Mối nguy hại của rối loạn cơ xương nghề nghiệp và các biện pháp kiểm soát nguy cơ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:50(GMT +7)

Rối loạn cơ xương nghề nghiệp là một nhóm bệnh mãn tính của những mô mềm được phát sinh và gây khó chịu cho người, do quá trình làm việc và cử động lặp đi lặp lại quá sức của cơ thể.

Rối loạn cơ xương nghề nghiệp (RLCXNN) gây ảnh hưởng tới mô cơ, thần kinh, gân, bao gân của tay và ở một số bộ phận khác của cơ thể.

RLCXNN được coi là có nguồn gốc từ các vi chấn thương mãn tính, lặp đi lặp lại ảnh hưởng tới một bộ phận nào đó của cơ thể như: cơ gấp các ngón tay, gân xoay cổ tay… tác hại của chúng được tích luỹ theo thời gian.

Những dấu hiệu, triệu chứng của RLCXNN phát triển từ từ kéo dài theo tuần, tháng hoặc năm. Những đặc điểm mãn tính tiềm ẩn này gây khó khăn cho việc phát hiện nguyên nhân, ban đầu là những triệu chứng mà người công nhân không để ý, cho tới khi ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, an toàn và năng suất lao động, thì đã phát triển sang giai đoạn bệnh lý trầm trọng.

RLCXNN được phân thành 5 loại sau:

– Rối loạn gân (viêm gân, viêm bao gân hoạt dịch, viêm mỏm trên lồi cầu bên, viêm gân xoay cổ tay…)

– Rối loạn thần kinh ngoại biên (hội chứng ống xương trụ, viêm dây thần kinh ngón tay, hội chứng ống khối xương cổ tay…).

– Rối loạn thần kinh vận mạch (hội chứng rung động tay – cánh tay “Raynauds”…).

– Rối loạn cơ (viêm u xơ cơ, viêm đa cơ…)

– Rối loạn khớp hoặc bao khớp (viêm bao hoạt dịch, viêm mủ màng hoạt dịch…).

Mối nguy hại của rối loạn cơ xương nghề nghiệp

a. Công việc quá sức

Làm công việc chân tay quá sức thường xuyên được coi là mối nguy hại chính gây nên RLCXNN. Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp bao gồm: trọng lượng của dụng cụ, đối tượng; độ trơn của dụng cụ và đối tượng; độ mất cân bằng của dụng cụ; kích thước và hình dạng quá mức của công cụ; găng tay không phù hợp.

b. Công việc lặp đi lặp lại

Sự lặp lại của công việc là số lần cử động trung bình của một bộ phận cơ thể (ví dụ – bàn tay, cẳng tay…) trong một đơn vị thời gian, trong một chu kỳ thao tác nhất định. Số lần lặp lại càng cao thì nguy cơ gây RLCXNN càng lớn.

c. Tư thế làm việc tĩnh, bất lợi

Tư thế làm việc liên quan đến vị trí của cơ thể và các bộ phận trong không gian thao tác.

Vận cơ tĩnh là trạng thái sinh công bất lợi nhất của hoạt động cơ, do mạch máu bị chèn ép không cung cấp đủ liều lượng và dinh dưỡng cho cơ hoạt động. Vì vậy công việc cần phải được thiết kế sao cho tư thế của cơ thể cũng như các bộ phận cơ thể giữ được ở vị trí tự nhiên hoặc vị trí trung lập. Cũng có nghĩa là không phải làm việc ở tư thế chống lại lực trọng trường.

d. Tác động phối hợp của yếu tố môi trường

Tác động phối hợp của yếu tố môi trường xấu (rung động, tiếng ồn, nhiệt độ, ánh sáng…) làm tăng nguy cơ gây RLCXNN.

Ví dụ: tiếng ồn và mất tập trung thị giác có thể làm tăng độ mệt mỏi và nhầm lẫn trong thao tác. Tác động của rung cục bộ và nhiệt độ thấp gián tiếp làm tăng lực cầm nắm do đường cảm nhận ngược về trung khu thần kinh bị giảm đi nên gây cho người điều khiển công cụ nhu cầu phải cầm nắm chặt hơn mức cần thiết. Từ đó gây nên hội chứng rung cánh tay, rối loạn thần kinh vận mạch.

e. Thời gian phục hồi và nghỉ ngơi không đủ

Thiếu thời gian nghỉ ngơi và phục hồi cần thiết cho hoạt động cơ bắp cũng trở thành nguy cơ gây RLCXNN.

f. Tổ chức công việc thiếu hợp lý

Tổ chức công việc khoa học cũng góp phần làm giảm cường độ lao động, thay đổi hoạt động cơ, cơ có điều kiện hồi phục…góp phần giảm nguy cơ gây RLCXNN.

g. Các yếu tố ảnh hưởng khác

Tuổi, giới tính, bệnh mãn tính và các chấn thương nghiêm trọng là các yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ gây RLCXNN.

Các hoạt động giải trí như: quần vợt, golf, trò chơi điện tử… cũng làm tăng nguy cơ RLCXNN.

Các biện pháp kiểm soát nguy cơ

a. Kiểm soát kỹ thuật

Nhằm làm giảm hoặc loại trừ tiếp xúc của NLĐ bằng việc cách ly hoặc cô lập các nguy cơ RLCXNN. Các biện pháp kỹ thuật cơ bản gồm: thiết kế lại dụng cụ cầm tay, thiết kế lại vị trí làmviệc, tự động hoá các thao tác…

b. Kiểm soát hành chính

Nhằm làm giảm tiếp xúc của NLĐ bằng cách rút ngắn thời gian thực hiện thao tác. Các biện pháp hành chính gồm: luân chuyển công nhân, bố trí lịch làm việc hợp lý, qui định quy trình thao tác…

c. Các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đặc biệt đối với RLCXNN

– Các biện pháp giảm bớt tình trạng dùng lực quá mức: duy trì lưỡi cắt sắc bén; dùng sức máy, dụng cụ thay sức người; sử dụng thiết bị hỗ trợ kỹ thuật; giữ cân bằng dụng cụ; sử dụng tay nắm dụng cụ chống trơn trượt…

– Các biện pháp giảm bớt sự lặp lại của thao tác: bố trí các lần nghỉ ngắn tại chỗ thường xuyên; tổ chức lại phương pháp làm việc; giảm bớt các bước công việc; sử dụng công cụ trợ lực; luân chuyển công nhân…

– Các biện pháp giảm cử động khớp và tư thế tĩnh quá mức: thiết kế lại tay cầm dụng cụ; sử dụng bàn kẹp, êtô; sắp xếp lại chỗ làm việc hợp lý; sử dụng công cụ trợ lực…

– Kiểm soát nhiệt độ quá mức: cách ly tay cầm dụng cụ bằng vỏ cao su hoặc nhựa; sử dụng bằng vỏ cao su hoặc nhựa; sử dụng găng tay phù hợp..

– Phán tán các stress cơ học tập trung ở tay cầm dụng cụ: tăng đường kính tay cầm; làm tròn tay cầm; tăng chiều dài tay cầm…


(Nguồn tin: Tài liệu BHLĐ, 2012)