Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome – CTS)
1. Giải phẫu
Ống cổ tay về giải phẫu là một ống tạo bởi xương (đáy và bờ hai bên), có vỏ xơ bao phủ là dây chằng ngang cổ tay hay mạc giữ cơ gấp (flexor retinaculum).
Ống cổ tay này đi từ cẳng tay đến bàn tay, trong đó có thần kinh giữa đi qua và thường được bảo vệ rất tốt. Tuy vậy, thần kinh giữa này dễ bị tổn thương. Một hậu quả của tổn thương này là hội chứng ống cổ tay.
2. Vài nét lịch sử
Người ở thời kỳ đầu của thời đại đồ đá khi bắt đầu lao động với công cụ thô sơ, với kỹ thuật lao động đơn giản, nghèo nàn, phải thực hiện những động tác lặp đi lặp lại; họ đã trở thành nạn nhân của hội chứng ống cổ tay.
Cách đây trên một thế kỷ, năm 1865, hội chứng ống cổ tay được mô tả lần đầu tiên trong y văn, do James Paget trình bày trong bài giảng bệnh học ngoại khoa. Paget nêu trường hợp chèn ép dây thần kinh xảy ra khi gãy cổ tay.
3. Nguyên nhân nghề nghiệp
Hội chứng ống cổ tay còn tiếp tục phát sinh và phát triển khi còn có những nguy cơ do những lý do chủ yếu sau đây:
– Công cụ lao động thiết kế không đạt yêu cầu vệ sinh.
– Kỹ thuật lao động nghèo nàn, thô sơ.
– Lao động bằng tay, với thao tác lặp đi lặp lại.
Hội chứng ống cổ tay phát triển nhiều trong các nghề, nhất là nghề thủ công sau đây:
– Đẽo gọt, cắt đá,
– Dệt,
– Cắt may quần áo,
– Khâu tay,
– Công nghệ làm thịt súc vật,
– Công việc lắp ráp thiết bị điện tử,
– Tán ri-vê,
– Đánh máy chữ, máy vi tính,
– Lái máy bay trực thăng, và còn nhiều nghề khác nữa.
Điều kiện gây tổn thương là các thao tác lặp đi lặp lại ở khu vực cổ tay, có thể chỉ là việc thực hiện những thao tác trực tiếp, đơn giản bằng tay, thí dụ như chọn, phân loại thư, hoặc là nắm giữ một công cụ lao động như kìm, máy cắt, dụng cụ vặn ốc vít.
Còn nhiều điều chưa biết về hội chứng này, thí dụ như bao nhiêu lần vặn cổ tay gây tổn thương và mức độ tổn thương ra sao, cho từng người.
Về tuổi đời, hội chứng ống cổ tay hay gặp ở tuổi 30 – 60.
Về giới tính, người ta thấy đa số người bị rối loạn cơ xương loại này là phụ nữ. Trong một đề tài nghiên cứu ở Hoa kỳ về hội chứng ống cổ tay gồm có 49% là nữ nhưng trong số người có bệnh ống cổ tay, 73% là nữ. Người ta tổng kết là hội chứng ống cổ tay thường hợp nhiều ở nữ hơn là nam từ 3 – 10 lần.
Những điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh hội chứng ống cổ tay nghề nghiệp là gãy cổ tay, viêm khớp, hốc xương, bệnh to cực (acromegaly). Lý do là ống cổ tay nhỏ lại, hoặc là các tổ chức trong ống cổ tay to ra và như vậy có sự chèn ép trong ống cổ tay.
Những điều kiện thuận lợi khác là: bệnh tiểu đường, thiểu năng giáp trạng, thẩm tách, có thai, uống thuốc chống thụ thai, mãn kinh, thiếu vitamin B6, qua những yếu tố phức tạp về giải phẫu, sinh hóa, mạch, dinh dưỡng…
Người ta giải thích hội chứng ống cổ tay hay gặp ở phụ nữ có thai, đó là do hiện tượng giữ nước (phù nề). Các triệu chứng hết đi sau khi đẻ… Hội chứng ống cổ tay còn hay gặp ở phụ nữ gần hoặc ở tuổi mãn kinh, có biến đổi nội tiết.
4. Định nghĩa và triệu chứng
4.1. Định nghĩa
Hội chứng ống cổ tay là một rối loạn phát sinh do tổn thương dây thần kinh giữa ở đoạn đường dây thần kinh đi qua cổ tay từ cẳng tay tới bàn tay.
Tổn thương dây thần kinh giữa có thể gây tổn thương chức năng.
Thần kinh giữa là một trong 3 thần kinh chính của bàn tay, gồm các sợi thần kinh vận động, cảm giác và tự trị. Tổn thương thần kinh giữa làm tổn thương hoặc mất chức năng thần kinh của 3 ngón rưỡi đầu và mô cái ở nên ngón cái. Tổn thương thần kinh vận động làm giảm vận động cơ và cuối cùng là teo cơ. Teo mô cái là triệu chứng hay gặp ở thể bệnh tiến triển của hội chứng ống cổ tay.
4.2. Triệu chứng
– Triệu chứng bắt đầu là ngứa ran như có kiến bò hoặc là tê cóng ở bàn tay và ngón tay. Còn có thể có cảm giác châm kim.
Những triệu chứng trên đây xuất hiện vài giờ sau lao động hoặc trong khi ngủ. Trong giấc ngủ, người bệnh hay bị thức giấc và phải lắc bàn tay cho hết các cảm giác khó chịu kể trên.
– Triệu chứng khi bệnh tiến triển là mất cảm giác, nắm không chặt tay và cuối cùng là mất một vài chức năng bàn tay.
Các cảm giác trong giai đoạn đầu kéo dài, thường xuyên hơn và rồi xuất hiện cả ban ngày. Bàn tay trở nên nặng nề và yếu đi rõ rệt.
Cần chú ý là nhiều người có triệu chứng tê cóng, ngứa ran như kiến bò do hội chứng ống cổ tay, nhưng lại cho là do viêm khớp hay do già yếu. Tuy nhiên, những triệu chứng trên cũng có thể là do viêm khớp, bệnh tiểu đường hoặc các bệnh khác.
5. Cơ chế
Hội chứng ống cổ tay có nguyên nhân nghề nghiệp, nhưng còn nhiều nguyên nhân không nghề nghiệp khác, do các điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh hội chứng ống cổ tay như đã nêu ở trên. Do vậy, hội chứng ống cổ tay không phải là một bệnh nghề nghiệp thuần túy và đặc hiệu. Riêng việc sử dụng công cụ cầm tay hoặc phối hợp với các yếu tố khác, có thể dẫn tới sự phát sinh bệnh thần kinh do chèn ép thần kinh giữa.
Người ta chưa biết rõ cơ chế bệnh sinh chính xác của hội chứng ống cổ tay và chỉ có thể có những giả thiết sau đây:
a. Sự tăng áp lực trong ống cổ tay lặp đi lặp lại kéo dài, hậu quả là gây chấn thương trực tiếp cho thần kinh. Người ta cho rằng áp lực tăng trong ống cổ tay khi cả cổ tay và ống tay gấp.
b. Mức độ hoạt động vượt quá khả năng bôi trơn cho bao cơ gấp, gây cọ xát và viêm bao cơ gấp, gây sưng và cuối cùng dẫn tới chèn ép thần kinh.
c. Phối hợp cả hai cơ chế trên.
6. Những yếu tố nguyên nhân không nghề nghiệp của ống cổ tay
– Bệnh hệ thống: bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh to cực, bệnh gut, bệnh tiểu đường, bệnh phù niêm, tạo hạch, ung thư…
– Dị tật bẩm sinh: Xương nhô ra trong ống cổ tay, cơ phát triển bất thường vào ống cổ tay và hình dạng bất thường của thần kinh giữa.
– Kích thước cổ tay: ống cổ tay nhỏ.
– Chấn thương cấp tính: thần kinh giữa trong ống cổ tay có thể bị chấn thương, do cổ tay bị va đập.
– Thai nghén, uống thuốc chống thụ thai, mãn kinh, phẫu thuật phụ khoa.
7. Điều trị
Có hai cách điều trị: điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật.
7.1. Điều trị bảo tồn
Khi triệu chứng nhẹ, xuất hiện dưới 2 tháng, điều trị bảo tồn giảm nhẹ được các triệu chứng.
Điều trị bảo tồn là để tay nghỉ hoạt động, đổi nghề cho người bệnh, nẹp cổ tay, cho thuốc chống viêm và tiêm hydrocortison vào ống cổ tay.
Điều trị bảo tồn có thể chậm nhưng rất quan trọng.
7.2. Điều trị phẫu thuật
Khi các dấu hiệu và triệu chứng tồn tại kéo dài và tiến triển, hội chứng ống cổ tay tiến triển và diễn biến nhanh, phải điều trị phẫu thuật. Điều trị phẫu thuật là tách toàn bộ dây chằng ngang của cổ tay.
Sau phẫu thuật, hội chứng ống cổ tay có thể tái phát, nhưng không thường xuyên. Nguyên nhân tái phát là việc tách dây chằng ngang cổ tay không hoàn toàn, có tình trạng sinh xơ hậu phẫu hay viêm bao gân (tenosynovitis) tái phát.
8. Dự phòng
– Tần số lao động có thể giảm bằng cách loại trừ những thao tác thừa và giảm thiểu khoảng với.
– Bàn tay gấp và duỗi tối thiểu khi lao động.
– Giảm lực tác động bằng cách giảm kích thước công cụ cho thích hợp.
– Lực có hiệu quả có thể giảm bằng việc sử dụng găng tay vừa, tránh dùng các găng tay rộng quá hoặc chật quá. Găng vừa có thể giảm lực được tới 30%.
– Các stress thường được phát sinh ở cổ tay, khi cầm nắm dụng cụ. Phải tránh các động tác mạnh vào lòng bàn tay. Có thể dùng đệm lót bảo vệ.
– Các dụng cụ phải vừa và đủ dài, qua mô cơ ở bên lòng bàn tay.
– Phải chọn lọc các công cụ lao động ít gây rung.
– Phải có đệm tì cẳng tay, giúp khả năng thao tác với bàn tay.
– Phải huấn luyện công nhân cách sử dụng đúng đắn công cụ lao động.
Rối loạn cơ xương nghề nghiệp chắc chắn đã xuất hiện ở những người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, những đề tài nghiên cứu về vấn đề nóng bỏng và phổ biến đối với nhiều nước trên thế giới này còn ít được chú ý nghiên cứu. Chúng ta mới có một vài đề tài nghiên cứu về rối loạn cơ xương nghề nghiệp do lao động có yếu tố nguy cơ cao, với rung cục bộ tần số cao. Các biểu hiện phổ biến là đau mỏi thắt lưng, cổ, vai, chi trên… Hội chứng ống cổ tay còn chưa được nghiên cứu hay nếu đã nghiên cứu thì chưa thấy công bố kết quả. Yếu tố nguy cơ đối với rối loạn cơ xương phổ biến không những đối với các ngành sản xuất cũ, với công nghệ cũ, mà còn với các ngành sản xuất mới, với công nghệ mới.
GS. Lê Trung
(Nguồn tin: Theo cuốn “Bệnh nghề nghiệp” tập III)