Lạnh và tác hại nghề nghiệp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:27(GMT +7)

Trong lao động, người ta phải tiếp xúc với lạnh theo hai loại: lạnh toàn thân hay lạnh cục bộ. Lạnh cục bộ thường là lạnh chân tay.

Về mức độ lạnh, có thể là lạnh cóng (kiểu tê cóng) hay lạnh không tê cóng (như chân ngâm lạnh).

I. Các nghề tiếp xúc

Các nghề tiếp xúc lạnh thường ở ngoài trời về mùa đông, nhiệt độ dưới 10oC, đặc biệt khi có gió mưa kết hợp. Các nghề đó là thợ xây dựng, công nhân bảo dưỡng đường, người đưa thư, thợ lặn… Các nghề tiếp xúc lạnh ở trong nhà cũng nhiều, thí dụ các nghề trong điều kiện đông lạnh (các nhà máy thủy sản đông lạnh, mổ thịt gia súc công nghiệp, và các kho đông lạnh…).

II. Các yếu tố ảnh hưởng

Khi lao động trong điều kiện lạnh, có thể phát sinh các tổn thương. Yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ gây tổn thương ở người lao động là nhiệt độ khí quyển, nước, độ ẩm, tốc độ gió. Các yếu tố cá nhân cũng ảnh hưởng như nghiện rượu, nghiện ma túy. Các yếu tố ảnh hưởng còn là việc đang sử dụng các loại thuốc như thuốc ngủ như barbiturat, phenothiazin hay reserpin hoặc đang bị các chứng bệnh như suy thận, tiểu đường, phù niêm (myxedema), một bệnh thần kinh nào đó gây tổn thương chức năng tuyến đồi (hypothalamic) hay tuyến yên, hoặc gây tổn thương cảm giác ngoại biên hay bất kỳ một bệnh tim nào làm giảm lưu lượng tim.

III. Lạnh toàn thân

1. Cơ chế bệnh sinh

Lạnh toàn thân là giảm thân nhiệt xuống dưới 35oC. Lạnh toàn thân có thể xảy ra khi nhiệt độ không khí xuống 18,3oC hay nhiệt độ nước xuống 22,2oC.

Khi cơ thể tiếp xúc với môi trường lạnh sẽ xuất hiện hai loại phản ứng sinh lý:

+ Co thắt mạch ngoại biên (ở nông trong lớp da) và các mô dưới da theo cơ chế bảo tồn nhiệt.

+ Tăng sản sinh nhiệt chuyển hóa qua những vận động cố ý và qua biểu hiện run rẩy của cơ thể.

Trường hợp lạnh toàn thân, các chức năng sinh lý giảm. Sự tiêu thụ oxy giảm khoảng 7% cho 1oC, tác hại lớn nhất đến tim là rung tâm thất.

Trong trường hợp lạnh toàn thân kéo dài (thường hay kèm theo lao động thể lực quá sức), tình trạng hạ đường huyết xảy ra có thể do cạn kiệt glycogen. Hạ đường huyết làm ức chế cơ chế run.

2. Triệu chứng lâm sàng

Những triệu chứng lâm sàng của chứng lạnh toàn thân thường âm ỉ, không có điểm gì đặc biệt.

Trường hợp nặng thường thấy giảm trí nhớ, giảm hoặc hết run rẩy, toàn thân mệt mỏi.

Những dấu hiệu ban đầu là buồn ngủ, nói nhíu lưỡi, dễ cáu giận, mất sự phối hợp, yếu toàn thân, ngủ lịm, tăng tiết niệu, da và mặt phù nề.

Khám lâm sàng thường thấy giảm phản xạ thần kinh, phản ứng cơ, tinh thần chậm chạp, mạch yếu hay không sờ thấy, loạn nhịp, huyết áp hạ, độ quánh máu tăng.

Lạnh toàn thân làm thân nhiệt giảm. Khi giảm xuống 33 – 35oC, người run rẩy. Khi xuống dưới 33oC, run rẩy giảm, triệu chứng chủ yếu là cứng cơ khớp.

Nhiệt độ trung tâm cơ thể phải được đo bằng nhiệt kế, có thể là loại nhiệt kế điện áp, đo được nhiệt độ thấp dưới 28oC và đo ở thực quản hoặc hậu môn, đưa nhiệt kế vào sâu tới 15cm. Có thể đo nhiệt độ dưới lưỡi, nhưng phải hiệu đính để tính ra nhiệt độ trung tâm.

Nhiệt độ có thể dao động trong khoảng 25 – 35oC. Dưới 35oC, người bệnh kém tỉnh táo, mất phương hướng, suy nghĩ lung tung, dễ quên và hoang tưởng.

Dưới 30oC, có thể xảy ra tình trạng nửa tỉnh và lẫn. Sự dẫn truyền thần kinh chậm lại dù là hệ thần kinh trung ương được bảo vệ, tránh các tổn thương với biểu hiện thiếu máu. Tần số hô hấp giảm xuống 7 – 12 nhịp/phút, nhu động dạ dày – ruột chậm lại hay ngừng. Có thể xuất hiện sự động đặc máu do lợi tiểu và mất lượng huyết tương. Tình trạng sau này xảy ra do phù dưới da, kèm theo là tăng lượng corticosteroid. Với nhiệt độ trên 28oC, ít xảy ra tình trạng mất tri giác. Trường hợp tri giác kém dần, có thể tử vong do rung thất hay ngừng tim.

Việc đánh giá tình trạng bệnh dựa vào việc đếm máu, đo lượng glucose máu, ure huyết, chất điện giải, lượng amylase, rượu và ma túy, phân tích nước tiểu, đo dung tích, máu đông, soi đờm, cấy máu, phân tích thể khí trong máu động mạch, chụp X-quang phổi và ghi điện tim.

3. Dự phòng

Lạnh toàn thân có thể đề phòng bằng quần áo được thiết kế đặc biệt để chống gió mưa, nhưng cũng phải để hơi nước thoát được trong quá trình ra mồ hôi.

Phải thay quần áo ẩm ngay bằng quần áo khô.

Phải thiết kế lao động thế nào để người lao động hoạt động tương đối tích cực trong môi trường lạnh. Nơi lao động phải khô, che gió và có sưởi ấm.

Người lao động ngoài trời phải có nơi nghỉ ấm, có sẵn đồ ăn, uống nóng. Người lao động tiếp xúc lạnh phải thích hợp về thể lực, không bị các bệnh tim mạch, chuyển hóa và thần kinh, những bệnh này tăng nguy cơ lạnh toàn thân. Họ không uống rượu, không hút thuốc lá và đặc biệt không nghiện ma túy.

Người mới lao động lạnh phải có lịch lao động để tiếp xúc từ từ và phải được huấn luyện cách sử dụng quần áo bảo vệ, phải biết “chờ đón” tình trạng tê cóng sẽ xảy ra, các triệu chứng, dấu hiệu sớm của các tổn thương do lạnh, phương pháp làm ấm thích hợp và sơ cứu.

GS. Lê Trung


(Nguồn tin: Theo cuốn “Bệnh nghề nghiệp” tập III)