Môi trường làm việc an toàn và đảm bảo sức khỏe trong các làng nghề

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:48(GMT +7)

1. Vận chuyển nguyên liệu an toàn

Các nguy cơ, rủi ro thường gặp: Trơn, trượt, vấp ngã; Xe lật; Chấn thương, tai nạn; Căng cơ, đau cơ, khớp; Vận chuyển thủ công nặng nhọc; Nơi làm việc lộn xộn, bừa bãi có thể rơi, đổ vào người lao động; Sơ tán chậm trễ…

Một số giải pháp cải thiện: Loại bỏ các bậc cao thấp không đều hay những nguy cơ vấp ngã trên đường vận chuyển hoặc tạo các đường dốc, thoải; Thường xuyên làm sạch hoặc tránh làm tràn nước, tràn dầu hoặc các chất dễ gây trơn trượt khác; Dọn thông thoáng, kẻ vạch và đánh dấu đường vận chuyển nguyên vật liệu; Không mang, vác vật nặng quá sức. Chia nhỏ những trọng lượng nặng thành nhiều trọng lượng nhẹ hơn; Sử dụng xe đẩy, xe kéo tay hoặc thiết bị nâng hạ, vận chuyển chuyên dụng.

2. Sắp xếp nguyên vật liệu

Các nguy cơ, rủi ro thường gặp: Vật rơi, đổ; Dẫm phải nguyên vật liệu hoặc vật sắc nhọn; Nguyên vật liệu sắp xếp không gọn gàng, gây nguy cơ đổ, rơi vào người lao động.

Một số giải pháp cải thiện: Xếp vật liệu gọn gàng vào nơi quy định; Sử dụng giá kệ nhiều tầng; Không xếp vật liệu, sản phẩm cao quá tầm với; Vật thường dùng càng phải để gần trong tâm với;

3. An toàn điện và máy

Các nguy cơ, rủi ro thường gặp: Bị điện giật; bị rò ra vỏ máy, bị điện giật khi tiếp xúc; Bấm nhầm nút; thao tác nhầm cầu dao, công tác điện; Máy gây tai nạn, hỏng thiết bị; Máy cuốn, cán, kẹp; Vật va đập, văng, bắn vào mắt, các bộ phận cơ thể gây mù mắt, tai nạn chấn thương hoặc tử vong.

Một số giải pháp cải thiện: Dây điện được treo lên cao vừa đề phòng tai nạn điện giật, vừa thuận lợi cho công việc; các chỗ nối phải được bọc cẩn thận, cắt điện khi không sử dụng; Dán nhãn bằng tiếng Việt rõ ràng cho các công tắc điện, cầu dao, các nút điều khiến máy để tránh nhầm lẫn; Nối đất vỏ máy và lắp các attomat tự ngắt; Sử dụng các biển cảnh báo có nội dung thích hợp, dễ hiểu; Sử dụng các cơ cấu bảo vệ hay tấm chắn cố định thích hợp để ngăn ngừa việc tiếp xúc với các bộ phận chuyển động của máy; Kiểm tra kỹ máy đảm bảo an toàn mới vận hành; Không tự ý tháo các bộ phận bảo vệ an toàn trên máy; Sử dụng đúng cách các phương tiện bảo vệ cá nhân như: khẩu trang, găng tay, giày, kính bảo hộ.

4. An toàn hóa chất và phòng ngừa cháy nổ tại nơi làm việc

Các nguy cơ, rủi ro thường gặp: Nhiễm độc hóa chất; Có hại cho sức khỏe khi tiếp xúc (da, hô hấp, mắt, ung thư, quái thai,…); Cháy nổ do phản ứng hóa học; Ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng tới sức khỏe gia đình, cộng đồng.

Một số giải pháp cải thiện:

* An toàn hóa chất: Cất giữ hóa chất nơi an toàn và dán nhãn rõ ràng; Không ăn uống, hút thuốc, nghỉ ngơi tại nơi bảo quản hóa chất; Rửa tay kỹ sau khi làm việc với hóa chất; Tuân thủ đúng yêu cầu về an toàn theo Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất, sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp, mặt nạ phòng độc, găng tay, khẩu trang…

* Phòng ngừa cháy nổ: Đặt biển báo “cấm hút thuốc và sử dụng lửa”; Khi hàn cắt kim loại phải có biện pháp phòng cháy chữa cháy đúng quy định; Chống sét và bảo vệ rò điện đúng quy định; Khi xảy ra cháy, thực hiện đúng “Tiêu lệnh chữa cháy”.

5. Môi trường làm việc

Các nguy cơ, rủi ro thường gặp: Môi trường làm việc không tốt ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động, giảm năng suất lao động và chất lượng sản phẩm: Bụi sẽ gây tác hại tới da, mắt, hô hấp, tiêu hóa, hư hỏng máy, cháy nổ; Tiếng ồn lớn sẽ gây đau đầu, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, điếc nghề nghiệp; Tư thế làm việc gò bó lâu ngày sẽ gây các bệnh về cơ, xương, khớp, bệnh tim mạch và thần kinh; Ánh sáng không phù hợp sẽ gây căng thẳng, mệt mỏi, hỏng thị lực.

Một số giải pháp cải thiện: Nơi làm việc gây bụi, ồn cần đặt xa nơi đông người làm việc, sinh hoạt, đặt ở cuối luồng gió; Lắp hệ thống hút, thu gôm bụi, giảm ồn; Sử dụng nút tai chống ồn khi làm việc trong môi trường tiếng ồn cao; Sử dụng ghế ngồi có tựa lưng giúp làm việc đỡ mỏi, phòng ngừa bệnh tật; Tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên; định kỳ làm vệ sinh công nghệp nhà xưởng.

6. Điều kiện phúc lợi

Các nguy cơ, rủi ro thường gặp: Điều kiện phúc lợi không tốt gây ảnh hưởng tới an toàn và sức khỏe của người lao động; Căng thẳng gây mệt mỏi, rối loạn thần kinh, suy giảm sức khỏe người lao động.

Một số giải pháp cải thiện: Bố trí và cung cấp đủ nước sạch để uống và khu vực nhà ăn hợp về sinh và đảm bảo sức khỏe; Bố trí chỗ nghỉ ngơi để người lao động nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau mệt mỏi; Bố trí các thiết bị sơ cứu và các phương tiện chăm sóc sức khỏe cơ bản như tủ thuốc sơ cứu, sổ ghi chép, sổ điện thoại khẩn cấp 114… để ở những vị trí dễ quan sát tại nơi làm việc; Cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân thích hợp cho người lao động và tập huấn, đào tạo thường xuyên về cách sử dụng, bảo quản.


(Nguồn tin: antoanlaodong.gov.vn)