Lịch sử ra đời và phát triển của ecgônômi

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:50(GMT +7)

Khái niệm Ecgônômi đã xuất hiện trong bối cảnh nền văn hoá của Hy Lạp cổ đại. Từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, người ta đã sử dụng nguyên tắc “Công thái học” để thiết kế các công cụ, thiết kế và tổ chức nơi làm việc và cho đến ngày nay chúng ta vẫn thấy thuật ngữ Công thái học được sử dụng để nói về Ecgônômi.

Ở Việt Nam, BS. Nguyễn Khắc Viện đã gọi Ecgônômi là Công thái học và Tự điển Bách khoa Việt Nam cũng đã định nghĩa Ecgônômi là Công thái học (Trang 22, Tập 2, NXB Từ điển Bách khoa – Hà Nội 2002).
Năm 1857, tác giả Wojciech  Jastrzebowski đã có bài báo đề cập đến “Ecgônômi như là một lĩnh vực khoa học về lao động dựa trên cơ sở nguyên lý của Khoa học tự nhiên”.
Đến thế kỷ 19, Frederick Winslow Taylor đã đưa ra lý thuyết về “Khoa học quản lý và tổ chức lao động”. Trên cơ sở nghiên cứu phân tích kỹ các thao tác trong lao động, Taylor đã tiến hành cải tiến các thao tác, bấm giờ, định mức, cải tiến công cụ, tổ chức lao động khoa học để tạo nên phương pháp lao động mới, có năng suất cao hơn.
Kế tục Taylor, Lilian Gilbreth đã đưa ra lý thuyết “Thời gian và nghiên cứu chuyển động” và đã đi sâu nghiên cứu các thao tác trong lao động, loại bỏ các thao tác thừa, tổ chức lại chỗ làm việc. Nhờ đó Gilbreth đã đưa năng suất lao động của người công nhân tăng cao nhiều lần.Từ Taylor rồi Gilbreth và tiếp theo đó là nhiều tác giả khác đã đi sâu nghiên cứu, đưa ra nhiều phương pháp tổ chức lao động khoa học dựa trên cơ sở phân tích các thao tác, nghiên cứu các chuyển động của các bộ phận cơ thể người công nhân trong lao động. Từ đó đưa ra các định mức lao động để phân giao công việc,trả lương cho công nhân. Một loạt phương pháp nghiên cứu chuyển động đã ra đời như :

–    Phương pháp Taylor (1905)
–         Phương pháp Gilbeth (1918)
–         Phương pháp MTA (Motion – Time – Analyse) (1925)
–         Phương pháp của Joppe (1932)
–         Phương pháp W.F (Work – Factors) (1945)
–         Phương pháp MTM (Methods – Time – Measurement) (1948)

Như vậy cho đến thời gian nửa đầu thế kỷ 20, rất nhiều tác giả đã đi vào nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Ecgônômi, nhưng hầu hết tác giả còn hướng việc nghiên cứu hoạt động của con người trong lao động và sự thích ứng giữa con người với công cụ, phương tiện lao động, chỗ làm việc vào mục tiêu để tăng năng suất lao động là chủ yếu. Cũng có một số trường hợp quan tâm đến cả yếu tố bảo vệ sức khỏe con người, song còn chưa đầy đủ. Năm 1943 Trung úy phi công người Mỹ Alphonse Chapains đã phát hiện ra rằng những “lỗi của phi công” có thể giảm đi nếu như việc thiết kế các buồng lái được hợp lý hơn.
Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II và tiếp theo những năm phát triển sau đó, trong các ngành sản xuất công nghiệp như chế tạo ô tô, kỹ thuật hàng không, kiến trúc, xây dựng, công nghệ thông tin và nhiều ngành khác, khoa học Ecgônômi đã được ứng dụng, có bước phát triển mới, đa dạng hơn, hướng vào cả 2 mục tiêu cơ bản là năng suất và bảo vệ sức khỏe người lao động. Hàng loạt các môn khoa học liên quan trực tiếp đến Ecgônômi như nhân trắc học, sinh lý học, tâm lý học, thiết kế công nghiệp, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật ánh sáng, lý thuyết thông tin, điều khiển học, tổ chức lao động khoa học….ngày càng được quan tâm nghiên cứu, phát triển, đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành khoa học Ecgônômi.
Cùng với sự phát triển trong các ngành công nghiệp, khoa học Ecgônômi đã trở thành một môn khoa học được đưa vào giảng dạy trong các trường Đại học, là lĩnh vực được nhiều nước đào tạo bậc Đại học, Thạc sĩ và Tiến sỹ.
Về mặt tổ chức, từ năm 1949, ở Anh đã thành lập Hội nghiên cứu Ecgônômi (ERA), tiếp sau đó là sự ra đời Viện nghiên cứu Ecgônômi và yếu tố con người. Năm 1954 ở Mỹ cũng đã thành lập Hội yếu tố con người và Ecgônômi. Nhiều nước khác cũng lần lượt thành lập Hội Ecgônômi của mình và thành lập một số Trung tâm, Viện nghiên cứu, các Khoa nghiên cứu và giảng dạy về Ecgônômi như ở Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức, Thụy Điển…Ở Liên Xô cũ, khoa học Ecgônômi cũng được quan tâm nghiên cứu và ứng dụng tại nhiều cơ sở như ở Viện nghiên cứu về Mỹ thuật Công nghiệp, Viện khoa học lao động, Viện bảo hộ lao động… từ những năm 60 của thế kỷ trước. Năm 1954, Hội Ecgônômi quốc tế (IEA) cũng đã được thành lập và tính đến tháng 9 năm 2008 đã có 46 Hội thành viên và 2 Hội thành viên liên kết.

Quá trình ứng dụng và phát triển Ecgônômi ở Việt Nam

Ở Việt Nam, thì những năm 60 ÷ 70 của thế kỷ trước, cùng với sự ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, vấn đề Ecgônômi cũng đã được bắt đầu nêu lên và được nghiên cứu ứng dụng trong quá trình phát triển của đất nước.
Ban đầu khoa học Ecgônômi được đặt ra ở nước ta chủ yếu từ góc độ tổ chức lao động khoa học, cải tiến thao tác và định mức lao động trong các xí nghiệp. Một số tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài và một số được dịch từ tiếng nước ngoài cũng như một vài tài liệu được tác giả Việt Nam biên soạn có liên quan đến Ecgônômi như :
–      Tài liệu bằng tiếng Nga của P.M.Kéc – gen – xép, 1968
–      Học tập quản lý (Tài liệu dịch từ tiếng Nga) của I.V.Pa – ra – mô – nốp, NXB Lao động 1973.
–      Khoa học lao động, Nguyễn Văn Lê, NXB Lao động năm 1975
–      Hằng số sinh học người Việt Nam – NXB y học, Hà nội năm 1975.
Và một số tài liệu, bài báo có liên quan khác.

Bắt đầu vấn đề Ecgônômi được đặt thành chủ đề của một số đề tài nghiên cứu và ứng dụng của một số nhà khoa học của Khoa học Y học lao động, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và sau này là Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường. Đồng thời tại Khoa chế tạo máy và Khoa kỹ sư kinh tế cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà nội đã có một số tiết giảng về “Tổ chức lao động Khoa học” về “Các phương pháp nghiên cứu chuyển động – MTM ”. Một số đề tài luận án tốt nghiệp Kỹ sư, Thạc sĩ và cả luận án Tiến sĩ về “Tổ chức lao động khoa học” và về “Ứng dụng phương pháp MTM trong tổ chức lao động khoa học” đã được thực hiện ở trường ĐHBK Hà nội và Đại học Kinh tế quốc dân.

Bước sang những năm 80 của thế kỷ trước và những năm tiếp theo, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực có liên quan đến Ecgônômi được các nhà khoa học nước ta, đặc biệt là ở Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường – Bộ y tế, Viện Bảo hộ lao động – TLĐLĐ Việt Nam tiến hành, trong đó có đề tài cấp nhà nước 58.01.03 thuộc chương trình tiến bộ KHKT trọng điểm của Nhà nước 58.01, do Viện BHLĐ chủ trì tiến hành trong giai đoạn 1981 – 1985 về vấn đề “Ứng dụng Ecgônômi vào BHLĐ và áp dụng các dữ kiện nhân trắc học vào quá trình lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân”. Một số tài liệu, sách được biên soạn trong đó có “Atlat nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động” gồm 3 tập được biên soạn và phát hành sau 15 năm nghiên cứu vấn đề này (1984 đến 1995) do Viện BHLĐ biên soạn. Một số tài liệu giảng dạy, tổng luận phân tích, nhiều báo cáo kết quả nghiên cứu được công bố trong các kỷ yếu công trình khoa học, trên các tạp chí hoặc trong các Hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia.

Tùy theo yêu cầu và đặc điểm của mình, một số Trường Đại học và Cao đẳng và một vài Trường Trung cấp ở nước ta cũng đã đưa vào giảng dạy trong Nhà trường môn học Ecgônômi.

Chúng ta cũng đã đưa vào phương pháp cải thiện điều kiện làm việc trong các Doanh nghiệp nhỏ và vừa – phương pháp WISE, của tổ chức lao động quốc tế ILO, ứng dụng ở một số cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước đạt kết quả bước đầu.

Từ năm 2000, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng Nhà nước đã thành lập Ban Kỹ thuật TC 158 để giúp Tổng cục về Ecgônômi biên soạn, chuyển dịch các tiêu chuẩn của tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO về Ecgônômiđể chấp nhận thành tiêu chuẩn Việt Nam. Hiện nay, từ 2010, Ban đã thành lập 5 tiểu ban (SC1 đến SC5) và đang có nhiều hoạt động đóng góp tích cực cho sự ra đời các TCVN về Ecgônômi ở Việt Nam.

Tất cả những kết quả trên cho thấy khoa học Ecgônômi ngày càng được nghiên cứu, ứng dụng và phát triển ở nước ta.

PGS.TS. Nguyễn An Lương – Hội ATVSLĐ Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Đức Hồng – Viện Bảo hộ lao động


(Nguồn tin: NILP)