nhân tố quan trọng kết hợp cùng các rối loại cơ xương dẫn đến rủi ro lớn hơn về khuyết tật kéo dài hoặc khuyết tật vĩnh viễn so với rối loạn cơ xương đặc thù. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, số vùng đau nhức trong hệ cơ xương càng cao, thì các rối loạn cơ xương càng gây ra khuyết tật lâu hơn (4). Ngoài ra, một nửa số người lao động mắc rối loạn cơ xương mãn tính cũng chịu sự giảm sút về thể lực. Các rối loạn phụ này gây ra hiện tượng khuyết tật nghề nghiệp thường xuyên hơn và lâu hơn so với đơn thuần chỉ mắc riêng các rối loạn cơ xương (5).

Việc làm và sự khuyết tật

Liên đoàn của người sử dụng lao động Phần Lan hàng năm thu thập thông tin từ các công ty về số lượng ngày làm mất đi do bệnh tật và tai nạn (6). Từ năm này qua năm khác, tỷ lệ nghỉ làm do đau ốm thấp nhất vẫn tiếp tục thuộc về nhóm công nhân cổ cồn trắng, và cao nhất ở nhóm công nhân cổ cồn xanh.

Sự cần thiết và quyết định nghỉ làm do đau ốm làm ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân và ở một phạm vi rộng hơn nó còn ảnh hưởng tới các yếu tố liên quan đến công việc. Theo định nghĩa, khuyết tật nghề nghiệp có thể được xem như một sự mất cân bằng giữa khả năng của một người lao động và các yêu cầu về nhận thức và yêu cầu về chi tiết của công việc. Khả năng thay đổi công việc là một trong những lý do chính giải thích vì sao công nhân cổ cồn trắng ít nghỉ ốm hơn công nhân cổ cồn xanh.

Rối loạn cơ xương phổ biến nhất là đau lưng dưới, liên quan đến gánh nặng công việc cả về thể chất và tinh thần. Biện pháp phòng ngừa chứng đau lưng hiệu quả phải tập trung vào việc giảm thiểu các phơi nhiễm có hại tại nơi làm việc. Mặc dù tất cả các rối loại cơ xương không thể phòng tránh được, do nguyên nhân gây bệnh phức tạp, người lao động mắc chứng rối loạn cơ xương có thể phải đối mặt với những yêu cầu công việc trong môi trường làm việc khuyến khích an toàn và sức khỏe.

Vai trò chủ đạo của việc khuyến khích

Các phạm vi quyền hạn mang tính quốc gia là khác nhau giữa người lao động và người sử dụng lao động trong mối tương quan đối với các tiêu chí về trợ cấp khuyết tật và gánh nặng tài chính của tình trạng khuyết tật do công việc gây nên. Những khuyến khích về mặt tài chính nhằm giúp đỡ người lao động bị tàn tật tiếp tục duy trì làm việc hoặc quay lại làm việc đều liên quan đến những chi phí do nghỉ làm và tình trạng khuyết tật vĩnh viễn mà người sử dụng lao động phải chi trả. Tại Phần Lan, người sử dụng lao động thanh toán đầy đủ lương cho người lao động trong hai tuần nghỉ làm đầu tiên. Sau thời gian nói trên, Viện Bảo hiểm xã hội (SII) sẽ hoàn trả một phần lương cho người sử dụng lao động trong thời gian trên 02 tháng. Trong các trường hợp kéo dài lâu hơn, người lao động chỉ nhận được một khoản trợ cấp khuyết tật do SII trực tiếp thanh toán.

Sau một năm nghỉ việc do đau ốm, nếu người lao động có đủ các yếu tố để nhận trợ cấp khuyết tật thì người sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm thanh toán một phần trong tổng số các chi phí. Chi phí này phụ thuộc vào quy mô nơi làm việc, độ tuổi của người lao động và mức lương họ được hưởng. Do đó, hầu hết các công ty đều hăng hái trong công tác phòng ngừa khuyết tật nghề nghiệp, không chỉ nhằm giảm thiểu chi phí liên quan đến số ngày nghỉ do ốm đau bệnh tật mà còn làm giảm số trường hợp khuyết tật vĩnh viễn.

Nghỉ ốm một phần

Năm 2007, một bộ luật đã được thông qua tại Phần Lan cho phép được nghỉ ốm một phần. Nghiên cứu của chúng tôi (7) cho thấy người lao động mắc các rối loạn cơ xương vẫn tiếp tục làm việc bán thời gian sẽ trở lại làm việc bình thường nhanh hơn. Họ cũng có số ngày nghỉ do đau ốm ít hơn là những người nghỉ ốm hoàn toàn. Chúng tôi cũng phát hiện thấy không có sự khác biệt nào về các tiêu chuẩn đánh giá liên quan đến y tế, bao gồm cả sự đau mỏi.

Một nghiên cứu dựa trên tài liệu cho thấy trong một khoảng thời gian kế tiếp dài hơn, trường hợp nghỉ ốm một phần làm giảm các rủi ro về trợ cấp khuyết tật hoàn toàn, và khả năng nhận trợ cấp khuyết tật một phần cao hơn so với những trường hợp nghỉ ốm hoàn toàn (xem bài xã luận của Eria Viikari-Juntura). Do đó, nghỉ ốm một phần là lựa chọn hợp lý mang tính khoa học đối với người lao động, liên quan đến việc tiếp tục duy trì làm việc hoặc quay lại làm việc sau khi nghỉ ốm.

Phục hồi thông qua đào tạo nghề

Phục hồi sức khỏe là một giải pháp giúp giảm thiểu những hạn chế về chức năng liên quan đến các chứng bệnh. Ngoài việc phục hồi sức khỏe sau ốm, phục hồi thông qua đào tạo nghề đã trở thành một triển vọng mới. Sự không nhất quán giữa điều kiện sức khỏe của người lao động và những yêu cầu công việc có thể được điều chỉnh bằng cách đưa ra chọn lựa đào tạo lại và thay đổi công việc. Trong những năm qua, các trường hợp tham gia đào tạo lại và thử việc tăng dần đã đem lại kết quả hết sức thuyết phục. Thêm một năm làm việc dưới hình thức phục hồi thông qua đào tạo nghề có nghĩa là chi phí cho hoạt động đó đã được chi trả.

Mô hình hỗ trợ sớm

Một hình thức khuyến khích tài chính là hoàn lại hơn các chi phí về dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp cho người sử dụng lao động. Việc làm này yêu cầu người sử dụng lao động phải có một mô hình thực tế về hỗ trợ sớm dành cho người lao động gặp vấn đề về sức khỏe và khuyết tật nghề nghiệp. Những mô hình này thường bao gồm một hệ thống kiểm tra rà soát ngày nghỉ việc do đau ốm kết hợp cùng dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp, đồng thời giúp liên lạc một cách tích cực với người lao động đang nghỉ ốm. Các mô hình hỗ trợ sớm yêu cầu đào tạo các giám sát viên cách thức hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn trong việc đối mặt với những yêu cầu công việc do mắc phải các rối loạn xương khớp và các chứng bệnh khác.

Người sử dụng lao động cũng được yêu cầu thông tin về dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp ngay sau khi người lao động nghỉ ốm quá 30 ngày. Mục đích của việc làm này là cung cấp thêm các giải pháp liên quan đến nghề nghiệp một cách kịp thời cho hoạt động quản lý y tế về các rối loạn cơ xương. Sự bảo mật chuyên môn có nghĩa là người sử dụng lao động không được quyền biết chi tiết về tình trạng bệnh tật của người lao động. Tuy nhiên, việc làm này là không cần thiết vì trọng tâm của các giải pháp là thay đổi công việc để người lao động có thể tiếp tục làm việc một cách có hiệu quả, cho dù phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe.

Vai trò của các dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp

Khuyết tật liên quan đến nghề nghiệp càng kéo dài, thì người lao động càng ít có khả năng quay trở lại với công việc. Lý giải về điều này có thể chính là đặc điểm về y học ngay từ ban đầu, nhưng sau này lại liên quan đến các lý do khác, đó là các yếu tố về xã hội, các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp và cơ thể nói chung. Do vậy, một bộ luật đã được thông qua tại Phần Lan năm 2012, quy định không được nghỉ ốm quá bốn tháng mà không có đánh giá phù hợp của bác sỹ chuyên ngành sức khỏe nghề nghiệp.

Mọi người sử dụng lao động ở Phần Lan đều tổ chức dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp cho tất cả người lao động làm việc cho họ. Các bác sỹ chuyên ngành sức khỏe nghể nghiệp đã quen thuộc với nơi làm việc, và do đó sẽ thành thạo hơn so với các bác sĩ lâm sàng trong việc đánh giá khả năng làm việc còn lại của người lao động (hơn là đánh giá khuyết tật nghề nghiệp) và liệu nơi làm việc có thể cung cấp cho người lao động việc làm hay không. Hệ thống dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp Phần Lan là chiếc cầu nối giữa hệ thống chăm sóc sức khỏe và nơi làm việc. Bác sĩ đa khoa cấp độ chăm sóc điều trị bệnh ngoài công tác phòng ngừa còn cung cấp dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp với triển vọng có thể can thiệp được vào tình trạng khuyết tật nghề nghiệp ở giai đoạn sớm.

Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn theo giá trị của người lao động bị khuyết tật trên thị trường lao động. Nếu thiếu đi thiện trí và động lực từ người sử dụng lao động và đồng nghiệp, thì người lao động bị khuyết tật có thể sẽ bị loại bỏ khỏi nơi làm việc, thậm trí ngay cả khi họ vẫn còn khả năng và động lực trong công việc.

Tài liệu tham khảo

1. Kaila-Kangas L, Ed. Musculoskeletal disorders and diseases in Finland, Results of the Health 2000 Survey. Publications of the National Public Health Institute B 25/2007. http://www.terveys2000.fi/julkaisut.html 2007

2. Kelan sairausvakuutustilasto (Social Insurance Institution, sickness insurance statistics) 2012, Sosiaaliturva 2013, Official Statistics of Finland. http://uudistuva.kela.fi/it/kelasto/kelasto.nsf/(WWWAllDocsById)/A57170CD0ADB76FFC2257C1A002CF4F1/$file/Kelan_sairausvakuutustilasto_2012.pdf

3. Martimo KP, Shiri R, Miranda H, Ketola R, Varonen H, Viikari-Juntura E. Effectiveness of an ergonomic intervention on productivity of workers with upper extremity disorders: A randomised controlled trial. Scand J Work Environ Health 2010;36(1):25–33.

4. Haukka E, Kaila-Kangas L, Ojajärvi A, Miranda H, Karppinen J, Viikari-Juntura E, Heliövaara M, Leino-Arjas P. Pain in multiple sites and sickness absence trajectories: a prospective study among Finns. Pain 2013;154(2):306–12.

5. Miranda H, Kaila-Kangas L, Martimo KP, Leino-Arjas P. The co-occurrence of musculoskeletal and mental symptoms and its effect on perceived work ability: time trends in Finland 1997-2009. Journal of Epidemiology and Community Health 2011;65: A345–A346.

6. Työaikakatsaus 2012 (Work Time Survey). Confederation of Finnish Industries (EK) http://ek.fi/wp-content/uploads/Työaikakatsaus-2012.pdf

7. Viikari-Juntura E, Kausto J, Shiri R, Kaila-Kangas L, Takala EP, Karppinen J, Miranda H, Luukkonen R, Martimo KP. Return to work after early part-time sick leave due to musculoskeletal disorders: randomized controlled study. Scand J Work Environ Health 2012;38(2):134–43.

Tác giả: Kari-Pekka Martimo, Phần Lan

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: Barents Newsletter 3/2014)